HOÀN LƯƠNG- Truyện ngắn:Lê Nguyên Hồng
Trong cuộc sống có vô khối Hội tự thành lập và tồn tại nghiễm nhiên. Đó là Hội những người cùng sở thích, như: "Hội uống bia”, "Hội đánh phỏm”, " Hội câu cá”, "Hội đi bộ”, "Hội chống trộm chó”… Có những Hội nghe thật buồn cười như: " Hội không sợ Su Tu” (ý nói không sợ sư tử - tức là vợ - Hội này khá đông, toàn đàn ông), "Hội vui là chính”, " Hội rượu đứng”, " Hội bảo vệ chị em”… Cuộc sống muôn màu nên xuất hiện các loại Hội rất đa dạng, kể cũng vui.
Có một Hội mà khi nói ra sẽ có nhiều người ngạc nhiên, đó là "Hội bạn tù”. Đây là Hội gồm những thành viên từng là phạm nhân được hoàn lương. Những người này sau khi ra tù đã lặng lẽ thành lập Hội để làm ăn, cùng gắn kết nhau làm lại cuộc đời. Có người phạm tội trộm cắp, có người phạm tội chống đối người thi hành công vụ, có người phạm tội phá hoại tài sản công dân, gây rối trật tự công cộng, chặn đường xin đểu, cướp giật… Chung quy lại: đó là những kẻ bị pháp luật trừng trị và giáo dục có thời hạn.
"Hội bạn tù” này khi mới hình thành chỉ có ba thành viên từng là "đại ca” chuyên trộm cắp và gây rối ở địa phương. "Thành tích bất hảo” của chúng là câu chuyện buồn của một thời nông nổi. Mỗi khi nhớ lại, chính chúng tự nguyền rủa bản thân, căm thù những hành động dại dột do mình gây ra. Quá khứ ấy không nên nhắc lại làm gì, thêm khổ. Sau thời gian chấp hành hình phạt, được giáo dục, vị nào cũng thấy bản thân ngu ngốc, đã để lãng phí một quãng đời trong nhà tù. Trong khi cả xã hội lao vào làm ăn, người nào cũng chăm lo vun vén cuộc sống, chạy đua với thời gian để kiếm tiền thì các chàng trai này lại sống buông thả, tự làm khổ mình, làm khổ gia đình. Chúng đều là thanh niên khỏe mạnh, nhưng thuộc vào diện bất trị ở địa phương, coi thường pháp luật, sống vô tổ chức, bố mẹ khuyên can cũng chẳng thèm nghe. Trong 3 "đại ca”, có một vị con nhà khá giả, đang học đại học mà theo mấy tay hư hỏng, nhập vào nhóm trộm cắp để có tiền ăn chơi, bị đuổi học. Tên anh ta là Thất. Còn hai thanh niên kia là Bá và Đĩnh, đều tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi trượt đại học, không chịu tu dưỡng nên đâm ra hư hỏng. Những ngày đầu vào trại, 3 tay này gằm ghè nhau, chờ cán bộ quản giáo vắng mặt là gây sự, có lần đánh lộn náo loạn cả phòng, bị viết bản kiểm điểm, bị phạt đào hố trồng cây 2 ngày bở cả hơi tai. Ở trong tù như bị trói chân tay, làm gì cũng xin phép cán bộ, đi đâu cũng có người giám sát từng bước, không thể tự do như khi ở ngoài. Đã là thân tù thì phải hiểu rõ điều ấy. Ban đêm bị điểm danh, phải tập trung học tập, sinh hoạt đúng giờ giấc, nhục như con chó bị xích. Cũng là con người như bao người khác thế mà mình phải chịu sự quản thúc của cơ quan pháp luật, là kẻ bị người khác chăn dắt. Ai từng ở tù mới thấm thía và xót xa khi quyền tự do cá nhân bị mất. Xã hội nào cũng thế, bên cạnh nhà trường còn có nhà tù, nếu không sẽ sinh loạn. Từ chỗ gằm ghè nhau, làm oai ban đầu, dần dần cả 3 tên: Thất, Bá, Đĩnh trở thành thân thiết. Chúng đều biết phải chấp hành tuyệt đối quy định của trại mới mong ra tù sớm. Cả 3 tên mãn hạn tù trước thời hạn, ra trại cùng một đợt với nhiều người khác. Khi ra khỏi cổng nhà tù, chúng kéo nhau đến một quán cóc ven đường ngồi uống nước, tâm sự và hẹn nhau đi lại sau này. Mỗi đứa có một tâm trạng buồn riêng. Không ai hiểu được nỗi đau sâu thẳm trong lòng chúng. Trong nhóm ấy, Thất lớn tuổi hơn. Khi gia đình đưa ô tô đến đón, Thất chia tay hai bạn và hẹn:
- Tớ sẽ liên lạc sau nhé.
