GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục

GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
24/06/2019 | 14:39

GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG

5h sáng, khi kẻng tập thể dục của anh em trong doanh trại tiểu đoàn Cồn Cỏ vang lên thì tôi cũng trở dậy để đi "săn” bình minh trên đảo. Thay vì ra phía bến Nghè, tôi ngược lối mòn phía sau doanh trại đi lên "đồi Hải Phòng”- tức cao điểm 63, ở đó, đèn biển Cồn Cỏ vẫn đang quay vòng chớp sáng. Con đường xuyên qua cánh rừng vừa hồi sinh sắc lá, xanh trở lại sau trận bão làm tan hoang cả đảo hồi cuối tháng 9-2013.

Cả nước được "điểm danh” trên đảo..

Cồn Cỏ có hai điểm cao, điểm cao nhất, nơi đặt hải đăng này này gọi là "đồi Hải Phòng” bởi thời chiến tranh, không hiểu từ đâu, trên cái hòn đảo chỉ hơn hai cây số vuông (220 hecta) này, có địa danh của nhiều miền đất nước, giờ anh em vẫn gọi theo tên đó, ngoài đồi Hải Phòng có "trận địa Hà Nội” - khu vực bây giờ là Bộ chỉ huy quân sự huyện đảo . Từ khu trung tâm "Hà Nội” này, các nhánh đường dẫn tới các khu "Nam Hà”, khu "Hà Tây”, khu "Quảng Ninh” …rồi bãi "Hương Giang” , bãi "Hiron” (tên một bãi biển ở Cuba)- ở phía Đông và Đông Bắc đảo…Những địa danh rất quen trên đảo từ nửa thế kỷ trước, bây giờ gọi lên dễ gợi bao sự tò mò.

Hải đăng Cồn Cỏ tọa lạc ở vị trí 1709’27” vĩ độ bắc và 107020’18” kinh độ đông. Nếu không nằm chếch qua phía bắc vĩ tuyến 17 chỉ với 9’29” mà thay vào đó, vĩ tuyến 17 chạy cắt ngang qua trung tâm hòn đảo nhỏ, như đã cắt đôi dòng sông Bến Hải, có lẻ số phận Cồn Cỏ sẽ khác đi, đảo nhỏ này có lẻ cũng được chia ra hai phần Nam đảo và Bắc đảo, đường phân tuyến sẽ chạy dài cắt từ âu thuyền phía tây về tận bãi Hiron phía đông!

Vì nằm chếch lên phía bắc một chút xíu ấy, nên Cồn Cỏ thuộc về phần lãnh thổ của miền Bắc theo hiệp định Genève. Sáng ngày 8-8-1959, nghĩa là cách nay vừa tròn 55 năm, một trung đội của trung đoàn bảo vệ giới tuyến được lệnh ra cắm cờ trên đảo, hai tiếng đồng hồ sau đó, hải quân của chính quyền Sài Gòn cũng dong tàu ra tiếp cận đảo, nhưng đã chậm chân. Từ ngày đó, Cồn Cỏ đón nhận một sứ mệnh lịch sử: vọng gác tiền tiêu của miền Bắc. Bao nhiêu đạn bom đã trút xuống, bao nhiêu chuyến thuyền tiếp vận cảm tử và cả trăm con người đã nằm lại trên hành trình bất khuất của hòn đảo nhỏ.

