CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên ngắn Đào Trường San

CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên  ngắn  Đào Trường  San
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
03/08/2018 | 10:09

CUỘC CHIẾN CÒN LẠI –Truyện ngắn Đào Trường San

Một năm, kể từ khi chiến tranh kết thúc, Tuấn mới được phục viên. Vậy là sau mười lăm năm quân ngũ, Tuấn từ giã cuộc đời " quen với gian lao” trở về hậu cứ, về lại với những ngày chân lấm, tay bùn, quen với ruộng nương. Trong Tuấn buồn vui lẫn lộn nhưng vui nhiều hơn. Anh sẽ về với người vợ trẻ mà anh cưới được mấy ngày thì phải chia tay. Từ đó đến nay, hai vợ chồng Tuấn sống với nhau qua những trang thư viết vội, lúc có, lúc không.

Cũng còn không bao lâu nữa là Tết. Cái không khí chuẩn bị Tết dường như bắt đầu lãng vãng đâu đó. Một vài nơi, người ta sơn sửa, trang trí lại cửa hàng. Không khí vẻ khẩn trương hơn mọi khi.Tuấn lang thang quanh mấy khu chợ Sài Gòn tìm mua những đồ dùng mang về làm quà cho người thân. Hàng hóa thì nhiều nhưng Tuấn cứ lóng ngóng, chẳng biết mua thứ gì. Anh cầm từng món đồ lên xem rồi đặt xuống. Nhiều thứ đẹp mê hồn, Tuấn muốn mua lắm nhưng không đủ tiền đành tiếc nuối. Loay hoay một hồi Tuấn cũng mua được vài ba thứ áo quần, khăn, túi, toàn là những thứ lặt vặt. Nghe nói ngoài miền Bắc lúc này chuộng mấy con búp bê nhựa, Tuấn phải mua một con cho đứa cháu. Anh bước vào một cửa hàng chưng đầy những con búp bê bắt mắt. Con búp bê nào cũng đẹp, mỗi con, mỗi vẻ đẹp khác nhau làm anh bối rối. Cô chủ quán nhìn sự lúng túng của Tuấn, bèn hỏi:

-Anh mua búp bê cho cháu trai hay gái?

-Dạ cho cháu gái.

-Thế thì anh nên lấy con này, nó rất dễ thương. Vừa nói, cô chủ quán vừa lấy con búp bê ở gần đó đưa cho Tuấn.

-Con đó bao nhiêu tiền hả chị?

-Mười lăm đồng.

-Chị có bớt chút đỉnh được không?

-Tôi bớt cho anh ba đồng, bán mở hàng, chủ yếu là lấy cái hên của anh, chứ lúc khác, con búp bê này, tôi không bán giá đó.

Tuấn mở ví ra, lấy mười hai đồng, đưa cho chị chủ quán rồi mang con búp bê đi. Vậy là quà cáp coi như ổn.

Chiếc xe đò chạy suốt từ Sài Gòn ra Vinh, dừng lại phía Bắc sông Gianh. Xe bốn lăm chỗ ngồi nhưng người ta cố nhét gần một trăm hành khách, thành ra ngồi chật như nêm. Thời buổi phương tiện khó khăn, được đi là may lắm rồi, chẳng ai than thở. Trời chạng vạng tối. Tuấn vội vàng xuống xe, đi về phía Tây. Từ đây về nhà Tuấn còn khoảng hai cây số nhưng chẳng có phương tiện nào để đi, đành phải cuốc bộ. Cảnh làng quê thân thuộc hiện dần ra trước mắt, làm Tuấn lâng lâng cảm xúc, thúc dục bước chân của anh đi nhanh hơn. Những ngọn gió tinh lọc, thổi từ mé sông lên, mát rượi. Chiếc cổng làng kia rồi, hàng tre xanh kia rồi, những nét thân quen dường như quấn quít bên anh. Mấy đứa trẻ trong làng, nhìn thấy Tuấn reo lên:

-Chú Tuấn về, chú Tuấn về. Vừa hét, chúng vừa chạy, vài ba đứa chạy thẳng vào nhà Tuấn gọi lớn:

-Cô Hoa ơi, cô Hoa ơi.. chú Tuấn về.

Từ trong nhà, bố mẹ Tuấn và cả Hoa vội vàng chạy ra. Họ vô cùng mừng rỡ khi nhìn thấy Tuấn đã vào đến giữa sân. Một niềm vui quá bất ngờ làm họ quýnh quáng cả lên, chỉ biết đứng nhìn ra, cười sung sướng. Bà con, lối xóm nghe tin cũng kéo đến chia vui đầy cả nhà. Không thể tả hết cảnh vui mừng của ngày đoàn tụ. Chuyện hỏi thăm cứ tíu ta, tíu tít, chẳng kịp trả lời.