Cứ ngỡ Thất chỉ nói xã giao vậy thôi. Xa nhau mỗi người một ngả, lại khác huyện, biết khi nào gặp lại? Mọi lời hứa ở đời có khi nào trọn vẹn cả đâu. Với lại, đi tù ra, có gì vui vẻ mà gặp nhau cơ chứ? Thất không đi học tiếp đại học. Gia đình cũng chấp nhận theo ý con. Với nguyện vọng của nó, bố mẹ đồng ý đầu tư vốn, mua một ô tô tải và mở cơ sở đại lý gỗ cho một nhà máy ván ép. Thất thuê một lái xe để hàng ngày vận chuyển gỗ. Lúc đại lý mới ra đời, dân trong xã đã tự khai thác gỗ bạch đàn mang đến bán tận nơi. Nếu chỉ như thế thì tiến độ làm ăn chậm chạp, mang tính cò con quá. Phải vươn ra các địa bàn xa hơn, cần thêm nhân lực thu gom sản phẩm. Muốn giàu thì phải táo bạo, có gan. Thất không quên hai anh bạn chí cốt là Bá và Đĩnh. Không biết chúng đã đi làm ăn đâu chưa? Thế là Thất gọi điện cho chúng. Nhận được tin, hai anh bạn vội vã tìm đến ngay. Thế là họ trở thành một ê kíp làm việc có sự phân công rất rõ ràng. Đã hiểu nhau qua mấy năm ở tù, họ biết chia xẻ vui buồn để bám lấy nghề, làm cho đại lý phát triển. Cứ khi Bá và Đĩnh liên hệ có gỗ là Thất cho ô tô đến vận chuyển. Trong quá trình phụ xe, Bá và Đĩnh được Thất nhờ tài xế kèm cặp học lái, rồi cho đi học thêm, thi đỗ bằng lái xe. Từ khi Bá Và Đĩnh tự lái xe được thì tài xế cũ hết hạn hợp đồng, rời khỏi đại lý. Các khoản lợi nhuận được phân chia rõ ràng nên anh nào cũng có thu nhập cao, đều chăm lo công việc. Bên ngoài nhìn vào, người ta cứ ngỡ họ là anh em ruột. Bố mẹ Thất vui lắm. Từ chỗ sống vô tổ chức mà Thất thay đổi tính một cách kỳ lạ. Chuyện đi tù đã làm cho cậu ta tỉnh giấc. Làm ăn có tiền, Thất càng hăng hái, biết lắng nghe ý kiến bố mẹ cũng như những người đi trước bày vẽ cách kinh doanh. Càng có tiền, Thất và hai bạn càng tiết kiệm để lo chuyện lâu dài. Mộng của Thất sẽ đi học tiếp đại học để trở thành chủ doanh nghiệp có bằng cấp đàng hoàng. Thất mua bạch đàn đưa về bóc vỏ tại đại lý. Nhiều gia đình trong xóm đến xin bóc vỏ đem về làm củi. Đại lý khỏi mất tiền thuê mà mọi người có củi đun, bên nào cũng lợi cả. Từ khi có đại lý này, rất nhiều hộ dân không mất tiền mua củi, ai cũng sướng. Có khi nhiều gỗ, Thất phải thuê thêm ô tô chuyên chở…
Có một lần, Thất bận ở nhà, giao cho Bá và Đĩnh vận chuyển gỗ. Khi xe đi qua đoạn đường vắng thì trời đã tối, bỗng xuất hiện 3 tên giả vờ say rượu chặn xe xin đểu. Cả 3 tên đều cởi trần, áo vắt vai, mũ phớt trụp che ngang mắt. Ai nhát gan mà trông thấy chúng thì hồn vía lên mây. Hai tên đứng chặn hai bên ca bin. Tên thứ 3 (chắc là đại ca) đứng trước mũi xe rọi đèn pin vào buồng lái, giọng đầy vẻ hách dịch:
- Cả hai đứa xuống để anh nói chuyện.
