CHIẾC ÁO MÀU XANH----Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Chiến
Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng mỗi lần nhớ đến, chị lại nhìn đi một nơi xa xăm
nào đó trước mặt, rồi tự hỏi: "Bây giờ anh đang ở đâu?”. Không biết đã bao nhiêu
lần, chị hỏi câu hỏi này. Và cũng không biết bao nhiêu lần, chị không nhận được
câu trả lời…
Ngày ấy, tốt nghiệp sư phạm ra trường, chị được phân công về dạy học ở một
trường miền núi. Hoàn cảnh của chị lúc ấy thật tội. Cưới chồng chưa được bao lâu
thì chồng bị tai nạn giao thông qua đời. Lúc ấy chị lại đang có thai đứa con đầu
lòng. Vì từ nhà đến trường rất xa, nên chị phải ở lại khu nhà trọ của trường. Mặc
dù cái thai đã đến cuối tháng thứ tám, chị vẫn đi dạy. Bởi chị nghĩ đơn giản rằng,
giáo viên lúc sinh nở được nghỉ bốn tháng, tính từ ngày nghỉ, nếu mình xin nghỉ
muộn, thì mai kia khi sinh xong, mình được ở bên con nhiều hơn. Bước qua tháng
thứ chín, chị vẫn đi dạy, vì chị thấy mình vẫn bình thường, chưa có biểu hiện gì là
sinh nở cả. Phải đến lúc mấy cô bạn cùng trường khuyên ngăn, chị mới chịu nghỉ
cho. Chị sắp xếp mọi thứ, chia tay mọi người ra về.
Buổi chiều, chị đạp xe về quê. Một buổi chiều tháng Tư nắng như đổ lửa.
Trên đoạn đường dài hơn hai chục cây số, chị một mình một bóng, thui thủi, đơn
côi. Thỉnh thoảng, mới lại có chiếc công nông chất đầy củi, phụt khói đen sì, nặng
nề vượt dốc. Cái không khí ồn ả ấy chỉ được một lúc, rồi đâu lại hoàn đấy, trở lại
im ắng như thường. Mới đi được nửa đường thì bụng chị râm rẩm đau. Chị nghĩ
chắc chỉ là đau bụng thông thường, nên dừng lại, bôi tý dầu gió. Không ngờ, cơn
đau cứ mỗi lúc một tăng. Chị không thể đi được nữa, đành dắt xe vào bóng mát
dưới một lùm cây ven đường ngồi lại. Vừa ngồi xuống, bụng chị đã đau dữ dội,
đau chưa từng đau như thế bao giờ. Chị chỉ còn biết ôm lấy bụng, kêu lên khe khẽ.
Chị cảm tưởng có con gì đang trườn giữa hai đùi, hâm hẩm, nhồn nhột. Nhìn
xuống dưới chân, chị thấy mấy giọt máu đang lăn xuống. Vậy là chị biết mình
đang trở dạ, giờ phút sinh nở đã đến. Chị lo lắng, đưa mắt nhìn quanh, hy vọng có
2
ai đó đi ngang qua đây, nhờ họ giúp đỡ. Con đường vắng lặng, không một bóng
người. Biết làm sao bây giờ? Lúc ấy chị vô cùng sợ hãi, sợ lúc sinh mà không có ai
bên cạnh sẽ vô cùng nguy hiểm. Không những cho bản thân mà còn cho cả đứa bé.
Rồi chị tự trách mình, sao không xin nghỉ sớm hơn một chút. Nhưng tất cả đã
muộn. Cơn đau mỗi lúc một tăng. Rồi không chịu nổi nữa, chị ngã vật ra, mê man,
và lịm dần…
Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, chị thấy có ai đó đang đi đến cạnh mình. Rất đau!