Hoa vợ Tuấn thì khỏi nói. Nhìn bộ dạng như gà mắc tóc, chạy lăng xăng, lên xuống bưng bê nước, mời mọc của Hoa cũng đủ cảm nhận cô ấy vui biết chừng nào. Có ai đó lên tiếng:

-Hôm nay con Hoa vui nhất

-Thì khỏi nói, người ta chờ đợi mỏi mòn mười mấy năm nay, giọng của một người đàn ông, coi chừng đêm nay có trận động đất lớn… Nghe vậy, Hoa chạy đến, ấn nhẹ tay vào vai của người vừa nói trách khóe:

-Chú thiệt tình…, Nói rồi, Hoa chạy nhanh xuống bếp, sợ nghe thêm những lời trêu ghẹo khác. Trong nhà, chuyện cứ râm ran, nổ đều như bắp rang.

***

Không khí đầu mùa Thu thật dễ chịu. Từng cơn gió từ bờ sông thổi lên, mang theo hơi mát, như vuốt ve, như quấn qúit bên người. Ngoài vườn, những bông cà tím ngắt, khẽ đung đưa, báo hiệu một mùa cà tươi tốt. Từng tốp chuồn chuồn bay thâm thấp, gợi nhớ những cơn mưa rào chợt đến.

Trong nhà, Hoa chuyển dạ, kêu đau bụng. Tuấn vội vàng đưa Hoa vào bệnh viện huyện để chờ sinh. Bác sỹ khám bệnh cho biết, Hoa sẽ sinh trong đêm. Bệnh viện đưa Hoa vào nằm trong phòng chờ. Phòng Hoa nằm hiện có bốn cô. Cô nào cũng cái bụng chang bang, đi đứng nặng nề, lạch bạch, mỏi mệt. Một hai cô vẻ mặt căng thẳng, lần đầu tiên vượt cạn nên hồi hộp. Riêng Hoa, cô cảm thấy bình thường, chẳng thể hiện một chút lo lắng nào.

Đêm ở bệnh viện thật vắng. Mọi thứ như chìm vào một thế giới riêng biệt của những người bệnh. Trong phòng đợi chỉ có hai bóng đèn típ đủ sáng cho người ta theo dỏi và đi lại. Hầu như ai cũng tranh thủ nghỉ ngơi, ít trò chuyện vào ban đêm. Các phòng bệnh, ban ngày, nhìn vẻ san san nhau, ban đêm cứ hun hút, y như tách biệt.

Đúng mười hai giờ, Hoa trở dạ và được bác sỹ đưa vào phòng sinh. Mọi chuyện diễn ra êm thấm. Hoa sinh được một thằng nhóc bụ bẫm. Người sung sướng nhất có lẽ là Tuấn. Khi biết tin, anh ta cứ nhảy cẫng lên như trẻ con. Tuấn chạy ra quán ở đầu xóm mua ngay mấy chai bia về ăn mừng. Tuấn nói, phải đặt tên cho con là Thắng. Cái tên này anh đã nghĩ ra từ khi vợ mới mang thai. Thắng có nghĩa là chiến thắng. Chiến thắng được trở về và chiến thắng sinh được con trai. Cả nhà Tuấn ai cũng vui, giống hệt như anh.

Cu Thắng được cả nhà chăm sóc, lớn rất nhanh, có điều đã hơn một năm rồi nhưng vẫn chưa biết đi. Đến khi được ba tuổi, cu Thắng đổ bệnh, người nó bắt đầu teo tóp lại, nom tội nghiệp. Tuấn và Hoa lo lắng đưa con đi hết bệnh viện huyện rồi lên bệnh viện tỉnh khám, điều trị nhưng không có kết quả. Càng ngày, bệnh tình của đứa con càng thêm trầm trọng. Thằng bé gầy và yếu đi trông thấy. Giờ thì nó nằm một chỗ, người co quắc, nhìn thảm thương. Hai vợ chồng buồn thúi ruột và rồi họ cũng phải quen dần với số phận của đứa con.

Hoa lại mang bầu. Hy vọng của hai vợ chồng Tuấn lại đặt vào cái thai mới. Lần này Hoa cũng sinh được thằng con trai kháu khỉnh. Thằng bé giống Tuấn như đúc.

