TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San

TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
23/04/2017 | 09:08

TÌNH VÀ NGHĨA-- Truyện ngắn của Đào Trường San

Vậy là thêm một mùa xuân mới lại về. Trời se lạnh pha chút nắng ấm của ngày đầu năm. Cảnh vật chung quanh dường như thay đổi hẳn. Mọi thứ như vừa cở bỏ hết vỏ bên ngoài, thay bằng bộ mặt hoàn toàn mới, vừa lạ lại vừa quen.

Từ ngày đứa con gái duy nhất của ông bà Phúc sang buôn bán ở Nga, căn nhà của hai ông bà trở nên vắng vẻ và như rộng ra. Để lấp khoảng trống đó, ông bà Phúc đã mở quầy bán tạp hóa ngay tại gian đầu của căn nhà, nơi tiếp giáp với mặt đường. Công việc tưởng như đơn giản, ai dè mệt muốn đứt hơi! Một phần vì hai ông bà Phúc chưa quen với buôn bán, một phần vì bao nhiêu việc không tên tự nhiên kéo đến ngày một nhiều. Ông Phúc vừa đi tìm nguồn hàng, vừa đứng bán lại vừa thu tiền. Lâu lâu, bà Hạnh, vợ ông, đứng bán thay để ông đi công chuyện. Ngày nào cũng vậy, cứ phải sau chín giờ tối mọi việc mới tạm ổn. Ông Phúc đi tắm, ăn cơm rồi mới được coi tivi. Bà Hạnh còn phải dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra tiền, mãi đến tận khuya mới hết việc. Mấy ngày đầu, buôn bán cứ lẫn lộn, lúc nào ông bà Phúc cũng thiếu tiền, đôi lúc ông Phúc có ý định nghỉ buôn bán.
Giờ thì việc buôn bán của ông bà Phúc đã đi vào ổn định. Quầy hàng của gia đình ông Phúc bắt đầu có lời, chỉ có điều là hai ông bà không có thời gian để nghỉ ngơi.
Nhằm giải tỏa bớt áp lực của công việc, bà Hạnh bàn với chồng đưa cháu gái của mình ở quê vào giúp dọn dẹp nhà cửa.
Nga, tên của đứa cháu bà Hạnh, gọi bà bằng dì, mới mười lăm tuổi, hiền lành và rất chịu khó. Nga chiếm ngay tình cảm của hai ông bà ngay từ ngày đầu bước chân vào gia đình ông Phúc.
Từ một quầy hàng nhỏ, nhờ kinh doanh buôn bán tốt, cuộc sống gia đình ông Phúc khá lên nhanh chóng. Ông Phúc cho ra đời công ty trách nhiệm hữu hạn Hạnh Phúc. Hạnh Phúc là tên ghép của hai vợ chồng, muốn chỉ một sự tốt lành như hai vợ chồng ông mong muốn. Bà Hạnh đứng tên làm giám đốc công ty nhưng thực chất mọi thứ đều do ông Phúc sắp đặt và chỉ đạo. Ông Phúc trước đây đã có thời kỳ làm cán bộ tuyên huấn của huyện, mới nghỉ hưu. Ông là một người khôn lanh, quen biết rộng với các ngành và địa phương nên dễ bề bắt mối làm ăn. Ông nói:" Thời buổi này làm ăn mà không quen biết, không thông thuộc đường đi, lối lại, sớm muộn gì cũng chết.” Và ông tự hào với điều đó. Người ta nói ông Phúc là con người khôn lỏi và núp trong bóng tối.
Bà Hạnh có việc phải về quê. Công việc ở nhà, bà giao lại cho đứa cháu trông coi. Lúc này cháu cũng đã lớn, ra dáng một thanh nữ xinh đẹp. Mọi việc từ dọn dẹp, bếp núc, buôn bán, Nga đều chủ động làm, không còn cầm tay chỉ việc như trước.
Ông Phúc hay về khuya. Ông lo công việc đối ngoại nên thường đi ăn nhậu với khách. Ông là một tay uống rượu bia có hạng. Người ta thường uống một thứ, còn ông Phúc uống cả rượu lẫn bia cũng không sao. Ông càng uống càng tỉnh, da mặt ông khi say không bao giờ bị đỏ. Cách uống rượu của ông Phúc rất khác với mọi người. Ông không uống từ từ mà tấn công đối thủ ngay. Khách mới quen, chưa biết tính cách của ông, dễ bị ông hạ gục ngay từ đầu trận, chưa ai thấy ông Phúc say mèm bao giờ .
