HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ

HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
03/06/2019 | 09:58

HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ… Lê Đức Dục

Rất nhiều lần, những cuộc gặp mặt bạn bè, ở cái tuổi bước qua "ngũ thập tri thiên mệnh”, nhớ về tuổi thơ khó nghèo, chúng tôi vẫn có cùng cảm giác, ngày xưa tuy nghèo khó nhưng tình người chan chứa hơn bây giờ, khi mà chủ nghĩa vật chất đang lên ngôi.Và nghĩ tới mối quan hệ giữa "vật chất” và "hạnh phúc”, tôi lại nhớ về xứ sở bên triền Hymalaya mà tôi có dịp đặt chân tới : Bhutan.

Vâng, Bhutan!
Bây giờ đến Bhutan không còn là chuyện khó khăn như 5-7 năm trước, ngay dịp Tết Mậu Tuất 2017 này, đã thấy chộn rộn những chuyến "charter flight” bay thẳng từ Việt Nam sang Bhutan (charter flight là cách gọi các chuyến bay thuê bao trọn gói nguyên chuyến của các hãng lữ hành đến điểm du lịch, không phụ thuộc lịch bay của các hãng hàng không). Bhutan- miền đất được gọi là xứ sở hạnh phúc , là địa đàng. Một quốc gia bé nhỏ, kẹp giữa hai đất nước khổng lồ là Trung Hoa và Ấn Độ, vậy mà vẫn an nhiên tự tại giữa những ngọn tuyết sơn bên triền Hymalaya hùng vĩ.
Mười năm trước, lần đầu tôi biết đến xứ này khi đọc bút ký "Thênh thang trên xứ non cao” của nhà văn Cao Huy Thuần, và cực kỳ ấn tượng khi ông nhận xét rằng : "Nếu muốn, Bhutan sẽ trở thành bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng nếu muốn cũng không có quốc gia nào trên thế giới có thể trở thành Bhutan”. Chính nhận xét đó đã khiến tôi ấp ủ giấc mơ đặt chân đến Bhutan và rồi tôi đã đến được. Đặt chân lên Bhutan rồi , càng ngạc nhiên hơn khi biết cái quốc gia bé nhỏ đó lại lấy hạnh phúc của dân làm thước đo cho sự phát triển chứ không phải là các con số GDP quay cuồng chóng mặt như ở phần còn lại của thế giới. Khi người ta cứ nhất nhất phải là tăng trưởng GDP (viết tắt của Gross Domestic Product- là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi áp dụng cho phạm vi toàn quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội) thì xứ Bhutan kia lại đưa ra một khái niệm mới về chỉ số hạnh phúc quốc gia : GNH (Gross National Happiness ).Chính Quốc vương Bhutan- Jigme Singye Wangchuck (cha của nhà vua hiện tại-Jigme Khesar Namgyel Wangchuck ) từ năm 1972 đưa ra khái niệm này với bốn ý tưởng cốt lõi: khuyến khích phát triển mô hình kinh tế-xã hội bền vững và công bằng; bảo tồn và cổ súy giá trị văn hóa; gìn giữ môi trường thiên nhiên và thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả.

Khái niệm Gross National Happiness giờ đang khiến nhiều quốc gia phát triển đến đỉnh như Nhật, Mỹ..phải xem lại mình. GDP của Bhutan là 500 triệu đô la, GDP của nước Nhật là 4.400 tỷ đô la, nhưng một người Nhật có hạnh phúc hơn một người Bhutan không? Câu trả lời khó mà chắc chắn!

Nhưng nếu nói một quốc gia hạnh phúc chỉ căn cứ trên những triết lý thì cũng…mơ hồ quá. Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng trừu tượng. Nhà thơ Bằng Việt từng viết : Hạnh phúc ta cần,thực cũng giản đơn thôi/Như chỉ ở trước ta thêm một tầm tay với / Ngỡ rảo bước là sớm chiều đã tới / Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi?Cuộc sống vần xoay chóng mặt, với người này hạnh phúc là có biệt thự to, ô tô xịn, với người kia chỉ là bữa cơm sum vầy ấm áp, với người nọ hạnh phúc là một giấc ngủ an lành. Còn với người Bhutan? Nếu lấy thước đo hạnh phúc là tiện nghi, là sự thụ hưởng vật chất thì nên nhớ những phương tiện bình thường của các nước văn minh có từ đầu thế kỷ 20 thì tại Bhutan cho mãi đến năm 1999 mới có chiếc ti vi đầu tiên (!), và chiếc điện thoại di động, bây giờ vẫn còn là một sản phẩm không phải ai cũng có thể sắm được.