Từ trên đỉnh hải đăng, nhìn về vị trí có độ cao thứ hai trên đảo, tức điểm cao 37, sẽ thấy tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ vút cao, im lặng giữa nền trời buổi bình minh. Hai cao điểm của đảo, một điểm để xây dựng hải đăng, điểm kia dựng đài tưởng niệm.Tôi nhìn lên quầng sáng của đèn biển vẫn loang loáng những vòng quay 3600 miệt mài dẫn đường cho các con tàu trên biển Đông và liên tưởng đến đài tưởng niệm ở đồi 37, hiểu theo một nghĩa nào đấy đó cũng là một ngọn hải đăng khác để chỉ đường cho những người đang sống hôm nay về giá trị của độc lập và tự do, cái giá được trả bằng máu xương và sự can trường hiếm có. Chiều hôm trước, khi ghé thăm anh em cán bộ văn hóa trên đảo đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho phòng truyền thống huyện đảo, chuẩn bị cho lễ khánh thành , tôi đã lặng người trước những tấm hình trắng đen được phóng lớn treo trên tường. Ngay chổ tôi đang đứng , trên vị trí của đèn biển Cồn Cỏ này, mấy chục năm trước là cái chòi quan sát dựng bằng cách ghép những thân cây đã bị bom phạt ngang ngọn, anh em bắc một chiếc thang lên tới chạc ba trên đỉnh và , từ đây, với chiếc ống nhòm và trần thân ra giữa đạn bom, người lính Cồn Cỏ quan sát hoạt động của máy bay, tàu chiến báo cáo về chỉ huy sở . Người lính kiên cường trên cái chòi quan sát này, quanh mình là bom đạn tơi bời, khi bị thương vẫn không rời chòi, những câu chuyện bây giờ nghe kể lại thật khó hình dung, nhưng trên bức tường của phòng truyền thống huyện đảo, tấm ảnh đen trắng chụp người anh hùng Thái Văn A với chiếc ống nhòm trên đài quan sát hướng ra biển khơi vẫn đủ sức dựng lại cả một quá khứ tháng năm bi hùng của đảo. Thái Văn A, người chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ ngày ấy được phong vào năm 1967, là một trong sáu anh hùng của đảo, cùng với Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Lê Văn Ban, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh. Có lẻ không có hòn đảo nào trên đất nước này có "mật độ” anh hùng như Cồn Cỏ, bởi chính hòn đảo này cũng đã hai lần được phong danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân”. Anh hùng của những năm tháng đó không chỉ là chuyện vinh danh, bản thân danh hiệu ấy đã nói thêm về những gì khốc liệt nhất của cuộc chiến. Nhưng Cồn Cỏ được biết đến những năm tháng đó không chỉ có đạn bom, có một bài hát giờ đây vẫn được anh em lính đảo hay hát, những lần ra Trường Sa, trong các tiết mục văn nghệ của anh em lính đảo tôi vẫn nghe bài hát "Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá..” vẫn vang lên giữa sóng gió trùng khơi, như mang theo niềm lạc quan từ hòn đảo nhỏ nhỏ bên vĩ tuyến 17 ra với đại dương. Có những ngày vị đánh rát quá, lính trên đảo thiếu gạo, thiếu nước ngọt..nguồn sống của anh em chính là con cua đá. Ở một hòn đảo mà con cua nhỏ bé cũng được ghi công, hẳn hòn đảo ấy sẽ trĩu nặng ân tình biết mấy!

Nụ mầm giữa trùng dương…


Nhưng ân tình đáp đền với những máu xương đổ xuống Cồn Cỏ không phải đến ngay sau ngày hòa bình.Từ 1975 đến cuối thế kỷ 20, đảo vẫn là đảo quân sự với những giới hạn nghiêm khắc. Năm 1990, tôi may mắn theo đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị ra thăm và chúc tết anh em bộ đội trên đảo, nhiều khu vực vẫn bị giới hạn đi lại. Chạy từ Cửa Tùng ra tới đảo mất hơn 4 tiếng đồng hồ trên chiếc thuyền gỗ, muốn vào đảo, chúng tôi phải "tăng bo” lên những chiếc thuyền thúng cho anh em chèo vào. Đêm ở lại đầu tiên trên đảo, tôi ngủ chung với một anh lính trẻ tên là Phạm Công Thành, quê Quảng Bình, nhớ mãi câu chuyện Thành kể về dạo mùa hè, cả đảo khô cạn, thuyền chở nước ngọt trong những can nhựa 20 lít từ Cửa Tùng ra tiếp tế cho đảo, lúc chuyển nước từ thuyền lên đơn vị, loay hoay thế nào, Thành làm rơi vỡ cái can nhựa 20 lít nước, bị chỉ huy phê bình, Thành òa khóc, không phải khóc vì bị phê bình mà vì tiếc 20 lít nước ngọt chở từ đất liền ra! Ám ảnh nước ngọt có lẻ không riêng một hòn đảo nào, và con đường đi tới tương lai của Cồn Cỏ cũng bắt đầu từ việc tìm ra nguồn nước.


