BÀN GIAO SỐ PHẬN--Truyện ngắn Văn Xương

DONGHUONGQUANGTRI.COM »
02/12/2022 | 10:39

BÀN GIAO SỐ PHẬN--Truyện ngắn: Văn Xương

Hôm nay là ngày cuối cùng ông Tấn làm việc tại nhiệm sở. Từ ngày mai ông được nghỉ hưu theo chế độ. Đó là lẽ thường tình của một đời người, nhưng lòng ông không khỏi canh cánh những nỗi niềm khó tả. Từng căn phòng, lối đi quen thuộc, từng khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười thân yêu ... Tất cả đã khảm vào ký ức ông với biết bao kỷ niệm vui buồn. Ông đi đi lại lại trong căn phòng của mình. Bộ bàn ghế làm việc chữ H và bộ bàn ghế sa lông tiếp khách, ngày ông mới về làm giám đốc đẹp là vậy mà bây giờ đã ngả màu vàng sẫm, nhiều chỗ sứt, xước. Trên bộ bàn ghế chữ H, chiếc máy vi tính cùng chiếc máy điện thoại cố định đã cũ kỹ, một số chữ và số không còn nhìn thấy nữa. Đối diện chỗ ngồi làm việc của ông phía trên cao là tấm ảnh Bác Hồlàm việc bên chiếc máy đánh chữ trông rất gần gũi và dung dị. Gần cửa ra vào đặt một chậu cây Vạn niên thanh, lá xanh mềm, ở giữa có những đường gân trắng nhìn rất bắt mắt. Dọc tường là dãy tủ đựng tài liệu được ông sắp xếp gọn gàng…Tất cả vẫn y nguyên như khi ông đang làm việc. Ồng sẽ bàn giao nguyên trạng cho người kế nhiệm nguyên là phó giám đốc của ông. Những tài sản này bàn giao cho đúng thủ tục quy định chứ thực ra đã được kiểm kê đánh giá đầy đủ trong sổ sách kế toán hàng năm - Ông nghĩ vậy, rồi bước đến bên khung cửa sổ nhìn ra. Trời đã cuối thu. Ngoài kia khoảng sân vườn, những vòm lá dập dìu như những bàn tay vẫy giã biệt mùa đi, ánh nắng chiều loang nhẹ trên hàng ghế đá lốm đốm như những nụ hoa…. Ông nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng thầm thì nói chuyện của mấy người đang ngồi ở đó chờ làm thủ tục chính sách. Tự nhiên ông thấy lòng mình xao động, vương vấn một điều gì đó...

Ông vội vàng bước đến dãy tủ đựng tài liệu.

Mô hôi lấm tấm rồi ngấn vào những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt ông. Đôi mắt ông chăm chú, đôi bàn tay ông lật đi lật lại từng tập hồ sơ. Ông đứng thẫn thờ một lúc rồi với tay lên tập hồ sơ ở ngăn trên cùng của dãy tủ - Đây rồi. Ông thở phào nhẹ nhõm.

Tập hồ sơ được kẹp bằng một tấm bìa cứng màu trắng đã sờn cũ. Trên tấm bìa ghi một dòng chữ cỡ lớn "Hồ sơ của bà Lê Thị Thanh”.Ở góc phải phía dưới ghi một dòng chữ nhỏ đã ố màu "Cần thẩm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm”.Ông Tấn nhớ đó là tập hồ sơ mà người tiền nhiệm của ông (là ông Khoa) đã chuyển giao cho ông trước khi lên làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Khoa bảo đây là trường hợp của một người có công với cách mạng đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Và ông đã hứa với ông Khoa là sẽ tổ chức thực hiện hoàn thành sớm. Vậy mà từ đó đến nay…

Ông ngồi lặng lẽ lật dở lại từng trang hồ sơ. Tất cả như đang hiển hiện lên trước mắt ông.

Hôm ấy là một ngày đầu hạ, trời oi ả, nắng như đổ lửa. Gió lào từng đợt hầm hập, thổi rát rạt khiến không ai muốn bước ra khỏi phòng. Ông đang ngồi đọc tập tài liệu về Chương trình tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng thì có tiếng gõ cửa phòng ông.