Nga đang mải mê lau bếp bỗng giật mình bởi một hồi chuông dài réo lên. Nga vội vàng chạy ra mở cổng. Ông Phúc lảo đảo bước vào. Hai chân của ông không còn điều khiển được nữa, chân nọ đá chân kia. Đi được mấy bước, người ông như muốn bổ ngửa, Nga vội chạy lại dìu ông đi. Ông Phúc ôm chặt lấy Nga. Bên cạnh ông giờ đây Nga không còn là cô bé lọ lem của ngày nào mà là một thiếu nữ trắng trẻo, xinh đẹp, khoẻ mạnh. Nga dìu ông vào, cởi giày và đặt ông lên giường. Ông phúc vẫn ôm riết lấy Nga. Ông cố kéo Nga vào sát người của ông. Nga gắng lấy hết sức gỡ ông ra, nói nhỏ nhẹ " Đừng chú!” rồi bước nhanh ra khỏi phòng. Ông Phúc không có phản ứng gì, nằm thẳng đơ trên giường. Ông đã quá say. Lần đầu tiên người ta mới thấy ông Phúc say như vậy.
Ông Phúc dậy sớm tập thể dục sau đó vào ăn sáng. Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế mây quen thuộc và bảo Nga ngồi bên cạnh.
- Tối qua, chú quá say, cháu bỏ qua cho chú nhé!
- Dạ, không có gì đâu chú! Nga lễ phép trả lời rồi mời ông ăn sáng. Ông Phúc ăn nhanh tô phở do cô cháu làm sẵn, hỏi han cháu thêm mấy câu, lên phòng thay quần áo, cầm cặp táp đi xuống. Hôm nay ông phải qua công ty Vạn Phát để xem hàng. Ông lấy trong chiếc cặp ra một phong bì đưa cho Nga:
- Chú cho cháu!
Nga lễ phép cảm ơn và đón lấy phong bì từ tay ông Phúc.
Ông Phúc đi rồi, Nga mở phong bì ra xem, bên trong có hai mươi tờ giấy bạc loại một trăm nghìn đồng. Lâu lâu, ngoài trả tiền công ra ông vẫn cho Nga một vài trăm để chi tiêu. Lần này Nga không ngờ ông Phúc cho mình nhiều tiền như vậy. Nga cũng đang rất cần tiền để gửi về nhà trả tiền học phí cho thằng út. Nga nghĩ: "chú Phúc quả là người tốt! Hai vợ chồng chú ấy luôn quan tâm đến mình. Sự việc tối hôm qua có lẽ do chú ấy quá say, không làm chủ được bản thân, không thể trách chú ấy được”.
Chương trình thời sự cuối ngày của đài truyền hình thành phố đã hết từ lâu vẫn chưa thấy ông Phúc về. Nga sốt ruột. Mâm cơm soạn sẵn ở trên bàn đã nguội ngắt. Thỉnh thoảng Nga nhìn ra phía ngõ vẫn không thấy bóng dáng ông Phúc đâu. Nga không còn kiên nhẫn để đợi ông, cô đành phải ăn trước. Nga cố ăn thật chậm, vừa ăn vừa chờ, may ra ông ấy về kịp, khỏi phải bị mang tiếng "không chờ chú về cùng ăn”.
Nga chuẩn bị đi ngủ thì ông Phúc về. Vẫn bộ dạng say bia như lần trước. Lần này khi Nga mở cổng, ông Phúc không chịu đi vào mà phải chờ Nga đến dìu ông mới vô. Nga đưa ông lên giường, cởi giày cho ông. Nga đang định đi ra bỗng ông Phúc ôm ghì lấy Nga kéo cô xuống giường. Nga cố vùng vẫy nhưng không sao thoát ra khỏi hai bàn tay cứng như hai gọng kìm của ông.
Sự việc cứ diễn đi, diễn lại, chỉ có điều là những lần sau Nga không còn chống cự như các lần trước, có lẽ chuyện cũng đã lỡ rồi mà chống cự cũng vô ích.
