GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC

GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
03/07/2019 | 10:15

GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC

(Bài Lê Nguyên Hồng)


Ở phía bắc bãi tắm Cửa Tùng nổi tiếng là "Nữ Hoàng các bãi tắm ở miền Trung có một làng chài mang dáng vành trăng khuyết với chiều dài gần 1,5 ki lô mét, được hình thành bởi mũi Lay và mũi Bang nhô ra bên chân sóng thuộc vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thạch. Từ xa xưa, người ta gọi đây là làng Vịnh - Cái tên nghe chung chung như bao làng Vịnh khác ở ven biển Việt Nam. Xã Vĩnh Thạch chỉ có làng Vịnh làm ngư nghiệp. Làng Vịnh có hai xóm: xóm Thái và xóm Ma. Ở chính giữa mép "vành trăng khuyết” màu cát mịn màng tiếp giáp với biển có một phiến đá to nhô lên do tạo hóa sinh ra. Thế là người ta căn cứ phiến đá đó để làm "mốcphân định hai xóm của làng. Từ cái mốc giới phân định đó nên người dân gọi là làng Vịnh Mốc. Theo tương truyền, hai xóm của làng đã có một thời gian dài tách biệt nhau do hai anh em cùng một gia đình bất hòa tranh giành di sản cha mẹ để lại. Anh em không chịu nhường nhịn nhau nên xẩy ra hiềm khích xung đột căng thẳng kéo dài, trở thành thù hận lâu đời không thể hóa giải được. Hai anh em làm thủ lĩnh hai xóm nên cư dân không giao lưu qua lại với nhau. Thế rồi các thế hệ của hai xóm cũng theo ý của người đi trước nên không có mối thân thiện xóm giềng, đèn xóm nào xóm ấy rạng. Chính phiến đá phân định mốc giới hai xóm như một lời nguyền mà con người lấy đó để chia cắt tình thân trên cùng một làng Vịnh. Từ xưa, người dân Vịnh Mốc làm nghề chài lưới nên tập trung sống ở bãi cát cho thuận tiện ra khơi, nhà chỉ làm đơn sơ, tạm bợ, không mơ tưởng chuyện định cư trên đất liền. Hàng năm, thiên tai, sóng dữ tàn phá hết nhà cửa.Người dân làm lại chỗ trú ngụ để mưu sinh từ nghề đánh bắt gần bờ mang tính truyền thống bằng những thuyền gỗ nhỏ nhoi cùng thuyền thúng lênh đênh, ngư cụ thô sơ. Qua nhiều thế hệ, cuộc sống của ngư dân Vịnh Mốc vẫn không khá lên được, chỉ đắp đổi qua ngày với những sản phẩm đánh bắt gần bờ như cá nhỏ, tôm, cua, ruốc, rong biển…Một thời gian dài, khoa học chưa đến với ngư dân, cuộc mưu sinh trên sóng nước chỉ biết nhờ vào kinh nghiệm và sự may rủi nên con người tin vào sức mạnh huyền bí của thiên nhiên. Có những chuyến ra khơi gặp nạn, người dân đã cứu nhau thoát khỏi tử thần nên chuyện hiềm khích của hai xóm trước đây dần dần bị lu mờ, thay vào đó là sự qua lại, rồi trở nên thân thiết. Trai gái hai xóm quen biết nhau, hò hẹn, trở thành bạn tình rồi và nên duyên chồng vợ đã tạo nên dây tơ ràng buộc cuộc sống của hai làng. Với lại, khi thủ lĩnh của hai làng đã quá cố, ngư dân không mấy mặn mà với sự ngăn cách chia ly, thù hận xưa đã chấm dứt. Cuộc sống nghiệt ngã, tính mạng con người chơi vơiđầu ngọn sóng đã gắn kết những mảnh đời cùng cảnh ngộ một cách tự nguyện, gạt bỏ những hiềm khích của đời trước truyền lại. Từ đó, làng Vịnh Mốc lập ra những bãi đá bằng phẳng trên dọc tuyến biển để làm chỗ cúng tế hàng năm, cầu trời yên biển lặng để ngư dân ra khơi đánh bắt nhiều hải sản, cho cuộc sống ngày một khá hơn. Tại lễ cúng tế, những bậc cao niên áo khăn chỉnh tề làm chủ lễ, con cháu đại diện các gia đình có mặt đông đủ, khấn lạy trước thần linh với những lời cầu nguyện từ tấm lòng thành kính, mong ước trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, khai thác hải sản thuận lợi, vạn sự bình an...

