LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm

LỜI NGUYỀN- Truyện nhắc: Trần Hoài Thắm
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
11/04/2017 | 15:59

LỜI NGUYỀN –Truyện ngắn: Trần Hoài Thắm

1. Hoài nằm đó, đôi mắt he hé nhìn bầu trời mùa thu trong xanh vời vợi .. như còn tiếc nuối cõi đời, dù cõi tạm này với cô đầy khổ đau, đắng đót. Ánh nắng mùa thu còn nồng nàn lắm. Những tia nắng vàng rộm lọt qua tán lá cây đa cổ thụ, rọi xuống khuôn mặt thanh tú của Hoài, khuôn mặt dù xanh xao nhưng trông thật sống động, hàng lông mi dài rủ xuống và đôi làn môi mềm mại hé mở như muốn nói điều gì đó. Cây đa này được trồng từ thuở nào, chúng tôi nào có biết, chỉ biết rằng khi còn bé tý tôi, Hoài cùng lũ bạn đã chơi ô ăn quan, chơi bán hàng, bịt mắt bắt dê và vô số trò chơi nữa dưới tán lá sum suê của nó. Cây đa chứng kiến tình bạn , tình yêu của chúng tôi- những đứa trẻ của hai làng đối xứng nhau qua quảng đồng Chuông , mà giếng Ngọc như một nhân chứng của cuộc đời chúng tôi.

Tôi nghe loáng thoáng những tiếng nấc nghẹn ngào, những lời xót xa, tiếc nuối, cả những phỏng đoán mơ hồ về cái chết của Hoài- người bạn gái thân từ thuở tóc đuôi gà của tôi. Nước mắt nhạt nhòa, tôi ôm lấy thân thể đã lạnh cóng của Hoài. Nghe tiếng ai đó nhắc " Thu, đừng khóc nữa, đừng để nước mắt rơi trên mặt Hoài, nó sẽ không cam lòng ra đi đâu” Tôi đã nghe nói vậy từ lâu, nhưng không thể cầm lòng được. Hoài của tôi, một người đàn bà đẹp, một cuộc đời toàn gặp cảnh éo le, khổ đau nhưng là người đàn bà phi thường, luôn luôn lạc quan yêu đời, luôn đẹp trong mắt mọi người, dù hoàn cảnh bi đát đến nhường nào. Không lý gì Hoài phải tìm đến cái chết!

Những lời xì xào phỏng đoán xung quanh cái chết của bạn càng làm tôi đau lòng hơn.

Hoài ơi! Có lẽ nào?

2. Mùa thu. Mùa của hoa hoa cúc vàng, mùa lá rụng. Sân trường vàng rộm bởi màu vàng của hoa lá và của nắng. Chúng tôi tựu trường đầy hào hứng và cũng đầy lo âu vì là năm cuối của bậc trung học. Ánh mắt tuổi mười tám như nồng nàn hơn thì phải ( hay bởi tại mùa thu? ). Các bạn gái của tôi dường như e lệ, duyên dáng và đẹp hơn. Các bạn trai trông chững chạc, đàn ông hơn rất nhiều so với năm học trước, những gã choai choai nghịch ngợm chưa biết xấu hổ là gì. Những cặp mặt đầy nhung nhớ tìm nhau của các cặp bạn thân sau ba tháng hè chia xa. Hồi đó chúng tôi đi học phải đi bộ đến trường, dù có người nhà cách xa trường hàng chục cây số. Cả vùng đông này chỉ một trường cấp ba mà thôi. Ngày hè chúng tôi chẳng được gặp nhau vì ai cũng phải phụ giúp gia đình lao động.

-Răng hôm nay không thấy con Hoài đến lớp?

Tiếng gã Thiên – lớp trưởng ( Được cho là đẹp trai, con nhà giàu của lớp ) ồm ồm vang lên. Cả lớp cười vang.

- Ha ha …Thằng Thiên nhớ không chịu nổi nữa rồi chúng mày ơi! Con Hoài mà không xuất hiện chắc nó nhảy giếng mất thôi. - Gã Lê – lớp phó phụ trách lao động, kẻ thường ganh tỵ với lớp trưởng đối đáp. Chúng tôi tất thảy đều biết Thiên rất mê Hoài. Và tôi chắc rằng nhiều gã trai trong lớp tôi cũng thích Hoài, một cô gái hiền từ, trông có vẻ nhút nhát nhưng học rất chắc các môn dù không phải xuất sắc lắm. Hoài đặc biệt giỏi môn Tiếng Nga, môn học mà chúng tôi ai cũng sợ. Đôi mắt lãng mạn, ướt át có lẽ đó là điều mà làm cho cuộc đời Hoài gặp nhiều tai ương thì phải.
- Oh, cả lớp ơi! Thằng Thái cũng vắng mắt luon mặt nà! Ha ha … hai đứa nó, Thái với Hoài rủ nhau vượt biên rồi! -Lại tiếng Lê lớp phó vang lên lảnh lót ( Lê người miền biển Cửa Tùng nên tiếng như chuông, át tiếng sóng biển)
Thái - người bé nhỏ nhưng học rất thông minh. Cậu làm lớp phó học tập, người cùng quê với tôi và Hoài. Nhà tôi và Hoài ở cạnh nhau, làng Nam, còn nhà Thái ở làng Đông. Hai làng đối diện với nhau qua một cánh đồng nhỏ, mà đứng bên ni đồng có thể gọi với sang bên tê đồng. Nhà Thái nghèo. Thái là con cả của một gia đình sáu anh em, nên vừa đi học cậu phải vừa làm việc để giúp cha mẹ nuôi các em. Dù vậy, Thái vẫn rất vui tính, nghịch ngợm, dễ mến. Năm học trước, tôi và Hoài được sắp xếp ngồi bàn phía trước Thái, cậu ta ngồi sau trêu chọc chúng tôi cười nên nhiều lần bị thầy cô nhăc nhở. Vắng Hoài và Thái, tôi thật trống trải. Buổi học hôm đó thật dài và nặng nề với tôi. Mặc dù tôi đã biết lý do nghỉ học của hai đứa. Thái nhập ngũ vì đã đủ tuổi tòng quân. Còn Hoài, chuyển lên trường huyện học để thi vào đại học. So với chúng tôi nhà Hoài có điều kiện hơn nhiều. Hoài là con út trong gia đình có bốn anh chị em làm công chức nhà nước.