Bà Hạnh, sau một chuyến dài về quê đã trở lại căn nhà của mình. Mọi thứ trong nhà vẫn gọn gàng, ngăn nắp, có vẻ như sạch đẹp hơn lúc bà còn ở nhà. Mấy chậu hoa đặt trước hiên được sắp xếp lại, xanh mướt, nhìn mát con mắt. Vậy mà lúc ra đi bà cứ lo hai chú cháu nó ở nhà vất vả, bừa bộn mọi thứ. Đúng là bà lo bò trắng răng. Mối quan hệ giữa con Nga và chồng bà có vẻ như khăng khít hơn. Nó không còn e dè sợ chú như trước đây, bà thầm khen con Nga tiến bộ. Nga vẫn coi trọng bà. Mọi việc bà sai Nga làm, cô đều lo rốt ráo, không thấy một dấu hiệu bất thường nào. Bà đâu biết đằng sau sự gọn gàng ngăn nắp, lễ phép, đằng sau sự khăng khít kia đang chứa đựng những bất ổn. Nó giống như một quả bom nổ chậm chờ chực bà.
Nga trở nên xanh xao, hai bên cổ nổi lên những đường gân xanh. Thỉnh thoảng Nga muốn nôn, thích ăn đồ chua. Là một phụ nữ từng trải, bà Hạnh biết Nga ốm nghén. Cuối cùng bà cũng biết được tác giả cái thai đang trong bụng của Nga. Một sự cố ngoài sức tưởng tượng của bà. Ruột gan bà Hạnh như rối tung lên. Bà trách con Nga hồ đồ. Bà giận ông Phúc. Nhưng xử sự thế nào với đứa cháu và với ông Phúc thì bà lúng túng. Bà Hạnh rất hiểu tính độc đoán, gia trưởng của ông Phúc. Ông ấy muốn là ông ấy làm, không ai được ngăn cản. Ông Phúc đang thăm dò và chờ đợi thái độ của bà Hạnh. Chỉ cần bà Hạnh ho he là ông Phúc tống khứ bà đi ngay. Bà Hạnh không còn cách nào hơn là im lặng.
Tính nết của ông Phúc đã thay đổi hẳn. Ông quát tháo nhiều hơn trước. Tất cả mọi bực tức ông trút lên đầu bà Hạnh. Ông còn ôm eo Nga dẫn qua, dẫn lại trước mắt như muốn chọc tức bà. Nga cũng không muốn ông Phúc hành động như thế nhưng không thể cản được ông. Có lần Nga nói với ông Phúc:" Đừng làm như thế với dì, tội chết!” nhưng ông bỏ ngoài tai. Ông còn bảo:" Để cho con mụ già đó mau xáo đi nơi khác!”.
Sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn. Bà Hạnh không thể chịu đựng nỗi cảnh chướng tai, gai mắt cứ lồ lộ phơi bày ra hàng ngày trước mắt mình. Hai cái tai của bà như muốn vỡ tung khi phải hứng chịu những từ vô đạo đức, thiếu văn hóa cứ ra rả tuôn ra từ cái miệng độc ác của ông Phúc. Bà Hạnh quyết định từ bỏ cái tổ ấm mà bà đã xây dựng mấy chục năm nay. Lúc đầu, bà Hạnh thuê một căn phòng để ở. Sau đó bà mua hẳn một căn nhà nhỏ gần chợ để buôn bán. Bà Hạnh buôn bán mát tay nên dần dà có của ăn, của để. Đứa con gái của bà ở Nga, làm ăn khấm khá, thỉnh thoảng còn gửi tiền về cho bà. Bà đang có ý định xây một căn nhà ở mặt tiền, trước mắt là cho thuê, sau này con bà về nước có chỗ để ở và làm ăn. Đúng là trời phù hộ cho bà! Thỉnh thoảng bà lấy mấy bức ảnh chụp chung cả gia đình ra xem. Bà vẫn nhớ đến ông Phúc, nghĩ đến cái thuở ban đầu, tình nghĩa vợ chồng thắm thiết. Giá như ông Phúc tỉnh táo thì gia đình bà sẽ hay biết mấy! Con cái của bà lúc nào cũng có đủ cả cha lẫn mẹ, hạnh phúc nào hơn. Bà như chết lặng đi trước những tấm hình vô tri vô giác đang nằm trên tay của bà, tiếc nuối một thời kỷ niệm.