- Mời vào! - Ông lên tiếng như một phản xạ đã thành thói quen.

Cửa từ từ mở ra. Một người phụ nữ tóc đốm bạc, dáng mảnh dẻ với vẻ mặt thoáng buồn khẽ cúi người chào ông. Ông chỉ tay vào chiếc ghế đối diện mời người phụ nữ ngồi. Đôi tay run run cầm tập hồ sơ, đôi mắt rơm rớm nước dưới làn kính trắng ngước nhìn ông.

- Thưa ông! Tôi là vợ của ông Nguyễn Hữu Kiên, con đầu của bà Lê Thị Thanh, hiện đang thường trú tại thành phố Hà Nội. Chồng tôi tuổi cao sức yếu, bị bệnh đã mất cách đây hai tháng. Thực hiện di nguyện của chồng mình và là bổn phận của một người con dâu, tôi tiếp tục có đơn đề nghị tỉnh giải quyết chế độ và để minh oan cho mẹ tôi.

Ông rót nước mời bà uống, rồi nhấc chiếc máy điện thoại cố định gọi một cán bộ cơ quan lên phòng mình. Một lúc sau một người đàn ông xuất hiện.

- Thưa bà đây là đồng chí Hải, Trưởng phòng Chính sách người có công của sở, người trực tiếp tham mưu giải quyết đơn thư của gia đình bà.

Ông nói với bà rồi quay sang Hải:

- Đồng chí tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu thật kỹ những tài liệu, tình tiết mới để tham mưu cho lãnh đạo sở sớm đề xuất lên cấp trên xem xét, thẩm tra giải quyết dứt điểm nhé.

- Gia đình tôi rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ của ông và các cấp, các ngành để mẹ tôi sớm được minh oan và chồng tôi cũng được yên lòng nơi chín suối - Ngân ngấn hai hàng nước mắt, bà nhỏ nhẹ nói với ông.

Ông nhìn bà xúc động:

- Vâng! Chúng tôi hiểu và chia sẻ với nỗi đau, mất mát của gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng xác minh, xử lý trong thời gian sớm nhất. Vì đây không chỉ là nhiệmvụ của chúng tôi mà là trách nhiệm và tình cảm của Đảng, nhà nước và nhân dân ta đối với người có công với cách mạng.

- Vâng! Xin chân thành cám ơn ông! Gia đình tôi hy vọng là như vậy.

- Bà ở xa, tuổi lại cao, vì vậy không cần thiết phải đi lại nhiều lần vất vả. Khi nào chúng tôi giải quyết có kết quả thì sẽ báo cho bà. Nếu thấy cần trao đổi hoặc bổ sung thêm tài liệu, hồ sơ thì bà liên hệ qua điện thoại với đồng chí Hải.

Nghe ông nói vậy, bà cám ơn rồi chào ông ra về.

Khoảng một tuần sau, Hải tập hợp toàn bộ hồ sơ của bà Lê Thị Thanh, bao gồm hồ sơ ông Khoa bàn giao và một số tài liệu bổ sung, kèm theo một bản báo cáo dài năm trang giấy A4. Nội dung báo cáo tóm tắt như sau:

Bà Lê Thị Thanh sinh ra trong một gia đình nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Cha bà tham gia phong trào Việt Nam Quang phục hội bị Thực dân Pháp bắt giam tại ngục Lao Bảo từ năm 1913 đến năm 1915. Bà lấy chồng năm mười bảy tuổi và sinh được bốn người con trai. Chồng bà là cán bộ Nông hội xã bị Thực dân Pháp bắt treo cổ tại trụ sở xã năm 1948. Người con trai đầu của bà tham gia cách mạng trước năm 1945. Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp thuộc Trung đoàn 95 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị (tiền thân là Chi đội Thiện Thuật) là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tham gia nhiều trận đánh của Trung đoàn 95 và bị thương tại trận đánh ở Rào Quán (Là thương binh hạng 2/4),sau Hiệp định Geneve tập kết ra Miền Bắc cho đến khi qua đời. Người con trai thứ hai và người con trai út tiếp bước cha anh lên đường chiến đấu rồi lần lượt hy sinh vào năm 1965 và năm 1966. Riêng người con trai thứ 3, đầu năm 1962 để cung cấp một số thuốc chữa bệnh cho cán bộ ở trên rừng, đã được mẹ nhiều lần giao bí mật đi mua. Tại thị xã Quảng Trị người con trai thứ ba của bà bị địch theo dõi và bắt giam (Lúc ấy đang học lớp đệ nhị). Ở nhà lao Quảng Trị, gần một tháng không điều tra được gì chúng liền bắt đi quân dịch. Trong thời gian huấn luyện có một lần đã bỏ trốn khỏi quân ngũ nhưng bị địch bắt giam, sau đó sợ liên lụy đến mẹ nên không bỏ trốn nữa và được sung vào lính thông tin đóng quân ở Mang Cá, thành phố Huế một năm rồi chuyển ra thị xã Quảng Trị… Về lịch sử của bà, từ năm 1967 về trước tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ nuôi dấu cán bộ, du kích và nắm bắt tình hình địch… Vì có chồng là liệt sỹ, có con tập kết ra Miền Bắc nên gia đình bà luôn bị địch tình nghi, theo dõi, kìm kẹp. Có lần địch tìm thấy cờ cách mạng ở trong nhà, bà bị bắt tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo, một lòng, một dạ hướng theo cách mạng và kháng chiến…

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, một đêm đầu tháng sáu cán bộ cách mạng đến nhà mời bà đi, sau đó không trở về. Theo thông tin của một số người từng hoạt động ở xã và ở huyện thời kỳ đó thì không đồng nhất. Người khẳng định sau một tuần được cách mạng mời đi học tập, trên đường trở về bà bị trúng pháo địch chết. Người lại cho rằng bà không phải bị trúng pháo địch mất tích mà bị cách mạng đưa đi xử lý do có đứa con trai thứ ba đi lính ngụy đóng quân ở thị xã Quảng Trị, thời gian đó bà thường lên thăm và gặp gỡ một số người có thân nhân phức tạp, có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho địch…

Đọc xong tập báo cáo, ông Tấn ngồi lặng đi một hồi lâu, rồi thầm nhủ: Một người phụ nữ đã từng đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, gắn bó máu thịt với cách mạng trong những năm tháng đen tối, kìm kẹp của địch, không sợ hy sinh, lao tù; có con đang tập kết ở Miền Bắc, có chồng và hai con là liệt sỹ thì có thể nào lại hoạt động cho địch!?... Với sự trải nghiệm và niềm tin nội tâm của mình, ông tin rằng bà không thể và không bao giờ phản bội lại chính lý tưởng cách mạng cao đẹp mà chồng, con bà và bà đã hy sinh... Trong khi các thông tin, báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền thì việc bà Thanh có bị bắt oan, xử oan hay không, hiện nay chưa có cơ sở kết luận, vì những cán bộ thời kỳ năm 1968 trực tiếp chỉ đạo, ra quyết định và tham gia bắt bà đều đã hy sinh hoặc đã qua đời và không có hồ sơ nào chứng minh. Vậy, có thể áp dụng nguyên tắc "Suy đoán vô tội”, rằng: Mọi nghi can đều vô tội đến khi được chứng minh là có tội, để giải quyết trường hợp cụ thể này được không?... Phải làm thế nào? Phải bắt đầu từ đâu?... Không thể để trắng đen lẫn lộn, không được bỏ sót bất cứ người có công nào, vì đây là trách nhiệm, nếu không sẽ là tội lỗi… - Ông Tấn lẩm bẩm rồi bấm điện thoại gọi Hải.