Cũng giống như đứa trước, khi mới sinh ra thằng bé lớn nhanh, không một biểu hiện bất thường nào. Nhưng khi được gần ba tuổi tự nhiên thằng bé ngả bệnh, ốm ngặt nghèo, người khô dần. Cả nhà dồn sức chạy chữa nhưng bất lực. Tiền của đổ vào chẳng thấm tháp gì, bệnh tình của con càng trầm trọng, nỗi buồn cứ ngày một lớn dần lên. Giờ thì nỗi buồn giống y như quả núi chụp xuống đầu của họ.

Tuấn chán nản, đâm ra nhậu nhẹt. Không ngày nào Tuấn không uống rượu. Có bạn cũng uống mà không có bạn cũng uống. Tuấn chỉ biết trên đời này chỉ còn lại anh và rượu. Cái tệ hại nhất của rượu là làm cho người ta u mê, dẫn dắt Tuấn đi vào ngõ cụt, không thoát ra được. Nhiều lúc Tuấn uống đến say mèn, ngồi xuống, đứng lên không vững. Người ta thấy Tuấn khệnh khạng lê những bước chân không còn tự chủ được về nhà. Mỗi lần như thế, cố gắng lắm Tuấn mới mò được lên giường, nằm bịch xuống y như một khúc chuối, mất hết sinh khí. Căn nhà trống toang hoác chỉ còn lại một mình anh cùng nỗi buồn xâm lấn, không thể giải tỏa cùng ai.

Khi Tuấn vừa mới phục viên, địa phương có ý bố trí cho anh một việc làm thích hợp, khổ nỗi Tuấn văn hóa thấp, không thể bố trí vào đâu, dành chịu. Cũng không ngờ cuộc đời của Tuấn sau chiến tranh lại bi thảm như vậy. Tuấn trách cho số phận không may mắn của mình và lao vào con đường nghiện ngập.

Mặt trời vừa nhô lên được khoảng hai con sào. Ánh nắng mùa hạ bắt đầu chói chang, báo hiệu một ngày nóng bỏng. Trong một quán nhỏ phía đầu làng, Tuấn ngồi uống rượu chay với hai người bạn cùng xóm. Hai người này cũng thuộc loại sâu rượu như Tuấn. Ngày nào không có rượu là họ thấy bứt rứt, khó chịu. Phải cho vào trong bụng một chút cay cay thì họ mới yên tâm, chứ không, đời nào họ chịu về nhà. Uống được vài ly, Tuấn giải bày tâm sự:

-Tao số ruồi bâu, đi chiến trường vất vả chán chê, giờ về cuộc sống chẳng đâu vào đâu, không biết đến khi nào hết khổ.

-Này, ông có muốn đi xem vận may không?, một bạn rượu hỏi.

-Nhưng coi ở đâu, Tuấn hỏi lại, chỗ đi xem có tin tưởng được không, hay toàn kẻ nói tào lao?

-Thì cứ đi rồi ông sẽ biết, ông thầy hay lắm, khối người đến nhờ ông ta xem.

-Thế thì mai đi luôn nhé.

-Từ từ, giờ tôi mời ông một chum đã, nào dô, dô… à, mà nếu mai đi, thì cũng phải đi thật sớm chứ đi muộn, không coi được đâu, đông lắm!

Họ uống với nhau cho đến khi trong can không còn một giọt rượu. Họ khệnh khạng chia tay nhau giống y như những con ma bị nhốt trong địa ngục, hồn bay thất lạc.

Ông thầy bói cỡ trên năm mươi tuổi, có khôn mặt khác thường. hai cằm bạnh ra hình vuông, trán cao, lông mày rậm, hai con mắt nhìn sắc lẹm. Người có bộ mặt như thế cũng hiếm, rất hợp với nghề lừa phỉn thiên hạ, nhất là với những ai yếu bóng vía. Ông ta nhìn Tuấn hỏi:

-Ông coi tiền vận hay hậu vận?

-Dạ, thầy coi dùm con đường vợ con, xem thời vận thế nào?

-Mà anh tuổi con gì?

-Dạ, con tuổi Mão, sinh vào tháng tám.

-Người tuổi Mão , sinh vào tháng tám, thường nóng nảy, hành động lỗ mãng, đôi khi dùng sức mạnh không đúng lúc, gây phiền toái cho người khác.

-Thế còn vợ anh?

-Dạ, vợ con tuổi Dần.

- Anh tuổi Mão chỉ thích hợp với người tuổi Hợi, sinh vào tháng năm. Còn như vợ tuổi Dần là xung khắc, gặp nhiều trục trặc trong cuộc sống. Nghe vậy, Tuấn buột miệng:

-Thầy nói đúng, hèn chi vợ của con, sinh ra đứa nào cũng què quặt.