Tháng 3 năm 2002, tôi lại ra Cồn Cỏ cùng với 43 đoàn viên TNXP ra xây dựng đảo. Chuyến xuất phát ra đảo ấy khó ai quên vì những cơn sóng cấp 5 cấp 6 đã quăng quật chiếc tàu gỗ như chiếc lá, ra tới đảo có nhiều nữ đoàn viên phải đưa lên trạm xá bộ đội để truyền dịch cấp cứu.Những TNXP có mặt trên đảo là bước đệm để "dân sự hóa” đảo Cồn Cỏ để ngày 1-10-2004 Thủ tướng chính phủ ký nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng nơi đây trở thành một "huyện đảo du lịch”. Những ngày chúng tôi có mặt ở Cồn Cỏ có một lễ kỷ niệm gộp chung đầy ý nghĩa: 55 năm ngày truyền thống (8-8-1959/ 2014) và kỷ niệm 10 năm thành lập (2004-2014). Mười năm, câu chuyện đổi thay ở đất liền có thể dễ hình dung hơn ngoài đảo khơi, bởi để đưa được một cân thép, một bao xi măng ra đây là chuyện không dễ. Vậy mà giờ đây, khi đứng trên hải đăng nhìn xuống , cả một quần thể phố phường cảng thị đang hiện ra với những ngôi nhà mái xanh mái đỏ ôm viền quanh đảo từ bến Nghè lên bến Tranh, tới âu thuyền…Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của ban ngành "Dân-Chính-Đảng”, Chi cục Thuế, Trung tâm y tế, Đài truyền thanh- truyền hình, Nhà văn hóa Thanh niên, trụ sở Công an huyện, Bộ chỉ huy quân sự huyện… Giữa trung tâm huyện là một hồ chứa nước và tạo cảnh quan môi trường vừa dự trữ nước ngọt cho cả đảo đủ sức dùng quanh năm, cùng với hệ thống giếng bơm nước ngọt có khắp các khu vực đảo.Đêm xuống, hệ thống đèn đường bật lên, từ ngoài khơi nhìn vào, dáng dấp một đô thị của Cồn Cỏ đã hiện ra dưới quầng sáng của đèn đường, của những dãy nhà cao tầng bên thềm đảo.


Tôi lại gặp những "người quen cũ” , những bạn trẻ TNXP ra đảo từ năm 2002, nay đã yên bề gia thất, nhiều người trong số họ đã thành đôi, gắn bó với mảnh đất giữa trùng dương này.Trong quán cà phê của Diệu, tôi nhìn những người khách đang uống cà phê sớm giữa cơn gió biển phóng khoáng ào ạt trang vào. Mười hai năm trước, khi những đoàn viên TNXP ra đảo gây dưng cơ đồ thì Diệu, khi ấy là bộ đội chuẩn bị xuất ngũ. Vậy rồi trong khoảng thời gian chuẩn bị ra quân ấy, Diệu đã kịp tán "đổ” Hạnh Nhân, một cô gái trong đội TNXP, ngày ra quân, thay vì vác ba lô xuống tàu vào đất liền, Diệu vác ba lô lên căn lán của anh em TNXP "báo cáo lý do” và trở thành một thành viên mới của Tổng đội. Một thời gian sau thì cả hai tổ chức lễ cưới. Mười hai năm qua gắn bó với đảo, nay hai vợ chồng Diệu-Nhân đã có hai cô con gái xinh xắn là Khánh Huyền và Hương Giang. Hạnh Nhân bây giờ là kế toán của Ban quản lý cảng cá, Diệu vừa chạy hàng buôn bán, vừa hợp đồng bảo vệ cho cơ quan huyện đảo. Có 11 cặp vợ chồng trẻ từ thời "tổng đội” nay đang chọn Cồn Cỏ làm quê hương như cặp vợ chồng Lan-Hiển, cả hai cũng là những người ra đảo đợt 2002, Hiển nay là nhân viên Khu bảo tồn biển còn Lan, vợ anh trông coi cái quán tạp hóa ở nhà, rồi cặp Phong-Nhung, Hiền-Ái, Lịch-Thủy, Quyệt-Bằng, Nga-Vĩnh, Quang-Lam.., trong số 43 người ngày đó, với "thành quả” bám trụ như vậy đã là một câu chuyện rất đẹp với Cồn Cỏ. Tìm đến nhà Thánh, chàng đội trưởng đội TNXP ngày đó mới hay bây giờ anh đang là cán bộ của huyện ủy Cồn Cỏ, vợ của anh, chị Duyên đang là nhân viên của phòng Kinh tế -Xã hội huyện đảo. Công việc của chị Duyên khá thú vị. Mấy lần ra Trường Sa, tôi đã thử mang quả bàng vuông về gieo thử nhưng không thấy nảy mầm, còn chị Duyên giờ đang phụ trách vườn ươm giống cây bàng vuông cho phòng KT-XH. Bên con đường vừa mở của đảo, tôi nhìn thấy mảnh vườn ươm hàng trăm bầu cây đang lên xanh, chị Duyên bảo mỗi cây bàng vuông được bán với giá 60.000 đồng/cây, khách ra đây ai cũng mua vài cây mang về đất liền như có một chút kỷ niệm với đảo xa. Trên những đường phố vừa mở của đảo cũng bắt đầu trồng những cây bàng vuông như thế.

Những cây xanh được gieo ươm, những đứa trẻ lớn lên trên đảo là một cam kết của Cồn Cỏ với Tổ quốc trong những ngày tháng này. Và Cồn Cỏ, với vị trí của mình vẫn luôn là "vọng gác tiền tiêu” trên biển Đông của nước Việt!


