NGHỀ LÀM NÓN LÁ Ở QUẢNG TRỊ - Hồ Thanh Thoan
Trên đất nước chúng ta, từ Bắc đến Nam hầu như ở địa phương nào cũng có nghề làm nón lá. Những chiếc nón được sản xuất ra với mục đích là để che nắng, che mưa mọi người đặc biệt là cho phái nữ, nhưng ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng trong cách làm. Đã từ xa xưa hình ảnh chiếc nón lá đã gắn liền với người dân Việt, nó tuy không nằm trong những biểu tượng quốc gia nhưng chỉ cần nhìn thấy là người ta đã nghĩ ngay đến hình ảnh phụ nữ Việt Nam.
Nghề làm nón lá được hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng trên cả nước. Mỗi ngày, người ta đã xuất ra thị trường hàng ngàn chiếc, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến tham quan, du lịch ở một vùng miền nào đó.
Nón thường được làm bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá du quy diệp v.v. nhưng chủ yếu vẫn làm bằng lá nón. Nón thường có hình chóp nhọn, tuy nhiên còn có cả một số loại nón rộng bản và làm phẳng đỉnh. Lá nón được xếp trên một cái khung gồm các nan tre nhỏ uốn thành hình vòng cung, được ghim lại bằng sợi chỉ, hoặc các loại sợi tơ tằm, sợi cước. Nan nón được chuốt thành từng thanh tre mảnh, nhỏ và dẻo dai rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những cái vành đồng tâm. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp. vành nón to hơn có đường kinh rộng khoảng 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần và có tất cả 16 cái, vành nhỏ nhất tròn bằng đồng tiền thời cổ. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp. Những chiếc lá nón được lấy về từ rừng đem phơi khô, cho trắng được xếp từng cái chồng khít lên nhau cất trong những túi ni lông để khỏi mốc. Khi đem ra làm nón người thợ thủ công lấy từng chiếc lá, là cho phẳng rồi dùng kéo cắt chéo đầu trên, xong lấy kim xâu chúng lại với nhau chừng 24 đến 25 chiếc lá làm một lượt, sau đó xếp đều trên khuôn nón. Lá nón mỏng và rất dễ hư khi gặp mưa nhiều nên các thợ thủ công thường tận dụng bẹ tre khô để chèn giữa hai lớp lá nón, mục đích cho nón vừa cứng lại vừa bền.
Nón sau khi đã hình thành được quét một lớp dầu bóng để tăng độ chắc chắn và tính thẩm mỹ. Ở giữa nan thứ 3 và thứ 4, người thợ dùng chỉ đôi kết đối xứng 2 bên để buộc quai. Quai nón thường được làm bằng vải nhung, lụa, the với nhiều màu sắc khác nhau, mục đích là để tăng thêm phần duyên dáng cho những chiếc nón.
Ở miền Bắc, có những vùng làm nghề nón truyền thống nổi tiếng như:Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội),Làng nghề nón Gia Thanh, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ), làng nón Nghĩa Châu xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định)… Ở miền Trung có xã Trường Giang, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), làng Đan Du, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh),vùng nón thị xã Ba Đồn, làng Quy Hậu, xã Liên Thủy (tỉnh Quảng Bình), xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, xã Phú Hồ, xã Phú Mỹ huyện Phú vang,thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế),Làng Phú Gia, Gò Găng, TX An Nhơn, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), thôn Phú Lộc, xã Diên Thủy, (tỉnh Khánh Hòa). Ở miền Nam có: ấp Thới Tân A, huyện Thới Lai (Thành phố Cần Thơ), xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), ấp An Phú, An Hòa, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), xã Hòa An (tỉnh An Giang)v.v.
Ở Quảng Trị, có rất nhiều địa phương làm nghề này nhưng nhiều nhất là các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh. Ở Hải Lăng có làng Văn Quỹ, làng Văn Trị (xã Hải Tân), làng An Thơ, làng Hưng Nhơn, làng Hội Điền (xã Hải Hòa) và những ai có dịp đến làng Trà Lộc, làng Duân Kinh thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, nơi có khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc nổi tiếng thì nơi đây còn được biết đến với nghề làm nón truyền thống đã có từ lâu đời. Khi lúa ngoài đồng đã lên xanh thì cũng chính là thời điểm người dân có thời gian tập trung cho nghề làm nón. Nghề này đã tồn tại hàng trăm năm và vẫn đang được lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Cách đó hơn 20 km, Bố Liêu là một làng cổ thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, vùng đất này nằm ở trung tâm đồng bằng của huyện, có diện tích sản xuất lúa và các loại cây trồng vô cùng nhỏ hẹp, chính vì vậy một số bà con phải chuyên nghề làm nón và cũng không ít gia đình diành thời gian từ những lúc rảnh rỗi để thực hiện, dân làng ở đây cũng giống như ở làng Trà Lộc, làng Duân Kinh theo nghề này đã từ rất lâu đời.
Xa hơn chừng 20km nữa, có làng Xuân Tây và làng Hải Tân thuộc xã Linh Hải, huyện Gio Linh cũng làm nghề từ lúc lập làng đến tận bây giờ.
