TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ  VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng  Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
16/08/2022 | 15:38

TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ

VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và sau này, huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị luôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng: là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam XHCN, là trung điểm cuối trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là cửa ngỏ phíaNamcủaVịnh Bắc Bộ, là khu kinh tế, sinh quyển quan trọng của quốc gia.

Với vị trí địa lý đó, trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội ta đã luôn giành cho đảo Cồn Cỏ sự quan tâm đặc biệt toàn diện về vật chất và tinh thần trong suốt 60 năm qua và mãi mãi về sau.

***

Có thể nói rằng từ 11h ngày 08/8/1959 khi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được cắm lên đảo Cồn Cỏ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam thì trong hành trang tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ra đảo Cồn Cỏ cũng mang dấu ấn thân thương của các văn nghệ sĩ từ trung ương đến địa phương. Và trong sâu thẳm trái tim mình, đội ngũ văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành với Cồn Cỏ, hướng về Cồn Cỏ coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của mình với đảo nhỏ Anh hùng.

Nói đến tình cảm của văn nghệ sĩ đối với đảo, trước hết không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, nhân danh văn hóa thế giới, thi sĩ lớn trong bầu trời thi ca cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ cho các địa phương không nhiều, Cồn Cỏ là hòn đảo duy nhất được Bác Hồ vừa tặng ảnh chân dung, tặng đài bán dẫn, hai lần gửi thư khen và một lần tặng thơ khen:

"Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”

Chính những lời khen ngợi, quà tặng của Bác là động lực tinh thần vô giá động viên cán bộ, chiến sỹ vững vàng chiến đấu hơn hai ngàn ngày khói lửa và trở thành truyền thống quý báu của đảo để lại cho hôm nay và mai sau.

Ngày đầu tiên đến đảo, cán bộ, chiến sĩ mang lên đảo bài hát: "Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” của Nhạc sĩ Thái Qúy, một ca khúc thật hay đã vang lên kiêu hãnh mà đến hôm nay lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên ra đảo nhiều người ở tuổi ngoài tám mươi vẫn còn nhớ bởi lời ca, giai điệu bài hát thật mượt mà, tha thiết, tự hào khi được làm người chiến sĩ đứng gác ở vị trí tiền tiêu: " Màu đại dương in nơi chân trời xanh thắm bóng quê hương nhà. Tiền tiêu tôi đứng đây, gìn giữ quê hương này…”

Thời gian xây dựng, rèn luyện trong hòa bình trên đảo chỉ kéo dài hơn 5 năm..Từ năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy. Tám năm chiến đấu trong vòng vây giữa trùng khơi (1965 – 1973), cả nước hết lòng vì Cồn Cỏ và Cồn Cỏ cũng bất chấp bom đạn, hy sinh, gian khổ đã xuất sắc làm tròn nhiệm vụ vị trí tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Khi cán bộ, chiến sĩ trên đảo bước vào cuộc chiến đâu quyết liệt thì văn nghệ sĩ cả nước cũng vào trận động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chiến đấu bảo vệ đảo. Tháng 8/1965, khi cuộc chiến đấu chống lại sự bao vây phong tỏa đảo bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã điều động một đoàn văn nghệ sĩ " binh chủng hợp thành” ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Đoàn gồm có: Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị; Nhà văn Nguyễn Khải, nhà văn mới nổi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội; họa sĩ Quang Thọ, một Họa sĩ tài hoa, một chiến binh của Trung đoàn Tây Tiến oai hùng trong kháng chiến chống Pháp; nhà quay phim Phạm Hanh; Nhà viết kịch Sĩ Hanh, nổi tiếng với chính kịch nhưng viết được cả kịch bản chèo, cải lương, cùng 5 chiến sĩ văn công: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn.

Trong kế hoạch, đoàn ra đảo công tác, thâm nhập thực tế, lấy tư liệu một tuần rồi trở lại đất liền. Tuy nhiên, thời điểm đoàn ra trùng với kế hoạch bao vây, phong tỏa đảo quyết liệt của địch, có đêm hàng chục thuyền tiếp tế của ta ra đảo bị bắn chìm nên đoàn bị kẹt lại hơn một tháng mới vào được bờ.

