Ông Phan Văn Trung, năm nay đã 85 tuổi và ông Nguyễn Văn Nho, 80 tuổi nguyên là dân quân du kích thôn Thạch Bắctừng tham gia đào địa đạo Mũi Si từ năm 1966 đến năm 1967. Đây là thời kỳ không quân và hải quân Mỹ tăng cường đánh phá hủy diệt khu vực Vĩnh Linh nên quân và dân Vĩnh Linh buộc phải dựa vào lòng đất để bám trụ và chiến đấu lâu dài. Từ các tiểu đạo, trung đạo đã nhanh chóng được đào đắp, nâng cấp thành những địa đạo quy mô lớn, liên hoàn trên toàn khu vực.
Địa đạo Mũi Si, nằm trên địa bàn thôn Thạch Bắc cách bãi biển Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ gần 30km về phía Tây. Trong chiến tranh, xã Vĩnh Thạch là một trong những điểm tập kết quân lực, vũ khí, hàng hóa chi viện cho bờ Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Vì thế đây được coi là "tọa độ chết", là mục tiêu hủy diệt của máy bay và tàu chiến Mỹ. Thế nhưng, từ nơi tận cùng của sự hủy diệt ấy, bằng sức người, trí thông minh sáng tạo và ý chí " Một tấc không đi, một ly không dời", quân và dân xã Vĩnh Thạch đã kiến tạo nên hệ thống địa đạo đồ sộ để chuyển toàn bộ cuộc sống xuống lòng đất. Việc đào địa đạo trên toàn xã được tiến hành vào đầu năm 1966 và lần lượt hoàn thành trong các năm 1967, 1968 gồm địa đạo và hệ thống giao thông hào ở các thôn. So với địa đạo Vịnh Mốc thì địa đạo Mũi Si có quy mô nhỏ hơn với chiều dài khoảng 200m,Đặc biệt đây còn là một kho hậu cần phục vụ chiến đấu tại chổ và chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Những năm đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân phong toả tuyến vận chuyển từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, hòn đảo này rơi vào tình thế bị cô lập hoàn toàn. Thiếu lương thực, nước ngọt, thuốc men, vũ khí ... cuộc sống chiến đấu của lực lượng bám trụ trên đảo gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng uỷ khu vực, những đội cảm tử của dân quân xã Vĩnh Thạch đã được thành lập, trong đó có thôn Thạch Bắc. Từ địa đạo Mũi Si, khi màn đêm buông xuống, những đội viên du kích cảm tử lên thuyền lặng lẽ xuất kích nhằm hướng biển khơi. Nguy hiểm, hy sinh luôn rình rập trên từng con sóng, từng sải nước, song các thành viên trong đội cảm tử vẫn ý thức sâu sắc một điều rằng: Tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ chính là tiếp máu, tiếp mạch sống cho một pháo đài, một chiến hạm xanh giữa biển khơi đứng vững chiến thắng kẻ thù..
Địa
đạo Mũi Si mặc dù chưa được bảo tồn, tôn tạo vẫn chứa đựng những giá
trị lịch sử quý báu và dự báo trở thành 1 điểm đến du lịch thú vị. Trong
chiều sâu hun hút của đoạn địa đạo còn sót lại, trong cái mát lạnh mơn
man da thịt dưới lòng đất, trong rì rào tiếng sóng vỗ, chợt nhớ những
lời rất hay của nhà văn Xuân Đức, một người con của Vĩnh Linh: " Bạn
và tôi, chúng ta không ai chỉ sống bằng quá khứ. Nhưng chúng ta cũng
như nhân loại, không thể và không có quyền quên đi quá khứ. Bởi quá khứ
không chỉ là bài học vô giá cho sự sống hôm nay mà thực ra, những gì đã
từng xảy ra trong quá khứ nơi đây vẫn đang còn xảy ra từng giờ đây đó
trên trái đất này. Vì lẽ ấy, mà bạn đã có mặt ở đây, cùng chúng tôi nhìn
lại lịch sử và suy nghĩ.”