ĐÔI ĐIỀU VỀ KHU DI TÍCH ĐÔI BỜ SÔNG HIỀN LƯƠNG--- Nguyễn Khắc
Hầu như tất các các khách du lịch đến Quảng Trị đều dừng chân ghé thăm di tích đội bờ sông Hiền Lương.
Di tích đôi bờ sông Hiền Lương lâu nay đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước, là biểu tượng về sự rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất non sông.
Đây là khu di tích đặc biệt cấp quốc gia theo quyết định số 2383/QD-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ký ngày 9 tháng 12 năm 2013.
Có thể nói rằng, di tích đôi bờ Hiền Lương là một di tích không chỉ mang tầm quốc gia mà còn rất đặc biệt đối với thế giới, rất ít nước có được. Nơi đây ghi dấu ấn của cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, thống nhất tổ quốc, xuyên suốt từ đầu đến cuối, ròng rả mấy chục năm trời. Biết bao nhiêu chiến công, hiển hách, bao nhiêu mất mát, hy sinh, khắc sâu lên từng tấc đất, từng bụi cây, ngọn cỏ, từng con đường, từng khúc sông, làm cho mảnh đất vùng giới tuyến trở nên huyền thoại.
Kể từ ngày được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích đôi bờ sông Hiền Lương, được tôn tạo và nâng cấp lên so với trước. Tuy nhiên sự nâng cấp, tôn tạo vừa qua thực ra chỉ là sự sửa chữa nhỏ, chưa xứng tầm vóc của nó.
Cốt lõi của vấn đề của một khu di tích đặc biệt là phải lôi kéo được đông du khách, tạo ra bởi sự hấp dẫn của vẻ đẹp và nội dung cuốn hút cho du khách khi người ta đặt chân đến.
Nói thực, khu Di tích đặc biệt cấp quốc gia đôi bờ sông Hiền Lương này, cả hai thứ nêu trên, đều chưa đáp ứng được. Vẻ đẹp bên ngoài thì quá bình thường, khu di tích hiện đang bị xuống cấp,mà phải nói là xuống cấp nghiêm trọng, cây cối mùa hè xác xơ, đường đi lối lại thật bất tiện, dơ bẩn . Cả khu di tích không có một nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn cho du khách nhất là cho người nước ngoài, vốn quen với sự văn minh, sạch sẽ. Hệ thống dịch vụ, bán hàng quà lưu niệm cho du khách chưa có gì.
Các công trình tôn tạo, từ đồn công an, khu liên hợp….khi xây dựng chưa nghiên cứu kỹ, xây dựng quá sơ sài, có cái hoàn toàn không đúng với hình mẫu trước đây,lại đặt sai ví trí.
Về tư liệu, vào khu di tích đặc biệt mà có rất ít tư liệu để xem, để nghiên cứu. Ảnh tư liệu đôi bờ sông Hiền Lương, trên vĩ tuyến 17 có thể nói nhiều vô kể, có điều chúng ta chưa sưu tập lại mà thôi. Cuộc đấu tranh của hai miền trong thời bình cũng như trong thời chiến được nhiều nhà báo, nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước chụp hàng hà, sa số. Nhiều bức ảnh đã được in trên các tờ báo, tạp chí, trên sách.. nói về hoạt động của quân dân ta trong các ngày thường cũng như trong các ngày lễ Tết, trong những ngày đấu tranh với địch, với ủy ban quốc tế đòi thực hiện đúng hiệp định Giơ Ne Vơ, thống nhất non sông.
Trong thời gian chiến tranh, do cuộc chiến ở vùng này quá ác liệt, nhiều nhà văn, nhà báo khó xâm nhập được vào đây, do vậy hình ảnh của đôi bờ sông có ít đi, nhưng không phải là không có. Những tư liệu của vùng giới tuyến có lẽ đang nằm ở đâu dó trong các bảo tàng của địa phương, của quân khu, ở trong dân, trong vali, túi xách của những người đã gắn bó với vùng giới tuyến, giữ để làm kỷ niệm, mà chúng ta quan tâm chưa hết. Có thể nói, chúng ta chưa có một kế hoạch đầu đủ để sưu tầm và cũng chưa có tiền để lên kế hoạch thực thi.