Đau như cào như xé, chị vẫn cố mở mắt để nhìn. Trời ơi, một người đàn ông xa lạ
đang bước đến và lặng lẽ ngồi xuống, đối diện trước mặt chị. Một khuôn mặt còn
rất trẻ, trẻ hơn cả chồng chị khi anh ấy còn sống. Một khuôn mặt thơ ngây, non
nớt, bấm ra sữa, với đôi mắt trong sáng, đẹp đẽ lạ thường. Anh mặc sắc phục màu
xanh, với chiếc mũ trên đầu cũng màu xanh, có gắn ngôi sao. Một anh công an! Có
lẽ anh đang trên đường đi công tác. Chị thở phào, lòng vơi đi nỗi lo lắng. Hình như
khi thấy chị nằm một mình dưới lùm cây, anh đã hiểu hết mọi chuyện. Anh quyết
định dừng lại và biết mình phải làm gì giúp chị trong lúc này. Anh ngồi xổm trước
mặt chị, vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng, xen chút e lệ, ngại ngùng. Anh dùng chiếc khăn
mùi xoa của mình, nhẹ nhàng lau đi những giọt mồ hôi trên trán chị. Rồi anh mở
ba lô lấy tất cả mọi tư trang của mình lót xuống cạnh người chị, đỡ chị nằm lên đó.
Vẻ mặt anh trông rất bình thản. Hình như anh đang phải gắng gượng giấu đi những
cảm xúc của mình. Anh đang phải quên đi tất cả, không nghĩ đến bất cứ chuyện gì,
ngoài việc lo sao cho chị được mẹ tròn con vuông.
Nắng vẫn như thiêu như đốt. Đường sá vẫn không một bóng người. Trong
không gian ngột ngạt ấy, lâu lâu mới lại có làn gió thoảng qua. Và chị vẫn vật lộn
với cơn đau. Đau đứt ruột đứt gan. Đau như giày như xé. Mồ hôi chị túa ra dầm dề.
Tóc chị xổ tung ra phủ tràn hai vai. Hai hàm răng chị nghiến chặt lại. Môi chị tứa
máu. Chị vơ vào bất cứ cái gì quanh mình. Chị cắn chặt răng vào vạt áo anh rải ra
đất cho chị nằm. Chị kêu lên từng lúc một. Lật người sang bên này, bên kia. Rồi
thở dốc ra một cách nặng nề, khó nhọc. Anh vẫn ngồi đó, cạnh chị, hai tay anh đỡ
lấy người chị. Có cảm giác như anh đang luống cuống, vụng về làm một việc gì đó
hết sức vô nghĩa. Hai tay chị cào cấu, bấu chặt lấy tay anh.
- Đau quá mẹ ơi! Con chết mất mẹ ơi! - Chị kêu lên.
Anh vuốt vuốt những sợi tóc lòa xòa vương trên trán chị. Rồi sửa lại chỗ nằm
của chị. Lâu lâu mới thấy anh nói một câu:
- Cô hãy gắng lên, cháu bé sắp ra rồi!
Chị nín thở, hít thật sâu làm theo những gì anh bảo. Nhưng sức chị đuối quá,
chị không thể làm gì hơn. Tiếng anh vẫn đều đều, vỗ về, động viên chị:
- Nào, cô hãy nín thở và… tiếp tục một lần nữa…
Chị nhắm nghiền hai mắt, hít thật sâu vào lòng ngực rồi thở hắt ra. Người chị
rung lên, giãn ra một cách đau đớn.
Trong cơn đau, chị nghe tiếng anh:
3
- Cô ơi, con cô… con cô… đã ra được nửa người rồi. Cô hãy nín thở và hãy
tiếp tục đi. Nào, một… hai… ba… - Tiếng anh lúc ấy nghe thật mạnh mẽ, như tiếp
thêm sức lực cho chị.
Nghe lời anh, chị nhắm mắt nhắm mũi, nghiến chặt hai hàm răng, cố rặn một
lần nữa. Người chị bỗng nhẹ bẫng, như vừa trút được gánh nặng ngàn cân trong
lòng. Sức lực chị như cạn kiệt sau lần gắng gượng cuối cùng này. Chị lả đi, bơ phờ,
rũ rượi. Trong mơ hồ chị nghe có tiếng trẻ bật khóc oa oa. Và cả tiếng anh gần như
reo to:
- Con trai, một đứa con trai! Cô ơi, con cô là một bé trai!
