CHUYỆN CỦA CƯỜNG---LÊ NGUYÊN HỒNG

DONGHUONGQUANGTRI.COM »
03/09/2022 | 14:53

CHUYỆN CỦA CƯỜNG Truyện ngắn: Lê Nguyên Hồng

Chiếc xe Cam ry 2.4 lướt nhẹ vào cổng Sở Văn hóa thông tin tỉnh và dừng lại trước phòng làm việc của Tuyên. Một cặp vợ chồng ăn mặc lịch sự bước xuống. Người đàn ông dáng đậm đà, da ngăm đen, đi thẳng vào gõ cửa phòng. Tuyên ra mở cửa. Ai thế này? Tuyên không tin vào mắt mình.

- Trời ơi ! Mày là Cường phải không?

Người đàn ông chờ có thế là bước đến ôm chầm lấy Tuyên:

- Đúng rồi, Cường đây.

Họ là đôi bạn tri kỹ hồi học cấp 3. Biệt tin nhau gần hai mươi năm còn gì? Cường chỉ vào người phụ nữ đang đứng bên chiếc ô tô chăm chú nhìn hai người đàn ông quấn lấy nhau như đôi tình nhân:

- Hương - vợ tao đấy.

Tuyên ngạc nhiên hỏi:

- Sao vợ chồng mày biết tao ở đây?

- Thì vợ chồng tao về giỗ mẹ, hỏi thăm mới biết mày đang công tác ở tỉnh nên ghé thăm luôn. Tưởng mày quên rồi? Bây giờ có rảnh không?

- Tao đang rảnh.Thôi, ra quán ngồi uống nước, nói chuyện dài dài cho vui…

Cả ba người cùng đến một quán cóc bên đường. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời xa xưa không bao giờ phai trong tâm trí bạn bè, bây giờ lại hiện về…

* * *

Hồi học cấp 3, Tuyên và Cường là học sinh giỏi văn của trường, đều ở trong đội thi học sinh giỏi văn tỉnh. Tuy hai đứa ở hai xã xa nhau nhưng rất thân thiết,bạn bè trong lớp thường gọi là "cặp bài trùng”. Học xong cấp ba, cả hai đều thi đỗ vào đại học ngay năm đầu tiên. Tuyên vào trường Đại học văn hóa Hà Nội. Còn Cường đỗ vào trường Đại học Sư phạm Vinh - Nghệ An. Cuộc đời mỗi người bắt đầu có một lối rẽ riêng. Nói đúng hơn, đó là số phận của mỗi cuộc đời không ai giống ai. Tuyên tốt nghiệp Đại học Văn hóa, về làm việc tại Sở Văn hóa thông tin tỉnh. Tuyên xây dựng gia đình với một cô gái làng, làm nông nghiệp. Cuộc sống, sự nghiệp của Tuyên coi như ổn, cứ thế túc tắc vươn lên theo thời gian. Còn với Cường thì cuộc đời gặp éo le và trải qua bước ngoặt xót xa không bao giờ quên được. Khi đang học năm thứ hai tại Đại học Sư phạm, Cường lao sâu vào "nghề đỏ đen”, say mê bài bạc ở ngoài trường học. Có lần, nhóm bạc của Cường đang hành nghề thì bị công an bắt quả tang. Vì nhóm này có liên quan với những ổ bạc và cá độ bóng đá Ở thành phố Vinh nên Cường bị công an tạm giữ để điều tra. Kết cục, Cường bị đuổi học, lãnh án mười tám tháng tù. Cánh cửa giảng đường đại học đã khép lại trong mơ ước cháy bỏng một thời của chàng sinh viên học giỏi này. Thế là khát khao trở thành giáo viên dạy văn cấp 3 của Cường đã chấm hết. Nhận được thông báo của nhà trường, bố mẹ Cường rất đau buồn. Nhà có ba chị em thì hai chị đã lấy chồng, bố mẹ trông chờ vào đứa con trai út, hy vọng nó sẽ làm rạng danh gia đình bằng con đường học vấn như nhiều gia đình khác trong làng. Ai ngờ, từ chốn thôn quê bước đến thành phố để học tập, tu dưỡng, nó lại không giữ được mình, tự phá hỏng cuộc đời bằng những thú vui cá nhân với suy nghĩ vô cùng nông cạn. Mẹ Cường quá đau khổ, bệnh tim tái phát, sau vài tháng thì qua đời. Đám tang mẹ, Cường đang ở trong tù nên không biết, không về chịu tang được. Xóm làng rất thương Cường nhưng cũng rất giận cậu học trò lúc ở quê thì hiền lành, học giỏi có tiếng mà bỗng chốc trở nên hư đốn từ khi thay đổi môi trường sống. Nhiều gia đình lấy chuyện của Cường để làm bài học răn dạy con cháu.Thật là đau xót.