Thời gian ở lại trên đảo, anh em văn nghệ sĩ ăn uống theo chế độ tiêu chuẩn của bộ đội. Khi bị địch chặn đường tiếp tế, khẩu phần ăn hàng ngày giảm dần, từ chế độ ăn 7 lạng gạo/ ngày; phải hạ xuống dần 5 lạng, rồi đến 3 lạng, 2 lạng/ ngày… Anh em phải bắt cua, mò ốc, hái rau quanh đảo để cải thiện, tăng khẩu phần bị hụt. Lại có tin trinh sát kỹ thuật dự báo địch sắp đổ bộ chiếm đảo bằng bộ binh nên Chỉ huy đảo ra lệnh tổ chức xây dựng công sự, hầm hào phòng thủ đảo. Thời gian gấp rút nên mỗi cán bộ, chiến sĩ có mặt trên đảo phải đào 5 mét giao thông hào để phòng thủ, bảo vệ đảo. Đặc điểm địa chất ở đảo là đất đá rất cứng rất khó đào.Không có bộc phá, xà beng nên anh em phải vạt cây dầu máu (một loại cây thân gỗ tương đối cứng mọc rất nhiều trên đảo, chi chặt tươi nhựa cây tứa ra đỏ như máu nên bộ đội gọi là cây dầu máu) để đào công sự. Bom đạn ác liệt, nhạt muối vơi cơm; gạo tính từng ngày, nước uống đong từng bát; anh em văn nghệ sĩ vẫn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ ngày đêm bám công sự, chiến đấu với quân thù.

Vừa chiến đấu vừa sáng tác ngay trên chiến hào giữ đảo, Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Trưởng đoàn công tác đã phác họa những nét nhạc đầu tiên của ca khúc " Gửi đất liền”. Diễn viên Phan Ngạn của đoàn Văn công Quân khu 4 cùng Ngọc Cừ, Chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ, viết ca khúc vui nhộn "Con cua đá” phỏng theo một điệu lý dân ca Khu 5 được cán bộ chiến sĩ đặc biệt yêu thích…Nhà văn Nguyễn Khải được Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cử đi viết về đảo Cồn Cỏ, cuối tháng 8 năm ấy, ông đã viết xong tập bút ký"Họ sống và chiến đấu” mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu oanh liệt nơi đảo tiền tiêu, tác phẩm có tiếng vang trong văn đàn cả nước…Trong khoảng thời gian mà mỗi ngày dài bằng một thế kỷ ở trên đảo, Nguyễn Khải đã đi sâu vào công việc, cách sống, tâm tư tình cảm của từng cán bộ chiến sĩ. Ông đã ghi nhận được nhiều điều mà chỉ với cái nhìn rất chuyên biệt của một nhà văn bộ đội như ông mới phát hiện được. Họa sĩ Quang Thọ có những phác thảo ký họa sinh động về cuộc sống chiến đấu ở đảo….Nhà quay phim Phạm Hanh trong chuyến công tác đặc biệt này cũng đã ghi được những thước phim tư liệu quý giá, chuyển đến đồng bào chiến sĩ cả nước hình ảnh các chiến sĩ kiên cường "sống và chiến đấu” nơi đảo nhỏ Anh hùng. Các diễn viên của đoàn Văn công Quân khu 4: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn đã mang đến cho cán bộ, chiến sĩ một chương trình nghệ thuật ngắn gọn đúng nghĩa " văn công xung kích” nhưng để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ dấu ấn không mờ phai theo năm tháng.

Không trực tiếp sống và chiến đấu với đảo Cồn Cỏ nhưng Nhạc sĩ Văn An vẫn hướng về Cồn Cỏ hai ca khúc: "Thái Văn A đứng đó” và "Cồn Cỏ vang bài ca anh hùng” mang âm hưởng tráng ca hào hùng…Thiếu tướng Nhà văn Hồ Phương với ký sự " Chúng tôi ở Cồn Cỏ”, in năm 1966. Nhà thơ Hải Bằng viết"bài thơ Cồn Cỏ" ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của những chiến sĩ đang ngày đêm giữ đảo. bài thơ ấy đã được giải trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1966.

Vào những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Khu 4, Cồn Cỏ là những vùng đất ác liệt, anh hùng. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đeo ba lô, mang dép cao su đi đến những nơi máu lửa ấy. Bạn đọc được đọc những bài bút ký sinh động nói về cuộc chiến đấu của nhân dân Khu 4, đặc biệt là"Nhật ký ở Cồn Cỏ” mang không khí quyết chiến quyết thắng nơi đảo nhỏ tiền tiêu.

Trong tập "Ký sự miền đất lửa” của Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh viết về cuộc sống chiến đấu ở tuyến lửa Vĩnh Linh, các tác giả đã dành những trang viết xúc động khi viết về Cồn Cỏ, một phần không thể tách rời trong tổng thể Vĩnh Linh lũy thép lũy hoa.

