Tôi xa quê từ năm 15 tuổi. Ngày tháng rong ruỗi nay đây mai đó, khi chốn công trường với ngỗn ngang sắt thép khói bụi, khi ở vùng xa xôi với hết chương trình này, lớp tập huấn nọ; tôi thèm lắm mùi vị quê hương – mùi tiêu cay khắt sóng mũi, mùi chè vằng ngọt đắng bờ môi, cả mùi bánh đúc rau câu mát lành trong khóe miệng.
Nhiều hôm tan tầm, nhìn trên đường ai cũng vội vã trở về với tổ ấm của mình, tôi chợt thấy lòng buồn buồn tủi tủi. Đã không biết bao lần ngắm phố phường nơi tôi từng qua và nhớ về một vùng quê nhiều nắng gió. Phố im lìm ngày ngày nghe tiếng âm thanh cuộc sống dội vào rộn rã. Phố vội vã trở về, vội vã ra đi, buổi hôm thắp đèn chờ trời tối, buổi mai rộn ràng đón bình minh. Quê tôi thì khác, yên ả và bình dị vô cùng. Quê tôi có cây cầu bắc qua hai miền thương nhớ, có giọng hò à ơ ru tuổi thơ những sớm sớm chiều chiều, có cánh diều căng gió khi đàn trâu về no cỏ, có con thuyền rẻ nước buổi triều lên, có phiên chợ quê xưa như cổ tích, có nắng thiêu da, có mưa tầm tả, có dáng mẹ dập dìu tần tảo sớm hôm. Mỗi lần về quê đi trên con đường 70 hai bên ngập lúa, lòng cảm thấy háo hức, nỗi sung sướng dâng lên ngập tràn, như được trở về tuổi thơ với rơm với rạ, với trò trốn tìm, đánh thẻ, bắn bi. Hương lúa nhẹ nhàng trong gió có sức mạnh phi thường kéo kỷ niệm về nguyên vẹn trước mắt tôi. Chạy xe một chốc nữa, biển Cửa Tùng hiện lên từ đằng xa, tôi nghe được văng vẳng tiếng từng đợt sóng vỗ vào mỏm đá, tạo thành thứ âm thanh êm tai dội vào miền ký ức biết bao nỗi nhớ. Đây rồi, mùi tanh của biển đây rồi , không thể nào khác đi được dù năm tháng có qua đi. Cũng ở trên những bãi đá này, người dân làng biển thường ra đây hái rau câu về làm bánh đúc – món quà quê dân dã vừa dễ làm vừa bổ dưỡng.
Khi mùa hè đến là lúc rau câu bắt đầu mọc. Không giống rau ngoai (dùng để kho cá) hay rau mứt (dùng để nấu canh), rau câu có thân lá rất nhỏ, thường mọc trên đá ở những nơi sóng cả, phải đợi thủy triều xuống mới hái được. Rau câu sau khi hái về được rửa sạch nhiều lần và lọc hết cát sạn, sau đó cho vào nồi nước đang sôi và ninh nhừ nhỏ lửa tới khi cô lại và có màu xanh đậm. Khi còn nóng, bánh được múc ra từng bát nhỏ đã lót sẳn một lớp lá bai cho tới khi đông hẳn. Điều đặc biệt là loại bánh này không cho thêm bất cứ phụ gia hoặc gia vị nào, nên vẫn giữ được mùi vị tự nhiên của rong biển và hàm lượng dinh dưỡng chứa trong đó. Bánh đúc rau câu được ăn kèm với đường hoặc ruốc. Bánh vừa làm xong lột lớp lá bai chấm với ruốc đã pha kèm tỏi, ớt, chanh; chỉ cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được vị mát, vừa mềm mềm, vừa thơm thơm hương vị đặc trưng của rong biển.
Ngày nay, loại bánh đúc rau câu không chỉ đơn thuần là món quà quê, nó đã dần xuất hiện trên các bàn tiệc cưới hỏi, kỵ giỗ và trở thành món đặc sản ngon, bổ, rẻ của xứ biển. Hương vị mặn nồng của bánh đúc rau câu giản đơn thuần khiết như tấm lòng hồn hậu của người dân quê tôi, thứ hương vị mà mỗi người đi xa đều luôn nhớ về.
Bánh Đúc rau câu ăn kèm mắm ruốc
NT
Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com