Sau khi mãn hạn tù, Cường lủi thủi về nhà chịu tang mẹ. Trông Cường tiều tụy và đáng thương lắm. Cường có cảm giác xung quanh mình có những ánh mắt lặng lẽ nhìn theo khinh rẻ. Bố và hai chị gái cùng hai anh rể đến động viên Cường hãy tu chí làm lại cuộc đời, đừng chán nản. Được người ruột thịt thông cảm, an ủi, chia sẻ, cậu ta thề với bố và các anh chị sẽ làm lại cuộc đời để xóa đi những đau khổ đã gây ra cho bản thân và cả gia đình. Chịu tang mẹ xong, Cường gạt nước mắt xin phép cả nhà vào Nam làm ăn, khi nên người mới trở về. Trước sự cương quyết của Cường, cả nhà chấp nhận và động viên bằng những lời tâm huyết, yêu thương. Cường ra đi mang theo tâm trạng buồn khôn tả, trái tim như rỉ máu. Anh tự động viên mình bằng mấy câu thơ trong bài thơ "Cảm ơn nỗi buồn” của một nhà thơ mà anh thường tâm đắc:

Những nỗi buồn thiết tha

Đã đến với chân trời góc biển

Nỗi buồn không bao giờ tan biến

Có nỗi buồn, đời sẽ bớt buồn hơn

Cường cảm ơn nhà thơ đã nói hộ tâm trạng mình lúc bi đát nhất. Anh đã vào Đắc Lắc theo địa chỉ gia đình người chú đang làm công nhân tại một nông trường ở đó. Được sự giúp đỡ của chú thím, Cường vào làm công nhân của nông trường. Cậu ít nói, chăm chỉ công việc, ai cũng quý mến. Vết đen lý lịch bản thân của Cường không ai biết cả. Sau hai năm, Cường dành dụm được một khoản tiền, chú thím cho mượn thêm, Cường mua được 10 héc ta cao su. Đất Tây Nguyên mênh mông, chỉ sợ không có sức làm giàu thôi, còn nếu ai có chí thì làm ra tiền tỷ không phải là khó.Cuộc đời vấp phải vận đen, cổng trường đại học đã từ chối thì phải làm lại theo cách khác. Ở đời đâu cứ phải qua đại học mới nên người? Khối vị giàu sang nhờ ý chí vươn lên bằng bàn tay lao động chứ có qua đại học đâu? Nói như người chị gái trước lúc chia tay:

- Một lần vấp là một lần bớt dại em ạ. Chị tin em sẽ trở thành người tốt, có nghị lực vươn lên. Không theo đường học vấn thì đi vào đường làm giàu cũng tốt. Đời còn dài…

Càng nghĩ lời chị, Cường càng thấm thía tận tâm can. Ở đời, nỗi nhục lớn nhất là vô đạo đức và nghèo hèn vì lười biếng. Muốn không nghèo hèn thì phải làm ra tiền để không có ai khinh rẻ. Sau 5 năm ở với chú thím làm công nhân nông trường, Cường đã tự lập cho mình một trang trại 20 héc ta cao su và 15 héc ta cà phê. Nếu làm công nhân thì không ôm xuể trang trại, thế là Cường xin thôi công nhân, về quê kéo thêm 5 người bà con vào làm với mình. Cường vay thêm tiền ngân hàng để mở rộng trang trại. Chẳng bao lâu, ông chủ trẻ này đã có một trang trại 25 héc ta cao su và 20 héc ta cà phê. Những người làm ở trang trại, Cường trả tiền lương như công nhân nông trường nhưng còn có thêm tiền ăn ca trưa. Cay đắng buổi đầu đời đã làm cho Cường thêm chín chắn, suy trước nghĩ sau khi hành động một việc có liên quan đến tương lai. Cường thực hiện ước mơ làm giàu để giữ đúng lời thề với bố và các anh chị.

