CỜ ĐỎ TRÊN CẦU ĐÔNG HÀ---LÊ VĂN THÊ

DONGHUONGQUANGTRI.COM »
18/02/2023 | 08:58

C ĐỎ TRÊN CẦU ĐÔNG HÀ---Lê Văn Thê


Nói đến thành phố Đông Hà, không thể không nói tới cầu Đông Hà. Cầu Đông Hà và chợ Đông Hà tạo nên một cảnh quan đẹp, trên bộ, dưới thuyền lúc nào cũng tấp nập, xứng danh là trung tâm thương mại ở ngã ba Đông Dương. Cầu Đông Hà bắc qua sông Hiếu, nước trong leo lẻo. Chợ Đông Hà được xây dựng theo ý tưởng một đoàn tàu đang hướng ra sông, chạy về biển lớn. Ngày lễ, ngày tết, hai bên thành cầu rực rỡ cờ sao, phấp phới bay giữa dòng sông lộng gió. Đêm đêm, đứng trên cầu nhìn về hai phía bờ sông, vô vàn những ánh điện lung linh nhiều sắc màu đẹp mắt.

Dọc tuyến quốc lộ 1A, cầu Đông Hà nằm ở lộ trình 756+623 km, thuộc nội thị thành phố Đông Hà, là chiếc cầu đôi loại lớn bậc trung trong tổng số 874 chiếc cầu lớn nhỏ có tải trọng mỗi cầu đơn 25-30 tấn trên toàn tuyến quốc lộ xuyên Việt này. Đây là một chiếc cầu được xây dựng theo công nghệ mới: Bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, có 5 nhịp, 7 dầm, 4 trụ, 2 mố. Theo tấm bảng đề đầu chân cầu, phía bắc, chiều dài của cầu Đông Hà là 160m, rộng 16m. Nhưng thực tế, theo bản thiết kế thi công; Cầu dài 173,8m, rộng 16,3m.

Để có một chiếc cầu dài, rộng, đẹp và bề thế như bây giờ, cầu Đông Hà cũng có một lịch sử thăng rồi trầm, trầm rồi thăng, gian nan như số phận của một con người.

Xa xưa ấy, nơi đây không có cầu, chỉ có những chiếc đò ngang chở khách qua sông như nhiều bến đò ngang bất kỳ một sông nước nào của đất Việt thời trước. Khi triều Nguyễn xây dựng xong tuyến đường cái quan xuyên Việt bằng đất, nhân dân địa phương làm một chiếc cầu bằng tre, gỗ, chỉ để cho người và xe ngựa qua lại. Tới khi thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương mà chủ yếu là ở Việt Nam, đường cái quan được mở rộng, nâng cấp, đổ nhựa, đủ khả năng cho xe cơ giới vận tải và xe trận lưu thông. Người Pháp xây dựng Cầu Đông Hà bằng sắt. Trụ cầu bằng bê tông cốt thép. Mặt cầu được lát bằng những tấm gỗ thông dày. Trọng tải cầu 10 tấn. Tôi có viết về số phận chiếc cầu này trong hồi ký "Đông Hà ngày ấy”. Vào thời kỳ nửa cuối 1953, tôi còn rất bé, ngủ trong một chiếc thuyền nhỏ ở bến sông chợ Đông Hà: " Đêm đó một tiếng nổ dậy trời, nước sông dềnh lên, những con thuyền đậu ở bến chợ Đông Hà xô đập vào nhau tưởng như bị lật úp. Tôi trợ giấc chồm dậy sợ hải ôm lấy mẹ. Sáng ra thấy cầu Đông Hà bị gảy đôi, hai nửa chúi xuống sông. Lính Pháp đứng xung quanh, qua về đều không được. Rất nhiều con dơi bị chết, cánh dập dềnh trên mặt nước….Mẹ tôi nói, quân ta đánh lớn ở ngoài kia, du kích bẻ cầu để chặn đường tiếp viện của địch.” Về sau tôi mới biết, đó là thời kỳ ta chuẩn bị mở chiến dịch đông xuân 1953-1954, và quyết định tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đánh sập cầu Đông Hà nhằm góp phần làm chậm trể sự chi viện của Pháp lên chiến trường chính Điện Biên Phủ. Liền sau đó người Pháp lại phục hồi cầu Đông Hà, nâng cấp lên tải trọng 15 tấn để xe cơ giới hạng nặng qua về phục vụ chiến tranh. Trong lịch sử tồn tại, cầu Đông Hà còn nhiều "bầm dập”. Một lần đáng nhớ nữa là mùa hè đỏ lửa 1972, khi ta mở chiến dịch Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Nhiều sư đoàn chủ lực của ta, và nhiều đơn vị lớn dưới cấp sư đoàn, có lực lượng mạnh của xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, tên lửa yểm trợ, vượt sông Bến Hải tấn công địch. Theo nhân chứng của quân lực Việt Nam Cộng hòa thì lực lượng tấn công của ta bấy giờ ở phía Bắc Đông Hà rất mạnh. "Áp lực của quân giải phóng quá mạnh, không thể ngăn chặn, buộc tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến phải đánh sập cầu Đông Hà, rút chạy, tránh sự truy đuổi quá nhanh của quân giải phóng.”