Một thời gian sau, Nga sinh hạ cho ông Phúc một thằng bé kháu khỉnh. Ông Phúc mở tiệc mừng lớn. Ông nói:" Nhờ ông ăn ở có phúc nên trời cho ông một đứa con trai để nối dõi tông đường”.
Nga nghiễm nhiên trở thành bà chủ, được ông Phúc cho làm Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Thịnh. Trường Thịnh là tên con trai của ông Phúc. Ông lấy tên con trai đặt tên cho công ty cũng là mong cho công ty ăn nên, làn ra, trường tồn và thịnh vượng.
Từ ngày làm giám đốc, Nga suốt ngày bận rộn, hết tiếp khách, ký kết hợp đồng, mua bán lại đếm tiền. Thực ra, mọi việc của Nga làm đều do ông Phúc xếp đặt. Ông Phúc nói là làm, Nga đâu dám chống lệnh! Có những việc gian dối, Nga thực sự không muốn, nhưng rồi phải bấm bụng làm theo. Nga nghĩ mà thương dì. Nhờ có dì cưu mang, Nga mới được làm dân thành phố. Nga thật đáng hổ thẹn, chỉ vì sự nhẹ dạ, sự không may mắn mới ra nông nỗi này. Không biết cuộc sống của dì bây giờ ra sao! Càng nghĩ, Nga càng ân hận. Đôi lúc Nga muốn đi tìm dì để xin lỗi, để mong dì tha thứ nhưng Nga không làm được. Nga chẳng còn mặt mũi nào để nhìn dì. Số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy Nga vào vòng tội lỗi. Nó như một chiếc vòng kim cô đang thắt vào cổ Nga, không tháo ra được. Sự dằn vặt cộng với áp lực công việc đã làm cho Nga già hẳn đi so với tuổi.
Công ty Trường Thịnh kinh doanh đủ thứ mặt hàng. Trong tủ kính của cửa hàng công ty bày bán đủ thứ kể cả các loại rượu. Ông Phúc lâu lâu chở một phụ nữ trẻ, đẹp về cửa hàng kèm theo những chai rượu gắn mác ngoại. Người ta đồn rằng công ty của ông Phúc chuyên bán rượu lậu, rượu giả của người đàn bà đó và hàng lậu từ biên giới mang về. Thực hư thế nào chẳng rõ nhưng ông Phúc mạnh miệng nói:" Rượu của ông bán là rượu thật, mấy đứa độc mồm, độc miệng, thấy ông làm ăn khấm khá, bày đặt, bịa chuyện để hạ uy tín của ông!”.
Ông Phúc chở hẳn con bồ về nhà. Lúc đầu ông giới thiệu với Nga đó là bạn hàng làm ăn với công ty. Tuần đầu, ông đưa bồ về nhà một lần. Tuần sau, ông đưa về hai lần và cứ thế số lần tăng lên theo thời gian. Con bồ của ông Phúc trẻ, đẹp, láu lỉnh và già dặn trong tiếp xúc. Nó gọi Nga bằng chị chị, em em, ngọt xớt. Giờ thì nó tự nhiên ở lại trong nhà cùng ăn cơm, lục lọi khắp mọi nơi. Nga có linh tính chuyện chẳng lành, định hỏi nhưng sợ tính Trương Phi của ông Phúc, nên thôi. Nga ái ngại nhìn người khách tự nhiên kia đang xâm chiếm lãnh địa của mình. Bà ta giống như một con cọp cái, còn Nga giống như một con thỏ, thu mình vào góc phòng, mong sự bình yên.
Cả khu phố người ta đồn rần rần rằng ông Phúc sắp cưới vợ mới. Có người cho rằng ông Phúc vi phạm luật hôn nhân gia đình sao không thấy chính quyền can thiệp? Cũng có người cho đó là chuyện cá nhân, thời buổi này khối người lấy hai, ba vợ, với lại ông Phúc hay ăn nhậu cùng các quan chức điạ phương, lỡ ăn rồi, há miệng mắc quai, ai dám can thiệp!