Nói về hiện vật, đôi bờ sông Hiền Lương, là nơi diễn ra cuộc chiến của hai miền, nói rộng ra là của hai phe ròng rã mấy chục năm. Tất cả các loại bom, đạn, vũ khí của hai phe, từ Liên Xô, Trung Quốc, Hunggary, Mỹ, Úc, Pháp… có cả, không thiếu thứ gì từ thô sơ đến hiện đại nhất. Vậy mà khi vào trong khu di tích Hiền Lương chúng ta quá ít, nhìn quá thất vọng.
Nói đơn giản, những vật dụng thông thường như chiếc máy nổ dùng thắp sáng cột cờ, cổng chào và khu vực, chẳng thấy chiếc xe Zeep hay chiếc ca nô chở ủy ban quốc tế 76 đi kiểm tra trên bộ, dưới sông, giám sát việc thi hành hiệp định Giơ Ne Vơ…không thấy có trong khu di tích. Chắng thấy một bộ sư tập nào về các loại bom từ bom sát thương, bom lân tinh, bom từ trường, bom nổ trên không, nổ trên mặt đất, nổ dưới lòng đất, bom tấn, bom tạ…đem chưng ra, cho du khách xem và chụp hình . Cả một khu di tích về chiến tranh của vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương mà chẳng có một chiếc máy bay, một khẩu pháo hay một chiếc xe tăng nào để khách hình dung được cuộc chiến khốc liệt và sự quả cảm của quân dân vùng giới tuyến. Du khách, nhất là du khách nước ngoài người ta rất ưng chụp hình kỷ niệm với những loại hiện vật này vì họ chưa thấy hay muốn trở về hoài niệm. Hồi chiến tranh vừa kết thúc xong, ở một vài nơi của vùng giới tuyến, người ta lấy mảnh bom cưa đôi, dựng làm hàng rào, nhìn cũng hay hay. Những hiện vật chiến tranh, nếu biết lắp ghép, biết dàn dựng sẽ tạo nên một không gian có ý nghĩa, cho người ta chiêm ngưỡng, mở rộng sự hiểu biết và để chụp hình vừa đẹp vừa mang nhiều ý nghĩa( Việc này thì phải vào xem và học tập ở bảo tang Di tích Chiến tranh nằm trên đường Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3 TP Hồ Chí Minh rồi, nơi đây du khách nước ngoài đến xem hang ngày rất đông, thu nhiều tiền lắm).
Các hiện vật của đôi bờ sông Hiền Lương còn nhiều vô kể, đang nằm rái rác đâu đó, đơn cử như lá cờ cuối cùng ở đầu cầu Hiền Lương đang nằm trong nhà ông bà Trợ, xóm 1, thôn Hiền Lương hay chân đế cột cờ Hiển Lương đang nằm ơ cơ sở sắt vụn ở Hồ Xá…cần sớm có kế hoạch đưa về khu di tích.
Nói đến di tích đôi bờ sông Hiền Lương là nói đến cuộc đấu tranh thống nhất non sông của dân tộc ta ở vùng giới tuyến, chứ không chỉ đề cập đến mỗi ở đầu cầu Hiền Lương, mà vùng giới tuyến sông Hiền Lương này từ Cửa Tùng, Cửa Việt lên đến tận biên giới Việt Lào, có bết bao nhiêu kỳ tích, biết bao nhiêu chuyện để nói, thực sự anh hùng, đầy tính huyền thoại, đầy sức thuyết phục và hấp dẫn, không một nơi nào có.
Nói về di tích Hiền Lương không thể không nhắc đến hệ thống đồn công an vũ trang từ Cửa Tùng đến dãy Trường Sơn. Không thể không nhắc đến Bến Đò A, Bến Đò B ở Cửa Tùng, nơi neo đậu tàu thuyền, chở lương thực, nước uống, vũ khí, đạn dược, chở cán bộ, bộ đội, thương binh, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và chi viện cho bờ Nam. Cũng không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh anh hùng của quân dân bờ Nam trong việc chống dồn dân, lập ấp, phá hang rào điện tử, đấu tranh đòi thông nhất non sông.Không thể không nhắc đến các địa danh như Bến Lội, Giang Phao(phía Nam) hay Bến Rèn ở phía Bắc, nơi bộ đội dân quân vô ra, nơi đồng bào bờ Nam chạy sang bờ Bắc, tránh càn quét của địch, biết bao nhiệu hy sinh mất mát đã xẩy ra, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông. Ít ra thì trong không gian của di tích đôi bờ sông Hiền Lương cũng phải có một góc nói về nó.
