NGỤ NGÔN CỦA MẮM

NGỤ  NGÔN  CỦA  MẮM
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
24/02/2018 | 15:20

NGỤ NGÔN CỦA MẮM… Lê Đức Dục

Quê xứ miền Trung có thành ngữ "hũ mắm đầu giàn”, có nhiều cách hiểu, nhiều cách ví von, nhưng thông dụng nhất vẫn hàm chứa ẩn ý về một thứ của để dành, quý giá và dễ vỡ. Nhất là những cậu con trai độc đinh của gia đình, của dòng họ. Trong một xã hội vốn còn trọng chuyện nối dõi tông đường, vậy mà đứa con gánh nhiệm vụ trọng đại ấy không ví như vàng bạc kim cương mà lại ví với …hũ mắm! Bảo rằng : " Thằng đó là "hũ mắm đầu giàn” của nhà ông A bà B” là đủ hiểu rằng cậu giai ấy rõ là con một, là nối dõi thừa tự, là cẩn thận gìn giữ kẻo vỡ… Nôm na là như thế. Nhưng thật ra ông bà mình luôn hàm chứa sự thâm hậu trong những so sánh nôm na.

Ví đứa con nối dõi hiếm hoi là hũ mắm, vậy thì hẳn hũ mắm này quý hơn tiền muôn bạc vạn, nhưng vì sao lại là hũ mắm? Quê nghèo xứ khó, đắp đổi cả một mùa giá rét, dân miền Trung thường kiếm dưa cà dưa quả, thêm ít cá nục cá trích ..từ dạo mùa hè rồi ướp thành hũ mắm dành dụm ngày đông tháng giá đắp đổi những bát cơm độn sắn độn khoai.

Rồi bây giờ siêu thị mọc lên sát cạnh nhà, những chợ di động chạy khắp làng trên xóm dưới, nhưng mà hũ mắm chưa hẳn đã mất đi, nhiều gia đình vẫn trung thành với hũ mắm quê mùa như một thực phẩm không thiếu được. Thôi thì tạm gác chuyện nghĩa bóng của hũ mắm và những nối dõi thừa tự, cứ thật lòng mà xét, có khi nào bạn chán thịt thà cao lương mỹ vị hay chưa? Chắc có lúc chán! Nhưng đã khi nào bạn chán …mắm? Chắc hiếm người chán mắm!

Cách nay mấy tuần, trò chuyện với Đào Thị Hằng, một cô gái cũng được nuôi lớn từ chiếc thuyền nan trên sông , nhờ nỗ lực phi thường mà cô đã có được học bổng du học ở Úc để làm thạc sĩ một chuyên ngành về biến đổi khí hậu. Thế rồi khi cầm cái bằng thạc sĩ hạng ưu ấy về Việt Nam, thay vì chọn cho mình một chổ làm trong cao ốc máy lạnh của một tổ chức quốc tế nào đó, Hằng trở về Quảng Trị để làm mắm và thành cô bán mắm với cái "nickname” khá trứ danh trên mạng xã hội là "Hằng Mắm Ruốc”.

Hằng bảo chọn cho mình con đường làm mắm bởi mắm là một "giá trị văn hóa”, rất đặc trưng của văn hóa Việt. Nhưng câu chuyện về mối quan hệ giữa mắm và văn hóa Việt là một đề tài rất mênh mông và giàu tính triết học, đủ để làm một luận án tiến sĩ về văn hóa học.
Câu chuyện làm mắm với Hằng lại liên quan đến con cá của miền Trung! Hóa ra cá sông hay cá biển đều liên quan hữu cơ và mật thiết với nhau. Quê nghèo không có những châu thổ mỡ màu, nhưng chính những con sông chảy xiết ( vì thế nên xanh trong) đã cho xứ sở này những đặc ân không vùng đất nào có được. Dòng sông nước xiết, không nhiều phù sa để con cá sông quê kiếm nhiều phù du, vì thế mà phải quẫy đạp lội bơi nhiều hơn con cá của những dòng sông khác. Bởi thế mà cũng một loài cá , nhưng con cá trên dòng sông miền Trung săn chắc hơn, thơm ngon hơn, như một đền bồi cho cái tội không ăm ắp phù sa bồi tưới ruộng đồng.Rồi khi dòng sông đổ ra biển , vùng biển cuối sông cũng không nhiều thức ăn cho cá như những con sông của vùng châu thổ hai đầu đất nước. Chính những vùng biển mà cửa sông đổ ra hiếm hoi phiêu sinh vật, phù du..nên điều kiện sống của con cá vùng biển miền Trung cũng khắc nghiệt hơn, con cá bơi lội kiếm ăn vất vả hơn (ôi chao, chuyện con cá biển quê nhà mà sao giống phận đời người quê xứ đến vậy?) .