Tính ông Phúc là vậy. Ông muốn là được. Giờ thì ông chả cần dấu diếm, đưa hẳn con vợ chưa cưới về ở trong nhà. Khổ cho Nga, từ số phận làm hoàng hậu, trong phút chốc Nga trở thành thứ phi. Nga phải chịu đựng những cảnh ngang trái diễn ra trước mắt. Cái khổ nhất của Nga là tức mà không nói được. Chỉ cần Nga ngọ ngậy một tiếng là ông Phúc sẽ tống khứ ngay hai mẹ con của Nga ra khỏi nhà. Nga cũng không ngờ ông Phúc tệ bạc và thay đổi nhanh đến thế. Khi lấy Nga, ông Phúc thề thốt đủ điều, còn bây giờ ông coi Nga không đáng giá một xu. Con vợ chưa cưới của ông Phúc cũng được nước làm tới. Nó coi hai mẹ con Nga như một cái gai trước mắt cần sớm gỡ bỏ. Hàng ngày con vợ chưa cưới của ông Phúc cứ chửi xiên, chửi xéo Nga, nghe nhức cả lỗ tai!
Nga không thể chịu đựng nổi sự lạnh lùng của ông Phúc, sự quá quắt của bà vợ chưa cưới của ông, đành khăn gói, dắt con nhỏ trở về quê. Giấc mơ làm dân thành phố của Nga tan như bọt nước.
Ông Phúc chả bận tâm đến việc mẹ con Nga bỏ nhà ra đi. Lúc này bên ông đã có bà vợ chưa cưới. Ngày đêm ông phúc chỉ suy nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền, bất chấp mọi thủ đoạn. Bà vợ chưa cưới của ông Phúc cùng chung suy nghĩ đó. Đúng là một đôi gian xảo, ý hợp tâm đầu! Họ lao vào việc kiếm tiền như những con thiêu thân. Cửa hàng của ông Phúc tràn ngập các loại rượu ngoại, rượu lậu, rượu giả. Ông Phúc thiết lập đường dây mua bán rượu lậu từ các cửa khẩu ở biên giới. Một xưởng sản xuất rượu giả đặt ngay phía sau nhà. Đám thợ chuyên làm rượu giả toàn là người bà con của bà vợ chưa cưới và con cháu của ông Phúc. Họ lấy vỏ chai rượu ngoại, chiết nước rượu dỏm vào, đi mua những nhãn mác rượu ngoại ở chợ trời ráp vô và thế là có đủ các loại rượu hảo hạng trên thế giới. Một chai rượu giả, trung bình ông Phúc bán lời một vài trăm nghìn đồng. Còn các loại rượu Napoleon, Remy Martin giả, đôi khi ông Phúc bán, lời cả bạc triệu. Đồng tiền đã làm mờ con mắt của ông Phúc.
Người ta vô, ra nhà ông Phúc mua bán rượu, thuốc lá rần rần. Càng gần tết, khách hàng đến cửa hàng ông Phúc càng đông. Ông Phúc và bà vợ chưa cưới của ông tha hồ hốt bạc.
Trời nóng. Cái nóng của mùa hè cộng với cảnh huyên náo của người xe, khói bụi, làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Ông Phúc đóng cửa hàng sớm để nghỉ trưa.
Ông Phúc và bà vợ chưa cưới của ông định ngồi vào bàn ăn cơm thì có tiếng gõ cửa. Ông bực mình, định ngồi yên thì tiếng gõ cửa mỗi lúc mỗi gấp gáp.
- Mở cửa mau, có chính quyền đến kiểm tra!- Tiếng một người đàn ông nói lớn.
- Đợi một chút! Ông Phúc trả lời, vội đứng dậy ra mở cửa. Trước mắt ông, bốn anh công an mặc sắc phục, dáng vẻ nghiêm trang, đi theo sau là hai cán bộ của phường và bà tổ trưởng dân phố.
Khi mọi người vào hẳn trong nhà, anh sỹ quan công an, có lẽ là trưởng toán, lôi trong cặp ra một tờ giấy. Đó là lệnh khám xét cửa hàng và nhà ở của ông Phúc. Sau khi đọc xong lệnh, anh sỹ quan công an yêu cầu ông Phúc đi theo mọi người để thực hiện lệnh khám xét.
Người ta lôi trong kệ ra hàng trăm chai rượu ngoại, đặt giữa nhà. Ông Phúc nhếch mép cười:"Tuởng gì !”, Ông thầm nghĩ:" Rượu của ông có bao bì, tem nhãn đàng hoàng, đố thằng Tây nào phát hiện đượu rượu thật hay rượu giả, chẳng có gì phải lo!”. Bỗng đoàn người đi về phía sau và ra lệnh cho ông mở cửa hậu. Mặt ông Phúc bỗng nhiên biến sắc. Ông không ngờ họ lại biết cả chỗ làm rượu giả của gia đình ông. Khu vực này chỉ những người thân của bà vợ chưa cưới và người thân của ông làm. Ông nghĩ:" Chẳng lẽ lại có người nhà phản bội!”.
