TỪDINH XƯA XIN KỂ VỚI MAI SAU…Lê Đức Dục
Đền thờ Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ khánh thành hôm 11-10-2022
Gần hai tháng trước, khi về Triệu Giang dự lễ khánh thành đền thờ quan Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ, một đền thờ uy nghi trang trọng được dựng lên từ chính tấm lòng biết ơn tiền nhân. Gần 5 thế kỷ trôi qua, câu chuyện và buổi đầu dựng nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chỉ được quan tâm bằng một hội thảo cấp quốc gia ở Thanh Hóa vào tháng 10 năm 2008 nhân 450 năm mở cõi (1558-2008) .
5 năm sau hội thảo cấp quốc gia ấy, năm 2013 một hội thảo riêng về các Chúa Nguyễn và vùng đất Quảng Trị được tổ chức tại Triệu Phong…Rất nhiều đề xuất kiến nghị về một khu lưu niệm buổi đầu khởi nghiệp được trình lên cấp này cấp kia, nhưng rốt cuộc, ngôi đền thờ đầu tiên của một vị khai quốc công thần của Nhà Nguyễn lại được dựng lên từ tấm lòng con dân tha thiết với công đức tiền nhân ! Vì thế, trong câu chuyện đền thờ quan Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ, chúng tôi nhìn ra một thông điệp khác, thông điệp của lòng dân!
Dấu tích và quên lãng
Khi Chúa Nguyễn Hoàng cất bước ra đi mưu nghiệp lớn, cương vực đất nước rộng mở về phương Nam để rồi cõi trời Nam liền một dãi từ Lạng Sơn đến Cà Mau dưới thời vua Gia Long-Nguyễn Ánh (1802) , cho đến hôm nay trải bao nhiêu dâu bể phân tranh, bao thăng trầm lịch sử, trên miền đất Nguyễn Hoàng chọn làm "kinh đô” khởi nghiệp ấy chỉ còn lại những địa danh, còn thì dấu tích đã tuyệt mù theo cát bụi
Dinh Cát- Ái Tử, dinh Trà Bát, bãi Sa Khư, chùa Liểu Ba, miếu Trảo Trảo,bến Gành…, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Kính Điển, Nguyễn Phúc Nguyên…Những tên đất, tên người buổi đầu mở cõi ấy , không gắn với một vùng đất phồn hoa đô hội nào của đất nước này mà lại chứa chan với vùng quê Quảng Trị tơi bời gió cát. Công lao của Nguyễn Hoàng giờ đây đã được nhìn nhận, sử cũ đã nhắc nhiều, vì thế chúng tôi không dám nói thêm.Chỉ mong ước tìm về miền thủ phủ xưa để may ra tìm thấy những vết tích ghi dấu buổi đầu chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi…
Nhiều tư liệu lưu đến bây giờ cho thấy dưới thời Nguyễn Hoàng đóng thủ phủ ở miền Quảng Trị, cảng Cửa Việt đã từng sầm uất đô hội. Ngay từ thời đó đã thiết lập thư từ bang giao buôn bán với Nhật Bản…Vết tích trên bến dưới thuyền một thời vang bóng vẫn còn lưu dấu, những gạch đá xây thành vẫn im lặng nhắc nhở, cả pho tượng đồng nguyên vẹn chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -cậu ruột Nguyễn Hoàng .Hoá ra vẫn còn rất nhiều dấu vết của Nguyễn Hoàng nơi làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong -xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát
Thái phó Nguyễn Ư Dĩ –tước Uy Quốc công, là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ khi mới 2 tuổi khi Nguyễn Kim (thân phụ Nguyễn Hoàng) lánh nạn sang Lào. Chăm lo cho người cháu, thấy Nguyễn Hoàng "tướng mạo khôi ngô,vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh tài trí, kẻ thức giả đều biết đấy là bậc phi thường” nên Nguyễn Ư Dĩ đã đem việc kiến công lập nghiệp khuyến khích cháu.
Chính Nguyễn Ư Dĩ cũng là người đã thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử. Ngôi chùa thờ Nguyễn Ư Dĩ có tên là Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông-Miếu Bông).Hiếm có một công thần nào lại được dân cúng giỗ quanh năm như Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Phong tục dân làng mỗi năm đều giỗ quan Thái phó vào các ngày rằm tháng 2, tháng 6, tháng 8 và ngày Tết. Pho tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, được đặt tại chùa.Năm 1972 chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng pho tượng vẫn nguyên vẹn. Ngày hòa bình trên nền chùa cũ, dân làng dựng lại một nếp chùa đơn sơ để đặt tượng thờ.Tuy nhiên năm 1989 kẻ gian đã đánh cắp pho tượng đồng quý giá này.Theo lời một bô lão, khi pho tượng bị mất, cả làng đã đổ ra tìm kiếm. Do tượng quá nặng, kẻ cắp đã mang pho tượng xuống vì trên bãi cát ven sông Thạch Hãn gần làng.Khi cả làng dùng thuốn sắt đi dò dọc triền sông thì phát hiện tượng đang còn bị chôn vùi dưới cát, dân đã không để tượng ở chùa Liểu Bông cũ mà mang về cạnh đình làng rồi xây một cái am nhỏ nhưng kiên cố có bọc bê tông cốt thép để bảo vệ tượng.
Mười lăm năm trước, khi đi tìm dấu tích chùa Liễu Bông, ngôi chùa được dựng nên thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng buổi đầu dựng nghiệp đã hoàn toàn mất dấu, trên nền chùa xưa một dòng họ khác ở trong làng đã xây một khu lăng mộ nguy nga đồ sộ trên chính nền chùa cũ. Đau xót hơn khi chúng tôi tìm thấy quanh khu lăng mộ những phiến đá ôm lót chân cột chùa để nằm lăn lóc dãi dầu mưa nắng. Những phiến đá chứng nhân của hơn bốn thế kỷ còn bị đối xử như vậy thảo nào bao nhiêu dấu tích buổi tiền nhân khởi nghiệp cũng dần biến mất.