Bọn chúng thật đáng ghét. Nếu như trước đây thì ngán gì. Ba tên "tép riu” kia chỉ một mình Bá cũng "xơi” đẹp. Bá là tay "anh chị” một thời đánh lộn "lừng danh” khắp huyện và đi tù cũng vì tội đánh người gây thương tích. Hồi ấy, người ta từng gán cho Bá biệt hiệu: "Bá Cọp”, "Bá Chó” là vậy. Mấy nhóm tội phạm nghe đến "Bá Cọp” cũng kiêng dè. Có lẽ những tên kia chưa hề biết "oai danh” của Bá ngày xưa? Hay trời tối nên chúng không nhận ra vị " đại ca” này? Nhưng bây giờ khác rồi. Đã nhiều lần qua đây, sao hôm nay tự dưng lù lù nẩy ra mấy con chuột nhắt mà dám ra oai với hổ? Bá và Đĩnh mở ca bin bước xuống, tỏ ra không thèm chấp ba tên đứng khệnh khạng, tay xỏ túi quần, mặt vênh lên. Tên ban nãy lại cất giọng đàn anh:
- Biết điều thế là tốt. Bọn anh chỉ xin các "chú” ít tiền tiêu vặt, đang kẹt quá. Các "chú” nỡ lòng nào?
Một thằng đàn em phụ họa vẻ đắc thắng:
- Có thế chứ. Nên biết điều thì hơn.
Bá đáp lại, giọng tỉnh queo, có ý khinh thường:
- Bọn tao làm thuê, đếch có tiền?
Hai tên sấn gần lại có ý trấn áp đối phương. Bá và Đĩnh liếc mắt, tư thế chuẩn bị "chiến đấu”. Tên đàn anh xua tay ra hiệu đàn em bình tĩnh và nói cộc lốc:
- Nói cho mau, không có tiền thì để xe lại đó, về đem tiền đến mới được lấy xe, chả sao cả - Nói xong nó bật lửa châm thuốc. Thái độ của tên này rất láo toét. Hai thằng đàn em khoái chí, cười mỉm.
Qua ánh lửa, Đĩnh thấy hắn rất quen, đã từng gặp đâu đó? Đúng là hắn rồi. Đĩnh hỏi ngay:
- Có phải mày là thằng Sang không?
Tên kia giật mình, luống cuống suýt rơi bật lửa:
- Mày bảo gì?
Đĩnh nói:
- Đúng rồi, mày là thằng Sang, bạn của anh Thất.
Cái đứa có tên là Sang ấy ngớ ra:
- Thất ở trại tù… à?
- Không sai.
Nhắc đến Thất, tên Sang bối rối, xuống giọng ngay:
- Sao chúng mày biết anh Thất?
- Thì bọn tao cùng ở trại với anh Thất, bây giờ đang làm ở đại lý gỗ anh ấy. Gỗ và xe này của anh Thất, chúng mày thích thì cứ giữ, bọn tao về nói lại anh Thất…
Tên Sang buông lời như van xin:
- Khoan đã.