Khác với những lần trước, mỗi khi gọi Hải lên phòng là ông trao đổi thẳng vào công việc, có nội dung gì cần giải trình làm rõ thì hỏi ngay không vòng vo, dài dòng, tác phong người lính của ông là vậy. Nhưng lần này ông chậm rãi rót một ly nước trà và rút một điếu thuốc lá ra mời Hải, khiến Hải ngạc nhiên. Hải ngập ngừng hỏi ông:

-Anh gọi em có việc gì ạ?

Hít một hơi thuốc lá thật sâu, nhấp một ngụm nước trà, ông bảo Hải:

-Tôi đã đọc kỹ tập hồ sơ và báo cáo của cậu. Thật sự tôi thấy buồn và đau lòng quá. Giá như tập hồ sơ này được xử lý cách đây hơn 20 năm khi lần đầu gia đình họ có đơn, khi các nhân chứng còn sống. Tất nhiên không phải lỗi của cậu và cả của tôi nữa vì khi đó mình đều chưa về công tác tại sở, nhưng bây giờ là trách nhiệm của chúng ta…

Nói đến đó ông dừng lại nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi Hải:

- Cậu có nhiều năm công tác về chính sách người có công với cách mạng, đã có trường hợp nào tương tự như thế này chưa?

- Dạ! Báo cáo anh chưa ạ.

- Cậu đã tập hợp hồ sơ và báo cáo khá chi tiết, đầy đủ, nhưng trong báo cáo của cậu chưa có phần đề xuất xử lý. Vì vậy, tôi muốn cậu suy nghĩ thật kỹ và phối hợp với các phòng chức năng liên quan để bổ sung thêm phần này. Chỉ lưu ý thêm với cậu là, muốn giải quyết thấu tình đạt lý, điều tiên quyết là phải căn cứ vào quy định của pháp luật, hồ sơ phải rõ ràng, đầy đủ được các cấp có thẩm quyền thẩm tra, xác minh đảm bảo theo đúng quy định và như vậy mới trình Trung ương được.

- Dạ! Em sẽ thực hiện sớm ý kiến chỉ đạo của anh.

Ông Tấn khẽ gật đầu, vẻ mặt tư lự. Ông lại hít thêm một hơi thuốc lá thật sâu, nhấp thêm một ngụm nước trà nữa rồi mới nói với Hải.

-Tôi muốn hỏi cậu một điều, là với linh cảm của mình, và là người từng sống trong vùng địch tạm chiếm trước đây, cậu nhận định như thế nào về trường hợp này?

- Báo cáo anh, thật khó để trả lời một cách thuyết phục. Nhưng em nghĩ chúng ta phải có niềm tin, niềm tin vào chân lý và đạo lý. Khi nghiên cứu hồ sơ này, em rất trăn trở và suy nghĩ mãi: Một người mẹ mà khi con mình lên rừng theo cách mạng, tiếp bước cha anh chiến đấu giải phóng quê hương đã cầm tay nói rằng:"Dù có khó khăn, gian khổ đến mấy, dù có phải hy sinh, con cũng ráng chịu đựng không được quay lui nhé. Con nhớ là phía sau con luôn có mạ và quê hương…”.Rồi các anh chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh. Một người mẹ hết lòng thương yêu, nhường cơm, sẻ áo nuôi dấu cán bộ cách mạng, chỉ mong ngày thắng lợi, Nam Bắc một nhà, mẹ con sum vầy, đoàn tụ thì làm sao có thể nghi ngờ được... Với lại ở Miền Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhiều gia đình một nửa ở phía ta, một nửa trong lòng địch, anh đi quân giải phóng, em đi lính quốc gia; có làng, xã ban ngày địch kìm kẹp, ban đêm cách mạng về hoạt động. Có người trên danh nghĩa làm việc cho địch nhưng thực chất lại là người của ta cài cắm vào hoạt động. Các cơ sở cách mạng phải hết sức bí mật, nhiệm vụ được giao chỉ có lãnh đạo, cán bộ chỉ huy mới biết. Vì vậy, sự thật của một con người, ranh giới giữa công và tội… Đặc biệt là sự hiểu lầm, ác cảm, bộc phát, thiếu suy xét, sợ chịu trách nhiệm của một ai đó sẽ gây ra nỗi oan khiên cho người khác là rất dễ xảy ra. Ở tỉnh ta cũng đã có trường hợp được minh oan rồi. Chính vì vậy mà nhà nước ta đã có cuộc Tổng rà soát chính sách người có công với cách mạng và hiện nay các địa phương cũng đang thực hiện.