- Thì mẹ của thằng bé bị ma ám rồi, vả lại con cái đứa nào cũng què qoặt, chứng tỏ gặp phải con ma dữ.

-Thầy có cách nào giúp con, Tuấn bộc trực.

-Nhưng hơi tốn kém, anh có chịu được không?

-Cùng lắm con bán hết gia sản để thầy giải hạn.

-Thế thì tốt. Anh về nhớ mua đồ cúng, một con heo quay, một mâm xôi, mấy chai rượu, trái cây, ít tiền để cúng với bề trên. Đầu tháng tôi sẽ đến nhà giúp anh làm phép trừ ma.

Tuấn run run lấy phong bì đưa cho thầy để tạ ơn. Ông thầy cầm ngay lấy bì thư Tuấn đưa, nhét vội vào túi rồi xua tay:

-Anh về đi.

-Dạ đội ơn thầy, Tuấn đáp rồi lui ra khỏi phòng.

***

Sau khi đi coi ông thầy bói về, Tuấn loay hoay sửa soạn lại gian nhà vốn đã chật hẹp. Mọi thứ trong gian nhà bị Tuấn xê dịch, rối tung cả lên. Tuấn lầm lầm lì lì, thái độ rất khó hiểu, bà vợ thấy lạ, hỏi, Tuấn không trả lời. Gương mặt Tuấn trở nên lạnh nhạt. Anh nhìn vợ với một thái độ ngờ vực, giống y như nhìn với người có lỗi. Bà vợ chột dạ, khép nép dõi theo những cử chỉ trái ngoáy của chồng.

Tuấn bày biện lên bàn thờ đủ thứ đồ cúng. Chính giữa nhà, anh kê một chiếc bàn vuông, trên đó đặt một con heo quay vàng hươm, mấy chai rượu, hai bên chất đầy vàng mã. Lúc này Tuấn mới cho mọi người biết là làm lễ trừ ma. Ai cũng ngạc nhiên nhưng không ai dám nói. Chẳng ai dại gì chọc vào con ma rượu để mà nghe chửi. Vả lại, trong làng Thượng này, thi thoảng người ta cũng kêu thầy về cúng, mong được bình an.

Ông thầy về đúng ríp. Ông nhìn lên bàn thờ, nhìn vào mâm đồ cúng, ưng ý. Đám con nít trong làng nghe thầy cúng về, kéo nhau đến xem rần rần. Chúng đứng lố nhố hai bên nhà chỉ chỏ, bàn tán, có đứa bạo gan ghé sát bên ông thầy quan sát. Thầy bói trừng mắt, xua lũ trẻ ra ngoài. Mấy đứa nhát gan, nhìn con mắt rực lửa của thầy vội lùi ra xa, cũng có mấy đứa đứng yên. Sau ít phút đám trẻ lại quay về vị trí cũ, tiếp tục đứng xem. Ông thầy bắt đầu làm phép và thầy cũng chẳng hơi sức đâu mà để ý tới lũ trẻ. Thầy đốt một bó nhang, chắp tay đưa lên trời, lâm râm khấn. Xong thầy cắm bó nhang vào lư hương, đưa hai tay múa may loạn xạ. Chẳng ai biết thầy múa điệu gì. Những điệu múa này, cả thế gian này kiếm đâu ra, chí có ở Việt Nam, nói chính xác hơn là chỉ có ở đây, ở vùng đất đầy nắng và gió này. Thi thoảng, ông thầy làm giống y như bắt con vật nào hung hãn ở trước mặt. Thầy đốt mấy tờ giấy vàng bạc, hươ hươ xung quanh mâm cúng. Vẻ mặt của thầy trở nên căng thẳng. Lúc này thầy tập trung cao độ để xua đuổi tà ma. Thầy nhào sang trái, nhào qua phải, rồi nhào về phía trước. Bất ngờ thầy quay đầu thật nhanh về phía sau, đôi tay bắt vào không khí. Con ma này ghê gớm thật. Nó đang đùa cợt với thầy. Chợt thầy dừng lại, đứng yên, đưa tay phải lên viết vào không trung mà theo như mấy ông đi theo thầy nói, thầy đang ém bùa, tìm cách bắt ma. Không được. Thầy chôn chân một chỗ, vẻ thất thần. Lần này thầy dùng ngòi bút vẽ ngoằn nghoèo vào một tờ giấy vàng, sau đó thầy đốt, múa như điên, rồi ném vào một cốc nước để sẵn trên bàn. Thầy hét to:

-Xong rồi. Hét xong, người thấy thả lỏng, hai tay buông xuôi, lắc qua , lắc lại y như người không có xương, mọi sự hung hãn truy đuổi tà ma của thấy tan biến.

