Đặc biệt, một số mẫu tương ớt còn phát hiện chất rhodamine B - một hóa chất độc hại có thể gây ung thư. Cách phân biệt những loại tương ớt này như thế nào, ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, cho biết:
- Rhodamine B là một chất hóa học không mùi vị, có màu đỏ tươi rất đẹp, có khả năng phát huỳnh quang, thường dùng trong công nghiệp trang trí, làm sơn, màu vẽ... Ở ứng dụng khác, rhodamine B còn được các nhà thủy văn đưa vào sông, suối để theo dõi dòng chảy của nước. Tuy nhiên, ứng dụng này đòi hỏi sự tính toán, cẩn trọng đảm bảo an toàn sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Ông Thịnh nhấn mạnh, rhodamine B rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, chất này khi đưa vào cơ thể về lâu dài có thể phá hủy nội tạng, gây ung thư...
Ông Thịnh cũng cho biết cách thông thường để nhận biết thực phẩm chứa rhodamine B là dựa vào màu sắc. Tương ớt làm từ ớt và cà chua thông thường có màu đỏ sậm, thơm ngon, còn tương ớt chứa chất rhodamine B có màu đỏ sẫm, đều màu và không tan trong nước. Cách khác, có thể dựa vào đặc điểm huỳnh quang (phát sáng trong bóng tối) của rhodamine B để nhận biết thực phẩm chứa chất này bằng cách đưa vào bóng tối hoặc dùng đèn pin soi tiền để kiểm tra. Nếu như khi soi đèn vào thực phẩm mà thấy phát sáng có nghĩa thực phẩm đó chứa hóa chất độc hại.
Ông Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm của những hãng có uy tín, có bao bì nhãn mác và các thông số rõ ràng, đặc biệt là những thông số về phụ gia thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần thận trọng không chỉ với tương ớt mà còn với những thực phẩm có màu sắc sặc sỡ, không tự nhiên khác vì theo như ông Thịnh, chất rhodamine B còn được nhiều người đưa vào những thực phẩm khác như xôi gấc, thịt xiên nướng...
QUỲNH LIÊN