Nhờ kiếm ăn vất vả nên phải bơi lội nhiều , bơi lội nhiều nên thịt cá chắc hơn, thơm hơn, ruột cá không có nhiều bùn như cá ở vùng biển có cửa sông lắm phù sa. Chính nhờ ruột cá ít bùn, thịt cá săn chắc nên con cá biển quê mình khi được đánh bắt về ủ làm mắm thì chất lượng nước mắm ngon hơn, độ đạm cao hơn. Hóa ra, từ sông ra bể, từ chuyện cá nghĩ qua chuyện người, thử thách chông gai nào cũng cho một kết quả khả dĩ hơn là nuông chiều săn đón.

Ngay cả chuyện ủ mắm đi nữa, cũng đừng vội nghĩ ngọn gió Lào bỏng rát khô khát quê nhà là "thiên tai” . Trong câu chuyện về hũ mắm quê hương với Hằng, tôi nghe cô nói rằng, để ủ mắm chín tự nhiên thì rất cần cái khô khét của "gió Lào cát trắng”. Gió Lào khiến cho mắm ủ trong những cái lu sành chín đều. Nắng và gió và cát, ba thứ ấy khiến không gian khô cong bao nhiêu thì lu mắm chín ngon bấy nhiêu, con người kêu trời vì nắng nóng nhưng mà ông trời bù lại cho những lu mắm được chín tự nhiên mà không cần tác động thêm điều gì khác cho mắm mau rã. Thời buổi công nghệ, khi nhiều nơi muốn "đẩy nhanh tiến độ” thì gia giảm thêm cả hóa chất, nhưng với con cá biển quê nghèo, với "nắng nỏ trời xeng” xứ sở, hũ mắm quê nhà lại nhờ vậy mà thơm ngon hơn vùng khác.

Lan man chuyện thiên nhiên "ngược đãi” với gió Lào khô khát, với cằn cỗi ruộng nương không phong nẫm phù sa, tôi lại nhớ tới câu chuyện năm nào với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh Tường bảo tôi đã lên Tây Nguyên chưa? Đất đỏ bazan ở xứ đó màu mỡ quá nên cây bông giấy trên đó um xanh màu lá, hoa ra bị lá che lấp, trong khi đó ở những miền quê càng cằn cỗi những bụi bông giấy ra hoa càng đẹp, càng khô khát hoa càng rực. Giống như một lò luyện đan, càng tôi luyện càng cho chất lượng. Cũng như cây bông giấy rực hoa trên đất cằn, như con cá trên con sông không giàu có phù sa, như hũ mắm trên vùng đất bỏng rát gió Lào cát trắng, sau những câu chuyện đó luôn có một ngụ ngôn đầy nhắc nhở về sự cân bằng của đền bồi, một triết lý của nhân sinh về được và mất.

