Công bố chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Quảng Trị” và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
Chiều nay 31.7.2018, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Phát triển Pháp tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Quảng Trị” và nhãn hiệu tập thể, nhẫn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Giám đốc Ban Điều phối Dự án Quản lý và Phát triển Chỉ dẫn địa lý Việt Nam Lưu Đức Thanh; bà Yina Bell, chuyên gia phụ trách dự án Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Trị có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trao Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Quảng Trị” cho tập thể lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị |
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân đã báo cáo quá trình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị, nêu rõ: Cây hồ tiêu được người Pháp đưa vào trồng từ cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và tiếp tục được duy trì phát triển từ năm 1940 cho đến nay. Hồ tiêu Quảng Trị là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới như Pháp, Singapore, Hồng Kông, Mỹ... Chất lượng tiêu Quảng Trị thơm, cay là do điều kiện phân bố địa lý, đặc thù của khu vực sản xuất, biên độ nhiệt, số giờ nắng, đất đỏ ba dan thâm canh thấp... được trồng tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hướng Hóa với diện tích khoảng trên 2.000 ha, năng suất đạt từ 1,0- 1,2 tấn/ha.
Sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm hạt tiêu có nguồn gốc xuất xứ từ một số khu vực địa lý của tỉnh Quảng Trị, có chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất quyết định. Hạt tiêu Quảng Trị đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045 theo Quyết định số 3875/QĐ-SHTT ngày 28/10/2014 của Cục Sở hữu trí tuệ; sửa đổi, bổ sung các sản phẩm bảo hộ và khu vực địa lý theo Quyết định số 1076/QĐ-SHTT ngày 13/4/2018; theo đó, sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Quảng Trị” bao gồm 3 loại: hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng và hạt tiêu dạng bột.
Phát biểu tại lễ công bố, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Sự kiện công bố quyết định, trao Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mang yếu tố địa danh của tỉnh Quảng Trị và chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Quảng Trị” đã và đang mở ra hướng đi mới cho sản phẩm của Quảng Trị, nhất là những sản phẩm nông nghiệp. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đưa những sản phẩm địa phương trở thành những sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang yếu tố địa danh của Quảng Trị được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Việt Nam. Nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững KT-XH, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, trong những năm tới, yêu cầu ngành KH&CN tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tốt khâu quản lý, phát triển, khai thác giá trị các sản phẩm đặc sản sau bảo hộ theo hướng nâng cao nhận thức và hiểu biết của toàn xã hội về vai trò của sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh việc xác lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng xây dựng, phát triển và bảo vệ các đặc sản truyền thống ở trên địa bàn.
Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chọn lựa, khôi phục cây giống, con giống để bảo tồn và giữ gìn đặc sản địa phương; tăng cường quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ đã được công nhận chỉ dẫn địa lý; cần huy động tối đa sức mạnh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến chỉ dẫn địa lý; bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ bằng các giải pháp đồng bộ tổ chức theo hướng quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, quảng bá phát triển thương hiệu một cách bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào thực tiễn sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Vai trò của doanh nghiệp cần được đề cao, là chủ thể để đẩy mạnh hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng nhanh số lượng các đối tượng được bảo hộ để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.
Tại buổi lễ, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao Quyết định cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận cho 9 sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh gồm: Cao dược liệu Định Sơn (Cam Lộ), Rau an toàn Đông Hà, Đậu đen xanh lòng Triệu Vân (Triệu Phong), Chuối Hướng Hóa, Khoai môm Vĩnh Linh, Rượu men lá Ba Nang (Đakrông), Nước mắm Cửa Việt (Gio Linh), Nước mắm Cồn Cỏ, Nước mắm Mỹ Thủy (Hải Lăng).
HVA
Xem thêm,vào trang Web:thienphuoc.com