Ông Phúc run run đưa tay ký vào biên bản phạm pháp quả tang và lẽ dĩ nhiên ông phải theo công an về trại giam.
Bà vợ chưa cưới của ông Phúc giống như cây chuối đổ sầm xuống đất, mặt không còn giọt máu. Ông Phúc đi được một lúc mà bà ta vẫn chưa hoàn hồn. Con mắt của bà đờ đẫn nhìn ra đường. Thế là hết!
Ông Phúc, từ ngày vô trại giam, già đi trông thấy. Đầu tóc muối tiêu của ông bây giờ bạc trắng. Nước da của ông trở nên bờn bợt như người bị bệnh phù thũng, có lẽ do thiếu ánh nắng. Mấy tháng ở trại giam, ông Phúc chẳng được ai đến thăm. Bà vợ chưa cưới của ông nghe nói đã gom đồ đạc đi đâu mất, không để lại tung tích.
Ở trại giam, ngày chủ nhật, người ta đến thăm phạm nhân đông hơn các ngày thường. Cán bộ, công nhân viên tranh thủ ngày nghỉ, lên thăm người nhà và tiếp tế cho họ. Những lúc đó, ông Phúc cảm thấy sự lẻ loi, trống vắng.
Phòng giam của ông Phúc hôm nay chỉ còn lại một mình ông. Mọi người trong phòng đã được quản giáo cho đi gặp người thân. Ông phúc ngồi bệt vào trong góc, suy nghĩ miên man về số phận đen đủi của mình. Giờ thì ông thấm thía nỗi cô đơn, bất hạnh và sự trả giá cho những việc làm ngu xuẩn. Ông Phúc giật thót người khi nghe quản giáo gọi:
- Bị can Phúc, ra ngoài, có người nhà gặp!
- Dạ! Ông trả lời, rồi đứng dậy, đi theo người quản giáo. Ông vừa đi vừa suy đoán:" Hai người vợ trước đã hận mình, bỏ đi rồi, lúc này chỉ còn bà vợ chưa cưới, chắc bà ấy đến!”.
- Bà Hạnh!- Ông Phúc khẽ kêu lên. Đúng là bà Hạnh thật. Bà Hạnh bằng xương, bằng thịt đang đứng trước mặt ông. Bà Hạnh không nói gì chỉ đưa mắt nhìn ông từ đầu đến chân. Sau đó bà lại gần, đưa cho ông một giỏ quà. Ông Phúc cảm động mở ra xem, trong giỏ xách có đường, sữa, trái cây. Đặc biệt lại có một hộp dầu cao sao vàng và một gói thuốc du lịch. Hai thứ này ông Phúc rất thích dùng từ những ngày đầu khó khăn khi ông mới cưới bà. Nghe nói mấy tháng trước bà Hạnh còn gửi tiền về cho Nga, đứa cháu gái của bà, để nó nuôi con, dù sao trong vấn đề của Nga, bà cũng cảm thấy mình có lỗi. Chính do bà đưa nó vào thành phố nên mọi chuyện mới xảy ra. Bà giận con Nga một thì giận ông Phúc mười. Giờ nhìn ông trong trại giam bà lại thấy thương hại ông.
- Mong ông sớm được ra trại. Nói xong, bà Hạnh vội quay gót, bước ra khỏi phòng khách.
Ông Phúc không nói được một lời nào. Lúc này ông mới thấm thía chữ tình và chữ nghĩa. Ông thực sự có lỗi với bà Hạnh. Hai con mắt của ông như bị thôi miên nhìn theo bước đi của bà mà hồn của ông thì đang bay lơ lửng giữa không trung. Ông giật mình khi nghe người quản giáo giục đi nhanh về phòng giam.
Tay ông run run nâng chiếc giỏ quà của bà Hạnh lên, đi theo người quản giáo. Ông đi như người mộng du. Từ hai con mắt của ông ứa ra hai dòng lệ.