Chết cha rồi! Xui xẻo quá. Chả là hồi ở tù, Sang không ở chung phòng với Thất nhưng Sang được Thất cứu trong một lần bỏ trốn. Sang đang nấp trong bụi cây, bị cán bộ đi tuần phát hiện bắt lại. Giai đoạn đó Thất đã cải tạo tốt, được quản giáo "bí mật” giao nhiệm vụ quản lý anh em trong phòng và theo dõi những phạm nhân chậm tiến ở các phòng khác. Thật may, đúng lúc ấy, Thất đã đến kịp gặp cán bộ quản giáo nói dối là Sang đau bụng, đi tìm lá để nhai chứ không phải trốn trại. Thất còn cả quyết rằng: "Chính em bảo nó đi hái lá, em đang giám sát nó mà. Em cam đoan…”. Nhờ sự nói dối hợp lý của Thất mà Sang thoát tội. Nếu không, Sang khó mong được giảm án. Sang kính nể và coi Thất là ân nhân, sợ Thất một phép. Sang bị tù về tội phá hoại tài sản công dân, chống đối cán bộ địa phương. Khi ra tù, bị người yêu đã ăn hỏi bội tình chạy theo kẻ khác, Sang buồn ghê gớm. Nó xin xã đấu thầu một cái đầm nuôi cá để tu chí làm ăn. Nhưng khốn nỗi, xã ác cảm với nó từ trước nên không chấp nhận, họ bịa ra mọi lý do để từ chối thẳng thừng. Có một cán bộ trong ủy ban xã có lần đi bắt nhóm đánh bạc nhưng ỉm hết tiền, không nộp lên trên rồi lờ vụ đó luôn, không lập biên bản. Sang tố cáo với Bí thư xã nên vị ấy bị kiểm điểm, không cơ cấu lên chức được. Vị này đang làm trong Ủy ban thì gay rồi. Hồi đó, Sang còn trả thù một cán bộ thôn đã phê bình chuyện Sang hay bắt trộm cá ở đầm của dân ngoài đồng vào đêm khuya mà ông ta phát hiện được. Sang bị phạt tiền. Nó nuôi hận trong lòng nhưng im lặng chờ thời cơ. Sau đó ít lâu, cả vườn dưa hấu của ông cán bộ thôn bắt đầu ra quả đã bị kẻ gian nhổ hết gốc. Ông trưởng thôn nghĩ ngay đến thằng Sang. Công an xã triệu tập Sang lên điều tra thì anh ta gây sự, cãi vả, đấm vào mặt công an viên, làm cả Ủy ban nhốn nháo. Nhiều cán bộ xã thấy Sang là không ưa, đừng có mơ mà được quan tâm. Khổ thế đấy. Mong muốn đấu thầu đầm để nuôi cá không thành, xin đất trồng cây lâm nghiệp cũng không được, vậy là nó chán đời rủ thêm hai thằng bạn từng đi tù với nhau chặn đường xin đểu. Nó nghĩ: "Thân thằng tù là xấu rồi, có còn gì để mất nữa đâu, nếu có đi tù lần nữa cũng chẳng sao”. Muốn làm người tốt cũng khó thật. Giờ đây gặp hai đứa đang làm đại lý cho Thất, hắn ta đổi giọng:
- Chúng mày làm ở chỗ anh Thất lâu chưa?
- Hơn 2 năm rồi.
- Cho bọn tao theo về nhà anh Thất được không?
- Ô kê. Lên xe.
Ba tên phóc lên ngồi trên đống cây và giục cho xe chạy. Giờ này chả có cảnh sát giao thông đâu mà sợ. Chuyện đời có những bất ngờ thú vị. Ba tên vừa mới hung hăng là thế mà bây giờ lại ngoan ngoãn như học trò sợ thầy giáo. Lúc này sao trông chúng hiền hậu ghê? Té ra đã là con người thì cái thiện sẽ làm lu mờ cái ác khi cái thiện được đánh thức. Ai cũng muốm làm người lương thiện cả. Ngay kẻ điên, khi tỉnh cũng biết mình là Con Người cơ mà.
Một cuộc hội ngộ bất ngờ. Thất kéo cả bọn ra quán. Trong khi nhậu, Thất đột ngột hỏi:
- Chúng mày không có việc làm, hay không muốn làm việc?
Thằng Sang bộc bạch:
- Bọn em muốn làm việc lắm. Nhưng vốn đâu để mở nghề? Xin vào làm việc ở các công ty cũng khó, mình đi tù ra, ai nhận? Chán lắm…
Thất hỏi lại:
- Ba đứa biết những nghề gì?
- Dạ. Cả 3 đều biết nghề mộc. Hồi ở trại, bọn em được học nghề đó.
Thất suy nghĩ một tý rồi đập tay xuống bàn, reo lên:
- Hay quá! Tao sẽ mở thêm nghề mộc. Tao sẽ tính, rồi liên hệ ngay với chúng mày. Chấp nhận không?
Cả mấy tên đều bất ngờ. Chúng nhảy lên, vỗ tay như trẻ con. Thì ra, trong lòng chúng vẫn cháy lên những khát vọng đơn giản nhất của cuộc sống đời thường. Sự thèm khát có công ăn việc làm trong những con người đã từng phạm tội được khơi dậy. Những điểm sáng trong tâm hồn chúng bùng lên. Đó là những người cần được xã hội yêu thương, thông cảm, dìu dắt, vì không ít kẻ cứ săm soi vào tỳ vết của người khác rồi tỏ ra ác cảm, coi thường họ. Cuộc sống còn dài, ai biết quả dưa mấy hạt mà vội khinh rẻ nhau? Trong lòng những phạm nhân đã hoàn lương vẫn có ước mơ, khao khát như bao người khác, vì họ cũng là Con Người mà. Cả ba tên cùng nói:
- Đồng ý. Có thật không anh?