Một năm học trôi qua với tôi thật buồn vì thiếu vắng hai người bạn thân thiết nhất. Bộ ba chúng tôi chia ly từ đó.

3. Năm năm sau tôi mới gặp lại Hoài. Vẫn đôi mắt đẹp và cái miệng cười hút hồn người đó, nhưng mái tóc dài đen nhánh xưa kia đã thay thế bằng mái tóc cắt tém sành điệu và trông rất " Tây”, làm giảm bớt đi vẻ dịu dàng thuở nào của Hoài. Hoài đã tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ về dạy ở trường cũ của chúng tôi.

Đêm đó cũng mùa thu - tháng chín, trăng vàng rờ rỡ như trải thảm bạc xuống cánh đồng. Trăng tròn in bóng xuống giếng Ngọc trong xanh, không gợn sóng. Giếng Ngọc, một cái tên thật đẹp gắn liền với huyền thoại tình yêu mà người con trai, con gái làng Đông, làng Nam nào khi lớn lên đều được cha mẹ truyền lại cho biết. Tôi , Hoài và cả Thái nữa cũng vậy. Ngồi bên nhau ngắm trăng. đôi mắt Hoài buồn xa vời vợi…

"Chuyện kể rằng : Xưa rất xưa, ở làng Nam có một cô gái đẹp con một vị quan huyện giàu có, nàng Hương Ngọc. Nàng có đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút, đôi môi đỏ tươi với nụ cười hớp hồn, mái tóc mây đen nhánh rủ xuống bờ vai trắng ngọc ngà. Nàng yêu đắm say chàng trai làng Đông, với lời thề sắt son, chung thủy. Quan huyện, cha nàng biết được mối tình đó, thương con gái vô cùng nhưng ông đã cấm nàng không được lấy chồng làng Đông vì lời nguyền từ ngàn xưa để lại, nếu trai gái làng Đông và làng Nam lấy nhau sẽ đem đến sự lụy tàn cho hai làng, rằng trời sẽ trừng phạt, sẽ cắt long mạch giếng làng , giếng sẽ khô cạn , dân hai làng sẽ không có nước uống, rằng người ở hai làng không thể thăng quan tiến chức được. Đó là lời nguyền từ xa xưa để lại và từ xửa từ xưa con trai con gái hai làng không hề lấy nhau…

Nàng Hương Ngọc biết điều đó nhưng trái tim mách bảo rằng nàng không thể xa chàng trai làng Đông yêu dấu được. Nàng lo sợ cho dân làng, cho quan lộ của cha, nàng thương cha . Tình yêu của nàng giành cho chàng thật sâu đậm và nàng âm thầm đau khổ. Nàng quyết tâm không gặp chàng trai nữa, hy vọng thời gian sẽ xóa nhòa đi hình bóng yêu đấu đó. Nhưng tình yêu của nàng càng ngày càng lớn theo thời gian chứ không hề giảm đi chút nào. Nàng nhớ chàng quay quắt và nàng cũng biết rằng chàng trai ấy cũng đang rất nhớ thương nàng.
Rồi một đêm mùa thu yên tĩnh, nàng đã lần ra đầu làng … Người yêu nàng đang đứng bên bờ giếng, ngóng về phía làng Nam…Nàng đã sà vào lòng chàng thổn thức. Chàng thì thầm " Em đã không quên lời ước nguyện của đôi ta. Anh đã chờ em hằng đêm ở bên bờ giếng này” Họ đã bên nhau trọn đêm . Và rồi sáng tinh mơ người làng thấy đôi trẻ ôm nhau trong lòng giếng …Nhưng lạ thay giếng làng từ đó càng trong xanh đến lạ kỳ. Mạch nước tuôn chảy ồ ạt. Dân làng thỏa sức dùng … Giếng cổ nước róc rách chảy ngày đêm và được mang tên nàng Ngọc từ đó”
Tiếng Hoài thì thầm, êm êm kể câu chuyện cổ làm cho đêm trăng bên giếng cổ càng thêm huyền thoại.

- Chuyện cổ tích đó có lạ gì với chúng mình đâu mà cậu phải kể lại chứ. Tôi bảo Hoài.

- Nhưng chuyện đó lại vận vào đời tớ đấy! Cậu có biết vì sao mà năm đó khi chuẩn bị vào lớp cuối cấp mình phải lên trường huyện học không?

- Thu biết mà . Hoài lên đó ở với chị gái để học thi đại học cho tiện mà.

- Đó chỉ là lý do thôi. Thực chất là thế này…

Đôi mắt buồn thăm thẳm như càng buồn hơn dưới ánh trăng bàng bạc, Hoài kể…

3. Kỳ nghỉ hè năm đó như dài hơn với Hoài, dù vẫn chỉ là ba tháng. Bước sang tuổi mười bảy, tình yêu đến với Hoài từ lúc nào chẳng rõ… Có thể là từ những buổi học nhóm cùng chụm mái đầu, căng óc giải những bài toán khó. Có thể là từ những lúc cùng nhau đọc chung cuốn tiểu thuyếtm cả hai cùng ueeu thích dưới bóng cây sân trường, Hay có thể từ những câu đùa nghịch từ gã bạn ngồi bàn sau. Hoặc có thể từ lời nhắc nhỏ của cô gái cho chàng trai câu trả lời bằng tiếng Nga mà khi bị thầy gọi đứng lên ngắc ngứ… Hoài cũng không biết nữa. Họ chơi với nhau từ bé, quá hiểu về nhau và dường như không cần tìm hiểu gì thêm nữa. Tình yêu là thứ kỳ diệu mà thượng đế ban cho loài người. Thái và Hoài cũng không ngoại lệ. Họ mong hết kỳ nghỉ hè để ngày ngày đến lớp nhìn nhau, để được sánh vai nhau trên con đường đến trường , để được ngắm nhau mỗi lần được thầy cô gọi lên bảng, được chung niềm vui mỗi khi nhận được điểm tốt…Tình yêu của Hoài và Thái thật kín kẽ, trong lớp không một ai mảy may biết. Họ vẫn vô tư như tình bạn trước đến nay vậy.