- Đúng vậy. Để giành được độc lập, tự do chúng ta đã phải đánh đổi biết bao máu và nước mắt. Trong đó có nhiều người đã mãi mãi nằm xuống, nhiều người suốt đời mang thương tích trên mình …Nhưng vẫn còn đó nhiều người đã thầm lặng hy sinh mà đến bây giờ vẫn chưa được ghi công, hoặc minh oan. Danh dự và nhân phẩm con người thiêng liêng biết nhường nào…

Sau buổi trao đổi ấy khoảng một tuần thì Hải có bản báo cáo đề xuất gửi ông.

Ông đã trực tiếp và cử nhiều tổ công tác của cơ quan về làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp với các ngành, cấp ủy, chính quyền, mặt trận từ xã đến tỉnh để thẩm tra, xác minh…báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo nhưng vẫn chưa có cơ sở để giải quyết dứt điểm. Sự việc cứ thế kéo dài cho đến nay. Để rồi tập hồ sơ vẫn nằm yên trên góc tủ theo tháng năm. Để người phụ nữ ấy đã nhiều lần đến gặp ông, nhiều lần ngồi ở hàng ghế đá trước phòng chờ làm thủ tục chính sách…

Cạch…cạch…cạch - Tiếng gõ cửa thức tỉnh ông.

- Mời vào!

- Dạ! Thưa anh. Anh Vinh, tân giám đốc sở đang họp ở UBND tỉnh điện về cho em, bảo xin phép anh buổi bàn giao lùi lại vào lúc bốn giờ rưỡi chiều. Anh thông cảm ạ!

- Ờ, không sao. Bàn giao nhiều lắm cũng chỉ ba mươi phút thôi mà…

Ông Tấn trả lời Hải rồi chỉ tay ra cửa sổ, hỏi:

-Công việc của cậu hôm nay nhiều hay sao mà mấy người kia họ ngồi chờ lâu vậy? - Ông vừa nói vừa bước tới bên khung cửa sổ.

- Dạ! Họ xin gặp giám đốc nhưng em bảo giám đốc đang họp ở UBND tỉnh nên ngồi chờ ở đó.

- Sao cậu không tiếp nhận hồ sơ rồi hẹn họ ngày mai tới.

- Dạ! Họ muốn gặp giám đốc chiều nay để tối lên tàu ra Hà Nội luôn.

- Họ ở tận ngoài Hà Nội cơ à? Nhưng cậu có biết họ gặp giám đốc có việc gì không?

Hải ngập ngừng:

- Dạ! Em cũng đã hỏi họ rồi - Hải vừa nói vừa chỉ tay về phía hàng ghế đá - Người đàn ông và người phụ nữ ngồi cạnh nhau đó là con trai và con dâu của ông Nguyễn Hữu Kiên… Bà vợ ông Kiên mới mất cách đây mấy tháng. Họ tiếp tục thực hiện di nguyện của mẹ mình. Còn cô gái mặc áo hoa kia là nữ phóng viên báo. Cô ấy bảo với em rằng, trường hợp này cần được đưa ra công luận…

Ông Tấn nghe Hải trả lời vậy, lặng lẽ không nói gì nữa.

Ông đi quanh căn phòng một hồi, rồi lại bước đến chiếc bàn làm việc của mình ngồi nhìn trân trân vào tập hồ sơ. Từng câu hỏi, từng ý nghĩ cứ như từng đợt sóng xiết xoáy vào lòng ông… Ông tự nhủ: Là một giám đốc sở với chức năng nhiệm vụ được giao, mình đã làm được gì? Mình đã mắc nợ ... Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, chẳng lẽ những nỗi đau, mất mát, oan nghiệt của số phận con người sau cuộc chiến vẫn cứ hằn in và phải bàn giao thế này mãi ư!?./.