Thất tuyên bố:
- Thế là ổn. Cứ về đi, chờ tao gọi...
Sau một thời gian thu xếp xong chỗ làm mộc, Thất liên hệ ngay với mấy tên này. Chúng có mặt nhanh chóng như nhận lệnh triệu tập của cấp có thẩm quyền. Thế là "Hội bạn tù” bây giờ có 6 thành viên, chia thành hai bộ phận. 3 thành viên mới đến, chuyên làm mộc. Trước mắt, chúng chỉ đóng một số đồ gia dụng như tủ, bàn ghế ngồi ăn cơm, đóng cửa cho các nhà thầu làm nhà trụ sở tập thể…Thất còn cho chúng đóng một số hàng làm mẫu để câu khách như: Bàn ghế sa lông, tủ chè kiểu mới. Nếu chưa có ai mua thì Thất để dùng tại nhà. Gỗ đóng các đồ dùng đó không phải loại quý hiếm nên giá rất rẻ nhưng mẫu mã đẹp. Nào ngờ, khi tủ, bàn ghế đóng xong, dân trong làng đến xem là ưng ý, nhiều người sướng quá, đặt hàng luôn. Thì ra, 3 tên này rất khéo tay. Các bí quyết nghề mộc chúng đều rành rọt. Kể cả tủ thờ có chạm trổ cầu kỳ "Song long chầu nguyệt” theo ý khách, chúng cũng làm sắc sảo chẳng thua kém thợ nhà nòi. Nhiều người còn nhận xét: "Hàng ở đây mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ hơn nhiều nơi khác”. Làm nghề mà có lời khen như vậy thì còn gì bằng? Thế là 3 tên làm mộc lên hương, công việc không ngơi tay. Khách đặt hàng rất đông. Sang gợi ý cho Thất kéo thêm hai thằng bạn hồi trước cùng học nghề mộc ở trại. Nghe nói hai tên đó đã đi làm cho một doanh nghiệp nhưng không đúng nghề, lương lại thấp. Thất vui lắm, có thêm thợ càng làm nhiều hàng cho khách. Nhận được lời mời của Sang, phải hơn một tuần sau, hai anh chàng kia mới có mặt. Trước khi về nhập Hội, hai tên này còn phân vân, nghi ngờ, không biết ông chủ sẽ trả công như thế nào, có nơi ở không? Chả là hai anh chàng ở khác tỉnh. Khi đến cơ sở, nghe Thất nói rõ quy định làm việc cũng như chế độ tiền công, có chỗ ở, hai tên mừng vô cùng. Làm ở đây mỗi tháng thu nhập gấp đôi tiền công ở nơi chúng vừa cắt hợp đồng. Với lại anh em làm ở đây đều cùng hội cùng thuyền nên tư tưởng thoải mái vô cùng. Thế là cơ sở của Thất sôi động hẳn lên. Đây là giai đoạn Thất đang theo học lớp đại học kinh tế tại chức do một trường Đại học mở tại tỉnh. Anh chàng này cũng còn máu học hành để có trình độ thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn. Việc hàng ngày đã có mấy thằng bạn chăm lo, Thất rất yên tâm.