Một trường cấp ba ở gần nông trường, có nhiều cô giáo trẻ đẹp chưa chồng. Các cô đều từ nơi khác đến vùng kinh tế mới Đắc Lắc. Có một lần, tình cờ Cường gặp một cô gái từ Ban Mê Thuột cùng xuôi đường về nông trường. Đó là một cô giáo dạy văn cấp ba gần nơi ở của Cường. Cô mới rời trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn vào đây hơn một năm. Cường mời cô giáo vào nhà uống nước. Thế là họ quen nhau, có cơ hội đi lại với nhau. Cô gái có tên là Hương. Vì bố mẹ cô chính gốc người Huế nên đặt tên con gái là Hương - mang vẻ đẹp của dòng sông xứ Huế mộng mơ. Khi quen thân rồi, Cường mới biết rằng: mẹ Hương là nhân viên thương nghiệp nghỉ mất sức, hiện là chủ một sạp vải ở chợ Tây Lộc, bố là công an giám thị trại giam. Cường bỗng thấy sợ. Cô xuất thân trong một gia đình lý lịch đỏ chót. Còn bố mẹ Cường là nông dân tay lấm chân bùn, bản thân Cường lại có vết đen ở tù ra. Hương biết rất rõ nhân thân của bạn trai này. Cô không hề e ngại mà vẫn chơi thân với anh. Anh chị đều là dân miền Trung nên các phong tục, tập quán cho đến phong cách sống đều hợp nhau. Cường bắt đầu cố ý xa lánh Hương. Nhưng sự đời oái oăm: theo tình - tình chạy, chạy tình - tình theo. Cô giáo Hương - đứa con gái cưng của vị thượng tá công an đã đem lòng yêu chàng trai này từ lúc nào không hay. Nhưng chẳng lẽ con gái lại nói ra điều ấy trước thì vô duyên quá. Trâu đi tìm cọc chứ đời nào cọc đi tìm trâu bao giờ? Biết chuyện, thiên hạ cười chết. Nhưng với hoàn cảnh của Cường thì Hương phải có "phương án” để giữ lấy tình yêu. Thấy Cường xa lánh, cô buồn lắm. Một hôm, cô đến chơi nhà Cường. Trong chuyện vui, cô nói gần nói xa:

- Em có cô bạn cùng là giáo viên đang dạy ở Hà Nội, quen một anh bị đi tù về tội lừa đảo. Ra tù, họ cưới nhau. Bây giờ họ sống hạnh phúc lắm. Anh chồng vào làm tại một công ty nước ngoài…

Cường hỏi rất chân tình:

- Gia đình cô gái không phản ứng gì à? Vẫn cho họ lấy nhau sao?

Hương nói giọng tỉnh bơ:

- Lúc đầu bố mẹ cô gái hơi phân vân. Nhưng anh trai cô gái bảo: "Chúng nó yêu nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc là tốt; nặng nề quá khứ mà làm gì; những thằng đàn ông như thế sau này mới biết yêu thương vợ, mới biết làm những điều tốt…” Thế là cả nhà đồng ý. Họ nên vợ nên chồng. Mà anh biết đấy: dân trí thức bây giờ cũng như những người giao tiếp xã hội rộng, họ không chấp nhặt quá khứ lắm đâu, nghĩa là phải tránh việc làm độc ác và phi đạo đức thôi.

Nghe thế, lòng Cường bỗng thấy nhẹ hẳn đi. Anh vơi bớt sự mặc cảm bản thân mà bấy lâu ám ảnh. Tình yêu giữa hai người đã nhen lên như bếp lửa hồng bắt đầu bùng cháy. Họ tôn trọng và động viên nhau cùng hướng tới tương lai. Vùng Tây Nguyên đất đỏ, nắng vàng tươi, đã gieo màu xanh cho nhiều gia đình từ phương xa tìm đến lập nghiệp, trở nên giàu có, nay lại gieo tình yêu cho đôi lứa Cường - Hương nảy mầm, chờ ngày đơm hoa kết trái…