Mảnh đất giời tuyến là nơi thu nhỏ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xuyên suốt từ đầu đến cuối, rất ly kỳ, rất thầm lặng, rất âm ỉ, rất công khai, rất tâm lý, rất ác liệt và rất căng thẳng, tạo nên cho vùng đất nắng gió này tính chịu đựng cao,hy sinh lớn, đầy thử thách, đầy những chiến công hiển hách. Người ta nói đất vùng giới tuyến là đất lửa, là vủng đất thiêng, nơi cái chết là lẽ bình thường và sự sống mới là điều lạ.
Giờ chiến tranh đã đi qua, vết thương chiến tranh đã lành trở lại.Chúng ta không bới vào vết thương chiến tranh nhưng cũng phải ghi nhớ để không bao giờ cho phép những điều tồi tệ tiếp tục xảy ra.
Nói về du lịch thì cũng không ích người thích các điểm du về về nguồn, về những kỷ niệm chiến tranh nhất là du khách người Mỹ, người Pháp, Người Úc… họ rất muốn thăm lại chiến trường xưa để liên tưởng, để hoài niệm. Tuy nhên, đầu tư các gì về lúc này cũng phải tính cái độc đáo, cái đẹp và tính đến hiệu quả kinh tế. Di tích đôi bờ sông Hiền Lương, nếu đầu tư đúng mức thì chắc chắc thu hút nhiều du khách và mang lại hiệu quả thực sự. Nó nằm ngay trên quốc lộ số 1 thuận thiện đi lại giữa hai miền, liền kề với các điểm du lịch khác như bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, địa đạo Vĩnh Mốc, thánh địa La Vang…có thể kết hợp tuor du lịch liên hoàn cho du khách trong và ngoài nước nhất là khách Mỹ. Du khách sẽ thích thú, sau khi thăm di tích đôi bờ sông Hiền Lương xong, xuống thuyền du lịch, đi ngắm dọc sông Hiền Lượng, giống như ủy ban quốc tế ngày xưa đi giám sát, xuống đến Cửa Tùng hóng mát, thưởng thức các món hải sản tươi ngon thì hay biết mấy, để lại dấu ấn khó quên.
Việc quan trọng hiện nay là khu di tích này phải được đầu tư nâng cấp cho xứng tầm. Khi đầu tư cũng phải làm đồng bộ, nghiên cứu kỷ, không làm tùy tiện. Trong năm 2018, chúng ta có xây dựng một tượng đài công an vũ trang, đạt bên phía đồn liên hợp( Bộ đôi) là không phải rồi.Chẳng nhẽ sau này bộ đội, dân quân, người dân lại muốn làm bia, tượng kỹ niệm thì đặt ở đâu? Thiết nghĩ, nơi khu này, chỉ cần xây một tượng đài chung cho cả bộ độ, công an, dân quân và người dân vùng giới tuyến là đầy đủ ý nghĩa và phải đặt đúng vị trí phù hợp.
Việc đầu tư xây dựng lúc này phải thu hút được khách, nên phải làm cho thật đẹp, có nhiều tư liệu, có nhiều hiện vật để người ta xem, để nghiên cứu để chụp hình, giải trí. Ít ra khi du khách đến đây họ sẽ không thất vọng vì đã bỏ thới gian và tiền bạc ra và họ sẽ muốn quay trở lại.
Các khu dịch vụ, vệ sinh, quà lưu niệm cũng phải có để khi đền đây du khách khỏi có các mà mua về làm quà cho bạn bè, người thân, mang lại ấn tượng tốt đẹp.
Đầu tư là phải mang lại hiệu quả, tạo ngườn thu cho địa phương, ít ra cũng đủ trang trải cho đời sống củ cán bộ, công nhân viên khu di tích, để duy tu, bảo trì, nâng cấp cho di tích ngày một đẹp hơn.
Tôi nghe nói khu di tích đôi bờ sông Hiền Lương sẽ được nấng cấp khi đường tránh qua khu di tích này làm xong. Giờ thì đường tránh đã xong lâu rồi nhưng chưa thấy rục rịch gì cho việc nâng cấp khu du tịch cả, sự chuyển động rất chậm chạp.
Giờ thì địa phương nào cũng rầm rộ phát triển di tích, bia tưởng niệm, tượng đài…chẳng nhẽ khu di tích đặc biệt cấp quốc gia, mang tầm thế giới này lại để như vậy sao?
NK
Xem thêm,xin mời vào tang Web:thienphuoc.com