Lại có một chuyện buồn xảy ra. Hôm ấy, Thất thuê hai ô tô chở ba cái tủ đứng, 2 bộ bàn ghế sa long giao cho khách ở xa. Đây là loại hàng xịn, gỗ hương và gỗ cẩm lai của khách đưa đến đóng. Giữa ban ngày ban mặt mà có mấy thằng "đầu gấu” chặn đường, bắt cống nộp bộ bàn ghế Sa long gỗ hương. Mấy anh em không chịu, thế là bọn chúng dùng hung khí "tấn công” luôn. Sang bị một mũi dao đâm vào bụng khá nặng. Còn mấy anh em đều bị thương. Kính xe bị chúng dùng côn đập vỡ. Khi công an đến thì bọn chúng đã tẩu thoát, còn lấy đi bộ bàn ghế sa long. Thì ra, bọn này đã thuê hẳn một chiếc ô tô của đàn em để đi trộm đồ. Theo lời trình bày của mấy anh em cũng như người dân có mặt tại hiện trường, công an xác định thủ phạm không khó. Bọn chúng đều bị bắt ngay đêm ấy. Tay "đầu gấu” của nhóm này tên là Ích, đã hai lần đi tù về. Còn mấy tên khác cũng đã từng có tiền án. Công an đã thu bộ bàn ghế sa long trả lại cho chủ. Cơ quan điều tra hoàn thiện hồ sơ về mấy tên tội phạm, chuyển cho tòa án xét xử. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, tên Ích bị truy tố hai tội: " Cầm đầu nhóm cướp tài sản” và "cố ý gây thương tích”, tù 3 năm, còn mấy tên kia mỗi đứa trọn một năm rưỡi. Nghe xong cáo trạng, Thất đứng lên đề nghị Tòa giảm khung hình phạt 3 năm xuống 1 năm cho tên Ích, đồng thời không bắt bồi thường mấy cái kính ô tô bị bọn chúng đập vỡ. Thất làm sẵn ở nhà một tờ đơn gửi Hội đồng xét xử ngay sau lời đề nghị. Tay Sang đã ra viện, cũng có mặt tại tòa theo giấy triệu tập. Nó cũng nói theo giọng của Thất. Cả Hội đồng xét xử và mọi người có mặt hôm đó đều ngỡ ngàng. Tên Ích nhìn về phía Thất. Hắn ta bối rối. Đây là trường hợp ít gặp, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân rất lưu ý đến đề nghị có giá trị bảo lãnh của bên bị hại. Hội đồng nghị án và ra quyết định: Ích bị phạt tù 2 năm. Nhờ đơn đề nghị của bên bị hại được Hội đồng xét xử xem xét nên tên Ích được giảm hẳn 1 năm tù so với cáo trạng của Viện kiểm sát. Hình như tên Ích đang xúc động trước một người bị hại có hành động cao thượng? Hắn trở thành kẻ đáng thương trong mắt mọi người, nhất là với những người bị hắn ra tay gây họa đang ngồi ở hàng ghế đối diện kia. Khi công an áp giải đi, tên Ích cúi đầu, nó còn kịp ngoái lại nhìn Thất và Sang như muốn nói một điều gì đó.
Ích và đồng bọn vào tù mà lương tâm cứ bứt rứt, ám ảnh về phiên tòa! Trong cuộc đời trộm cướp, đây là lần đầu tiên hắn ta phải chịu ơn người mà hắn gây hại. Oái oăm thật. Ích không hề biết những người ấy cũng từng đi tù về, đã có thời cùng hoàn cảnh như hắn.
Lần vào tù này, tên Ích có nhiều tâm trạng. Hắn ta không cứng đầu cứng cổ như hai lần trước, mà một hai: "thưa cán bộ”, "dạ, em nghe lời cán bộ”. Chính những quản giáo đã từng quản lý Ích trước đây cũng bất ngờ về thái độ tên này. Ở trong trại giam, hắn ta không đánh lộn, cà khịa với phạm nhân như trước. Trái lại, tên nào bắt nạt kẻ mới đến là hắn ta cấm tiệt. Thế là hắn ta được bạn tù yêu mến. Có một cán bộ quản giáo cảm tình trước thái độ hối cải của Ích nên đã nói cho nó biết về nhân thân của những người mà nó chặn đánh vừa rồi. Cán bộ quản giáo muốn gián tiếp giáo dục Ích trở thành người lương thiện. Nghe chuyện ấy, Ích suy nghĩ rất nhiều. Hắn ân hận. Hắn quyết định viết cho Thất một bức thư bộc bạch nỗi lòng. Thất quá bất ngờ khi đọc những dòng tạ tội của Ích…
*
* *
Toán phạm nhân đang làm cỏ vườn ươm của trại thì có cán bộ quản giáo đến nói với anh công an giám sát:
- Cho phạm nhân Ích về gặp người nhà đến thăm.