Hoài đang háo hức chuẩn bị sách vở để vào năm học mới, năm học cuối cấp. Kỳ nghỉ hè đã hết thì nghe tiếng ba gọi :

- Hoài, vào phòng khách, ba mẹ có chuyện cần nói với con.

Bước vào phòng khách, thấy ba mẹ và anh chị cả ngồi đấy, thái độ rất nghiêm trọng. Hoài ngờ ngợ chuyện gì đó không hay đã xảy ra:

- Dạ thưa, ba mẹ, anh chị. Có chuyện gì thế ạ?

- Ba mẹ muốn con chuyển lên thị trấn ở với anh cả để học năm cuối cấp.

- Dạ thưa ba, vì sao phải thế ạ? Hoài rơm rớm nước mắt.

- Con không phải khóc, chuyện này tốt cho con thôi. Lên đó con có thời gian học và ôn tập tốt hơn. Ba chắc con sẽ đỗ đại học.

- Ba, con học ở trường này cũng được mà, con học vẫn rất tốt.

- Ba mẹ đã quyết rồi, con không được cãi.

Hoài không thể nói gì hơn, chạy vào buồng khóc tấm tức. Tình yêu vừa mới chớm nay phải chia xa người yêu , trái tim non nớt của cô đau đớn vô cùng. Liệu cô có thể học được nữa không khi không có Thái bên cạnh.

Cô nghe tiếng bước chân nhè nhẹ của mẹ, lau vội nước mắt, giả vờ ngủ. Mẹ lay vai cô, khe khẽ nói:

- Hoài, thực ra ba mẹ và các anh chị quyết định con chuyển trường không phải vì học ở đây không tốt, mà chính vì chuyện tình yêu của con.

- Mẹ ! Hoài thảng thốt.

- Chắc con hiểu lý do vì sao ba mẹ phải chuyển trường cho con. Đã là lời nguyền rồi thì không thể vượt qua đâu con ạ.

- Chuyện lời nguyền đã thành quá khứ rồi mà mẹ. Con xin ba mẹ đừng ngăn cản con.

- Hoài, con đã biết tính ba con rồi đó. Con hãy vì mọi người.

Cả đêm Hoài mất ngủ, phờ phạc. Cô quyết tâm năn nỉ ba mẹ lần nữa nhưng khi cô đến phòng khách thì anh cả đã đưa cho cô cuốn học bạ và giấy chuyển trường. Hoài chỉ còn biết kêu trời.

Hẹn gặp Thái bên bờ giếng Ngọc tối đó, Hoài khóc nhiều lắm, đôi mắt đỏ hoe, cô kể cho Thái nghe tất cả. Thái lặng người đi khi nghe câu chuyện. Không ngờ lời nguyền xa xưa đó đã vịn vào tình yêu của họ và có thể còn đeo đẳng suốt cuộc đời họ sao? Nắm đôi bàn tay lạnh giá của Hoài, Thái nói " Anh sẽ đến gặp cha mẹ em, anh sẽ quyết tâm phá vỡ lời nguyền!”

Thái đến gặp cha mẹ Hoài rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng chỉ được nghe những lời từ chối kiên quyết của họ cùng lời khuyên " Cậu đừng vì bản thân cậu mà nên nghĩ cho Hoài và dân hai làng. Từ xưa đã thế , muôn đời sau vẫn thế” Thái, trong lòng dù đau như cắt nhưng đành ngậm đắng nuốt cay mà thôi.

Rồi Thái viết đơn xin nhập ngũ, cậu sợ những ngày đến trường vắng hình bóng thân thương của Hoài.

Ở chiến trường Tây Nam khốc liệt, Thái vẫn đều đặn nhận được thư Hoài với lời lẽ yêu thương, trìu mến. Những lời động viên không ai thay thế được. Nhờ thế mà Thái đã vượt qua bao thử thách, gian nan . Thư Hoài viết cho Thái bằng mực tím trên nền giấy pơ luya trắng tinh khiết, mềm mại. Những cánh thư mực tím như muốn nói với Thái rằng " Em vẫn luôn chung thủy đợi anh”. Còn Thái luôn gửi đến Hoài những dòng thư xanh tràn trề hy vọng.

Hoài đưa cho tôi bức thư, bảo: - Cậu đọc đi!

" Hoài yêu dấu! Em có biết rằng đêm nay anh đang ở đâu không? Em có biết rằng anh viết cho em những dòng này trong tư thế nào không? Anh nằm trên cánh võng mắc giữa rừng già biên giới Tây Nam. Muỗi rừng lượn vo ve đậu trên cánh tay anh đây nè, nhưng không thể không viết thư cho em được. Anh nhớ em. Những dòng thư này hy vọng sẽ mang nỗi nhớ của anh về em.

Em ạ, anh biết tình yêu của chúng ta đang có rào cản rất lớn. Nhưng emơi ! hãy tin anh. Anh sẽ đưa em vượt qua và chúng ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau. ..”

- Thu ạ, Tình yêu của chúng mình đã tròn sáu năm rồi mà chẳng đâu tới đâu cả . Ba mẹ mình vẫn chưa đồng ý cho bọn mình đến với nhau, dù anh Thái đã nhiều lần viết thư xin ba mẹ chấp thuận nhưng họ vẫn một câu như định đóng cột " Không thế được”. Vậy đó, mình buồn và vô vọng”

Hoài bật khóc nức nở , ôm choàng lấy tôi. Tôi vỗ vỗ vào lưng Hoài an ủi :

- Cố gắng lên Hoài, mình tin rằng Thái sẽ dắt Hoài vượt rào cản.

- Ừ, Thái là người đàn ông mạnh mẽ, giàu nghị lực. Mình tin Thái! Đôi mắt Hoài ánh lên niềm hy vọng và đầy tin tưởng.