Mấy người đi theo thầy cho biết, con ma này dữ, thầy phải khống chế bằng pháp thuật cao siêu mới bắt được nó.

Từ hôm thầy cúng về làm phép, cuộc sống của gia đình Tuấn càng trở nên bi đát hơn. Nợ nần chồng chất, con cái ốm đau không tiền thuốc men, nhà không còn cái ăn. Tất cả những khó khăn, bực dọc Tuấn đều trút lên đầu của người vợ:

-Tại cô hết.

-Sao anh lại nói vậy?

-Không phải tại cô thì tại ai? Cô ăn ở thế nào mà sinh ra toàn là những đứa con, người không giống người, ma không giống ma, toàn là bệnh hoạn.

Hoa đứng ngây, khi nghe chồng thoát ra những điều ác độc mà cô không ngờ tới. Hoa cảm thấy như có hàng ngàn, hàng vạn mũi kim châm đang đâm vào cơ thể của cô, nhức nhối. Hoa hết sức đau xót, cô cũng không cãi lại với chồng, ngậm đắng nuốt cay tủi hận. Chẳng có nỗi đau nào hơn nỗi bị oan ức.

Tối đêm đó, Hoa không sao ngủ được. Bên tai của Hoa như nghe rõ tiếng đay nghiến của chồng " cô ăn ở thế nào mà …” Hoa khóc suốt cả đêm. Nước mắt ướt cả một khoảnh gối. Con người ta cực mấy cũng chịu đựng được nhưng không thể chịu mãi sự vu khống. Tuy vậy, Hoa vẫn kiên trì chịu đựng, không một lời ca thán cùng ai. Mười mấy năm Hoa sống vì chồng và gia đình chồng, suốt ngày dầm mưa, giải nắng, lo việc áo cơm. Mấy năm nay Hoa lại sống vì con. Giờ Hoa không chỉ khổ về thể xác mà còn khổ cả về tinh thần. Hoa bị chính người chồng mà cô thương yêu nhất lăng mạ, xua đuổi. Sức chịu đựng của con người cũng có hạn, Hoa gầy đi trông thấy.

Tuấn lại tổ chức nhậu tại nhà. Vẫn là với những bạn nhậu quen trong xóm. Tuấn mua hai lít rượu đế cùng mấy con mực râu về nhậu. Rượu và mực họ đều mua chịu đến cuối tháng mới tính sổ trả nợ. Lúc này việc đồng áng chẳng còn gì để làm, nhậu là cách duy nhất để họ giải sầu, giết thời gian. Ở nông thôn, nhậu nhẹt trở thành bệnh dịch lây lan khắp hang cùng ngõ hẻm, giống y như bệnh dịch, hủy hoại cơ thể lành mạnh vốn có ở làng quê. Nhậu nhẹt làm tan nát biết bao nhiêu gia đình, làm hư hỏng những người vốn hiền lành chất phác.

Uống hết can rượu, như chưa đã thèm, Tuấn gọi vợ:

-Đi mua dùm tôi ít rượu.

-Hết tiền rồi, lấy gì mua, bà vợ trả lời.

-Cô giỏi nhỉ, nhờ vả một chút mà cũng khó.

-Thì tôi đã bảo không còn tiền lấy gì mua rượu. Nghe vợ nói với giọng khó nghe, Tuấn cầm can rượu không còn một giọt lên, rồi dằn xuống sàn nhà, quát:

-Cũng tại mày cả, đồ ma quỷ ám hại nên mới nông nỗi này…. Nghe mãi những câu vô lối, tục tỉu, chửi rủa bất công của chồng, Hoa không chịu đựng được, chạy ra cãi:

-Anh nói ai ăn ở thất đức, mấy năm nay tôi chịu đựng quá nhiều rồi.

-Chịu đựng hả, có giỏi thì cút đi, cút đi cho tao nhờ. Vừa nói, Tuấn vừa cầm lấy chiếc ghế gỗ lao đến chỗ Hoa định đánh. Hoa sợ quá, né tránh. Càng né Tuấn càng điên tiết lên, Hai con mắt Tuấn đỏ lòm, mở to hết cỡ nhìn trừng trừng, như thiêu cháy Hoa. Tuấn giơ cao chiếc ghế, phang lấy, phang để vào người Hoa. Không còn cách nào khác, Hoa lao ra khỏi nhà, chạy trốn kẻ vũ phu. Mấy bạn rượu cũng đứng ra can ngăn, nhựng họ say mèm rồi, nên không can ngăn được, chỉ khua tay cho cỏ vẻ mà thôi. Tuấn đuổi theo vợ được một quãng rồi cũng đuối. Con ma men làm Tuấn mệt mỏi, hai chân rã rời, không chạy nổi. Tuấn dừng lại, ném chiếc ghế xuống đất, loạng qoạng bước vào nhà, miệng lảm nhảm " đồ mắc dịch, cút đi, đừng bao giờ về lại cái nhà này, xéo cho khỏi mắt…”