Lần nghỉ hè ấy, Hương rủ Cường về Huế, gọi là ra mắt " bố mẹ vợ tương lai”. Cường đắn đo mãi, cuối cùng vì Hương thúc giục nên đã đồng ý. Cường đâu có biết rằng: từ khi có ý định yêu Cường, Hương điện về nói chuyện với bố mẹ, kể rõ lai lịch của Cường và tình yêu của mình với anh ấy. Mẹ chỉ bảo: "Chuyện đó con hỏi bố”. Còn bố không hề từ chối mà lại nói: " Cứ đưa nó ra đây xem !” Nhà Hương chỉ có hai chị em. Đứa em trai đang học đại học. Mặc dù đã là cô giáo cấp ba nhưng bố mẹ vẫn coi Hương như đứa trẻ ngày xưa. Là con gái nên Hương khôn sớm. Ở cô toát lên nét đẹp, vẻ dịu dàng của thanh nữ xứ Huế đã làm cho nhiều chàng trai khao khát ngẩn ngơ. Từ việc học hành đến chọn nghề vào đời của Hương, bố mẹ rất thỏa mãn. Bố Hương là công an nên ông rất hiểu cuộc đời của nhiều số phận do ông theo dõi, giáo dục, quản lý. Nhờ đức độ của ông mà bao nhiêu người khi ra tù đều tu dưỡng tốt, rất nhiều người thành đạt, có người trở thành doanh nhân nổi tiếng. Họ tìm gặp lại ông cảm ơn, coi ông là ân nhân. Qua thực tế va chạm cuộc sống, ông rất hiểu: "có phải đi tù là xấu đâu? Trong số đi tù ra, có nhiều người tài, do nông nỗi mới phải vào tù, nếu ở vào môi trường khác chắc gì họ phải đi cải tạo…”. Trong thâm tâm vị công an này không hề ác cảm với những người gọi là phạm nhân.

… Đường vào nhà Hương phải đi qua một con hẽm rộng và khá dài. Đúng vào chủ nhật. Con gái đem người yêu về cho bố mẹ xem mặt nên ông bà đều ở nhà đón khách. Cường bắt đầu tỏ ra lúng túng. Ông bố có vẻ nghiêm nghiêm. Còn mẹ thì rất nhẹ nhàng, mặt lúc nào cũng tươi cười, thân thiện, nên làm cho Cường thấy yên tâm. Sau khi ăn cơm xong, ngồi uống nước, ông bố cất giọng hỏi thẳng thừng:

- Nghe nói anh có đi cải tạo hơn một năm phải không?

Hỏi xong, ông nhìn thẳng vào mắt Cường thăm dò thái độ. Điều ông hỏi không làm Cường bất ngờ. Anh ta đã tính rồi, không giấu giếm điều gì cả. "Nếu gia đình Hương chấp nhận thì tốt, nếu không chấp nhận cũng chả sao, vì tình yêu là phải rõ ràng, không che giấu thân phận, nếu che giấu thì sớm muộn cũng lộ chuyện, không đáng mặt thằng đàn ông”. Cường trả lời không chút đắn đo:

- Dạ cháu bị đi tù mười tám tháng vì tội đánh bạc.

Nghe thế, bố Hương gật gật đầu cười thông cảm:

- Tuổi trẻ ngông cuồng mà. Nhưng chẳng sao cả…

Cường vô cùng bất ngờ trước lời nhận xét như là khẳng định ấy. Ông nói tiếp:

- Đi tù cũng có năm bảy đường. Đáng sợ là khi nên vợ thành chồng mà đi tù sẽ làm khổ vợ con. Đi tù ra mà tu chí thì không nên lo lắng. Vấp ngã để biết đường mà tránh là cả một kho kinh nghiệm cho cuộc sống. Đời người dài lắm cháu ạ. Tương lai không phải muốn là có ngay, phải trải qua bầm dập, đau khổ, có khi phải trả giá đắt mới có được. Cháu nghĩ bác nói đúng không?

"Trời ơi! Một ông bố - một vị lãnh đạo của ngành công an mà có những lời chí lý như thế thì biết nói gì thêm được nữa?”. Cường cảm phục ông vô cùng. Anh chỉ nói được một tiếng: " Dạ”.

Ông gọi Hương ra và hỏi ngay:

- Có mặt hai đứa bay đây. Bố mẹ hỏi: "Con có yêu Cường thực lòng không? Còn Cường có thực sự yêu con Hương của bác không? Nếu hai đứa thực bụng yêu nhau thì bố mẹ đồng ý. Đứa nào cũng lớn rồi, tự biết lựa chọn cuộc sống và hạnh phúc riêng tư, bố mẹ không cản trở, cấm đoán. Bố mẹ chỉ nói rằng: Yêu nhau phải biết tôn trọng nhau, biết tha thứ cho nhau, sống phải có đạo đức, nghe chưa?”