4. Mười lăm năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi rời mái trường thân yêu. Mùa thu này ( Cũng mùa thu) nắng vàng tươi roi rói. Tháng chín miền Trung nắng đẹp lắm, dìu dịu nhưng cũng không kém phần nồng nàn. Chúng tôi tụ hội về trường cũ kỷ niệm hai mươi năm thành lập trường và mười lăm năm ngày ra trường. Mười lăm năm! Chúng tôi đến với đời mỗi người một số phận. Những đứa con gái ngày nào " cá mè một lứa” như nhau, chưa biết được số phận ai may mắn hơn ai, ai hạnh phúc hơn ai, giờ đã có thể hãnh diện về thành đạt của bản thân hoặc tự hào lấy được người chồng như ý..Kẻ sang, người hèn. Những đứa con trai ngày nào chỉ biết hơn nhau là ai được nhiều bạn gái yêu mến, thì giờ có thể hãnh diện về thành công của mình trên bước đường đời. Dù trong lòng nghĩ gì đi nữa, chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, tíu tít hỏi thăm nhau về cuộc sống, về gia đình…

Riêng Hoài lặng lẽ, ưu tư, ánh mắt như ngóng chờ ai đó. Và chỉ mình tôi mới biết được Hoài đang mong chờ ai. Hoài vẫn đẹp lắm, dù hơi gầy so với trước. Quần rin bó sát đùi và áo phông màu huyết dụ trông cô nàng rất trẻ trung so với chúng tôi, những phụ nữ gần 40 tuổi. Thiên, lớp trưởng cũ của chúng tôi đi bên cạnh Hoài đầu tóc bờm xờm, mặt đỏ gay, nồng nặc mùi rượu. Nếu là mười lăm năm trước họ đẹp đôi bao nhiêu thì giờ đây " lệch pha” bấy nhiêu. Hoài trông nền nã, nhẹ nhàng bao nhiêu thì Thiên trông bặm trợm, mất lịch sự bấy nhiêu. Thời gian đã biến đổi Thiên thành con người khác. Còn đâu nữa chàng lớp trưởng to cao, đẹp trai, tính cách mạnh mẽ mà nhiều đứa con gái ao ước.

Hoài thoáng bối rối khi Thái bước vào cửa hội trường, nơi mà chúng tôi mượn làm địa điểm gặp mặt toàn lớp. Hàng lông mi dài của cô nàng cụp xuống trông thật tội nghiệp khi bắt gặp ánh mắt của người tình cũ. Ánh mắt ngỡ ngàng và đầy vẻ trìu mến, thương yêu của họ như xoáy vào tim tôi. Là người ngoài cuộc mà tôi đau, rất đau, huống hồ đôi uyên ương đã từng yêu nhau tha thiết mà không đến được với nhau ấy.
Thái đến hơi muộn vì là khách danh dự của trường. Cậu ta là một trong những học sinh thành đạt của khóa chúng tôi, giám đốc trẻ của một sở quan trọng trong tỉnh. Phong cách đĩnh đạc, da dẻ hồng hào, thân hình phương phi. Còn đâu hình hài cậu bé nhỏ con, đen nhẻm của mười lăm năm về trước. Thái là niềm tự hào của khóa chúng tôi.

Dù từng là lớp trưởng nhưng giờ đây Thiên không thể lãnh đạo cái lớp toàn trung niên được nữa. Tất cả nhất trí giao cho Thái điều hành . Cậu ta cũng rất hoạt ngôn, điều hành cuộc họp mặt vui vẻ và có bài bản.

Tất cả chúng tôi đều vui vẻ, Hoài cũng vậy, nụ cười hớp hồn bao chàng trai ngày nào vẫn nở trên đôi môi thanh tú của nàng. Chỉ có hai người nhận ra nỗi buồn ẩn chứa trong đôi mắt thăm thẳm ấy. Đó là tôi và Thái.

****

- Tội cho Hoài quá Thu ạ. Mình thương Hoài lắm nhưng không biết làm sao? Thái nói với tôi sau khi tan cuộc hội lớp.
Hơn ai hết tôi biết nỗi đau của Thái khi nhìn thấy Hoài trong hoàn cảnh như vậy, dù Hoài tỏ ra vui vẻ, giữ vẻ bề ngoài chu tất và không hề kêu ca với ai nửa lời về gia cảnh hiện tại. Sự chia tay bất đắc dĩ đó làm họ sống mà không bằng chết, nhất là Hoài giờ phải chịu cuộc sống vợ chồng cay đắng vậy.

Tôi làm sao quên được ngày hè ấy…Một chiều, nắng tháng sáu như thiêu như đốt.

Tôi tốt nghiệp đại học ra trường làm việc được năm năm, bận rộn với công tác giảng dạy ở một trường vùng sâu vùng xa của tỉnh và hai đứa con nhỏ với những mưu sinh cuộc sống, Hoài đến, nói gọn lỏn một câu:

- Chủ nhật mời vợ chồng cậu đến dự đám cưới mình.

-Thế ba mẹ cậu đồng ý cậu với Thái lấy nhau rồi à?

- Không, mình lấy Thiên!

Mắt tròn xoe nhìn Hoài. Tôi không dám nói thêm câu nào sợ động chạm vào nỗi đau của bạn.

Sáng hôm sau, báo cáo nhà trường xin nghỉ dạy và nhờ người chăm con, tôi tức tốc đón xe về quê. Đến nhà ba mẹ Hoài lúc trời chiều ngả bóng. Lá vàng phủ kín lối đi. Hàng cau già trước sân như càng già thêm. Ngôi nhà ngói ba gian xưa được cho là nhà giàu của xóm nay rêu phong cũ kỹ. Ba Hoài đã rất già yêu. Ông bị tai biến mạch máu não đã ba năm nay. Ngưởi vợ già nua ngồi bên đút cho ông từng thìa cháo loãng.

Dường như đoán biết tôi sắp hỏi điều gì, mẹ Hoài nhìn tôi, giọng rầu rầu :

- Hoài phải lấy chồng thôi cháu ạ. Hai bảy tuổi rồi. Cháu đã có hai mặt con mà con gái bác thì…

- Bác ạ, cháu nghĩ Hoài và Thái …

- Không được đâu cháu, lời nguyền từ ngàn xưa để lại, con trai con gái làng Đông, làng Nam không được lấy nhau đâu. Nếu Hoài lấy bác sợ đứt gánh giữa đường , sợ tai bay, vạ gió…

- Nhưng mà Hoài có yêu Thiên đâu bác!