Hoa sợ quá, chạy thục mạng. Lúc đầu cô chạy lòng vòng, về sau Hoa chạy thẳng ra con đường cái. Giờ thì Hoa không còn nghe tiếng chân cũng như tiếng quát tháo của chồng nữa. Biết chồng không còn đuổi theo, Hoa dừng lại, phía sau không thấy bóng dáng một ai. Hoa thực sự mệt mỏi, ngồi bệt xuống vạt cỏ bên đường để nghỉ. Mọi uất ức buồn tủi lại hiện về, những giọt nước mắt của Hoa bắt đầu rơi một cách tự nhiên. Hoa đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Về nhà thì không ổn, đến nhà mẹ đẻ cũng không xong. Lần trước, bị chồng đuổi, Hoa về bên nhà mẹ đẻ. Cô tâm sự hết mọi sự khổ hạnh cho mẹ nghe nhưng mẹ cũng chỉ khuyên cô "nhẫn nhục, chịu đựng, đã làm dâu nhà người ta rồi thì sướng khổ gì cũng phải gắng, chồng con dù sao cũng đã đi bộ đội, được rèn luyện, chắc không đến nỗi nào đâu, đừng bao giờ có suy nghĩ quay về với mẹ nghe con…”

Hoa suy nghĩ miên man. Hoa nhớ lại, hai con mắt đỏ ngầu, long lên sòng sọc, đằng đằng sát khí của chồng mà hoảng. Lúc đó, chồng cô như con thú dữ lồng lộn muốn ăn tươi, nuốt sống cô, Hoa run hết cả người. Mấy lần Hoa định đứng lên đi, rồi lại ngồi xuống. Hoa chưa biết đi đâu. Quay về nhà không được, chồng Hoa sẽ đánh chết, về bên mẹ cũng không ổn. Trong Hoa đang dằng xé giữa đi và ở. Một sự lựa chọn quá khó khăn. Hoa nhìn xung quanh. Buổi trưa nắng như đổ lửa. Con mắt của Hoa cũng nhòe theo cái nắng. Rồi đột nhiên Hoa đứng bật dậy, bước thẳng ra đường quốc lộ, nhằm phía chợ Huyện mà đi.

Tuấn loạng quoạng bước vào nhà. Anh ngồi xuống đưa lưng dựa cột. Được ít phút, Tuấn nằm vật xuống sàn đất. Men rượu đã thấm sâu vào anh. Tuấn nôn đổ nôn tháo ra nền nhà. Những thứ nhấy nhụa từ trong người Tuấn tuôn ra, nằm lền bền từng đống. Mùi của thức ăn, của dịch vị dạ dày quyện vào nhau, tạo nên một mùi lạ khó chịu đến phát nôn. Hai người bạn nhậu cũng chẳng khá hơn. Họ nằm sóng soài từ lúc nào. Ba con sâu rượu, mỗi con một tư thế khác nhau nhưng quy tụ lại họ chỉ còn là những cái xác không hồn.

Ông Hoàng, bố Tuấn, nhà ở xóm trên, thi thoảng đến thăm cháu. Hôm nay ông cũng ghé lại. Ông thất thần nhìn ba con sau rượu nằm không giống ai. Mỗi người, mỗi tư thế co quắp, nom thật buồn cười. Mùi rượu, mùi thức ăn, bị nôn ra ngoài, bốc lên nồng nặc. Phía trong giường, đứa cháu nằm một mình, chẳng ai chăm sóc. Ông đi xuống bếp. Bếp nguội lạnh. Ông lấy một nắm tro bếp, rải vào mấy đống thức ăn vừa nôn ra, xong lấy chổi quét dọn sạch sẽ. Ông cất chiếc can nhựa vào góc nhà, cất mấy chiếc cốc ly vào chạn. Khi mọi thứ tạm ổn, ông quay về nhà gọi bà vợ sang tiếp ứng. Hai vợ chồng lấy gạo nấu cơm cho cháu ăn.

Ba con sâu rượu bắt đầu tỉnh. Chúng ngọ nguậy rồi gọi nhau dậy. Chung quanh họ mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ. Người này nhìn người kia, như biết lỗi, sau đó họ chia tay nhau. Tuấn đi xuống bếp. Ông Hoàng hỏi Tuấn:

-Thế con Hoa đâu?