Khi nghe cán bộ báo tin, tên Ích không hề phấn khởi vì nó không tin. Hôm nay không phải ngày người nhà vào thăm, với lại bố mẹ già, lại ở xa làm sao đến được? Trước đây, mấy khi Ích có người nhà đến thăm? Họ hàng thân thích hầu như cạch mặt cái thằng tù tội này rồi. Bố mẹ thì già nên không đến thăm được. Hay có chuyện rắc rối gì mà công an muốn tìm hiểu thêm nữa đây? Ích chần chừ không chịu đi. Anh công an phải nói như ra lệnh:
- Phạm nhân Ích được phép gặp người nhà. Đi…
Ích theo anh công an về trại. Ích vừa bước vào thì Thất đứng lên, mỉm cười và gật đầu chào, thái độ thân mật. Ích cảm động ra mặt. Với nó, đây là chuyện lạ. Thất mang theo rất nhiều quà để Ích san sẻ cho bạn tù cùng phòng. Hai đứa tâm sự gì với nhau không ai được rõ. Chỉ biết khi chúng chia tay, Ích có hẹn:
- Tớ sẽ gặp lại cậu...
Mới vào trại một năm mà sao thời gian như dài quá. Kiếp đi tù thật là khốn nạn cái thân. Nếu biết thế này thì dại gì phạm tội hết lần này đến lần khác? Nhưng chuyện đã rồi biết kêu ai? Có một hôm xem chương trình Truyền hình của tỉnh giao lưu với những người làm ăn giỏi, Ích giật mình thấy Thất là khách mời của cuộc nói chuyện. Ở trên Truyền hình, Thất chỉ nói đến việc đầu tư làm ăn, mở mang doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên hai mươi người đã từng lầm lỗi... Ích thấy mừng trong bụng. Chả là khi đến thăm, Thất có nói: Khi ra trại, nếu Ích về làm với Doanh nghiệp thì Thất sẵn sàng đón nhận.
Đúng hai năm, Ích hết hạn tù. Hắn không về nhà ngay mà tìm về với Thất. Thế là Ích làm ở Công ty của Thất ngay khi ra trại, vài ngày sau mới về nhà gặp bố mẹ để nói rõ chuyện đã có công ăn việc làm. Lần này, tâm tính Ích thay đổi hẳn. Họ kết nghĩa anh em. Ích lớn tuổi hơn nên làm anh của Thất. Hội bạn tù đoàn kết, thương yêu tôn trọng nhau. Có lẽ cùng trượt ngã trên đường đời nên đứa nào cũng biết giữ mình. Công ty của Thất ngày càng phát đạt, có rất nhiều hợp đồng đóng đồ gỗ của đủ các đối tượng khách. Từ chỗ 3 thành viên ban đầu, bây giờ Công ty có gần 30 công nhân đã từng đi tù ra. Tay Ích làm việc có uy tín, được anh em bầu làm Phó giám đốc Công ty. Thất làm mối cho Ích lấy bà chị họ và mua đất làm nhà ở gần Công ty. Bây giờ Ích chững chạc, trở thành người khác hẳn ngày trước. Còn Thất trở thành một doanh nhân làm ăn giỏi của tỉnh, được chọn đi báo cáo thành tích ở Trung ương. Có một số nhà báo biết về quá khứ của chủ Doanh nghiệp này nên muốn tìm hiểu để đưa lên thông tin đại chúng biểu dương, khích lệ. Thất ngại, không chịu tiết lộ thông tin cá nhân. Được mọi người động viên, nhất là mấy anh em trong Công ty nên Thất chấp nhận nói hết về thân phận của mình cho nhà báo biết. Khi bí mật đời tư của ông chủ "Hội bạn tù” và các thành viên của Hội được công bố rộng rãi thì nhất định sẽ có nhiều chi tiết bất ngờ và thú vị hơn câu chuyện vừa kể…
Cái "Hội bạn tù” – Hội của những người hoàn lương- thế là cũng có ngày nở mặt nở mày với thiên hạ. Dân gian có câu:" Cuốc kêu chi dạ thêm sầu. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Có qua cầu mới biết đường đời muôn nỗi gian truân, không hề bằng phẳng chút nào.Vấp ngã xong, đau đớn đấy, nhưng cứ đứng lên, bước xuyên qua nỗi đau, giống như đi đường đừng nhè chỗ trơn mà xía chân vào, thế mới là bản lĩnh, khôn ngoan. Ai chưa vấp ngã mà tránh được vết trượt trong cuộc đời, đó là người giỏi. Hãy tin như thế…
LNH