Ngay sau khi Quảng Trị giải phóng, công binh đã xây dựng lại cầu Đông Hà. Chiếc cầu này tồn tại 22 năm. Tới khi đất nước chuyển qua kinh tế thị trường rồi mở cửa, hội nhập. Kinh tế phát triễn mạnh, chiếc cầu ấy không đủ tải trọng. Cùng với dự án mở rộng đường quốc lộ 1A, năm 1991 cầu Đông Hà được khởi công xây dựng lại. Năm 1994 cầu mới được hoàn thành. Những năm gần đây, thực hiện dự án mở rộng đường quốc lộ 1A đoạn đi qua Quảng Trị, cầu Đông Hà đã được mở rộng thành cầu đôi. Qua bao nhiêu thăng trầm, cầu Đông Hà đã lớn lên cùng quê hương Quảng Trị anh hùng.

Cầu Đông Hà được xây dựng bằng tre, gỗ; bằng sắt, thép; rồi bê tông cốt thép. Những vật liệu ấy đều khô cứng, lạnh lùng, nhưng chứa đựng trong nó một hồn sống, một lịch sử không thể nào quên, với mỗi người lại có những kỉ niệm riêng biệt về nó. Người dân Đông Hà và những vùng phụ cận không thể quên những ngày đầu chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Hai bên thành cầu Đông Hà, dưới thuyền trên bến, rực rở cờ đỏ sao vàng. Nhiều người cứ thong thả lại qua, không đi chợ cũng không thăm viếng một ai, chỉ đi để hưởng không khí chiến thắng, hòa bình, để ngấm cho hết sự sung sướng của tự do, độc lập, trời của ta, đất của ta, và cờ đỏ sao vàng của ta, rực rỡ bay, lộng gió.

Riêng tôi lại có một kỉ niệm không thể quên, cũng là những ngày chiến thắng oai hùng nhưng là chiến thắng sau chín năm dân tộc ta trường kỳ kháng pháp. 17giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tối đó tin chiến thắng đã bay về Quảng Trị. Nhân dân cực kỳ phấn khích. Tình hình sục sôi như một lò thép nung chảy được ẩn dưới một lớp tro mỏng, bất kỳ lúc nào cũng có thể bùng lên dữ dội. Và thời điểm đó đã đến. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève được ký kết. Đó là hiệp định "Đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương” thực tế đó là hiệp định đầu hàng của thực dân Pháp, công nhận hòa bình độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ngay sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, quân Pháp ở Đông Hà gần như đóng trại, không còn thấy tây trắng, tây đen dạo phố. Ba chiếc tàu chiến thường trú ở quân cảng Đông Hà không còn xuất bến, neo lại tại quân cảng. Đứng trên cầu Đông Hà nhìn xuống quân cảng của Pháp, thấy lạnh lẻo như một khu nghĩa địa. Sau ngày 20 tháng 7, tình hình ở phía quân Pháp càng bi thảm hơn.