- Nó bỏ đi rồi, con ma bắt nó đi rồi.

-Mày đuổi nó đi, ông Hoàng bực tức, chứ ma quỷ nào bắt. Nó là đứa con dâu hiếu thảo. Biết bao nhiêu năm, mày đi biền biệt, một mình nó chăm sóc ruộng vườn, nó quán xuyến mọi việc trong gia đình, mày có biết không? Thôi ăn cơm đi, để cháu tụi tao mang về nuôi giúp.

***

Cả gia đình ông Hoàng xúm lại bên tờ báo Tuổi trẻ do đứa cháu của ông mang về, đọc cho mọi người nghe. Tờ báo đăng chuyện của một gia đình nông dân ở Quảng Trị có năm người bị nhiễm chất độc da cam. Theo như bài báo, mấy đứa trẻ ở Quảng Trị, giống y như những đứa con của Tuấn. Người cha của năm đứa trẻ đó, trước đây đi bộ đội, chiến đấu ở vùng bị Mỹ rải chất độc. Đúng rồi, ông Hoàng khẳng định, mấy đứa cháu ông, con Tuấn cũng bị nhiễm chất độc da cam chứ ma quỷ cái gì. Từ trước đến giờ ông không tin ma quỷ ám hại, khổ nỗi thằng con ông mù quáng, không chịu nghe. Tội nghiệp cho đứa con dâu hiếu thảo. Càng nghĩ, ông càng buồn, càng lo lắng " sợ nó thiếu bình tĩnh, sinh ra xúi quẩy” Ông bảo mọi người phải mang ngay tờ báo Tuổi trẻ cho Tuấn đọc.

Tuấn cầm tở tuổi trẻ, đọc đi, đọc lại mấy lần bài báo mà bố anh đã đánh dấu. Tuấn thấy đúng. Vậy mà bấy lâu nay Tuấn không hiểu. Tuấn tự trách mình thiếu hiểu biết. Giờ thì Tuấn biết ông thầy bói xằng bậy. Biết bao nhiên tiền bạc, công sức anh đổ vào cho ông thầy bói mà đứa con của anh có lành được đâu. Tối qua, Tuấn mới nghe người ta kháo với nhau " lão thầy bói ấy đã lừa gạt tiền nhiều người, sợ bị công an bắt nên đã trốn đi mất tiêu rồi..”.

Tuấn quả khờ khạo, nghe lời bạn bè vô lối, dẫn đến hậu quả tồi tệ. Vợ anh đã bỏ đi nhiều tháng nay, không một tin tức, đứa con của anh, càng ngày càng teo tóp, may mà còn có bố mẹ chăm sóc.

Cả đêm Tuấn trằn trọc không sao chợp mắt. Anh lúi húi dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà mà cũng chẳng có thứ nào đáng giá. Những thứ đồ đạc trong nhà Tuấn có cho cũng chẳng ai lấy. Nhìn đống tài sản chẳng đáng giá một xu, trong Tuấn trào dâng nỗi buồn khó tả. Giờ thì anh chẳng cần thứ gì. Anh cần vợ. Bằng mọi giá anh phải đi tìm vợ.

Tuấn mang túi áo ra khỏi nhà. Tuấn đi theo con đường mà lần trước anh đánh đuổi Hoa chạy, khi anh đang say rượu. Trời hừng hững sáng. Đường làng chưa một tiếng chân. Tuấn dừng lại bên cổng làng, hút thuốc, lấy sự bình tĩnh. Trước mặt anh là con đường quốc lộ. Bên trái là đường đi ra phía Bắc, bên phải là đường đi vào phía Nam. Đi ra phía Bắc là đi về phía chợ Huyện. Cũng có lần Tuấn nghe người ta nói, thấy Hoa đi về phía ấy.

Hút xong điếu thuốc, Tuấn đứng dậy, lặng lẽ đi về phía Bắc. Trước mắt anh là cả một khu vực của mấy chục tỉnh thành rộng lớn. Anh sẽ đi đến bất cứ đâu để tìm cho được vợ, một việc giống như mò kim đáy bể, nghe thật khó khăn. Tuấn đã quyết rồi, chẳng ai ngăn cản được anh. Tuấn cặm cụi đi. Những bước chân lặng lẽ tiến dần về phía mênh mông.

Bóng dáng của Hoa, người vợ của Tuấn cứ chập chờn, ẩn hiện trước mắt anh.

Trời lúc này cũng đã bắt đầu lắc rắc những hạt mưa xuân.