Không xa nền cũ ngôi chùa Liểu Bông là khu vực được coi là các vòng thành của dinh Trà Bát xưa.Một gò đất cao ráo, còn vương lại những phiến đá sa thạch to rộng và vô số gạch vụn đỏ au lẫn trên nền đất cũ.
Một trong những điều đặc biệt của các chúa Nguyễn là khi tiến về phương Nam mở mang cương vực hầu hết đều chọn xây dựng lỵ sở trên những vùng đất mà người Chàm đã từng sinh sống, thờ tự. (Trong số 10 "bảo vật quốc gia” ở Quảng Trị thì Trà Bát cống hiến 3 bảo vật, ngoài pho tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được đánh giá là "độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không đâu có được” còn có hai tấm phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và Trà Liên 2, dấu tích kiến trúc Chăm điển hình có từ nửa cuối thế kỷ thứ 9 và nửa cuối thế kỷ thứ 10 được tìm thấy tại Trà Liên này.)
Trước khi chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước ngoài để có một cảng thị Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên này với quảng đường từ Cửa Việt lên đây chưa đầy chục cây số đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ.Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, một nhà Quảng Trị học rất uy tín trong bài nghiên cứu "Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi (1558-1626)” đăng trên tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số xuân Tân Mùi 1991 (trang 100-104) đã công bố nhiều tư liệu về tầm vóc của vùng cảng Cửa Việt và dinh Trà Bát này. Những tư liệu của linh mục Ngọc dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo của thế kỷ 16-17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha , Nhật Bản, Áo Môn (tức Ma Cao-bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc địa của người Bồ) đã đến đây chào "quan Tổng trấn” (tức Nguyễn Hoàng và sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào năm 1585.
Chốn nào lưu bóng tiền nhân?
Dấu ấn công lao của các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị không chỉ ở Ái Tử, Trà Bát, Cửa Việt..Bây giờ đi ngược lên miền Tây huyện Gio Linh, nơi những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn, đặc biệt với hệ thống giếng cổ độc đáo được xếp hạng di tích quốc gia, ít ai biết miền đất ấy đã được Nguyễn Hoàng mở mang bằng việc đưa các tù binh nhà Mạc lên đấy khai khẩn, lập nên làng xóm.(Sau này cũng với chính sách ấy ông đã đưa tù binh nhà Trịnh vào khai phá các vùng đất mới từ Quảng Ngãi vào đến Phú Yên ngày nay).
Hay giờ đây cái tên Lao Bảo trở nên nỗi tiếng là đầu cầu của hành lang kinh tế Đông-Tây nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là cửa ngõ đường xuyên Á, một khu kinh tế đặc biệt trên biên giới Việt Lào, nhưng ít ai biết vào năm Nhâm Tuất (1622) chính Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đã lập nên dinh trấn Ai Lao này để canh phòng sự cướp bóc nơi biên thùy, tạo sự thông thương buôn bán với các bộ lạc Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Lào) -khi ấy thủ phủ vẫn ở làng Trà Bát.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng tìm hiểu về triều Nguyễn mà thiếu đi chặng đường khởi nghiệp ở Quảng Trị là một sự thiếu hụt đáng tiếc. Nhưng Quảng Trị, trải qua mấy chục năm binh lửa đạn bom dấu vết di tích đã không còn được bao nhiêu.Bom đạn phá một phần, những nhìn nhận thiếu khách quan về nhà Nguyễn suốt mấy chục năm qua , sự vô tâm của con người cũng góp phần xóa đi phần ít ỏi dấu tích còn lại. Trong một lần làm việc với lãnh đạo huyện Triệu Phong chúng tôi được biết huyện Triệu Phong cũng mong muốn tôn tạo, trưng bày những dấu vết của thủ phủ Ái Tử, dinh trấn Trà Bát nhưng cũng chỉ mới ước mong vậy thôi,chưa có gì khởi động. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì gợi ý rằng khó có thể phục dựng tất cả, bởi đó là công việc đòi hỏi nhiều kinh phí và tốn kém, nhưng có một cách làm khác là thu nhỏ những di tích ấy bằng những mô hình với tỷ lệ nhỏ hơn, và tập trung tất cả những mô hình ấy vào một khu vực . Nhiều người mơ ước trên những dấu tích buổi đầu mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng sẽ được phục dựng một bảo tàng sinh động với những chứng tích quý giá đang ngày càng bị mai một trước thời gian, ở đó có dáng vóc mô hình dinh xưa , có dáng hình cảng cũ (mà chắc chắn trong các thư viện quốc tế, các thư tịch của các nhà buôn, linh mục ..phương Tây sẽ còn ít nhiều tư liệu kể về miền đất này) .
Một bảo tàng ghi dấu "thời mở cõi- dựng nghiệp” chắc chắn sẽ giúp cho người ta , nhất là những thế hệ sau này của chính miền đất này hình dung được lịch sử khai mở Đàng Trong đã bắt đầu từ miền đất Ái Tử như thế nào. Và trong khi chờ đợi những công trình tầm vóc ấy, thì ngôi đền thờ quan Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ chính là câu chuyện có tính khởi đầu có tính khai mở cho một mối quan tâm vẫn chưa tìm ra lời giải..
Bức tượng đồng quý giá của quan Thái Phó , công nhận "bảo vật quốc gia” được thỉnh về đền thờ .
LĐD