Trở lại câu chuyện con cá sông quê , lại nhớ tuổi thơ êm đềm nghèo khó, lại lẩn thẩn nhớ về những con "đam” (con cua đồng). Bây giờ đồng đất hầu như được làm bằng máy, những đứa trẻ, dù nhà quê cũng ít nhiều biết đến vị sữa với quảng cáo trên ti vi có chất A chất Z, giúp trẻ tăng chiều cao, tăng thêm trí thông minh…Nhưng nào ai hay, bao nhiêu thế hệ tuổi thơ ruộng đồng đã cao lớn nên hình hài vóc dạng bởi "canxi” từ những con cua đồng trên ruộng nghèo. Đồng bãi vụ đông xuân này, trên những thửa ruộng đã cày ải xăm xắp nước, những chú "đam” sinh sôi , rồi khi ruộng được cày tơi, những sá bừa được trâu kéo băng băng qua ruộng, sau mỗi sá bừa kia những chú cua đồng ngoi ngóp, đám trẻ theo sau cứ thế mà nhặt vào cái hom giỏ bên hông. Những đêm mùa đông, không đủ áo dày chăn ấm, bên bếp lửa nhóm lên giữa mái lá quê nghèo, những con cua đồng vừa bắt ban chiều được đem ra nướng, mùi thơm của vị đồng, mùi cháy của lớp vỏ canxi, mùi khói của củi, trong năm tháng tuổi thơ cơ cực ấy cứ tự nhiên ngấm vào trí nhớ, để rồi một ngày kia nó thành ký ức thẳm sâu, những con đam đồng với chất canxi tự nhiên ấy nuôi lớn xác thân và tuổi thơ nghèo khó nuôi lớn những ước mơ vượt ra khỏi lũy tre làng quen thuộc. Hóa ra còn một hương hỏa tinh thần riêng mang khác, làm nên văn hóa xứ sở, ẩn giấu trong nết đất tính người, làm hành trang sau bao nhiêu khắc khổ đời sống…

Ôi miền Trung, có phải thế chăng mà con sông nghèo phù sa sinh ra con cá thơm ngon? Cửa biển sông quê nghèo phiêu sinh vật mà con cá biển lại mang vác thêm sứ mệnh của để dành, hóa thành hũ mắm nuôi bữa cơm nghèo đi qua những mùa đông giá rét? Ngọn gió Lào bỏng rát đã ủ chín tự nhiên những chum mắm mà không một phụ gia nào có thể thay thế được? Con rạm đồng bé mọn nuôi những khung xương trẻ nhỏ thiếu thốn canxi biết lớn cao đi hết những dặm trường? Miền Trung, có phải từ gieo neo mà đúc kết thành bài ca dao bất khuất tháng năm kể câu chuyện về bà mẹ quê ra chợ mua con gà mái về "đẻ ra mười quả trứng, bảy quả ung, còn ba trứng nở ra ba con thì con diều tha, con quạ bắt, con cắt xơi/Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây..” Thuở sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng có lần nhận xét rằng cái câu ca dao ấy là một trong những câu ca dao hay nhất miền Trung.

Nhớ câu ca dao rồi chợt bần thần nghĩ ngợi, ông bà ta xưa vốn là những người "khốn nhi tri”, lớn khôn từ cơ cực, rồi đúc kết cơ cực thành kinh nghiệm cho cháu con, cháu con nối đời truyền lại, những ngụ ngôn , những ngụ ngôn nuôi ta lớn khôn giữa trần gian, trong đó có ngụ ngôn từ câu chuyện hũ mắm đầu giàn…