Chiến tranh xẩy ra. Làng chài Vịnh Mốc cũng như tất cả mọi làng quê trên mảnh đất Vĩnh Linh chìm trong khói lửa đạn bom giặc Mỹ hủy diệt. Cái tảng đá to ở mép biển là dấu mốc giữa hai xóm ngày xưa cũng bị bom đạn phá hủy, không còn dấu vết. Những bãi đá người dân làm nơi cúng tế trên bờ cũng chẳng còn nguyên vẹn. Làng chài chỉ còn lại đá, cát với hố bom, hố pháo dày đặc. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Dọc theo tuyến biển bãi ngang xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), máy bay Mỹ ném bom rải thảm. Ở ngoài biển, tàu chiến địch rình mò bủa vây bằng các loại pháo tầm gần, tầm xa, hòng ngăn chặn sự chi viện của đất liền cho đảo Cồn Cỏ. Đứng trước sự khốc liệt của chiến tranh, từ tháng 4 năm 1966, Chi bộ Vịnh Mốc quyết định thành lập một tổ 5 người đào thử một hầm địa đạo ở vùng đồi gần bờ biển để trú ẩn. Đến tháng 6 năm 1966, bốn địa đạo khác ở xã Vĩnh Thạch được triển khai, trong đó địa đạo số 4 dài nhất, kỳ công nhất, có sự tham gia của Đồn công an vũ trang 140 do Đồn trưởng Hà Xuân Vi chỉ đạo kỹ thuật và hai trung đội dân quân Sơn Trung, Sơn Hạ của xã phối hợp. Địa đạo này với quy mô 3 tầng, có chỗ gia đình ở, hội trường sinh hoạt, chiếu phim, văn nghệ, hội họp, nhà hộ sinh, nơi cất giấu lương thực và vũ khí, có chiều dài 2834 mét, được bảo tồn cho du khách đến chiêm ngưỡng sau chiến tranh, gọi là địa đạo Vịnh Mốc. Từ năm 1969, Lãnh đạo xã Vĩnh Thạch quyết định chuyển dân Vịnh Mốc lên định cư trên vùng đất đỏ để phù hợp với tình hình thời chiến, cũng là một cuộc di dân, ổn định cuộc sống lâu dài, có điều kiện bám biển tốt hơn. Nhờ quyết định sáng suốt đó mà người dân Vịnh Mốc đã bảo tồn được sự sống suốt những năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu tại chỗ và phục vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ để chiến đấu với máy bay, tàu chiến, ngăn chặn địch âm mưu đổ bộ chiếm đảo. Trong số 5 địa đạo ở xã Vĩnh Thạch thì địa đạo Vịnh Mốc trở thành di tích Quốc gia đặc biệt. Làng Vịnh Mốc đang lưu giữ một di tích danh thắng trong lòng đất mang tầm vóc của sức mạnh Việt Nam. Người ta gọi đó là một "làng hầm” thời chiến tranh chống Mỹ. Cả vùng đất tuyến lửa Vĩnh Linh có 114 làng hầm lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài xuyên trong lòng đất trên 40 ki lô mét và hàng ngàn cây số giao thông hào dọc ngang như sa bàn chiến trận. Tại "làng hầm” Vịnh Mốc có 17 đứa trẻ ra đời, biểu thị cho sự sống sinh sôi trong lòng đất, khát vọng của con người mãi mãi trường tồn. Sau chiến tranh, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan địa đạo Vịnh Mốc đều cảm nhận được ý chí kiên cường, quả cảm và tấm lòng chân chất của người dân làng biển. Ngày mùng 8 tháng 4 năm 1985, hai đoàn nhà báo thuộc hai tờ báo lớn của Hoa Kỳ đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, họ bất ngờ trước sức mạnh thần kỳ của người Việt Nam ngay tại mảnh đất này. Nhà báo Di AND HOWXTi-Tạp chí New-Time đã sững sốt thốt lên: "Đối với một người Mỹ đến thăm, địa đạo Vịnh Mốc là một thành tựu tuyệt vời. Những nổ lực của nhân dân để tồn tại trong điều kiện cực kỳ khó khăn như thế này là một điều khích lệ…”. Còn nhà báo SaGrôSô thán phục: "Tôi rất ngạc nhiên khi được thăm địa đạo và đây là một dịp tuyệt vời. Tôi hi vọng nơi đây sẽ trở thành thiên đường cho cả thế giới đến thăm…”. Chính người Mỹ sau cuộc chiến tranh xâm lược mới hiểu đượcvì sao họ thất bại trên đất Việt Nam? Và địa đạo Vịnh Mốc là mộtminh chứng hùng hồn khẳng định Việt Nam chiến thắng kẻ xâm lược với vũ khí tối tân là điều tất yếu. Càng đi sâu vào lòng địa đạo mới hiểu cặn kẽ sự tuyệt vời hiếm có của kỳ quan danh thắng đặc biệt này.Cán bộ, nhân dân làng Vịnh Mốc đã xác định rõ ý thức bảo vệ địa đạo, bảo vệ an ninh cho du khách, tỏ lòng mến mộ với bạn bè, anh em, đồng chí từ khắp nơi khi đến với quê hương mình nói riêng và Vĩnh Linh nói chung. Làng Vịnh Mốc đã để ấn tượng đẹp đẽ trong lòng khách thập phương. Đó cũng là bản chất, tấm lòng ngời sáng của con người trên xứ sở tuyến lửa Vĩnh Linh.