- Chỉ cần Thiên yêu nó tha thiết như vậy là sẽ hạnh phúc thôi cháu ạ. Có người đàn ông nào kiên trì theo đuổi người phụ nữ hàng chục năm trời như Thiên đâu. Vả lại ước nguyện của bác trai là muốn thấy con Hoài có gia đình êm ấm để ông thanh thản khi nhắm mắt xuôi tay.

Tôi chẳng biết nói gì hơn khi họ đã quyết. Khi đó tôi thấy thương Thái vô cùng. Thôi thì cũng mừng cho Hoài lấy được chồng là người bạn cùng học, lại yêu Hoài tha thiết như vậy.

Trước khi trở lại trường, tôi rẽ vào nhà Thái. Bố mẹ Thái còn khỏe lắm, cuộc sống của họ giờ đã đổi khác, đỡ chật vật hơn nhiều. Trước đây nhà đông con, cuộc sống thật khốn khó. Qua ba mẹ Thái, tôi biết rằng Thái đã xuất ngũ, đã học xong chương trình phổ thông trung học và thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Hiện Thái đang học năm cuối của chương trình đại học. Tôi rất phục Thái, ngoài trí thông minh ra cậu ta còn có nghị lực phi thường.

***

5. Tôi ôm lấy Hoài như muốn truyền hơi ấm cho đứa bạn gái bạc mệnh của tôi. Tôi không ngờ chuyến về thăm quê của mình lần này lại gặp Hoài trong hoàn cảnh âm dương cách biệt. Thời trẻ nít chúng tôi đã từng nằm chung giường, đắp chung chăn, một cái bánh cũng bẻ đôi. Vậy mà giờ , bên thân xác lạnh lẽo của Hoài, lòng tôi như cóa ai xát muối. Tôi ân hận. Tại sao tôi lại bỏ rơi Hoài trong những ngày bạn âm thầm khổ đau đến tột độ vậy chứ!!. Hoài ơi, hãy tha lỗi cho Thu nhé, Thu thật vô tâm. Cũng bởi vì Hoài kín đáo quá, ít tâm sự, tỏ ra mạnh mẽ nên tôi tưởng rằng cuộc đời của Hoài vẫn bình thường như bao người khác. Bởi lúc nào gặp tôi, Hoài cũng vui tươi và đỏm dáng.

Chợt nhớ đến Thái, tôi mở di động tìm danh bạ. Tiếng Thái vang lên " Thu hả? Có chuyện gì không?” " Thái ơi, Hoài chết rôi!” " Tại sao? Thật đấy chứ?” Tiếng Thái kêu lên đau đớn " Thái đang họp ở Hà Nội. Một cuộc họp quan trọng. Làm sao về kịp được bây giờ? Thu ơi!”

Ba ngày sau, khi linh cữu Hoài được đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng thì Thái mới kịp đến tiễn biệt. Mắt trũng sâu, mặt hốc hác, đôi mắt vô hồn, Thái âm thầm đi sau đoàn người đưa tiễn. Trời mùa thu chợt nắng chợt mưa như người đàn bà góa, chợt cười , chợt khóc. Những giọt mưa thu đẫm ướt trên khuôn mặt làm Thái như càng nhợt nhạt thêm. Tôi chưa thấy nỗi đau nào bằng nỗi đau đang hiển hiện trên mặt của Thái, một nỗi đau mang theo sự ân hận muộn màng, dù tiếng kêu khóc của hai đứa trẻ mồ côi làm nhiều người phải rơi nước mắt.

***

Đêm đó, Thái và tôi cùng thức trắng bên mộ Hoài. Bên ánh lửa bập bùng mà người nhà đốt để Hoài khỏi lạnh lẽo. Thái đã khóc rất nhiều. Nước mắt đàn ông dễ làm mủi lòng người làm tôi cũng không thể cầm lòng. Hình như những đau thương được dấu tận đáy lòng giờ mới có dịp bung ra.

Khi đã tương đối bình tĩnh lại, Thái kể, giọng đều, nhỏ ..

- Những ngày trong quân ngũ ở biên giới Tây Nam, dù ngày đêm cận kề với cái chết nhưng với mình là những ngày tràn ngập thương yêu và hy vọng. Những cánh thư của Hoài như tiếp thêm sức mạnh để mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những cánh thư màu tím không những thân thuộc với mình mà cả đồng đội nữa. Vài ngày thư Hoài không đến bạn bè lại hỏi " Cô áo tím dạo này đi đâu rồi?”

Mình nghĩ rất nhiều về tình yêu. Mình luôn tin rằng, hai đứa mình sẽ phá vỡ được lời nguyền tai ác kia để đến với nhau. Trong những ngày gian nan đó, mình đã sống bằng hy vọng và mình luôn tự hứa với lòng sẽ đem đến hạnh phúc cho Hoài , Thu à. Thời gian đó mình viết truyện "Người phá vỡ lời nguyền” Một câu chuyện có hậu , hai người yêu nhau đã vượt qua lời nguyền, vượt qua sóng gió để cùng nhau đến bến bờ hạnh phúc.

Ra quân, mình quyết tâm vào học đại học để có việc làm tốt. Vậy mà Hoài lại không thể đợi. Ngày nhận được dòng thư ngắn của Hoài " Em không thể đợi anh” mình đã bị ốm mất hai tháng trời. Nỗi đau dày xéo tâm can tưởng chừng như không thể trụ nổi. Mình không thể tin được, người con gái mà mình đã yêu gần chục năm trời lại không thể trọn kiếp bên nhau . Gần nửa năm trời mình luôn ở trong tâm trạng tuyệt vọng. Chúng mình đã từng bàn với nhau, tốt nghiệp đại học mình về quê làm việc, vừa cống hiến sức trẻ cho quê hương , vừa được ở gần bên nhau . Vậy mà lúc đó, cầm tấm bằng đại học trong tay, mình chẳng biết đi về đâu. Sau đó mình quyết định lên Tây Nguyên làm việc. Gần năm năm trời không một lần về thăm quê, không liên lạc với bạn bè …mình lấy công việc làm nguồn vui để quên lãng. Rồi trời run rủn sao mình gặp bà xã mình bây giờ. Cũng chỉ vì hai người ở xa quê. Cuộc sống yên ổn, Thu à.