                                                Quảng Trị, ngày 08 tháng 3 năm 2020

                                                                       VX

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
NHỚ QUAN HỌ--Thơ Đào Trường San - 18/02/2021
VỚI MỒNG HAI TẾT---Thơ Đào Trường San - 16/02/2021
CHÀO MỒNG BA TẾT--Thơ Đào Trường San - 15/02/2021
CHA TÔI-Thơ Đào Trường San - 06/02/2021
NHÌN LẠI- Thơ Đào Trường San - 23/01/2021
THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG - 31/10/2020
LŨ GHÉ QUÊ ƠI--Thơ Đào Trường San - 14/10/2020
MÃI MIẾT TÌM CON--Thơ Đào Trường San - 20/04/2020
ĐỨNG YÊN NHÉ---Thơ Đào Trường San - 14/04/2020
HẸN LẠI SAU MÙA COVID--Thơ Đào Trường San - 12/04/2020
MÙA XUÂN Ở LẠI-Thơ Nguyễn Văn Dùng - 02/04/2020
MƯA XUÂN NGÀY ẤY MẸ TÔI –Thơ Lê Luynh - 28/03/2020
KỶ NIỆM TUỔI THƠ-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 18/03/2020
CON VỀ--Thơ Nguyễn Văn Chức - 14/03/2020
NÔ LỆ CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 15/01/2020
HOÀN LƯỢNG-Truyện ngắn của Nguyên Hồng - 29/09/2019
LỜI NGUYỀN-Truyện ngắn: Trần Hoái Thắm - 22/08/2019
NỖI NHỚ- Thơ Đào Trường San - 31/07/2019
QUẢNG TRỊ TƯƠI VUI---Thơ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 07/07/2019
GÁC SÚNG- Truyện ngắn:Đào Trường San - 24/06/2019
LẠ CHƯA ĐONG ĐẦY- Thơ Trần Hoài Thắm - 14/06/2019
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ - 03/06/2019
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 02/03/2019
CUỐI NĂM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 26/02/2019
NGƯỜI VỀ- Thơ Văn Chức - 08/02/2019
TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG - 08/02/2019
TÌM VỀ-Thơ Đào Trường San - 08/02/2019
YÊU MÃI GIO LINH---Thơ Tuyết mai - 18/09/2018
CHÁO BỘT- Thơ Đào Trường San - 22/08/2018
CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ LÊ NGỌC PHÁI - 20/08/2018
CHÙM THƠ CỦA LÊ NGỌC PHÁI - 05/08/2018
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 05/08/2018
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên ngắn Đào Trường San - 03/08/2018
HOA GẠO ĐỎ BÊN SÔNG-Truyên của Văn Xương - 03/08/2018
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 04/05/2018
ĐÊM Ở BIỂN - 22/03/2018
CẢM ƠN MIỀN TRUNG- Thơ Đào Trường San - 19/09/2017
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 28/06/2017
LỤY ĐÒ- Thơ Đào Trường San - 29/05/2017
TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San - 23/04/2017
BỤI NGƯỜI- Thơ VĂN CHỨC - 21/04/2017
LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm - 11/04/2017
TÂM TÌNH MIỀN ĐẤT ĐỎ-- Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 17/03/2017
GÓC QUÊ- Thúy Hà - 25/01/2017
TRƯỚC THỀM XUÂN- Thơ Đào Trường San - 02/01/2017
KHOẢNH KHẮC GIAO MÙA- Thơ Đào Mạnh Long - 04/12/2016
THỈNH CHUÔNG NƠI THÀNH CỔ- Thơ Trần Danh Tú - 09/11/2016
CHỢT THƯƠNG- Thơ Lê Luynh - 08/11/2016
THẦM THÌ NGHĨA TRANG- Thơ Đào Trường San - 08/11/2016
HẢY TRẢ TÔI VỀ- Thơ Nguyễn Văn Chức - 07/11/2016
Trang 2/3: Trước  1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website