Có thể nói hiếm có hòn đảo nào trên mảnh đất hình chữ S này trong thời chiến tranh lại có nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng sống, cùng chiến đấu với lính đảo như ở đảo Cồn Cỏ. Trong mỗi trang văn của các nhà văn viết về Cồn Cỏ, người đọc như "ngửi” thấy mùi khét lẹt của đạn bom và ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội ta. Đảo Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLVVT, ba lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

***

Cần phải ghi nhận một thực tế: Lực lượng văn nghệ sĩ sống và sáng tác ở địa phương mới thực sự là đội quân đông đảo, sức sáng tạo văn học nghệ thuật tại chỗ dồi dào, viết về Cồn Cỏ liên tục, xuyên suốt mọi thời kỳ. Nói là Văn nghệ sĩ địa phương nhưng trong đội ngũ ấy có rất nhiều "Văn nghệ sĩ Trung ương khoác áo địa phương” và sáng tác của lực lượng này luôn kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát cuộc sống , chất lượng nghệ thuật không hề thua kém các tác giả trung ương.

Cố Nhà văn Xuân Đức là tác giả tiêu biểu cho đội ngũ sáng tác "vừa chủ lực vừa địa phương” này. Và dù là quân trung ương hay địa phương, ông đều thành công trong các thể loại văn học: Tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, bút ký, thơ, dân ca…Riêng đối với Cồn Cỏ, "Trường ca Trăng Cồn Cỏ” của ông được viết rất sớm khi ông mới nhập ngũ làm chiến sĩ văn công Khu đội Vĩnh Linh và là tác phẩm thơ hay nhất viết về Cồn Cỏ từ trước đến nay.Trường ca được ông nung nấu suốt 5 năm và sau hai lần ra đảo ông mới thấu cảm được và viết rất thành công.

Cố nhà văn Xuân Đức đã viết lại: "Cuối năm 1966, đầu năm 1967, đội Tuyên truyền văn nghệ Bộ tư lệnh Vinh Linh ( gọi tắt là Đội tuyên văn) thành lập. Tôi được điều về làm cái chân sáng tác. Không hiểu sao cấp trên lại điều một lúc 2 sĩ quan là cán bộ chỉ huy đảo Cồn Cỏ về phụ trách đội. Đấy là ông Ngọc Cừ, Chính trị viên phó Cồn Cỏ vào phụ trách Câu lạc bộ của Ban tuyên huấn… Một sĩ quan nữa là trung úyNguyễn Mạnh Vĩnh, Trung đội trưởng ở đảo vào làm Đội trưởng đội Tuyên văn. Chính hai người này đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về Cồn Cỏ. Đến đầu năm 1968, tiểu đoàn 47 được lệnh vượt sông cắm chốt vào Cửa Việt. Bộ Tư lệnh lại cho tôi trở về tiểu đoàn với nhiệm vụ đi thực tế sáng tác cùng với hai nhà báo Quân đội là Trần Đình Dư ( Hồ Thừa) và Ngọc Nhu. Tiểu đoàn trưởng 47 lúc này là ông Trần Văn Thà, đảo trưởng Cồn Cỏ vừa được điều vào đất liền nhận nhiệm vụ mới. Lại thêm một cơ hội để tôi nghe thêm nhiều chuyện về hòn Cỏ anh hùng.

Năm 1970, cuộc chiến tranh phá hoại chấm dứt. Tôi trở ra Cồn Cỏ lần 2. Lúc đó tôi mới có đủ một sự trầm tĩnh tương đối để suy ngẫm về giá trị của những năm tháng Cồn Cỏ rực lửa. Và tôi nhận ra một điều giản dị thế này, hơn hai ngàn ngày Cồn Cỏ trụ vững và rực sáng giữa biển khơi trong sự bủa vây bốn bề của của máy bay, tàu chiến Mỹ, đơn giản vì hòn Cỏ là hòn máu của Vĩnh Linh. Một hòn máu nằm trong dòng huyết quản, nếu một giọt máu rơi thì triệu triệu hồng cầu khác chảy tiếp ra..Từ đầu năm 1965 Đảng ủy Vĩnh Linh đã có nghị quyết riêng về Cồn Cỏ trong đó khẳng định quyết tâm: Vĩnh Linh còn thì đảo còn. Còn một người dân thì còn tiếp tế cho đảỏ "

Cuộc đời sáng tác Văn học của Nhà văn Xuân Đức 55 năm, trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của mình, cố Nhà văn đã giành cho Cồn Cỏ những trang viết thật ruột gan và xúc động. Ngoài trường ca Trăng Cồn Cỏ, nhà văn có rất nhiều bút ký viết về Cồn Cỏ rất tâm huyết, tiêu biểu như bút ký: "Cồn Cỏ của Vĩnh Linh ngày ấy”, "Cồn Cỏ trăng thuở ấy- nắng bây chừ”…

