địa đạo Mũi Si - Quảng Trị

địa đạo Mũi Si - Quảng Trị
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
06/05/2023 | 13:27
Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là một kỳ tích của quân và dân Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, trải qua thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, hơn 100 địa đạo lớn nhỏ trên toàn huyện hầu hết đã trở thành phế tích... Ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang được bảo tồn tôn tạo và trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn thì vẫn còn có 1 di tích đường hầm địa đạo khác tồn tại khá nguyên trạng nhưng ít được biết đến, đó là địa đạo Mũi Si.
Khu vực Mũi Si – Một dãi đất đỏ bazan nhô ra biển, nguyên xưa thuộc xã Vĩnh Thạch nay thuộc địa phận thị trấn Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương " quân sự hóa toàn dân, quân sự hóa toàn khu vực”, Mũi Si là một trong những địa điểm được lựa chọn để đào địa đạo nhằm đảm bảo công tác trú ẩn, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân địa phương...

Ông Phan Văn Trung, năm nay đã 85 tuổi và ông Nguyễn Văn Nho, 80 tuổi nguyên là dân quân du kích thôn Thạch Bắctừng tham gia đào địa đạo Mũi Si từ năm 1966 đến năm 1967. Đây là thời kỳ không quân và hải quân Mỹ tăng cường đánh phá hủy diệt khu vực Vĩnh Linh nên quân và dân Vĩnh Linh buộc phải dựa vào lòng đất để bám trụ và chiến đấu lâu dài. Từ các tiểu đạo, trung đạo đã nhanh chóng được đào đắp, nâng cấp thành những địa đạo quy mô lớn, liên hoàn trên toàn khu vực.

Địa đạo Mũi Si, nằm trên địa bàn thôn Thạch Bắc cách bãi biển Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ gần 30km về phía Tây. Trong chiến tranh, xã Vĩnh Thạch là một trong những điểm tập kết quân lực, vũ khí, hàng hóa chi viện cho bờ Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Vì thế đây được coi là "tọa độ chết", là mục tiêu hủy diệt của máy bay và tàu chiến Mỹ. Thế nhưng, từ nơi tận cùng của sự hủy diệt ấy, bằng sức người, trí thông minh sáng tạo và ý chí " Một tấc không đi, một ly không dời", quân và dân xã Vĩnh Thạch đã kiến tạo nên hệ thống địa đạo đồ sộ để chuyển toàn bộ cuộc sống xuống lòng đất. Việc đào địa đạo trên toàn xã được tiến hành vào đầu năm 1966 và lần lượt hoàn thành trong các năm 1967, 1968 gồm địa đạo và hệ thống giao thông hào ở các thôn. So với địa đạo Vịnh Mốc thì địa đạo Mũi Si có quy mô nhỏ hơn với chiều dài khoảng 200m,
gồm 3 cửa ra vào và 1 cửa thông hơi hướng ra biển. Mặc dù quy mô không lớn, cấu trúc không phức tạp nhưng do điều kiện địa chất ở đây đất đá xen lẫn, các phương tiện kỹ thuật thô sơ và phải đào trong tình thế bom đạn đánh phá ác liệt nên quân và dân thôn Thạch Bắc và xã Vĩnh Thạch đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn gian khổ để hoàn thành công trình này.
Địa đạo Mũi Si hoàn thành đã góp thêm một công trình quan trọng trong hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Địa đạo này mặc dù mang đầy đủ tính chất của hầm hào, song nó không phải là chổ ngồi bó gối để tránh giặc mà là nơi triển khai thế trận tiến công và phòng ngự của quân dân địa phương. Tại đây, trong suốt gần 2000 ngày đêm ròng rã, quân và dân thôn Thạch Bắc đã tổ chức thắng lợi công cuộc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; triển khai đánh địch trên biển, trên không; thực hiện xuất sắc phương châm "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam"... Tại đây, lúc cao điểm có hơn 30 người chủ yếu làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Cửa hầm địa đạo duy nhất hướng ra phía biển này vừa có chức năng như một lỗ thông hơi, điểm thoát nước, vừa là điểm quan sát, cảnh giới mọi hoạt động trên biển của Hải quân Mỹ. Chính nhờ sự ổn định, rắn chắc của cấu trúc địa chất nên địa đạo Mũi Si đã đứng vững an toàn trước mức độ đánh phá của không quân và hải quân Mỹ.