Trở lại Vịnh Mốc hôm nay, những dấu tích xưa của làng không còn nữa. Ngọn Hải đăng ở mũi Lay có từ thời Pháp, bị hư hại do bom đạn chiến tranh, đã được phục hồi, trở thành tâm điểm cho tàu, thuyền ra khơi giữa đại dương hướng đường về đất liền vào ban đêm. Ở bờ biển phía trước mũi Lay là chợ cá. Tuy không nhộn nhịp như chợ cá Cửa Tùng nhưng đây là chợ rộn ràng, tấp nập, khẩn trương vào đầu buổi sáng. Thương lái cũng như người dân chờ đón thuyền về, mua sĩ hải sản để kịp mang đi bán tại các chợ trong và ngoài huyện.

Trải qua bao đau thương mất mát trong chiến tranh, hơn ai hết, người dân Vịnh Mốc hiểu rõ giá trị của cuộc sống hôm nay, từng bước vượt qua đời sống khó khăn, xây dựng xóm làng ngày càng tươi đẹp. Đời sống tinh thần là động lực tạo ra niềm vui, lạc quan vào cuộc sống để vươn lên. Năm 1997, Vịnh Mốc là một trong những đơn vị phát động xây dựng làng văn hóa rất sớm ở huyện Vĩnh Linh, được tỉnh công nhận đạt chuẩn làng văn hóa lần thứ nhất vào năm 1999, công nhận lần thứ hai vào năm 2011. Ông Hồ Minh Vừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng văn hóa Vịnh Mốc nói rằng: "Văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Vịnh Mốc. Ngay hồi chiến tranh ở dưới lòng địa đạo, những tiết mục văn nghệ của làng vẫn được biểu diễn cho nhân dân, dân quân, bộ đội xem. Những điệu hò, câu hát mang đậm nét truyền thống của làng, những trò chơi dân gian gắn liền với cuộc sống dân chài từ thế hệ này sang thế hệ khác đang đượcbảo tồn…”. Theo Ban cán sự làng và nhiều vị cao niên ở Vịnh Mốc thì nét văn hóa đặc sắc ở làng là hò chèo cạn và lễ cầu ngư rằm tháng 5 âm lịch. Lễ cầu ngư là lễ lớn nhất của làng. Lễ này mở màn cho mùa khai thác vụ nam nên không giống như một số làng biển khác tổ chức lễ hội cầu ngư vào rằm tháng Giêng hoặc rằm tháng Hai âm lịch. Trong lễ cầu ngư của làng, dù con em bôn ba làm ăn xa xứ hoặc công tác ở khắp mọi vùng miền cũng tìm về quê cha đất Tổ để đoàn tụ, chung vui với gia đình, dòng họ, người thân, làng xóm. Ngày xưa, trong lễ cầu ngư, làng giao trách nhiệm cho những người cao tuổi chuẩn bị cờ, trống và một số