Sau khi đất nước thống nhất, Cồn Cỏ bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn viết bút ký xuất sắc đã đóng góp tác phẩm "Cồn Cỏ ngày thường”. Bằng bút pháp sắc sảo tác giả đã khái quát hết cái thế đứng của hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị trong hòa bình. Nhạc sỹ nữ Quỳnh Hợp sáng tác ca khúc"Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ” phổ thơ "Hòn hổ” của nhà thơ Xuân Lợi. Bài hát vừa diễn tả được cảm xúc của tác giả thơ và người nghe dễ dàng hình dung một địa danh. Giai điệu bài hát sôi nổi, tươi trẻ, một chút vấn vương lúc chia tay nhưng tràn đầy sự sẻ chia và tình yêu với bạn bè, với Đảo thân thương…

Kỉ niệm 60 năm lực lượng vũ trang Cồn Cỏ (1959 - 2019) và 15 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ (2004 - 2019), Hội VHNT tỉnh phối hợp với UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức Trại sáng tác văn học, mĩ thuật và âm nhạc về chủ đề Cồn Cỏ. Đấy là đợt sáng tác tập trung nhất, quy mô lớn nhất về Cồn Cỏ từ trước đến nay. Ban Tổ chức nhận được 79 tác phẩm văn xuôi và thơ, 7 phác thảo tranh tường và 3 ca khúc. Các họa sĩ chọn phác thảo tốt nhất vẽ tranh tường 100 m2 tại âu thuyền đảo Cồn Cỏ tạo ấn tượng về sự độc đáo cho du khách khi đặt chân lên hòn đảo Anh hùng.

Tập " Cồn Cỏ - Lửa và hoa” được tuyển chọn những tác phẩm văn học và âm nhạc tại Trại sáng tác, là tuyển tập hội đủ các gương mặt văn nghệ sĩ Quảng Trị tập trung viết về hòn đảo Anh hùng xuyên suốt 60 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành. Đây là tác phẩm văn học đa sắc nhưng đồng thời là nguồn tư liệu quý, quà tặng có ý nghĩa đối với cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện đảo Anh hùng. Trong tuyển tập này ta có thể nhìn lại một cách có hệ thống quá trình sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ đương thời tỉnh nhà đối với Cồn Cỏ.

Từ trước đến nay, việc đưa một đoàn nghệ thuật đầy đủ và đúng nghĩa ra đảo biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ chưa bao giờ là dễ dàng. Thế nhưng với quyết tâm: "Trong chiến tranh các đoàn văn công xung kích vượt qua gian khổ hy sinh làm được thì không lý do gì trong hòa bình đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị lại không thể đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ”. Với quyết tâm đó, Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 đã ra với đảo với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự thể hiện chuyên nghiệp, sinh động, vui tươi của các diễn viên đến từ Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Những tiết mục biểu diễn ca múa nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những ca khúc về mùa xuân, ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới và đảo nhỏ anh hùng… đã để lại những cảm xúc dâng trào, ấn tượng khó quên trong lòng người xem, góp phần khơi dậy niềm tự hào, niềm tin của quân dân trên đảo với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

***

Có thể khẳng định rằng: Trong suốt chiều dài lịch sử chiến đấu, xây dựng đảo Cồn Cỏ, văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng luôn đồng hành và giành cho Cồn Cỏ tình cảm đặc biệt. Cùng với các lĩnh vực khác, các văn nghệ sĩ đã chính thức bước vào đời sống chính trị xã hội của đảo, các loại hình nghệ thuật ngày càng được triển khai một cách toàn diện, triệt để hiệu quả trong hơn sáu mươi năm qua. Thời gian như vậy là đủ độ lùi và tĩnh tâm, tĩnh trí để đánh giá, mọi điều cho thật thấu lý thấu tình, đi tới nhất trí với nhau rằng: Giữa Văn nghệ sĩ với đảo đã tồn tại nhữngcái bất biếntrong dòng chảy liên tục của đời sống, cùng chung mọi ý nguyện tốt đẹp nhất của con người, là mối quan hệ căn cốt, máu thịt giữa văn chương, rộng ra là văn học nghệ thuật với đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn quý vị lắng nghe!