Nói đến đó gương mặt Thái thư giãn hơn. Lấy một thanh củi bỏ thêm vào đống lửa, tôi hỏi:
- Thế thời gian đó cậu không liên lạc gì với Hoài sao?

- Mình có lỗi với Hoài bởi mình không muốn làm xáo trộn của sống của cô ấy. Mình không ngờ…

- Làm sao cậu biết được cuộc sống bất hạnh của Hoài? Hoài kể cho bạn nghe à?

- Không, Hoài không hề kể lể gì cho mình nghe cả. Thu à. Tính Hoài cậu biết rồi đó, tự trọng cao. Cô ấy không thể chịu đựng được sự thương hại. Nhìn bề ngoài có vẻ yếu đuối vậy nhưng thật ra Hoài là người mạnh mẽ, cứng rắn. Mình biết chuyện Hoài qua cô em gái họ của mình. Em họ mình dạy cùng trường huyện với Hoài.

Tôi và Thái bất chợt cùng nhìn vào tấm hình của Hoài trên bia mộ. Khuôn mặt thanh tú, hài hòa, nụ cười dịu dàng, ánh mắt với tia buồn rất kín đáo mà chỉ những ai thật sự hiểu Hoài mới thấy được.…Hoài, một người đàn bà dũng cảm, kiên cường, đầy đức hy sinh của chúng tôi đó, tôi tin rằng Hoài sẽ không đến nỗi tuyệt vọng để tìm đến cái chết.

Chúng tôi im lặng, chìm đắm trong hồi ức…

***

Chiều thứ bảy, Hoài vừa dạy xong tiết cuối cùng đã thấy Thiên tay xách một bọc quà to, đứng chờ ở cửa phòng tập thể nhà trường. Hoài được sở giáo dục điều động đến dạy học trường huyện. Còn Thiên đã xuất ngũ, đang công tác ở phòng thương nghiệp của huyện. Hai người ở cách nhau không xa.

- Thiên, chờ lâu chưa?

- Đúng tê cả chân rồi nè. Chờ bạn cùng về nhà đây.

- Phiền bạn quá. Sao không về trước đi. Hoài về một mình cũng được mà.

- Thì cùng về cho vui.

Hoài mở cửa. Thiên bước vào phòng tự nhiên như nhà mình:

- Đây là đường sữa cho Hoài nè. Dạo này trông gầy đi đó nha. Phải tăng lên vài ký nữa mới đẹp. Còn đây thuốc bổ và sữa quà cho ba Hoài nè.

- Thôi mà Thiên, Hoài đã có tiêu chuẩn tem phiếu rồi. Cậu cất đi. Thuốc bổ cho ba tớ các anh chị đã lo đủ rồi. Ờ mà đã có người yêu rồi thì cần gì đẹp. Không đẹp vẫn " bị” yêu. Hơ hơ…

- Bạn bè với nhau mà Hoài quá khách sáo. Không được đâu nha. Mà Hoài " bị” hàng tá người yêu đó Hoài có biết không? - Thiên cười vui vẻ.

Rót mời Thiên ly nước trong Hoài bảo:

- Cậu ngồi chơi, đợi tớ viết cho Thái vài dòng, nhân tiện qua bưu điện gửi luôn kẻo lão ý mong. Tớ cá với cậu là gã đang rất nhớ tớ… Hoài phá lên cười vô tư, còn Thiên mặt thoáng buồn.

Khi Hoài ngồi vào bàn viết thư , Thiên hý húi sửa lại cho Hoài cái quạt điện bị hỏng.

Hoài ngửng lên :

- Hay tớ nấu cơm, hai đứa mình ăn rồi về?

- Thôi, qua cửa hàng ăn uống ăn phở cho nhanh, Nấu nướng phiền hà lắm.

- Thế cũng được.

Tiếng chị ở phòng bên cạnh nói vọng sang:

- Hoài, người yêu mày ở đâu, đẹp trai cỡ nào tao không biết, chứ tao thấy cậu Thiên đây với mày quá chuẩn, quá đẹp đôi. Duyệt đi mày.

- Chị này – Hoài đáp trả: Chị không nghe người ta thường bảo là phải tránh " Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan sao”?

- Ơ! mày đã là vợ nó đâu mà thằng Thiên phải tránh! Hơ …hơ…

Thiên và Hoài về đến làng Nam trời nhá nhem tối. Bố Hoài yếu lắm rồi, ông bị tai biến mạch máu não do huyết áp cao đã ba năm nay. Nắm lấy tay Thiên ông thều thào nói:

- Bác… bác.. gửi con Hoài cho… cháu, trăm sự nhờ cháu. Con gái bác …yếu đuối lắm. bác ra …đi không yên lòng.

Quay sang Hoài, nhìn con gái với ánh mắt thương yêu đầy lo âu:

- Hoài, ba đã yếu lắm …rồi, ba không thể theo con để chăm …sóc, lo lắng cho con được nữa. Ba … muốn nhìn thấy con …có gia đình êm ấm.

- Ba, - Hoài nức nở- Ba đừng nói thế. Con tin ba sẽ chờ được đám cưới của con và Thái. Chỉ một năm nữa thôi ba.

- Con… con… không được đâu .. Con trai con gái hai làng…

Nói đến đó ông nức lên, ôm lấy ngực, mặt tái xám, mắt trợn ngược, tay run lẩy bẩy. Hoài hốt hoảng la lớn :

- Ba, ba ơi..

Thiên kịp thời xoa ngực cho ông, sau đó tức tốc đi tìm bác sĩ. May sao, được cấp cứu kịp thời nên ba Hoài qua cơn nguy biến.