Ngoài trời những giọt mưa xuân bắt đầu lác đác rơi

                                                                               Đ T S



Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com
Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
NHỚ QUAN HỌ--Thơ Đào Trường San - 18/02/2021
VỚI MỒNG HAI TẾT---Thơ Đào Trường San - 16/02/2021
CHÀO MỒNG BA TẾT--Thơ Đào Trường San - 15/02/2021
CHA TÔI-Thơ Đào Trường San - 06/02/2021
NHÌN LẠI- Thơ Đào Trường San - 23/01/2021
THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG - 31/10/2020
LŨ GHÉ QUÊ ƠI--Thơ Đào Trường San - 14/10/2020
MÃI MIẾT TÌM CON--Thơ Đào Trường San - 20/04/2020
ĐỨNG YÊN NHÉ---Thơ Đào Trường San - 14/04/2020
HẸN LẠI SAU MÙA COVID--Thơ Đào Trường San - 12/04/2020
MÙA XUÂN Ở LẠI-Thơ Nguyễn Văn Dùng - 02/04/2020
MƯA XUÂN NGÀY ẤY MẸ TÔI –Thơ Lê Luynh - 28/03/2020
KỶ NIỆM TUỔI THƠ-Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 18/03/2020
CON VỀ--Thơ Nguyễn Văn Chức - 14/03/2020
NÔ LỆ CÀ PHÊ-Thơ Đào Trường San - 15/01/2020
HOÀN LƯỢNG-Truyện ngắn của Nguyên Hồng - 29/09/2019
LỜI NGUYỀN-Truyện ngắn: Trần Hoái Thắm - 22/08/2019
NỖI NHỚ- Thơ Đào Trường San - 31/07/2019
QUẢNG TRỊ TƯƠI VUI---Thơ ĐÀO TRƯỜNG SAN - 07/07/2019
GÁC SÚNG- Truyện ngắn:Đào Trường San - 24/06/2019
LẠ CHƯA ĐONG ĐẦY- Thơ Trần Hoài Thắm - 14/06/2019
HẠNH PHÚC VÀ CHIA SẺ - 03/06/2019
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 02/03/2019
CUỐI NĂM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 26/02/2019
NGƯỜI VỀ- Thơ Văn Chức - 08/02/2019
TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG - 08/02/2019
TÌM VỀ-Thơ Đào Trường San - 08/02/2019
YÊU MÃI GIO LINH---Thơ Tuyết mai - 18/09/2018
CHÁO BỘT- Thơ Đào Trường San - 22/08/2018
CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ LÊ NGỌC PHÁI - 20/08/2018
CHÙM THƠ CỦA LÊ NGỌC PHÁI - 05/08/2018
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 05/08/2018
CUỘC CHIẾN CÒN LẠI-Truyên ngắn Đào Trường San - 03/08/2018
HOA GẠO ĐỎ BÊN SÔNG-Truyên của Văn Xương - 03/08/2018
CHIỀU THẠCH HÃN- Thơ Nguyễn Văn Chức - 04/05/2018
ĐÊM Ở BIỂN - 22/03/2018
CẢM ƠN MIỀN TRUNG- Thơ Đào Trường San - 19/09/2017
HOÀNG HÔN- Thơ Đào Trường San - 28/06/2017
LỤY ĐÒ- Thơ Đào Trường San - 29/05/2017
TÌNH VÀ NGHĨA- Truyện ngắn: Đào Trường San - 23/04/2017
BỤI NGƯỜI- Thơ VĂN CHỨC - 21/04/2017
LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm - 11/04/2017
TÂM TÌNH MIỀN ĐẤT ĐỎ-- Thơ Nguyễn Hữu Thắng - 17/03/2017
GÓC QUÊ- Thúy Hà - 25/01/2017
TRƯỚC THỀM XUÂN- Thơ Đào Trường San - 02/01/2017
KHOẢNH KHẮC GIAO MÙA- Thơ Đào Mạnh Long - 04/12/2016
THỈNH CHUÔNG NƠI THÀNH CỔ- Thơ Trần Danh Tú - 09/11/2016
CHỢT THƯƠNG- Thơ Lê Luynh - 08/11/2016
THẦM THÌ NGHĨA TRANG- Thơ Đào Trường San - 08/11/2016
HẢY TRẢ TÔI VỀ- Thơ Nguyễn Văn Chức - 07/11/2016
Trang 2/3: Trước  1, 2, 3  Sau
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website