Cả Hương và Cường đều đỏ mặt vì sung sướng. Anh chị chỉ biết dạ ran chứ còn nói gì được nữa? Chao ôi ! Sao lại có một ông bố hiếm thấy thế này? Người bố ấy lại là người canh giữ, giáo dục tội phạm, giúp những người lầm lỡ hoàn lương. Sao suy nghĩ của ông rất khác với nhiều người làm bố?

…Một năm sau, Cường và Hương tổ chức đám cưới ngay tại Đắc Lắc, nơi trang trại của Cường. Họ hàng, nội ngoại gia đình hai bên có mặt đông đủ. Hôm ấy có người bạn của bố Hương đang làm giám thị trại giam ở Nghệ An cũng vào dự. Không ngờ, trước đây nghe nói con gái của mình yêu Cường đã từng đi tù ở Nghệ An, bố Hương đã tìm hiểu qua anh bạn công an trực tiếp quản lý trại giam ngoài đó. Chính vì thế nên ông hiểu rất rõ về đứa con rể tương lai. Ông bạn của bố Hương đến chúc mừng đôi tân hôn, ông ghé miệng nói nhỏ vào tai Cường:

- Chắc cháu còn nhớ bác? Bác rất mừng vì cháu là một thanh niên có ý chí. Chuyện đã qua không nên vướng bận nữa. Có một điều quý nhất mà cháu phải ghi lòng tạc dạ, đó là: cháu có người bố vợ tuyệt vời !

Đến bây giờ Cường mới hiểu tất cả. Thì ra, chuyện yêu đương của Cường với Hương đều có sự chăm lo, theo dõi của gia đình và mọi người.

Mọi việc làm của Cường đều không qua được con mắt của xã hội, nhất là những người làm công việc như bố vợ và bạn của ông ấy.

* * *

Hai vợ chồng đã có một thằng cu bốn tuổi, đang đi mẫu giáo. Vợ vẫn theo nghiệp dạy học, chồng theo nghiệp kinh doanh. Họ sống rất hạnh phúc và xác định lập nghiệp tại quê hương Đắc Lắc. Tuyên nghe xong toàn bộ câu chuyện Cường kể, rất xúc động:

-Ừ. Thế mà đã gần hai chục năm rồi…

Cường bảo:

- Hồi ấy buồn và xấu hổ nên tao cắt mọi mối quan hệ bạn bè. Ngay cả mày tao cũng không quan tâm đến.

Tuyên hạ giọng:

- Từ nay không còn lạc nhau nữa.

Cường chỉ vào vợ, nói với Tuyên:

- Vợ tao cũng "ghê” lắm, quyết giành tao cho bằng được. Nói thật, nếu dạo đó cô ấy không quyết tâm thì chả có ngày hôm nay đâu.

Hương tủm tỉm cười e thẹn. Đúng, hạnh phúc này chính Hương đã chọn và vun đắp xanh tươi. Cường nói tiếp:

- Mày biết không? Vừa rồi vợ chồng tao quyết định mua chiếc ô tô ấy đấy, để tiện về quê thăm hai gia đình và liên hệ làm ăn. Sắp tới, vợ chồng tao sẽ liên doanh với một nhà máy chế biến cà phê, mua phần lớn cà phê trên địa bàn nhập cho nhà máy; sẽ tuyển thêm sáu chục lao động.

Bỗng dưng Cường hỏi đột ngột:

- Khi nào mày làm lại nhà? Nếu xây lại thì nói vợ chồng tao biết nhé. Không giúp được nhiều nhưng hỗ trợ toàn bộ khoản gạch, xi măng là bình thường thôi. Nhớ nhé…

Tuyên rất ngỡ ngàng trước những suy nghĩ mạnh dạn cũng như tình cảm chân thật mà vợ chồng Cường dành cho mình. Cuộc sống thực tế đã luyện cho con người dày dạn, cứng rắn và kiên quyết, dám làm những điều mà những người "nhỏ gan” cho là điều không thể. Tuyên nói:

- Rất mừng và cảm ơn tình cảm vợ chồng hai bạn đã dành cho mình. Cuộc đời vẫn đẹp và đáng yêu phải không nào!