Đặc biệt đây còn là một kho hậu cần phục vụ chiến đấu tại chổ và chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Những năm đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân phong toả tuyến vận chuyển từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, hòn đảo này rơi vào tình thế bị cô lập hoàn toàn. Thiếu lương thực, nước ngọt, thuốc men, vũ khí ... cuộc sống chiến đấu của lực lượng bám trụ trên đảo gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng uỷ khu vực, những đội cảm tử của dân quân xã Vĩnh Thạch đã được thành lập, trong đó có thôn Thạch Bắc. Từ địa đạo Mũi Si, khi màn đêm buông xuống, những đội viên du kích cảm tử lên thuyền lặng lẽ xuất kích nhằm hướng biển khơi. Nguy hiểm, hy sinh luôn rình rập trên từng con sóng, từng sải nước, song các thành viên trong đội cảm tử vẫn ý thức sâu sắc một điều rằng: Tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ chính là tiếp máu, tiếp mạch sống cho một pháo đài, một chiến hạm xanh giữa biển khơi đứng vững chiến thắng kẻ thù..

Địa đạo Mũi Si mặc dù chưa được bảo tồn, tôn tạo vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu và dự báo trở thành 1 điểm đến du lịch thú vị. Trong chiều sâu hun hút của đoạn địa đạo còn sót lại, trong cái mát lạnh mơn man da thịt dưới lòng đất, trong rì rào tiếng sóng vỗ, chợt nhớ những lời rất hay của nhà văn Xuân Đức, một người con của Vĩnh Linh: " Bạn và tôi, chúng ta không ai chỉ sống bằng quá khứ. Nhưng chúng ta cũng như nhân loại, không thể và không có quyền quên đi quá khứ. Bởi quá khứ không chỉ là bài học vô giá cho sự sống hôm nay mà thực ra, những gì đã từng xảy ra trong quá khứ nơi đây vẫn đang còn xảy ra từng giờ đây đó trên trái đất này. Vì lẽ ấy, mà bạn đã có mặt ở đây, cùng chúng tôi nhìn lại lịch sử và suy nghĩ.”

Phạm Quỳnh - Thành Chung

Xem thêm, xin mời vào trang Web:thienphuoc.com
Lên đầu trang   Trở lại  
 
Nơi cần đến
THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ- ĐIỂM ĐẾN THÚ VỊ - 20/12/2023
địa đạo Mũi Si - Quảng Trị - 06/05/2023
THĂM BIỂN VĨNH THÁI, VĨNH LINH-Đông Hương - 06/05/2023
NGỌN HÃI ĐĂNG MŨI LAY VĨNH LINH, QUẢNG TRỊ - 06/05/2023
QUÁN COFFE GIỚI TUYẾN( CA PHÊ GIỚI TUYẾN) - 18/07/2022
THĂM BIỂN VĨNH THÁI-Đông Hương - 13/04/2020
RỪNG NGUYÊN SINH RÚ LỊNH - 03/09/2019
THÁNH ĐỊA LA VANG- Điểm rất đáng đểtham quan - 02/09/2019
CHỢ HỒ XÁ BÂY GIỜ- Lê Nguyên Hồng - 26/02/2019
DARKRONG TẠO ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN VỀ DU LỊCH, THÀNH NỀN KINH TẾ MŨI NHỌN - 21/11/2018
CỒN CỎ TRONG TRÁI TIM ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG TRỊ - 07/05/2017
GIẾNG CỔ GIO AN - 04/12/2016
LÀNG CHÀI CỬA VIỆT - 04/12/2016
NẾU ƯA MUA SẮM BẠN NÊN ĐẾN LAO BẢO - 09/11/2016
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website