                                                           NVD

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Bài viết của bạn đọc, những người yêu quý quê hương Quảng Trị
ĐÔNG PRAY-MỘT THẮNG CẢNH Ở QUẢNG TRỊ - 28/10/2016
CÓ MỘT CHỢ PHIÊN NHƯ THẾ - 28/10/2016
BỎ BIÊN CHẾ ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG 11 TRIỆU NGƯỜI ĂN LƯƠNG NHÀ NƯỚC - 28/10/2016
XUÂN SANG RỘN RẢ HỘI LÀNG- Chu Mạnh Cường - 25/01/2017
LỄ HỘI PHÁ TRẰM - 14/04/2017
GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục - 24/06/2019
“RỒI MÙA TOÓC RẠ RƠM KHÔ…” Tùy bút của LÊ ĐỨC DỤC - 19/03/2017
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN Ở HẢI LĂNG QUẢNG TRỊ--Hồ Thanh Thoan - 19/03/2017
CAM LỘ – VÙNG ĐẤT NGỌT NGÀO-- Nguyễn Liễn - 15/04/2017
Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp khó - 23/04/2017
NĂM CON CHÓ, NÓI VỀ CHÓ - 24/02/2018
NGỤ NGÔN CỦA MẮM - 24/02/2018
NGỌN HẢI ĐĂNG MŨI LAY - 28/11/2018
GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC - 03/07/2019
NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN KHỈ - 02/07/2019
TA NHỚ XỨ CÙA MÂY TRẮNG LẮM…” Lê Đức Dục - 17/07/2019
BÀI THƠ CHO SỨC KHỎE- Sưu tầm - 17/07/2019
HANG ĐỘNG BRAY QUẢNG TRỊ - 22/07/2019
VINH MOC TUNEL - 21/10/2019
NGƯỜI BÁN CÁ DƯỚI ĐÁY BIỂN - 30/10/2019
CHẾ LAN VIÊN, NƠI "ĐẤT HÓA TÂM HỒN"---Nguyễn Hoàn - 15/01/2020
NĂM CHUỘT NÓI VỀ THỊT CHUỘT - 21/02/2020
NHỮNG CHUYỆN VUI CỦA NĂM CON CHUỘT--Sưu tầm - 28/03/2020
CHIA NỬA VẦNG TRĂNG---Truyên của Ngọc Hương - 13/04/2020
NHỮNG CHUYỆN LẠ Ở QUẢNG TRỊ-SƯU TẦM - 04/11/2020
NHỮNG NĂM TÝ VẺ VANG TRONG LỊCH SỬ - 10/05/2020
NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN CON TRÂU - 16/02/2021
DANH NHÂN VĂN HÓA NĂM TÂN SỮU - 25/02/2021
CON TRÂU VIỆT NAM - 15/05/2021
CHỢ PHIÊN CAM LỘVÀ GIẤC MƠ“TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN”--Lê Đức Dục - 30/07/2022
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Triệu Phong, Qủang Trị - 24/11/2022
NGHỀ DỆT THỔ CẦM CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC PAKÔ Ở QUẢNG TRỊ--- Hồ Thanh Thoan - 21/12/2023
LÀNG BẮT CỌP THỦY BA---Văn Nhân - 01/01/2024
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Trị--HồThanh Thoan - 05/08/2022
TÁC DỤNG KHÔNG NGỜ CỦA RƯỢU- vui cười - 24/11/2022
NGHỀ LÀM NÓN LÁ Ở QUẢNG TRỊ - Hồ Thanh Thoan - 14/08/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG - 14/08/2022
CHỈ TRỘN CÓ MỘT NỬA THÔI - 17/08/2022
TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị - 16/08/2022
EM CHỈ NÓI CHƠI THÔI MÀ - 17/08/2022
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ---LÊ ĐỨC DỤC - 29/08/2022
HỘI KÉO CO NGÀY XUÂN-HỒ THANH THOAN - 08/09/2022
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN.... Hồ Thanh Thaon - 05/12/2022
SUỐI TÀ LAO VÀ SUỐI PACHAỞ XÃ TÀ LONG, HUYỆN ĐAKRÔNG,QUẢNG TRỊ ĐANG PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG ----Hồ Thanh Thoan - 20/12/2023
ÁNHTRĂNGVƯỜNTRẦU--Ngọc Hương - 01/03/2023
MẸO VẶT CHO BÀ CON - 07/07/2023
CHỢ CHIỀU HỒ XÁ BÂY GIỜ...(Lê Nguyên Hồng) - 26/04/2023
NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN RỒNG--Đông Hương - 23/02/2024
NĂM MỚI ĐẾN RỒI-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 23/02/2024
THẾ GIỚI CÓ BAO NHIÊU LOẠI RỒNG - 26/02/2024
Trang 1/2: 1, 2  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website