phương tiện làm lễ cúng tế. Còn những người am hiểu văn nghệ đảm nhận tiết mục hò chèo cạn tại lễ. Do điều kiện cuộc sống còn khó khăn nên làng chỉ tổ chức phần lễ trang trọng trước khi vào vụ đánh bắt cá nam, không tổ chức phần hội. Sau chiến tranh, lễ cầu ngư được rút gọn đơn giản trước lúc xuất quan ra biển. Dù khó khăn, nhưng trong tâm tưởng của ngư dân vẫn không quên nghi lễ cúng tế, cầu mong cho cuộc sống gặp mọi điều suôn sẻ. Nét văn hóa tâm linh ấy có một ý nghĩa quan trọng với những người suốt đời làm ăn, lênh đênh trên sóng cả đại dương. Bốn địa điểm bằng phẳng dùng làm nơi cúng tế dọc bờ biển của làng được người dân khôi phục lại để làm chỗ dâng lễ hàng năm trước thần biển, cầu mong những chuyến ra khơi đánh bắt nhiều hải sản, trở về bình yên…Từ năm 2011, được huyện và xã khuyến khích, làng Vịnh Mốc khôi phục lại lễ hội cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch, tạo được sự phấn khởi, rạo rực trong nhân dân.Cứ 3 năm, làng tổ chức lễ hội cầu ngư với quy mô lớn, là ngày hội trọng đại, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân cư. Phần lễ cúng ngài cá Ông cùng các vị Thần biển, cúng Đất Trời để cầu mong thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, tránh mọi rủi ro, bám ngư trường để bảo vệ chủ quyền biển đảo…Sau phần lễ là phần hội diễn ra rộn ràng, sôi nổi với hò chèo cạn, đua thuyền, thi kéo co dưới nước, thi đan lưới…Nét văn hóa truyền thống độc đáo của làng được khôi phục, con dân sung sướng, con em đi xa phấn chấn, xuôi ngược tìm về. Ngoài lễ hội cầu ngư, làng Vịnh Mốc còn có phong tục cúng tế đầu năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng, rằm tháng Hai âm lịch, cúng mộ âm hồn vào rằm tháng Bảy xá tội vong nhân. Những lễ cúng này nằm trong nét đẹp văn hóa tâm linh nhưng không rộn ràng như lễ hội cầu ngư. Mọi nhà đều chăm lo, cùng nhau đóng góp sắm lễ tươm tất, cầu cho những linh hồn bơ vơ, những hồn người gặp nạn trên biển được siêu thoát, cầu mong sự bình an, may mắn đến với mọi nhà, mọi người. Những lễ cúng này được tổ chức vào buổi chiều trên các địa điểm định sẵn dọc bờ biển.