Giữa cõi người đầy sân si, những giá trị vật chất được mang ra làm thước đo hạnh phúc thì Bhutan vẫn điềm tĩnh giữ một sự quân bình hiện diện trên những giá trị vật chất cụ thể, ví như chuyện xe cộ , nhà cửa. Chẳng cần nói đâu xa, ở xứ ta, nhìn vào ngôi nhà chủ nhân đang ở, nhìn vào chiếc ô tô đang đi , nhìn vào nhãn hiệu trên trang phục…người ta có thể phân biệt được sự giàu nghèo qua tài sản được thể hiện. Ở Bhutan thật khó mà nói được điều đó khi nhìn vào nhà cửa hay xe cộ! Kiến trúc nhà ở của Bhutan tuân thủ theo quy định riêng, cùng khuôn mẫu kế thừa như kiến trúc các dzong, có thể thấy nhà này to hơn nhà kia chút ít nhưng không thể nhìn vào đấy để đánh giá khoảng cách giàu hay nghèo, xấu hay đẹp.

Cũng tương tự như thế, trên đường phố của các đô thị lớn ở Bhutan mà chúng tôi từng đến, chiếc xe ô tô gia đình thông dụng hầu hết là loại xe nhỏ 4 chổ ngồi hiệu Maruti của hãng xe Suzuki (nhang nhác như Kia Morning ở Việt Nam), hiếm hoi lắm mới thấy những chiếc Toyota Prado hay Santa Fe ..Ngay một người bạn mới quen của tôi, Tổng giám đốc Đài truyền hình Bhutan (Bhutan Broadcasting Service-BBS) , anh Tashi Dorji khi đến khách sạn đón chúng tôi đi cà phê, anh và gia đình cùng đi trên một chiếc Huyndai i20 rất bình dân. Trang phục của người Bhutan thì ai cũng như ai, luôn là những chiếc ghokira truyền thống. Hình như người Bhutan ít mắc phải hội chứng "phải hơn chúng nó” như nhiều xứ khác. Và với sự an lạc nội tâm ấy, họ hạnh phúc hơn nhiều những ai cứ suốt ngày loay hoay "sao nhà mình nhỏ thua nhà nó, sao xe nó đẹp hơn xe mình”…

Bức tranh xã hội không quá đối lập với nhau giữa giàu và nghèo , giữa vua và dân đã khiến cho người dân Bhutan hạnh phúc. Và tôi nghĩ chính sự chừng mực trong khoảng cách ấy chính là một sự chia sẻ. Chia sẻ không phải chỉ là trích một phần thu nhập của mình ra để làm từ thiện,không chỉ san bớt bát cơm trên tay mình cho kẻ hành khất đang đói khát. Chia sẻ còn là sự tiết chế những se sua của mình trước đồng loại. Rất nhiều lần, hình ảnh nhà vua Bhutan cùng gùi hàng lên các tu viện để cúng dường, khi đó vua và dân đều cùng gồng gánh như nhau. Cái hình ảnh ấy cũng là một sự chia sẻ. Không hiểu sao viết đến đây tôi lại nhớ những câu thơ của Phùng Quán:
"Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?

Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?

Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?

Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa

Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?...”

Rồi lại lan man nhớ sang những tuyên ngôn của nhà văn Dumbatze trong cuốn "Quy luật của muôn đời” : "Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử, ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng..” Vì tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác nên không lạ gì giữa vần xoay hôm nay ta lại thấy không ít kẻ tiền muôn bạc vạn nhưng không tìm được sự an lạc trong tâm hồn.Và có khi phải trả giá bằng những ngày tháng tù tội mà câu chuyện "đốt lò” những tháng qua là một minh chứng.

Trở lại với người dân Bhutan, dường như họ đã đạt đến niềm tin an lạc, chứng ngộ hạnh phúc trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời vì người Bhutan luôn thường trực một đức tin trong thẳm sâu tâm thức. Nhiều khi chúng ta vì cứ trượt theo những clip quảng cáo trên truyền hình, học theo những tập phim xứ người dài lê thê mà không nhận ra chính ta đã đánh mất hạnh phúc ta đang có. Sách xưa nói về hạnh phúc có câu: "Tri túc nhi túc”, biết đủ là đủ, nhưng rồi dân gian cũng có câu "lòng tham vô đáy”. Có khi nào đó chúng ta giật mình để biết rằng những ảo vọng phù phiếm kia rồi cuối cùng cũng chỉ là cát bụi. Bao nhiêu người quay cuồng trong cuộc vần xoay, mong có được cung vàng điện ngọc, mà không nhớ ra rằng, ngày xưa, một vị thái tử con Vua đã từ bỏ hết cung vàng điện ngọc để chọn cho mình một chổ ngồi dưới một bóng cây Bồ Đề để chứng ngộ sự an lạc mà thành Phật! Những người dân Bhutan, họ hạnh phúc –có lẻ đơn giản là họ hiểu ra rằng cõi an lạc ở ngay dưới chân mình, và thẳm sâu trong chính tâm hồn họ!