Nhân dân cách mạng bùng lên như sóng thần, như sấm sét. Từ các làng quê Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ…lên tới Đông Hà, ầm ầm những cuộc biểu tình, bấy giờ người dân gọi là đi biểu dương lực lượng. Có lẽ gọi: Đi biểu dương lực lượng đúng hơn. Những người dân mà 99% trong số đó là nông dân, những người quanh năm sống đơn lẻ trên các cánh đồng, thường xuyên bị áp bức bóc lột nặng nề, khi đứng vào hàng ngũ Cách mạng, bỗng thấy mình có thêm sức mạnh gấp ngàn lần, đủ sức đè bẹp kẻ thù vốn được coi là một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Bởi thế không cần vận động, các đoàn biểu dương lực lượng càng đi càng đông. Tiếng hô khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!...” vang dội đất trời. Nhiều đoàn biểu dương lực lượng của các làng xung quanh kéo về Đông Hà, nhập vào dòng người ở đây, đi vòng quanh phố thị, ngang qua đồn trại, căn cứ của Pháp, hiên ngang hô vang khẩu hiệu, bừng bừng khí thế của một dân tộc đã đoàn kết, đã đứng lên, đã anh dũng kháng chiến và đã chiến thắng.

Mấy ngày sau hiệp định Geneve được ký kết, quân Pháp bắt đầu tập kết quân. Chẳng biết quan lính ở đâu ra mà đông đến thế. Thi thoảng lại một đoàn từ phía Bắc kéo vào ngang qua cầu Đông Hà. Có đoàn dừng lại ở đây, có đoàn đi thẳng vào Huế. Những đoàn quân đông, xe pháo ầm ào nhưng đa phần ủ rũ. Chỉ có một số ít lính Pháp, phần nhiều là lính da đen, mặt mày hớn hở, tưởng như việc thua thắng của chiến tranh là việc của các nhà chính trị. Họ đã được một cơ hội vàng là hết chiến tranh, được giữ nguyên mạng sống, trở về cố quốc.

Một đoàn lính Pháp tập kết quân và một đoàn biểu dương lực lượng của ta ngược chiều, đã chạm nhau trên cầu Đông Hà. Cán bộ đã nhiều lần căn dặn không khiêu khích, không đụng độ với quân Pháp, nhưng vì quá khích, một người đàn ông chừng trên 40 tuổi, mặc một bộ áo quần bà ba đen đã hoa lá cờ đỏ lên đầu quân Pháp, từ đầu hàng về phía cuối. Lá cờ lướt trên mặt những người lính Pháp. Nhiều người lính Pháp đã kiên nhẫn, nhưng có một người đã nổi khùng, nắm lấy cán cờ, giật phăng, ném xuống sông. Cả đoàn biểu dương lực lượng nhốn nháo. Người dân trên chợ, trên phố la hét, rùng rùng kéo ra. Người đàn ông bị mất cờ bước lên thành cầu, nhảy ùm xuống sông nhặt cờ. Tay phải bơi vào bờ, tay trái cầm cờ, giương cao trên mặt nước. Một viên sĩ quan Pháp quay lại túm cổ áo tên lính râu xồm vừa ném cờ cách mạng xuống nước, tát liên tiếp nhiều cái vào mặt. Tên lính Pháp vuốt mặt, máu mũi đỏ cả bàn tay. Có lẽ hành vi trừng phạt đó phần nào làm hài lòng những người Việt. Họ ùa ra ken dày xung quanh đoàn quân Pháp, hầm hầm căm tức, nhưng cuộc đụng độ đã không xẩy ra. Hàng trăm người đã buộc cờ cầm tay của mình lên thành cầu. Nhiều người không có dây buộc đã xé áo mình làm dây. Đó là một cuộc cắm cờ oai hùng, hoành tráng, độc nhất vô nhị, nếu nói không quá là trong toàn bộ lịch sử chiến tranh nhân loại. Những lá cờ to nhỏ, cao thấp, mới cũ, có lá đã vương vết đạn chiến tranh, cán bằng tre, bằng que gỗ, bằng một đoạn song mây, song sắt, của những người dân áo vải chân đất, ken dày hai bên thành cầu, phấp phới bay suốt mấy ngày sau đó.

Cầu Đông Hà đã nhiều lần được cắm cờ đỏ sao vàng và sẽ còn nhiều lần được cắm cờ. Bao giờ đó cũng là ngày vui. Vui vì chiến thắng trong chiến tranh cứu nước. Vui vì chiến thắng đói nghèo. Vui vì chiến thắng trong công cuộc đổi mới, hội nhập và dựng xây đất nước.

