Những ngày rong ruổi ở các bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nằm bình yên giữa núi rừng hoang sơ, tôi có may mắn được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, lạ lùng như món nhộng, sâu muồng, kiến vàng…
Khi từng cơn mưa tháng 4 (dương lịch) ào ạt đổ xuống, cũng là lúc đàn bướm vàng tung cánh nhởn nhơ bay lượn rồi đẻ trứng, nở sâu, tạo kén trên hàng cây muồng. Vào thời điểm này, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các bản làng trên địa bàn huyện Hướng Hóa tìm bắt nhộng, sâu muồng về để chế biến thành nhiều món ăn ngon và độc đáo. Sâu muồng thân có màu nâu vàng, hai bên thân có sọc màu nâu thẫm. Sâu muồng không giống các loại sâu khác là thân mình phủ đầy lông mà sâu muồng da trơn, di chuyển trong tán lá cây muồng bằng cách cong mình lại rồi tung đầu ra phía trước. Khi trời nắng nóng, sâu muồng ép sát thân mình vào cây muồng hòa lẫn trong sắc xám đen của vỏ muồng. Người đi tìm bắt sâu muồng phải tinh mắt mới nhìn thấy các chú sâu đang ẩn náu trên vỏ cây. Khi sâu muồng trưởng thành, chúng bắt đầu kéo kén rồi hình thành con nhộng (đây là thời gian ngủ và chờ đợi tái sinh, để cuối cùng trở thành bướm). Sâu chỉ ăn lá cây nên rất sạch và lành, con nào cũng căng tròn mập mạp. Sâu muồng sau khi bắt về để vài tiếng đồng hồ cho tiêu hết phân trong ruột, ngâm rửa trong nước muối cho sạch, sau đó phi hành mỡ lên rồi cho sâu muồng vào xào, đảo đều nhẹ tay, để nhỏ lửa cho sâu từ từ săn lại đến khi chín, nêm chút muối trắng hoặc nước mắm ngon, mì chính, lá chanh thái nhỏ và một ít ớt tươi (tùy khẩu vị). Sâu muồng xào ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Sâu muồng cũng có thể ăn sống với hương vị béo ngậy được nhiều người thưởng thức ngay dưới góc cây muồng. Ngoài sâu muồng, nhộng sâu muồng cũng được nhiều người yêu thích. Nhộng sâu muồng do những con sâu già lột xác hóa thành, nằm im dưới tán lá, vỏ cây chờ tái sinh. Nhộng có hình thoi, màu xanh, mình to như đầu chiếc đũa. Nhộng sâu muồng có thể luộc chấm muối tiêu hoặc rang giòn với mỡ. Khi rang chín, nhộng có màu vàng ươm, có vị béo và bùi. Sâu muồng còn được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô xem là một phương thuốc phòng, chữa bệnh sốt rét rất công hiệu. Mùa bắt sâu muồng chỉ kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 5 hàng năm. Mùa này cũng là mùa mà đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trèo đèo, lội suối tìm tổ kiến vàng. Có lần, tôi đã theo Pỉ Mỉa ở bản Pa Xía, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa vào rừng tìm tổ kiến vàng. "Đồ nghề” mà Pỉ Mỉa mang theo là cái nồi, rựa, lưỡi liềm gắn vào đoạn tre dài… Cứ men theo con đường mòn chạy dưới tán rừng mà tìm tổ kiến. Sau cả tiếng đồng hồ đi bộ mệt bở cả hơi tai thì Pỉ Mỉa cũng phát hiện ra tổ kiến vàng nằm trên cây. Pỉ Mỉa dùng lưỡi liềm có gắn đoạn tre dài khéo léo đưa lên giật tổ kiến vàng rơi xuống đất, rồi cho vào nồi, nhóm lửa để đốt cho kiến vàng chết, sau đó cẩn thận sàng lọc, phân loại kiến, trứng kiến (có màu trắng sữa và to bằng hạt gạo) ra thành từng túi ni lông riêng. Trở về bản Pa Xía khi trời đã quá trưa, Pỉ Mỉa nhanh chóng đổ kiến, trứng kiến vàng trộn đều với gia vị như ớt, muối, mì chính…rồi cho vào ống tre lồ ô, sau đó nút chặt bằng lá chuối tươi rồi cho lên bếp nướng. Theo Pỉ Mỉa thì ngoài món kiến, trứng kiến vàng nướng trong ống tre lồ ô, kiến vàng có thể nấu canh rất ngon. Chỉ cần đun sôi nước rồi thả kiến, trứng kiến vào cùng với lá giang, bẹ cây chuối rừng là thành món canh kiến vàng với vị béo ngậy của trứng kiến, vị chua chua của kiến, lá giang, vị chát của bẹ chuối. Công phu hơn thì làm món nộm trứng kiến trộn hoa chuối rừng. Hoa chuối lấy từ rừng về rửa thật sạch, tách lấy hai bẹ ngoài để riêng, phần lõi bên trong được thái mỏng rồi ngâm trong nước sạch khoảng 15 phút, sau đó vớt ra để ráo nước. Trứng kiến đã xào được trộn đều với hoa chuối, lẫn với rau thơm cùng các loại gia vị. Thưởng thức món nộm trứng kiến trộn hoa chuối sẽ thấy có vị cay, chát, chua, ngọt và độ giòn tan hòa lẫn rất hấp dẫn nhưng độc đáo, nhất là mùi vị béo bùi của trứng kiến cứ thoang thoảng ở đầu lưỡi. Hoàng Tiến Sỹ Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com hay muabantp.com | ||