                                                                                            LĐD

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
BẾN QUÊ---Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 23/02/2024
TĨNH LẶNG- THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 01/01/2024
ĐÊM---THƠ NGUYỄN VĂN CHỨC - 15/03/2023
HOA PHÙ DUNG--THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 15/03/2023
CHIỀU VỀ---Truyện ngắn Trần Hoài Thắm - 04/03/2023
MÈO MƯỚP KHÔNG NÓI DỐI…Truyện ngắn Nguyễn Chí Ngoan - 25/02/2023
VUI CƯỜI CHO ĐỒNG HƯƠNG-Vui cười - 18/02/2023
CỜ ĐỎ TRÊN CẦU ĐÔNG HÀ---LÊ VĂN THÊ - 18/02/2023
VỀ QUÊ NGHE NÓI TRẠNG-THƠ NGUYỄN HỮU THẮNG - 17/02/2023
TỪDINH XƯA XIN KỂ VỚI MAI SAU…Lê Đức Dục - 14/02/2023
MAN MÁC MIỀN XUÂN ---Tôn Nữ Mỹ Hạnh - 14/02/2023
ANH ĐẾN HỘI LIM---THƠ THANH HIẾU - 06/02/2023
VỀ HAY ĐI--THƠ LÊ LUYNH - 05/02/2023
CHẤP CHỚI XUÂN-THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 01/02/2023
CÁT-Thơ Nguyễn Thúy Sâm - 10/12/2022
HƯỜNG HÓA NGÀY TÔI ĐẾN- NGUYỄN VĂN DÙNG - 04/12/2022
CHUYỆN XƯA--TRẦN HOÀI THẮM - 04/12/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG NĂM 2022 - 03/12/2022
Cưới chồng cho mẹ--Truyện ngắn Lê Văn Thê - 02/12/2022
BÀN GIAO SỐ PHẬN--Truyện ngắn Văn Xương - 02/12/2022
CHIỀU THẠCH HÃN--Thơ Nguyễn Văn Chức - 15/09/2022
CHUYỆN CỦA CƯỜNG---LÊ NGUYÊN HỒNG - 03/09/2022
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI –Truyện ngắn Đào Trường San - 23/08/2022
VỀ HỒ XÁ ĐI EM --NGUYỄN HỮU THẮNG - 14/08/2022
ĐƯỜNG XƯA----Thơ Nguyễn Văn Chức - 10/08/2022
CAO HỔ CỐT VÀ CÔNG DỤNG - 09/08/2022
NỖI NIỀM XUÂN----Thơ Huỳnh Nguyễn - 08/08/2022
BÂNG KHUÂNG MÙA XUÂN---Nguyễn Tuyết Quyên - 07/08/2022
NẮNG VÀ ANH- THƠ TRẦN HOÀI THẮM - 06/08/2022
MÁI NHÀ XƯA---THƠ TRẦN HOÀI THẮM - 04/08/2022
CHIẾC ÁO MÀU XANH- TRUYÊN NGẮN: LÊ VĂN THÊ - 30/07/2022
BÀN GIAO SỐ PHẬN-Truyện ngắn Văn Xương - 24/07/2022
GẶP LẠI MÙA XUÂN-VĨ TUẤN - 24/07/2022
EM ĐỪNG NHỚ ANH-Thơ Lê Văn Thê - 24/07/2022
GẶP LẠI BẠN BÈ--THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 19/07/2022
NGHE HÁT XA KHƠI BÊN BIỂN CỬA TÙNG-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 10/07/2022
MÓ CUA,BẮT ỐC--Thơ Đào Trường San - 10/07/2022
MŨI TRÈO- Thơ Nguyễn Văn Dùng - 10/07/2022
TRUYỆN VUI NĂM CON TRÂU - 09/01/2022
NẮNG KHUYA-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 15/05/2021
ĐƯỢC MÙA-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 05/04/2021
THƠ LÊ LUYNH - 29/03/2021
THƠ NGUYỄN VĂN CHỨC - 29/03/2021
CẢ PHÊ VÕNG--Thơ Đào Trướng San - 29/03/2021
MÙA HOA CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 26/03/2021
NỖI NHỚ TÌM VỀ--Thơ Đào Trường San - 22/03/2021
THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 25/02/2021
THƠ LÊ NGUYÊN HỒNG 2021 - 25/02/2021
THƠ LÊ NGUYÊN HỒNG - 25/02/2021
NHỚ QUAN HỌ--Thơ Đào Trường San - 18/02/2021
Trang 1/3: 1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website