Mỗi lần trong những dịp vui như thế, đi trên cầu Đông Hà, tôi cứ tưởng như dưới mặt nước kia, người du kích năm nào đang bơi, lá cờ chiến thắng trong tay anh dương cao trên mặt nước./.

                                                      LVT


Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
NHỚ QUAN HỌ--Thơ Đào Trường San - 18/02/2021
VỚI MỒNG HAI TẾT---Thơ Đào Trường San - 16/02/2021
CHÀO MỒNG BA TẾT--Thơ Đào Trường San - 15/02/2021
CHA TÔI-Thơ Đào Trường San - 06/02/2021
NHÌN LẠI- Thơ Đào Trường San - 23/01/2021
THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG - 31/10/2020
LŨ GHÉ QUÊ ƠI--Thơ Đào Trường San - 14/10/2020
MÃI MIẾT TÌM CON--Thơ Đào Trường San - 20/04/2020
ĐỨNG YÊN NHÉ---Thơ Đào Trường San - 14/04/2020
HẸN LẠI SAU MÙA COVID--Thơ Đào Trường San - 12/04/2020
MÙA XUÂN Ở LẠI-Thơ Nguyễn Văn Dùng - 02/04/2020
MƯA XUÂN NGÀY ẤY MẸ TÔI –Thơ Lê Luynh - 28/03/2020
KỶ NIỆM TUỔI THƠ-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 18/03/2020
CON VỀ--Thơ Nguyễn Văn Chức - 14/03/2020
NÔ LỆ CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 15/01/2020
HOÀN LƯỢNG-Truyện ngắn của Nguyên Hồng - 29/09/2019
LỜI NGUYỀN-Truyện ngắn: Trần Hoái Thắm - 22/08/2019
NỖI NHỚ- Thơ Đào Trường San - 31/07/2019
QUẢNG TRỊ TƯƠI VUI---Thơ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 07/07/2019
GÁC SÚNG- Truyện ngắn:Đào Trường San - 24/06/2019
LẠ CHƯA ĐONG ĐẦY- Thơ Trần Hoài Thắm - 14/06/2019
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ - 03/06/2019
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 02/03/2019
CUỐI NĂM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 26/02/2019
NGƯỜI VỀ- Thơ Văn Chức - 08/02/2019
TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG - 08/02/2019
TÌM VỀ-Thơ Đào Trường San - 08/02/2019
YÊU MÃI GIO LINH---Thơ Tuyết mai - 18/09/2018
CHÁO BỘT- Thơ Đào Trường San - 22/08/2018
CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ LÊ NGỌC PHÁI - 20/08/2018
CHÙM THƠ CỦA LÊ NGỌC PHÁI - 05/08/2018
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 05/08/2018
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên ngắn Đào Trường San - 03/08/2018
HOA GẠO ĐỎ BÊN SÔNG-Truyên của Văn Xương - 03/08/2018
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 04/05/2018
ĐÊM Ở BIỂN - 22/03/2018
CẢM ƠN MIỀN TRUNG- Thơ Đào Trường San - 19/09/2017
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 28/06/2017
LỤY ĐÒ- Thơ Đào Trường San - 29/05/2017
TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San - 23/04/2017
BỤI NGƯỜI- Thơ VĂN CHỨC - 21/04/2017
LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm - 11/04/2017
TÂM TÌNH MIỀN ĐẤT ĐỎ-- Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 17/03/2017
GÓC QUÊ- Thúy Hà - 25/01/2017
TRƯỚC THỀM XUÂN- Thơ Đào Trường San - 02/01/2017
KHOẢNH KHẮC GIAO MÙA- Thơ Đào Mạnh Long - 04/12/2016
THỈNH CHUÔNG NƠI THÀNH CỔ- Thơ Trần Danh Tú - 09/11/2016
CHỢT THƯƠNG- Thơ Lê Luynh - 08/11/2016
THẦM THÌ NGHĨA TRANG- Thơ Đào Trường San - 08/11/2016
HẢY TRẢ TÔI VỀ- Thơ Nguyễn Văn Chức - 07/11/2016
Trang 2/3: Trước  1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website