                                                                                     DTS



Xem thêm,mời vào trang Web:thienphuoc.com


Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
NÔ LỆ CÀ PHÊ--Thơ Đào Trường San - 28/04/2024
BẾN QUÊ---Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 23/02/2024
TĨNH LẶNG- THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 01/01/2024
ĐÊM---THƠ NGUYỄN VĂN CHỨC - 15/03/2023
HOA PHÙ DUNG--THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 15/03/2023
CHIỀU VỀ---Truyện ngắn Trần Hoài Thắm - 04/03/2023
MÈO MƯỚP KHÔNG NÓI DỐI…Truyện ngắn Nguyễn Chí Ngoan - 25/02/2023
VUI CƯỜI CHO ĐỒNG HƯƠNG-Vui cười - 18/02/2023
CỜ ĐỎ TRÊN CẦU ĐÔNG HÀ---LÊ VĂN THÊ - 18/02/2023
VỀ QUÊ NGHE NÓI TRẠNG-THƠ NGUYỄN HỮU THẮNG - 17/02/2023
TỪDINH XƯA XIN KỂ VỚI MAI SAU…Lê Đức Dục - 14/02/2023
MAN MÁC MIỀN XUÂN ---Tôn Nữ Mỹ Hạnh - 14/02/2023
ANH ĐẾN HỘI LIM---THƠ THANH HIẾU - 06/02/2023
VỀ HAY ĐI--THƠ LÊ LUYNH - 05/02/2023
CHẤP CHỚI XUÂN-THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 01/02/2023
CÁT-Thơ Nguyễn Thúy Sâm - 10/12/2022
HƯỜNG HÓA NGÀY TÔI ĐẾN- NGUYỄN VĂN DÙNG - 04/12/2022
CHUYỆN XƯA--TRẦN HOÀI THẮM - 04/12/2022
CHUYỆN VUI CHO ĐỒNG HƯƠNG NĂM 2022 - 03/12/2022
Cưới chồng cho mẹ--Truyện ngắn Lê Văn Thê - 02/12/2022
BÀN GIAO SỐ PHẬN--Truyện ngắn Văn Xương - 02/12/2022
CHIỀU THẠCH HÃN--Thơ Nguyễn Văn Chức - 15/09/2022
CHUYỆN CỦA CƯỜNG---LÊ NGUYÊN HỒNG - 03/09/2022
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI –Truyện ngắn Đào Trường San - 23/08/2022
VỀ HỒ XÁ ĐI EM --NGUYỄN HỮU THẮNG - 14/08/2022
ĐƯỜNG XƯA----Thơ Nguyễn Văn Chức - 10/08/2022
CAO HỔ CỐT VÀ CÔNG DỤNG - 09/08/2022
NỖI NIỀM XUÂN----Thơ Huỳnh Nguyễn - 08/08/2022
BÂNG KHUÂNG MÙA XUÂN---Nguyễn Tuyết Quyên - 07/08/2022
NẮNG VÀ ANH- THƠ TRẦN HOÀI THẮM - 06/08/2022
MÁI NHÀ XƯA---THƠ TRẦN HOÀI THẮM - 04/08/2022
CHIẾC ÁO MÀU XANH- TRUYÊN NGẮN: LÊ VĂN THÊ - 30/07/2022
BÀN GIAO SỐ PHẬN-Truyện ngắn Văn Xương - 24/07/2022
GẶP LẠI MÙA XUÂN-VĨ TUẤN - 24/07/2022
EM ĐỪNG NHỚ ANH-Thơ Lê Văn Thê - 24/07/2022
GẶP LẠI BẠN BÈ--THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 19/07/2022
NGHE HÁT XA KHƠI BÊN BIỂN CỬA TÙNG-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 10/07/2022
MÓ CUA,BẮT ỐC--Thơ Đào Trường San - 10/07/2022
MŨI TRÈO- Thơ Nguyễn Văn Dùng - 10/07/2022
TRUYỆN VUI NĂM CON TRÂU - 09/01/2022
NẮNG KHUYA-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 15/05/2021
ĐƯỢC MÙA-THƠ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 05/04/2021
THƠ LÊ LUYNH - 29/03/2021
THƠ NGUYỄN VĂN CHỨC - 29/03/2021
CẢ PHÊ VÕNG--Thơ Đào Trướng San - 29/03/2021
MÙA HOA CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 26/03/2021
NỖI NHỚ TÌM VỀ--Thơ Đào Trường San - 22/03/2021
THƠ NGUYỄN VĂN DÙNG - 25/02/2021
THƠ LÊ NGUYÊN HỒNG 2021 - 25/02/2021
THƠ LÊ NGUYÊN HỒNG - 25/02/2021
Trang 1/3: 1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website