Thêm một lần nữa chị phải cố mở to mắt để nhìn. Anh đang ngồi trước mặt
chị, hai tay anh đang ôm đứa bé trong chiếc áo màu xanh của anh. Đó là chiếc áo
anh đang mặc trên người, được anh cởi ra để lo cho mẹ con chị. Giờ thì trên người
anh chỉ còn lại duy nhất chiếc áo thể thao. Mặt anh, ngực anh, hai tay anh, lấm
tấm, loang lổ những vệt máu của mẹ con chị. Anh trao con cho chị bế. Chị ôm chặt
con vào lòng. Anh nhìn hai mẹ con. Có lẽ anh cũng đang rất vui. Khoảnh khắc ấy
chỉ thoáng qua trước mặt chị. Nhìn anh, nhìn con, không thể nén được niềm xúc
động dâng trào, chị bỗng òa khóc. Những giọt nước mắt xen với mồ hôi mặn chát
cứ tự nhiên ùa ra.
Sau khi trao con cho chị, anh chạy ra đường, đón được một chiếc công nông,
nhờ người ta đưa chị về trạm xá, rồi anh bắt tay chào chị, lên đường. Chị cũng
không kịp hỏi anh tên gì, quê quán ở đâu, công tác ở đơn vị nào?
***
Chuyện "vượt cạn” của chị về sau được người ta thêm thắt, thêu dệt thành câu
chuyện cổ tích, với đủ dư âm và sắc màu huyền thoại. Với chị thì khác. Cái còn lại
chị giữ đến hôm nay là chiếc áo màu xanh của anh. Mười năm nay, chị vẫn giữ
chiếc áo ấy như một kỷ vật thiêng liêng của đời mình. Lâu lâu, chị lại mang nó ra
ngắm vuốt hàng giờ. Chị ao ước gặp được anh. Mỗi khi ra đường, nhìn thấy chiến
sĩ công an nào trạc tuổi anh, là chị nhìn như dán mắt vào họ, xem có phải anh
không. Khuôn mặt anh, dáng người anh, cả giọng nói của anh… sau bao năm, chị
vẫn không sao quên được. Nhưng thời gian thì cứ trôi, cứ trôi... không bao giờ
dừng lại. Và niềm ao ước được gặp lại anh, vẫn chỉ là ao ước. Năm tháng trôi qua.
Con trai chị đã lớn, đã học lên lớp năm. Chị cũng đã được đổi về dạy học ở một
trường dưới xuôi, gần nhà hơn. Hơn mười năm qua, chị vẫn thường âm thầm, lặng
lẽ hỏi thăm tin tức về anh, người chiến sĩ công an ấy. Nhưng không mảy may hy
vọng gì.
Cuộc đời mỗi người, ai cũng có những kỷ niệm đẹp. Có những kỷ niệm dài
lâu, tồn tại mãi với đời người. Có những kỷ niệm, đôi khi chỉ thoáng qua như giấc
mơ, để rồi không bao giờ lặp lại. Kỷ niệm của chị là một kỷ niệm như thế. Chỉ
thoáng qua thôi. Nhưng với chị thì đây là kỷ niệm đẹp nhất của đời mình. Đẹp hơn
tất cả. Vì đó là máu thịt, là sự biết ơn sâu nặng của lòng người. Và dù sau này, có
4
bao lâu đi chăng nữa, thì trong lòng chị, kỷ niệm ấy vẫn sống mãi, chẳng thể nào
phôi phai được. Mỗi lần mân mê chiếc áo màu xanh của anh trong tay là chị lại
nhìn về một nơi xa xăm nào đó, rồi tự hỏi: "Không biết bây giờ anh đang ở
đâu?”…
NNC