Họ chia tay nhau trong sự lưu luyến day dứt. Bước rẽ cuộc đời đưa đẩy mỗi người một ngả, từ xa cách rồi lại tìm về nhau, ôn lại kỷ niệm xưa để rồi cùng nhau vươn tới…

Tuyên bắt tay Cường rất chặt:

- Sẽ có dịp vợ chồng tao vào Đắc Lắc thăm trang trại của cặp vợ chồng "địa chủ” trẻ đất Tây Nguyên…

Hai vợ chồng Hương - Cường đi rồi, Tuyên vẫn đứng nhìn theo mãi. Anh nghĩ về bạn với tất cả tình yêu và sự mến phục:

- Mày giỏi quá, Cường ơi !

                                     LNH

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
NHỚ QUAN HỌ--Thơ Đào Trường San - 18/02/2021
VỚI MỒNG HAI TẾT---Thơ Đào Trường San - 16/02/2021
CHÀO MỒNG BA TẾT--Thơ Đào Trường San - 15/02/2021
CHA TÔI-Thơ Đào Trường San - 06/02/2021
NHÌN LẠI- Thơ Đào Trường San - 23/01/2021
THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG - 31/10/2020
LŨ GHÉ QUÊ ƠI--Thơ Đào Trường San - 14/10/2020
MÃI MIẾT TÌM CON--Thơ Đào Trường San - 20/04/2020
ĐỨNG YÊN NHÉ---Thơ Đào Trường San - 14/04/2020
HẸN LẠI SAU MÙA COVID--Thơ Đào Trường San - 12/04/2020
MÙA XUÂN Ở LẠI-Thơ Nguyễn Văn Dùng - 02/04/2020
MƯA XUÂN NGÀY ẤY MẸ TÔI –Thơ Lê Luynh - 28/03/2020
KỶ NIỆM TUỔI THƠ-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 18/03/2020
CON VỀ--Thơ Nguyễn Văn Chức - 14/03/2020
NÔ LỆ CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 15/01/2020
HOÀN LƯỢNG-Truyện ngắn của Nguyên Hồng - 29/09/2019
LỜI NGUYỀN-Truyện ngắn: Trần Hoái Thắm - 22/08/2019
NỖI NHỚ- Thơ Đào Trường San - 31/07/2019
QUẢNG TRỊ TƯƠI VUI---Thơ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 07/07/2019
GÁC SÚNG- Truyện ngắn:Đào Trường San - 24/06/2019
LẠ CHƯA ĐONG ĐẦY- Thơ Trần Hoài Thắm - 14/06/2019
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ - 03/06/2019
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 02/03/2019
CUỐI NĂM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 26/02/2019
NGƯỜI VỀ- Thơ Văn Chức - 08/02/2019
TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG - 08/02/2019
TÌM VỀ-Thơ Đào Trường San - 08/02/2019
YÊU MÃI GIO LINH---Thơ Tuyết mai - 18/09/2018
CHÁO BỘT- Thơ Đào Trường San - 22/08/2018
CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ LÊ NGỌC PHÁI - 20/08/2018
CHÙM THƠ CỦA LÊ NGỌC PHÁI - 05/08/2018
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 05/08/2018
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên ngắn Đào Trường San - 03/08/2018
HOA GẠO ĐỎ BÊN SÔNG-Truyên của Văn Xương - 03/08/2018
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 04/05/2018
ĐÊM Ở BIỂN - 22/03/2018
CẢM ƠN MIỀN TRUNG- Thơ Đào Trường San - 19/09/2017
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 28/06/2017
LỤY ĐÒ- Thơ Đào Trường San - 29/05/2017
TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San - 23/04/2017
BỤI NGƯỜI- Thơ VĂN CHỨC - 21/04/2017
LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm - 11/04/2017
TÂM TÌNH MIỀN ĐẤT ĐỎ-- Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 17/03/2017
GÓC QUÊ- Thúy Hà - 25/01/2017
TRƯỚC THỀM XUÂN- Thơ Đào Trường San - 02/01/2017
KHOẢNH KHẮC GIAO MÙA- Thơ Đào Mạnh Long - 04/12/2016
THỈNH CHUÔNG NƠI THÀNH CỔ- Thơ Trần Danh Tú - 09/11/2016
CHỢT THƯƠNG- Thơ Lê Luynh - 08/11/2016
THẦM THÌ NGHĨA TRANG- Thơ Đào Trường San - 08/11/2016
HẢY TRẢ TÔI VỀ- Thơ Nguyễn Văn Chức - 07/11/2016
Trang 2/3: Trước  1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website