Từ một làng biển nghèo bị chiến tranh tàn phá nhưng bây giờ đã có những đổi thay vượt bậc. Làng quê được khoác lên mình một màu sắc xanh tươi, trẻ trung. Đường làng ngõ xóm được quy hoạch và bê tông hóa. Nhà dân xây dựng kiên cố với đầy đủ phương tiện sinh hoạt trong gia đình cũng như phương tiện đi lại chẳng thua kém những làng quê trong huyện. Vịnh Mốc là một làng đạt các tiêu chí: xanh-sạch-đẹp-an toàn của huyện Vĩnh Linh. Bức tranh của làng do người dân vẽ nên sắc màu đa dạng của thời kỳ đổi mới. Ai đến thăm Vĩnh Thạch là một trong ba xã ở huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị từ năm 2014 cũng đều ghé thăm làng Vịnh Mốc để rút kinh nghiệm từ những thành công trong xây dựng làng văn hóa ở vùng biển bãi ngang. Từ nghèo khó đi lên, tình làng nghĩa xóm gắn bó thủy chung, đoàn kết vững bền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một vùng quê bền bỉ vươn lên từ nội lực, xây dựng cuộc sống thay đổi qua từng năm. Từ chỗ dân cư thưa thớt sau chiến tranh, Vịnh Mốc hôm nay có gần 1600 nhân khẩu với 355 hộ, là miền quê mà nhiều người muốn đến định cư bởi có nhiều lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, nhất là cuộc sống người dân liền kề bên chân sóng. Tiềm năng kinh tế biển dồi dào là thế mạnh của Vịnh Mốc trong quá trình phát triển bền vững, lâu dài. Làng Vịnh Mốc hiện tại có 112 thuyền với công suất từ 6 CV đến 12 CV, khai thác hải sản quanh năm. Theo như lãnh đạo làng thì công suất thuyền như hiện nay thì còn khó vươn khơi xa như các làng biển khác. Do đó làng đang khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp thuyền, đóng mới tàu công suất lớn hơn để có cơ hội vươn khơi xa hơn, dài ngày hơn. Nghề ngư là chủ yếu, nhưng ngư dân còn trồng trọt, chăn nuôi ở trên đất với "chân biển, chân vườn” nên cuộc sống ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, không lo lắng khi biển động. Lao động chính đi biển thì chăm lo ngư lưới cụ, lao động phụ thì chăm lo làm nông và làm dịch vụ trên bờ. Từ nghèo khó, đói kém thường xuyên mỗi mùa giáp hạt, đến nay, Vịnh Mốc đã xóa được đói, đẩy lùi được nghèo, thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát triển, đổi thay.

Ai đã từng đến với những làng chài ven biển Việt Nam, hẳn làng Vịnh Mốc là một địa danh khó phai mờ trong tâm tưởng.Vào những chiều hè, khi ngọn nồm từ biển thổi vào tươi rói thịt da mới thấy được vị biển có sự quyến rũ kỳ lạ, không muốn rời xa. Khách từ mọi miền quê trong nước và Quốc tế đến đây đều mang theo hình ảnh làng chài Vịnh Mốc với tình cảm yêu mến, mong muốn trở lại để thưởng thức các đặc sản từ biển, được chiêm ngưỡng một làng hầm đặc biệt - Một kỳ quan nằm sâu trong lòng đất đang kể về huyền thoại một thời oanh liệt chống ngoại xâm tại một miền quê bên chân sóng trên mảnh đất lũy thép Vĩnh Linh.