Tối đó ngồi trực bên ba, Hoài viết cho Thái " Anh ơi, có lẽ chúng mình phải làm đám cưới gấp thôi. Ba em yếu lắm rồi. Em muốn ba chúc phúc cho chúng ta”

Thời đó chưa có điện thoại như bây giờ. Một tuần sau lá thư đó mới tới tay Thái. Chờ được thư hồi âm thì cũng phải một tuần sau. Ba của Hoài thì không thể chờ được nữa. Hoài đành nhận lời cầu hôn của Thiên.

Sau đám cưới con gái được nửa tháng, ba Hoài mãn nguyện ra đi, mang theo niềm tin chắc chắn con gái ông sẽ sống hạnh phúc.

Thái nhận được thư Hoài chỉ vỏn vẹn một dòng ngắn ngủi " Em đã lấy chồng” Tức tốc đón xe về quê, Thái nhờ cô em họ nhắn Hoài ra gặp mặt. Vừa thấy Hoài, anh quát lớn:

- Sao em nông nổi vây?

Hoài không hề khóc. Mặt rắn đanh, cô buông một câu cụt lủn:

- Số mệnh thôi anh.

- Hoài, số mệnh là do chúng ta làm chủ. Anh muốn em hủy hôn để trở lại với anh.

- Em không thể. Anh hãy tha lỗi cho em.

Vừa lúc đó, trống trường báo đã đến giờ vào lớp. Hoài chạy vụt đi.

Tối đó, Thiên tra vấn Hoài :

- Hôm nay thằng Thái ra tìm em phải không?

- Dạ… Hoài ấp úng.

- Hai đứa chúng mày còn luyến tiếc nhau lắm à? Cô có biết điều tôi hận cô là gì không? Cô yêu nó còn tôi cô coi như dẻ rách…

- Anh! -Hoài bàng hoàng - Anh như thế này sao?

- Tôi còn hơn thế này nữa đấy! Cô có biết nỗi đau mà cô gây ra cho tôi không? Tôi thua kém gì nó đâu! Sao cô chỉ yêu nó, nhớ thương nó thôi. Cô lấy tôi vì bất đắc dĩ phải không?

- Chả lẽ anh hận em về điều đó sao? Anh lấy em vì lẽ gì?

- Tôi lấy cô vì lẽ gì ư? Tôi lấy cô để trả thù!

- Tôi không ngờ anh lại nhỏ nhen thế!

- Tôi nhỏ nhen? Chính cô đã làm tôi phải thế đấy!

Thiên xông đến tát vào mặt Hoài, khuôn mặt đỏ gay, miệng nồng nặc mùi rượu.

Đêm đó, Hoài thức trắng đêm. Ngồi trên chiếc ghế kê dưới gốc cây sân trường, Hoài nghĩ nhiều đến Thái. Cô biết là mình đã sai lầm khi lấy chồng. Cô nghĩ đến lời đề nghị của Thái buổi chiều nay. Bao suy nghĩ dày vò cô: liệu Thái có như Thiên, cũng hận cô vậy không? Cô đã bỏ Thái để lấy Thiên, giờ đang yêu anh có thể bỏ qua, nhưng khi thành vợ chồng…Một điều nữa để Hoài không trở lại tìm Thái, đó là cô biết chắc chắn mình đã có thai.

Hoài bụng mạng dạ chửa chịu đựng những cơn say khướt của chồng, những cú bạt tai không thương tiếc gì vợ và đứa con dang hình thành trong bụng vợ. Thiên chỉ biết chửi bới, đấm đá cho bõ những cơn ghen tức đang giày vò. Nào là mày đú đởn với nó, mày say đắm nó, mày mặc kệ tao đau khổ. Đứa con trong bụng mày là con thằng Thái, chúng mày đã lén lút gặp lại nhau…. Nó vì mày mà bươn bả ra tận đay tìm mày…

Hoài đã chịu đựng tất cả chỉ vì đứa con chưa rõ hình hài. Nó có tội tình gì đâu. Nó là kết quả sai lầm của Hoài và sự ích kỷ của Thiên. Cô không muốn con cô sinh ra đã không có cha.

Vừa dạy học, vừa làm thêm để dành dụm tiền chờ sinh nở, vừa phải phục vụ ông chồng sáng xỉn chiều say, Hoài gầy rộc đi trông thấy. Nhan sắc tàn phai. Trông Hoài thật tiều tụy.

Thời gian trôi đi, cô đã thành thiếu phụ một nách hai đứa con nhỏ.

Thời đó cuộc sống vật chất thiếu thốn, vất vả trăm bề. Cô một mình chống đỡ với cuộc đời, không ai san sẻ. Chồng chỉ biết dày vò, hành hạ. Không hề nhúng tay làm việc gì. Thiên cho rằng làm vợ có nghĩa vụ phải hầu hạ chồng.

Người đàn bà lấy phải ông chồng gia trưởng mà lười biếng, nghiện ngập thì bất hạnh cả đời.

Thời kỳ đổi mới, không còn bao cấp, nghành thương nghiệp một thời lên hương nay phải giải thể. Thiên không có việc làm lại càng bất mãn. Vốn tính cộc cằn nay lại càng cục cằn hơn. Những trận say xỉn của Thiên dày hơn thì Hoài phải chịu những lời thóa mạ, chửi bới và những trận " thượng chân hạ tay” dày hơn. Gia đình Hoài chuyển về quê để tiện chăm sóc mẹ Thiên giờ đã già yếu, bệnh tật. Lại thêm gánh nặng đổ lên đầu Hoài.

Về quê, Hoài xin cho Thiên chân bảo về trường. Những tưởng Thiên nhìn nhận ra sai lầm , nào ngờ vẫn chứng nào tật nấy. Bệnh nghiện rượu càng nặng thêm. Hoài khuyên nhủ , Thiên đã không nghe còn chửi " Đàn bà gì mà ích kỷ, chồng uống rươu, hút thuốc mà tiếc” Do nghiện rượu nên Thiên bị ung thư gan.

Người ta bảo " Ông trời công bằng không lấy hết của ai cái gì”. Nhưng đó với Hoài, ông trời không công bằng, hình như bao nhiêu khổ đau trên đời trời đều để giành cho Hoài.