Đây là công việc đòi hỏi sự khéo tay và kiên nhẫn, chính vì vậy nên những người làm nghề chủ yếu là phụ nữ, cứ vào lúc nông nhàn, khi việc đồng áng đã xong, người dân trong làng lại bắt tay làm nghề nón. Nếu những ai sành điệu sẽ dễ dàng phân biệt được các loại nón khác nhau như thế nào. Bởi vì có những loại nón 2 lớp, loại 1 lớp, nón 16 vành hoặc nón 17 vành, chính vì vậy nên thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau. Thông thường mỗi người thợ lành nghề sẽ làm được từ 2 đến 4 chiếc trong một ngày.
Làm nón tuy nhẹ nhàng nhưng chẳng dễ, đây là nghề mà những người già hoặc các em học sinh cũng có thể làm được, nhất là những lúc rảnh rỗi. Trong thời gian nghỉ hè, các em sẽ phụ giúp được cha mẹ rất nhiều việc. không chỉ mùa nắng mà ngay cả những lúc mưa bão, lũ lụt, các gia đình trong xóm ngồi quây quần bên nhau cùng làm nón, vừa trò chuyện, chia sẻ mọi điều vui buồn qua từng câu chuyện, từ đó mà tình đoàn kết của người dân trong làng được thắt chặt.
Những làng nghề làm nón ở Quảng Trị từ xưa đến nay chỉ làm theo cách truyền thống, chủ yếu là tạo được sự bền bỉ và đẹp mắt cho khách hàng sử dụng lâu dài, vả lại khách du lịch cũng ít nên không phải như nón lá Huế. Ở Thừa Thiên Huế là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, vùng đất cố đô nên khách trong và ngoài nước tham quan khá nhiều. Chính vì vậy nên những người thợ đã sáng tạo ra nhiều cách để biến nón lá thành sản phẩm quà lưu niệm đặc biệt, đó là nón bài thơ, nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón vừa ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt giấy hình trang trí, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản… Có lẽ vì thế mà nón Huế được nhiều du khách ưa chuộng.
Lá làm nón ở Huế cũng là loại lá nón bình thường, nhưng được tuyển lựa xử lý qua nhiều công đoạn rất kỷ, từ hấp, sấy, phơi sương, là phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng xanh mới đạt tiêu chuẩn, tiếp đến là công đoạn lợp lá, đặt hoa văn, hình cắt giấy giữa hai lớp lá thế nào cho cân đối hài hòa trong không gian của chiếc nón để khi soi lên trước ánh sáng, các hình hài được hiện rõ, cân đối. Biểu tượng trong nón lá bài thơ thường là hình ảnh cầu Tràng Tiền, Sông Hương, Núi Ngự, Ngọ Môn, Chùa Thiên Mụ, cầu ngói Thanh Toàn hoặc cô gái mang áo dài tha thướt, duyên dáng... Đi kèm theo hình ảnh là vài câu thơ nổi tiếng về xứ Huế được cắt bằng giấy màu chèn giữa nền xanh trắng của lá nón.
Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá đã trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của vùng miền được mọi người ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề này. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón cùng chụp ảnh lưu niệm và cắt giấy tên của mình lót trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.
Làm nón ở nông thôn, tuy là nghề phụ trong gia đình nhưng đã mang lại cho dân làng nguồn thu khấm khá; sản phẩm nón từ những làng nghề kể trên được người tiêu dùng rất tín nhiệm, nhất là những người nông dân lao động ở các làng quê. Trước cơn lốc thị trường ngày nay, nghề nón khó lòng đứng vững, những gia đình theo nghề càng ngày càng giảm, thành phẩm làm ra ngày một ít đi, thị trường tiêu thụ cũng bị thu hẹp… nhưng người thợ vẫn không thể bỏ nghề, vẫn từng bước khắc phục khó khăn để duy trì, gìn giữ nghề nghiệp tạo công ăn việc làm cho con em nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hiện nay những làng nghề làm nón ở Quảng Trị vẫn chưa có cơ sở sản xuất tập trung, các hộ đều làm ăn nhỏ lẻ, hầu hết đều thiếu vốn đầu tư mua nguyên liệu, mua sắm dụng cụ đảm bảo sản xuất quy mô lớn; chưa đăng ký được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ nón lá còn hạn chế. Vì thế, nguyện vọng của những người làm nón là mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ cho vay vốn, đầu tư cơ sở vật chất... để tiếp tục đưa nghề truyền thống này phát triển hơn nữa, chính quyền địa phương cũng cần phối hợp mở nhiều lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho người dân, đồng thời giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm. vì mẫu mã truyền thống từ lâu đời đã thiếu sức hấp dẫn, còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm đẹp mang nét đặc trưng vùng miền, còn khó khăn trong cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, phát triển mặt hàng mới, đạt chất lượng tốt.
Từ đó thì điều tất yếu là chưa có kiểu dáng nón lá có độ thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định dẫn đến thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, chủ yếu là trên địa bàn trong tỉnh và một phần nhỏ các tỉnh lân cận, các hộ gia đình chỉ thực hiện bằng hình thức ký gửi hoặc rao bán riêng lẻ, chưa có nhiều sản phẩm tiêu thụ theo đơn đặt hàng lớn, điều đó đã làm cho hiệu quả từ hoạt động các làng nghề mang lại chưa cao.
HTT