                                                                                Tháng 5-2016

                                                                                        LNH


Xem thêm, vào trang Web:thienphuoc.com

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Bài viết của bạn đọc, những người yêu quý quê hương Quảng Trị
ĐÔNG PRAY-MỘT THẮNG CẢNH Ở QUẢNG TRỊ - 28/10/2016
CÓ MỘT CHỢ PHIÊN NHƯ THẾ - 28/10/2016
BỎ BIÊN CHẾ ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG 11 TRIỆU NGƯỜI ĂN LƯƠNG NHÀ NƯỚC - 28/10/2016
XUÂN SANG RỘN RẢ HỘI LÀNG- Chu Mạnh Cường - 25/01/2017
LỄ HỘI PHÁ TRẰM - 14/04/2017
GIẤC MƠ PHỐ THỊ GIỮA TRÙNG DƯƠNG- Lê Đức Dục - 24/06/2019
“RỒI MÙA TOÓC RẠ RƠM KHÔ…” Tùy bút của LÊ ĐỨC DỤC - 19/03/2017
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN Ở HẢI LĂNG QUẢNG TRỊ--Hồ Thanh Thoan - 19/03/2017
CAM LỘ – VÙNG ĐẤT NGỌT NGÀO-- Nguyễn Liễn - 15/04/2017
Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp khó - 23/04/2017
NĂM CON CHÓ, NÓI VỀ CHÓ - 24/02/2018
NGỤ NGÔN CỦA MẮM - 24/02/2018
NGỌN HẢI ĐĂNG MŨI LAY - 28/11/2018
GHI Ở LÀNG CHÀI VỊNH MỐC - 03/07/2019
NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN KHỈ - 02/07/2019
TA NHỚ XỨ CÙA MÂY TRẮNG LẮM…” Lê Đức Dục - 17/07/2019
BÀI THƠ CHO SỨC KHỎE- Sưu tầm - 17/07/2019
HANG ĐỘNG BRAY QUẢNG TRỊ - 22/07/2019
VINH MOC TUNEL - 21/10/2019
NGƯỜI BÁN CÁ DƯỚI ĐÁY BIỂN - 30/10/2019
CHẾ LAN VIÊN, NƠI "ĐẤT HÓA TÂM HỒN"---Nguyễn Hoàn - 15/01/2020
NĂM CHUỘT NÓI VỀ THỊT CHUỘT - 21/02/2020
NHỮNG CHUYỆN VUI CỦA NĂM CON CHUỘT--Sưu tầm - 28/03/2020
CHIA NỬA VẦNG TRĂNG---Truyên của Ngọc Hương - 13/04/2020
NHỮNG CHUYỆN LẠ Ở QUẢNG TRỊ-SƯU TẦM - 04/11/2020
NHỮNG NĂM TÝ VẺ VANG TRONG LỊCH SỬ - 10/05/2020
NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN CON TRÂU - 16/02/2021
DANH NHÂN VĂN HÓA NĂM TÂN SỮU - 25/02/2021
CON TRÂU VIỆT NAM - 15/05/2021
CHỢ PHIÊN CAM LỘVÀ GIẤC MƠ“TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN”--Lê Đức Dục - 30/07/2022
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Triệu Phong, Qủang Trị - 24/11/2022
NGHỀ DỆT THỔ CẦM CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC PAKÔ Ở QUẢNG TRỊ--- Hồ Thanh Thoan - 21/12/2023
LÀNG BẮT CỌP THỦY BA---Văn Nhân - 01/01/2024
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Trị--HồThanh Thoan - 05/08/2022
TÁC DỤNG KHÔNG NGỜ CỦA RƯỢU- vui cười - 24/11/2022
NGHỀ LÀM NÓN LÁ Ở QUẢNG TRỊ - Hồ Thanh Thoan - 14/08/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG - 14/08/2022
CHỈ TRỘN CÓ MỘT NỬA THÔI - 17/08/2022
TẤM LÒNG VĂN NGHỆ SĨ VỚI ĐẢO CỒN CỎ ANH HÙNG---Ts. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị - 16/08/2022
EM CHỈ NÓI CHƠI THÔI MÀ - 17/08/2022
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ---LÊ ĐỨC DỤC - 29/08/2022
HỘI KÉO CO NGÀY XUÂN-HỒ THANH THOAN - 08/09/2022
MÔN VẬT ĐẦU XUÂN.... Hồ Thanh Thaon - 05/12/2022
SUỐI TÀ LAO VÀ SUỐI PACHAỞ XÃ TÀ LONG, HUYỆN ĐAKRÔNG,QUẢNG TRỊ ĐANG PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG ----Hồ Thanh Thoan - 20/12/2023
ÁNHTRĂNGVƯỜNTRẦU--Ngọc Hương - 01/03/2023
MẸO VẶT CHO BÀ CON - 07/07/2023
CHỢ CHIỀU HỒ XÁ BÂY GIỜ...(Lê Nguyên Hồng) - 26/04/2023
NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN RỒNG--Đông Hương - 23/02/2024
NĂM MỚI ĐẾN RỒI-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 23/02/2024
THẾ GIỚI CÓ BAO NHIÊU LOẠI RỒNG - 26/02/2024
Trang 1/2: 1, 2  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website