Chuyện lạ ở Quảng Trị
1-ĐI CHỢ ĐƯỢC TẶNG TIỀN
Chuyện đồn rằng, cứ xách giỏ đi chợ là được thưởng tiền, nghe có vẻ khó tin, nhưng là sự thật. Những người phụ nữ ở phường Đông Lương, Đông Hà, Quảng Trị, mỗi lần xách giỏ đi chợ, sẽ được ban quản lý chợ tặng tiền.
Phong trào cầm giỏ, làn đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông từ lâu đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhưng cầm giỏ đi chợ mà được phát thêm tiền như tại chợ Trung Chỉ ,Phường .Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị, thì quả là đặc biệt.
Người dân nào cầm giỏ đi mua đồ sẽ được nhận ngay 10.000 đồng. Hoạt động này đã triển khai ở đây được một thời gian và, được nhiều người ủng hộ. Người đứng ra tặng tiền cho bà con là ông Lê Văn Triêm, 65 tuổi, trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ, phường Trung Lương, thành phố Đông Hà .
Sưu tầm
2-LÀNG ĐÔNG DU KHÁCH NHỜ CHIẾC CỐI XAY
Làng Phương Lang, xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) một thời nổi tiếng bởi nghề đóng cối xay tre. Trải qua bao sự đổi thay, nghề thủ công truyền thống này đã dần bị mai một theo thời gian. Làng chỉ còn duy nhất một ông lão níu giữ nghề xưa, cần mẫn làm ra những chiếc cối xay như trước.
Nghề thủ công truyền thống này tưởng chừng bị mai một thì bất ngờ sống lại nhờ du lịch phát triển. Du Khách khi đến đây, chiêm ngưỡng chiếc cối xay kỳ lạ họ rất thích thú, hình dung tới cuộc sống của cha ông, của vùng quê trước đây.
Cũng giống như các vùng ở miền Tây, đưa du khách trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước như làm kẹo dừa, làm bánh tráng.. ở Quảng Trị đã đến lúc nên có kế hoạch khôi phục lại các nghề truyến thống kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch về nguồn…mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương
Sưu tầm
3-NHÀ CHỐNG LŨ CHO TRÂU BÒ
Xây nhà chống lũ cho người dân là chuyện bình thường. Song xây nhà chống lũ cho bò, nghe có vẻ như là chuyện lạ, nhưng thực tế, hàng trăm ngôi nhà kiên cố đã được người dân các huyện Cam Lộ, Hải Lăng xây dựng để tránh lũ cho trâu bò từ mấy năm gần đây.
Có nhà tránh lũ, hàng trăm hộ dân đã thoát cảnh phải cơm đùm cơm gói dắt trâu bò đi sơ tán hàng mấy ngày trời khi mưa lũ đến.
Thiết nghĩ đây cũng là một cách làm hay, vừa đỡ vất vả, vừa bảo vệ được đàn gia súc, cũng là tài sản lớn của người nông dân.
Sưu tầm
4-LẤY BIA CỨU NGƯỜI BỊ NGỘ ĐỘC RƯỢU
Ngày 25.12.2018, bệnh viện Đa khoa, tỉnh Quảng Trị, tiếp nhận một bệnh nhân tên là Nhật, trong tình trạng ngộ độc rượu nặng, hôn mê và hết sức nguy kịch. Đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã làm các xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sang, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu. Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ của khoa đã quyết định dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Tiếp đó, cứ 1 giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh đã được xuất viện, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị), người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Nhật, cho biết: Đây là một phương pháp chữa trị có cơ sở khoa học, không gây hại cho bệnh nhân và trên thực tế đã cứu sống được bệnh nhân. Trước khi quyết định sử dụng phương pháp trên, chúng tôi chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là với người nhà bệnh nhân Nhật. Tuy nhiên, vì vợ của bệnh nhân cũng làm trong ngành y, trong hoàn cảnh bệnh nhân đang nguy kịch nên khi chúng tôi đưa ra phương pháp điều trị như thế, người nhà bệnh nhân lúc đầu có chút hoài nghi nhưng sau cũng được thuyết phục, chấp nhận,kết quả là bệnh nhân được giải độc,sức khỏe trở lại bình thướng.
Vừa qua, Thủ Tướng đã có quyết định số 701/QĐ-TTg tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể và 37 cá nhân trên địa bàn đã có thành tích trong công tác từ năm 2014-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.Trong 37 cá nhân được khen có bác sĩ Lê Văn Lâm.
Sưu tầm
5-CON GÀ CÙA, NGÀY ĂN MỐI, TỐI NGỦ CÂY
Vùng Cùa, có hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, là vùng đồi núi, là vùng đất đỏ bazan trù phú được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật. Trong những sản vật nổi tiếng nhất của vùng Cùa là loại gà Cùa..Gà Cùa nhìn vẻ ngoài giống con gà ta, nhưng có đặc điểm rất độc đáo là ban ngày gà tìm kiếm thức ăn nhất là ăn con mối. Vùng Cùa có nhiều ổ mối. Con mối là loại thức ăn khoái khẩu của loại gà này. Tối chúng thường bay lên cây nằm ngủ. Giống gà Cùa không lớn, mỗi con chỉ nặng 8 đến 9 lạng. Gà Cùa không chịu ở chuồng trại, luôn chọn cành cây, tán lá để đậu và ngủ đêm. Khoảng chập tối, nghe tiếng phành phạch ngoài vườn là biết ngay đàn gà đang đập cánh bay lên cây tìm chỗ ngủ. Có lẽ vùng này nhiều con chồn, cáo nên gà ngủ trên cao cho an toàn.