                                                      LĐD


Xem thêm, xin mời vào trang Web:thienphuoc.com
Lên đầu trang   Trở lại  
 
Bài viết của bạn đọc, những người yêu quý quê hương Quảng Trị
ĐÔNG PRAY-MỘT THẮNG CẢNH Ở QUẢNG TRỊ - 28/10/2016
CÓ MỘT CHỢ PHIÊN NHƯ THẾ - 28/10/2016
BỎ BIÊN CHẾ ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG 11 TRIỆU NGƯỜI ĂN LƯƠNG NHÀ NƯỚC - 28/10/2016
XUÂN SANG RỘN RẢ HỘI LÀNG- Chu Mạnh Cường - 25/01/2017
LỄ HỘI PHÁ TRẰM - 14/04/2017
GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục - 24/06/2019
“RỒI MÙA TOÓC RẠ RƠM KHÔ…” Tùy bút của LÊ ĐỨC DỤC - 19/03/2017
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN Ở HẢI LĂNG QUẢNG TRỊ--Hồ Thanh Thoan - 19/03/2017
CAM LỘ – VÙNG ĐẤT NGỌT NGÀO-- Nguyễn Liễn - 15/04/2017
Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp khó - 23/04/2017
NĂM CON CHÓ, NÓI VỀ CHÓ - 24/02/2018
NGỤ NGÔN CỦA MẮM - 24/02/2018
NGỌN HẢI ĐĂNG MŨI LAY - 28/11/2018
GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC - 03/07/2019
NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN KHỈ - 02/07/2019
TA NHỚ XỨ CÙA MÂY TRẮNG LẮM…” Lê Đức Dục - 17/07/2019
BÀI THƠ CHO SỨC KHỎE- Sưu tầm - 17/07/2019
HANG ĐỘNG BRAY QUẢNG TRỊ - 22/07/2019
VINH MOC TUNEL - 21/10/2019
NGƯỜI BÁN CÁ DƯỚI ĐÁY BIỂN - 30/10/2019
CHẾ LAN VIÊN, NƠI "ĐẤT HÓA TÂM HỒN"---Nguyễn Hoàn - 15/01/2020
NĂM CHUỘT NÓI VỀ THỊT CHUỘT - 21/02/2020
NHỮNG CHUYỆN VUI CỦA NĂM CON CHUỘT--Sưu tầm - 28/03/2020
CHIA NỬA VẦNG TRĂNG---Truyên của Ngọc Hương - 13/04/2020
NHỮNG CHUYỆN LẠ Ở QUẢNG TRỊ-SƯU TẦM - 04/11/2020
NHỮNG NĂM TÝ VẺ VANG TRONG LỊCH SỬ - 10/05/2020
NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN CON TRÂU - 16/02/2021
DANH NHÂN VĂN HÓA NĂM TÂN SỮU - 25/02/2021
CON TRÂU VIỆT NAM - 15/05/2021
CHỢ PHIÊN CAM LỘVÀ GIẤC MƠ“TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN”--Lê Đức Dục - 30/07/2022
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Triệu Phong, Qủang Trị - 24/11/2022
NGHỀ DỆT THỔ CẦM CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC PAKÔ Ở QUẢNG TRỊ--- Hồ Thanh Thoan - 21/12/2023
LÀNG BẮT CỌP THỦY BA---Văn Nhân - 01/01/2024
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Trị--HồThanh Thoan - 05/08/2022
TÁC DỤNG KHÔNG NGỜ CỦA RƯỢU- vui cười - 24/11/2022
NGHỀ LÀM NÓN LÁ Ở QUẢNG TRỊ - Hồ Thanh Thoan - 14/08/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG - 14/08/2022
CHỈ TRỘN CÓ MỘT NỬA THÔI - 17/08/2022
TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị - 16/08/2022
EM CHỈ NÓI CHƠI THÔI MÀ - 17/08/2022
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ---LÊ ĐỨC DỤC - 29/08/2022
HỘI KÉO CO NGÀY XUÂN-HỒ THANH THOAN - 08/09/2022
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN.... Hồ Thanh Thaon - 05/12/2022
SUỐI TÀ LAO VÀ SUỐI PACHAỞ XÃ TÀ LONG, HUYỆN ĐAKRÔNG,QUẢNG TRỊ ĐANG PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG ----Hồ Thanh Thoan - 20/12/2023
ÁNHTRĂNGVƯỜNTRẦU--Ngọc Hương - 01/03/2023
MẸO VẶT CHO BÀ CON - 07/07/2023
CHỢ CHIỀU HỒ XÁ BÂY GIỜ...(Lê Nguyên Hồng) - 26/04/2023
NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN RỒNG--Đông Hương - 23/02/2024
NĂM MỚI ĐẾN RỒI-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 23/02/2024
THẾ GIỚI CÓ BAO NHIÊU LOẠI RỒNG - 26/02/2024
Trang 1/2: 1, 2  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website