                                                                                         LĐD





Xem thêm,xin  mời vào trang  Web:thienphuoc.com



Lên đầu trang   Trở lại  
 
Bài viết của bạn đọc, những người yêu quý quê hương Quảng Trị
ĐÔNG PRAY-MỘT THẮNG CẢNH Ở QUẢNG TRỊ - 28/10/2016
CÓ MỘT CHỢ PHIÊN NHƯ THẾ - 28/10/2016
BỎ BIÊN CHẾ ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG 11 TRIỆU NGƯỜI ĂN LƯƠNG NHÀ NƯỚC - 28/10/2016
XUÂN SANG RỘN RẢ HỘI LÀNG- Chu Mạnh Cường - 25/01/2017
LỄ HỘI PHÁ TRẰM - 14/04/2017
GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục - 24/06/2019
“RỒI MÙA TOÓC RẠ RƠM KHÔ…” Tùy bút của LÊ ĐỨC DỤC - 19/03/2017
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN Ở HẢI LĂNG QUẢNG TRỊ--Hồ Thanh Thoan - 19/03/2017
CAM LỘ – VÙNG ĐẤT NGỌT NGÀO-- Nguyễn Liễn - 15/04/2017
Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp khó - 23/04/2017
NĂM CON CHÓ, NÓI VỀ CHÓ - 24/02/2018
NGỤ NGÔN CỦA MẮM - 24/02/2018
NGỌN HẢI ĐĂNG MŨI LAY - 28/11/2018
GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC - 03/07/2019
NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN KHỈ - 02/07/2019
TA NHỚ XỨ CÙA MÂY TRẮNG LẮM…” Lê Đức Dục - 17/07/2019
BÀI THƠ CHO SỨC KHỎE- Sưu tầm - 17/07/2019
HANG ĐỘNG BRAY QUẢNG TRỊ - 22/07/2019
VINH MOC TUNEL - 21/10/2019
NGƯỜI BÁN CÁ DƯỚI ĐÁY BIỂN - 30/10/2019
CHẾ LAN VIÊN, NƠI "ĐẤT HÓA TÂM HỒN"---Nguyễn Hoàn - 15/01/2020
NĂM CHUỘT NÓI VỀ THỊT CHUỘT - 21/02/2020
NHỮNG CHUYỆN VUI CỦA NĂM CON CHUỘT--Sưu tầm - 28/03/2020
CHIA NỬA VẦNG TRĂNG---Truyên của Ngọc Hương - 13/04/2020
NHỮNG CHUYỆN LẠ Ở QUẢNG TRỊ-SƯU TẦM - 04/11/2020
NHỮNG NĂM TÝ VẺ VANG TRONG LỊCH SỬ - 10/05/2020
NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN CON TRÂU - 16/02/2021
DANH NHÂN VĂN HÓA NĂM TÂN SỮU - 25/02/2021
CON TRÂU VIỆT NAM - 15/05/2021
CHỢ PHIÊN CAM LỘVÀ GIẤC MƠ“TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN”--Lê Đức Dục - 30/07/2022
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Triệu Phong, Qủang Trị - 24/11/2022
NGHỀ DỆT THỔ CẦM CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC PAKÔ Ở QUẢNG TRỊ--- Hồ Thanh Thoan - 21/12/2023
LÀNG BẮT CỌP THỦY BA---Văn Nhân - 01/01/2024
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Trị--HồThanh Thoan - 05/08/2022
TÁC DỤNG KHÔNG NGỜ CỦA RƯỢU- vui cười - 24/11/2022
NGHỀ LÀM NÓN LÁ Ở QUẢNG TRỊ - Hồ Thanh Thoan - 14/08/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG - 14/08/2022
CHỈ TRỘN CÓ MỘT NỬA THÔI - 17/08/2022
TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị - 16/08/2022
EM CHỈ NÓI CHƠI THÔI MÀ - 17/08/2022
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ---LÊ ĐỨC DỤC - 29/08/2022
HỘI KÉO CO NGÀY XUÂN-HỒ THANH THOAN - 08/09/2022
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN.... Hồ Thanh Thaon - 05/12/2022
SUỐI TÀ LAO VÀ SUỐI PACHAỞ XÃ TÀ LONG, HUYỆN ĐAKRÔNG,QUẢNG TRỊ ĐANG PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG ----Hồ Thanh Thoan - 20/12/2023
ÁNHTRĂNGVƯỜNTRẦU--Ngọc Hương - 01/03/2023
MẸO VẶT CHO BÀ CON - 07/07/2023
CHỢ CHIỀU HỒ XÁ BÂY GIỜ...(Lê Nguyên Hồng) - 26/04/2023
NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN RỒNG--Đông Hương - 23/02/2024
NĂM MỚI ĐẾN RỒI-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 23/02/2024
THẾ GIỚI CÓ BAO NHIÊU LOẠI RỒNG - 26/02/2024
Trang 1/2: 1, 2  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website