Thịt gà Cùa rất thơm ngon. Người ta có thể dùng để nướng, luộc xé phay hay nấu cháo. Ăn gà Cùa rất tốt cho sức khỏe. Ngày xưa, nghe nói,con gà Cùa dùng để tiến Vua Hàm Nghi.
Sưu tầm
6- NGƯỜI NGHE ĐƯỢC TIẾNG CÁ
Về thị trấn Cửa Việt,huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ngư dân cho biết người "nghe” được tiếng cá chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng nghe chính xác nhất chỉ có anh Hiếu ở khu phố 7. người được cho là có tài "nghe” tiếng cá giỏi nhất vùng bãi Ngang này.
Theo anh Hiếu cho biết, nghề nghe này học không phải dễ, trăm người học thì chỉ có một đến hai người nghe được tiếng cá. Muốn nghe được thì phải khổ luyện. Người học phải biết các loài cá, phải tập phân biệt âm thanh từng loài sau đó dùng tai áp sát mái chèo hoặc lặn xuống dưới nước để nghe cá "trò chuyện”. Có người học cả năm mà vẫn nghe sai âm thanh là chuyện rất bình thường.
Anh Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề chài lưới ở vùng Cửa Việt nhưng anh lại lớn lên và trưởng thành ở miền Nam. Lúc 15 tuổi, anh theo cha lênh đênh khắp vùng sông nước Cà Mau để mưu sinh bằng nghề đánh cá. Và rồi trong những lần ra khơi ấy, anh học được của người dân nơi đây cái biệt tài "nghe” tiếng cá. Mới đầu, lặn xuống nước, căng tai ra nghe cũng không thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng máy nổ của thuyền phía trên và tiếng nước ùng ục. Khoảng 5 tháng sau, anh Hiếu đã bắt đầu đoán đúng tiếng cá và kích cỡ từng loài cá.
Làm nghề "nghe” tiếng cá không cần trang bị đồ dùng hỗ trợ như nghề lặn mà chỉ mặc độc có cái quần xà lỏn, nhảy xuống nước, cách be thuyền 0,5 m là có thể hành nghề. Dưới nước, đôi tai người có thể nghe được âm thanh truyền đi trong phạm vi 5 km. Cho nên nếu có cá thì chỉ cần 1 phút sau, theo nhịp nước chảy là anh có thể đoán được số lượng nhiều hay ít và đó là loài cá gì.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề chài lưới và gần 20 năm biết "nghe” tiếng cá, anh Hiếu có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xác định rạn (người dân biển gọi rạn là bãi đá, rặng san hô dưới biển).
Chỉ cần đặt tai vào mái dầm là anh biết được đâu có rạn để bạn chài thả câu, chỗ không có rạn để bủa lưới. Nếu nghe tiếng nổ nhỏ rì rào thì đó là rạn thấp còn rạn cao sẽ phát ra những tiếng nổ lách tách liên tục như khi ta rang bắp. Rạn là nơi cư ngụ của cá nhưng chỉ câu chứ không thả lưới được vì lưới sẽ vướng vào rạn nên tùy thuộc vào phương pháp đánh bắt mà xác định rạn để tiến hành câu hay thả lưới”, anh Hiếu chia sẻ.
Trong quá trình lặn xuống biển "nghe” tiếng cá nếu gặp nước chảy mạnh, có tiếng vù vù thì cá khá nhiều nhưng là loài nhỏ, còn nước chảy mạnh, đều là cá lớn. Khi cá vào chừng 100 m là có thể nghe rõ tiếng kêu của nó. Mỗi loài cá có tiếng kêu khác nhau nhưng không phải cá nào cũng kêu, cá trích, cá thu ẩu thì không kêu, chỉ có các loại như sóc nanh, cá ngao vàng đuôi, cá sóc trắng, cá lù đù, cá đỏ dạ mới kêu. Mỗi loài có tiếng kêu đặc biệt khác nhau, qua đó phân biệt được loài nào với loài nào. Chẳng hạn như cá sóc nanh kêu cụp... cụp, cá sóc trắng thì tọc... tọc, cá ngao vàng đuôi lại kêu lục đục, lục đục.
Nghề này cũng dự đoán được đến 90% số lượng mỗi đàn cá bơi đến, qua đó việc giăng lưới thành phạm vi cũng dễ dàng hơn. Theo nghề hơn 30 năm, anh Hiếu không nhớ hết là đã ra khơi bao nhiêu lần cũng như số lần dự đoán cá chính xác. Có điều, ngư dân trong vùng Cửa Việt, khi nhắc đến nghề "nghe” tiếng cá thì ai cũng nhắc đến anh Hiếu, như một bậc thầy trong cái nghề đặc biệt này của vùng biển Quảng Trị.
Sưu tầm