Hoài xin nghỉ dạy, đem chồng chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viên khác, chăm sóc chồng chu đáo. Dù bệnh nặng, cái chết cận kề nhưng Thiên không hề ân hận, vẫn chửi bới thóa mạ vợ. Thiên lại càng ghen tuông hơn. . Hoài cắn răng chịu đựng. Một ngày cũng nên tình nên nghĩa huống hồ họ đã có với nhau hai mặt con. Lạ thay, Hoài như chẳng oán hận gì Thiên cả , hết lòng vì chồng, làm ai thấy cũng cảm động. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, Thiên lặng lẽ ra đi. Hoài đã khóc rất nhiều.

***

Tôi nhìn Thái, người đàn ông đứng tuổi với gương mặt kiên nghị mà giờ trông thật thiểu não.

- Mình đã sai lầm Thu ạ. Mình nghĩ vì ghen tức với mình mà Thiên hành hạ Hoài nên mình đã tránh Hoài. Mình ngờ đâu như thế lại càng làm Hoài đau khổ. Vì đâu mà Hoài phải chịu đựng như thế chứ?

- Vì các con và gia đình Thái ạ. Phụ nữ là vậy đó. Vả lại mình cũng biết rằng Hoài không muốn Thái biết sự thất bại trong hôn nhân của cô ấy.

Thái gục bên mộ Hoài nức nở:

- Hoài ơi, em hãy tha lỗi cho anh. Chính anh đã đem đến khổ đau cho em”

Tôi đến bên Thái :

- Cậu đừng tự trách mình nữa. Lỗi đâu tại cậu!

Thái ôm mặt đau khổ:

- Lẽ nào câu chuyện cổ tích lời nguyền xưa lại đúng hả Thu? Sao ông trời không trừng phạt mình mà lại để Hoài phải chết!

Rồi Thái nghẹn ngào kể :

- Sau ngày giỗ mãn tang chồng, mình nhận được tin nhắn từ Hoài " Em muốn gặp anh”. Mình tức tốc lái xe về quê. Đêm đó, bên bờ giếng Ngọc, chúng mình đã trọn vẹn bên nhau…

- Thời gian gần đây, Thu thấy Hoài trẻ đẹp ra nhiều Thái ạ. Cô ấy yêu đời, tự tin và thích giao lưu hơn. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, mình về quê đến thăm Hoài, mình đọc bốn câu thơ trong bài lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, trêu Hoài:
Chị nay lòng ấm lại rồi,

Mối tình chết, đã có người hồi sinh.

Chị từ dan díu với tình,

Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.

Hoài đáp trả mình "
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,

Chị còn dám ước một điều gì hơn.

Một lần hai lỡ keo sơn,

Mong gì gắn lại phím đàn ngang cung.

Thái đưa cho tôi xem bài thơ Hoài viết tặng. Thái bảo sau lần về quê đó, Hoài viết bài thơ này gửi qua email cho Thái:
Có người bữa ấy về xóm nhỏ
Đem cả nắng vàng rải vào đông
Đem giọt sương chiều gieo trên cỏ
Để ta cứ ngỡ sớm xuân nồng

Có người bữa ấy mang theo gió

Thổi tan mây xám giữa trời đông

Đem cả mùa thu gieo vào mắt

Để ta cứ ngỡ nước hồ trong

Những tưởng từ lâu tắt lửa lòng

Chỉ còn giá lạnh với cuồng phong
Người về xóm nhỏ bừng nắng hạ

Môi hờn phượng thắm thuở tròn trăng...

Rồi người bữa ấy chiều thanh vắng
Hững hờ bỏ lại gió buồn tênh
Ta hứng hương nồng còn sót lại
Dấu kín trong tim giấc mộng lành...

Giấc mộng tự ta dệt cho mình
Người gieo một chút rất mong manh

Chỉ bởi lòng ta đang khát cháy

Mắt người bữa ấy .. mấy ngôn tình?

Tôi lặng người đi. Hoài đã hy vọng và rồi thất vọng thế sao?

- Không ngờ lần gặp đó là lần gặp cuối cùng của mình với Hoài. Mình bận họp hành liên miên không có thời gian cho Hoài. Vả lại còn gia đình nữa!- Giọng Thái buồn bã .

- Người làng bảo cả mấy tháng liền, đêm nào họ cũng thấy Hoài thơ thẩn ngồi bên giếng Ngọc như chờ ai đó. – Tôi nói với Thái.

***

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, nỗi đau thương của chúng tôi vơi dần. Đúng hai năm, ba tháng, mười ngày, sau cái đêm chúng tôi ngồi bên mộ Hoài đốt lửa, Thái đến gặp tôi với tấm thiệp hồng trong tay.

- Mời Thu đến dự đám cưới con gái mình.

- Cháu lấy chồng ở đâu?

- Con rể mình là con trai Hoài đó Thu . Chúng nó yêu nhau. Có lẽ nên xóa bỏ lời nguyền Thu nhỉ? Thế hệ chúng ta tiến bộ cơ mà.

***

Thời gian, thời gian…

Chúng tôi, những ông bà lão đầu tóc bạc phơ, về dự kỷ niệm 40 ngày ra trường. Thái giờ giữ một chức vị quan trọng của Tỉnh. Xe Thái vừa dừng lại trước sân trường cũ, hai đứa trẻ chừng bốn năm tuổi từ trong xe chui ra , đồng thành chào lảnh lót:

- Con chào các ông, các bà ạ.

- Đây là hai đứa cháu ngoại sinh đôi của mình.- Thái chỉ hai đứa trẻ giới thiệu.

Cả lớp tròn mắt : Bé gái giống Hoài như tạc . Còn bé trai - khuôn đúc của Thái!

                                                                     THT


Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
MÁI NHÀ TRANH- Thơ Trần Hoài Thắm - 07/11/2016
MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG- Thơ Đào Trường San - 06/11/2016
QUÊ QUÁN TÔI XƯA- Lê Đức Dục - 25/10/2016
KHẢO CHỔ ĐÊM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 25/10/2016
PHẬN MUỐI- Thơ Lê Nguyên Hồng - 25/10/2016
BÊN TƯỢNG ĐÁ RÊU PHONG- Thơ Đào Trường San - 25/10/2016
Trang 3/3: Trước  1, 2, 3
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website