TRÁI SIM CỦA QUẢNG TRỊ
Cây sim mọc đầy ở vùng đất Quảng Trị. Đến mùa, đi hái sim cũng là một thói quen, một thú vui của người dân ở vùng nắng gió này. Tôi vẫn nhớ như in, người dân Vĩnh Linh thường đố nhau như sau:
" Bằng đốt ngón tay
Dui day ra máu
Về tiết tháng sáu
Con cháu đi tìm
Là quả gì? ”
Và cũng không khó lắm để người ta trả lời đó là quả sim. Hồi trước sim có rất nhiều ở vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa…Cứ đến mùa sim, từ tháng 6 đến tháng 10, trẻ con thì rủ nhau đi lên đồi hái sim ăn, còn người lớn thì đi hái sim về mang ra chợ bán. Người ta bán sim bằng lon, cứ mỗi lon bán mấy đồng bạc, ở trong hầu hết các chợ như chợ Do, Chợ Huyên… mang về một món tiền kha khá trang trải cho cuộc sống khó khăn hàng ngày. Trái sim thực sự đã đi vào thơ ca, đi vào những kỷ niệm khó quê của những người con xa quê.
Trái sim vừa là quả ăn chơi, vừa là quả cho thu nhập nhưng cũng là quả tốt cho sức khỏe. Một vài nơi, đến mùa sim, ngoài mang sin ra chợ bán, người ta còng làm rượu sin để uống. Rượu sim rất dễ làm . Cũng giống như làm rượu nho. Sau khi hái sim về, rửa sạch đất cát, để cho ráo nước, cắt bỏ phần đầu quả sim. Dùng bình thủy tinh, cho một lớp quả sim, rải lên một lớp đường cát hay đường phèn theo tỷ lệ 2 sim, 1 đường( ví dụ 2kg sim thì 1 kg đường), cứ thế, 1lớp sim, 1 lớp đường, cho đến khi đấy bình, đậy kín bình lại, để khoảng 3 tháng sau thì dùng được.
Cũng có thể làm rượu sim nhanh hơn, bằng cách dùng tay bóp nát quả sim, rồi giống như cách làm trên, cứ một lớp sim, một lớp đường, chất lên theo lớp cho đến khi đầy bình, để khoàng 2 tháng thì dung được.
Người ta cũng có thể ngâm trực tiếp quả sim với rượu trắng. Cứ 1 kg sim thì cho vào 1 lít rượu gạo, loại 40 độ, ngâm trong bình thủy tinh, sau 20 ngày thì dùng tốt. Có điều cần lưu ý, là khi ngâm với rượu, phải chọn loại rượu bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, rượu sim ngâm với rượu không thể tốt bằng rượu sim ngâm với đường như cách làm trên.
Rượu sim, sau khi ngâm, có màu tím thẳm, vị ngọt, hơi chát, mùi rất đặc trưng, khó lẫn với các loại rượu khác. Rượu sim dùng để bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon miệng, cho người bị thiếu máu, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường sinh lý cho quý ông. Mỗi bữa ăn, nên uống 1 đến 2 ly nhỏ là tốt nhất.
Cây sim tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa haycòn gọi là hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Myrtaceae, có nguồn gốc bản địa ở khu vực nam và đông nam Á, từ Án Độ về phía đông tới miền Nam Trung Quốc và ở một số nước khác. Rễ, lá và trái sim được dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, có tác dụng bổ huyết, an thai, bồi bổ cơ thể.
Rượu sim, một số nơi đã sản xuất ra bán cho người tiêu dùng, thu lợi nhuận tốt. Vùng Phú Quốc người ta có cả một khu vườn trồng sim, khu chế biến rượu sim, khu trưng bày bán rượu sim cho du khách tham quan, trở thành món đặc sản mỗi khi du khách đến đây. Hầu như du khách nào kể cả tôi, khi đến đây, đều rất thích chụp hình bên cạnh cây sim có hoa, như để nhớ về quê, nhớ về kỷ niệm.
Thiết nghĩ Quảng Trị quê mình, nhiều nơi có những đồi sim lớn như ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa…Chỉ riêng vùng Xã Hướng Sơn,Hướng Hóa,đã có diện tích sim tới hơn 12 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Nguồn Rào, Ra Ly và Pin. Đến mùa sim, người dân đi hái sim, bán cho thương lái, có thể thu về vài trăm nghìn đống. Nên chăng Quảng Trị cần nghiên cứu biến cây sim vốn có bao đời nay mà thiên nhiên bạn tặng,với mùa sim gần như đang tự phát, thành thứ đặc sản bán cho du khách thì hay biết mấy. Ở nước ta nhu cầu về sim, có thể cũng nhiều và cũng không có nhiều nơi có cây sim.
Còn sang năm, nếu ai ghé về quảng Trị vào mùa sim, nhớ ra chợ mua vài Lon Sim mà ăn nhé. Chắc chắn ngon. Quả Sim ở Quảng Trị, cũng giống như hạt tiêu ở Vĩnh Linh, có lẽ là ngon nhất nước.!
Đông Hương