Gian nhà nhỏ nằm gần cuối thôn Nhĩ Thượng, Xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh là nhà Đại đoàn kết do UBMTTQVN thành phố Hồ Chí Minh xây tặng cho bà Nguyễn Thị Cháu đã lâu, nay xuống cấp, mưa dột nhiều nơi. Mấy năm trước, nhận được tiền hỗ trợ của các tổ chức từ thiện xã hội, bà Cháu nhờ người xây thêm phần đằng trước hiên, che tạm tấm lợp fibro xi măng để bớt chật chội, nóng bức khi hè đến, che tạm nắng mưa. Mấy chục năm chật vật xoay xở một mình trong ngôi nhà này, giờ tuổi cao sức yếu, bản thân là người tàn tật, bà Cháu chỉ còn biết trông cậy vào người em gái của mình chăm sóc.
Bà Cháu kể, năm bà 25 tuổi, trong một lần lao động ở địa phương, không may giẫm phải mìn gây nổ, bà bị cụt một chân và mù một bên mắt. Đang tuổi con gái, sau tai nạn này, tương lai của bà gần như khép lại, không một thanh niên nào có ý muốn cưới một người tàn tật về làm vợ. An bài với số phận, bà Cháu ở với cha mẹ, nương nhờ vào sức khỏe của hai ông bà già để sống qua ngày tháng cho đến ngày hai ông bà sức cùng, lực kiệt theo về với tổ tiên. "Ngày còn trẻ còn sức khỏe, tôi cũng cố gắng làm việc, kiếm thêm chút tiền phụ giúp cha mẹ nhờ nghề chằm nón. Người ta lành lặn tay chân thì làm nhiều, tôi một mắt hỏng, chân hỏng thì cố gắng gấp đôi, gấp ba để có nhiều sản phẩm mà được trả nhiều công. Còn khỏe thì còn làm được, nhưng càng về già, chân tay vụng về, còn một con mắt cũng kèm nhèm không nhìn rõ nên không làm gì được nữa. Ngay cả việc tự lo cho bản thân cũng không được”, bà Cháu chia sẻ. Ngày trước, mỗi tháng bà được nhận trợ cấp 180 ngàn đồng, nay tăng lên 500 ngàn đồng tiền trợ cấp cấp dành cho người tàn tật neo đơn và đây chính là nguồn tiền sinh sống chủ yếu của bà hằng tháng. Bà Hường, người em gái hằng ngày chăm sóc bà Cháu cho biết: "Hai chị em nương tựa vào nhau, có tiền mua cá thì ăn cá, hết tiền thì ra vườn hái rau nấu lên cũng thành một bữa cơm, ăn cho qua bữa vậy. Với năm trăm ngàn mỗi tháng chế độ của chị, còn phải tính toán để dành ra tiền nhỡ thuốc thang đau ốm, chật vật lắm”. Cách đây hơn một năm, bà bị xuất huyết não, may có người phát hiện đưa đi bệnh viện kịp thời và phải điều trị hơn nửa tháng trời mới qua khỏi. Di chứng của trận ốm thập tử nhất sinh để lại là chân tay cử động khó khăn, hầu như phải ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt vệ sinh, ăn uống đều do người em gái phục vụ. Bản thân tàn tật, đau ốm, lại hỏng mất một con mắt, nhưng tinh thần của bà Cháu rất lạc quan. Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời không mấy may mắn của mình, bà không một lời oán trách số phận, chỉ nói rằng mình không may mắn như người khác và tai nạn bom mìn xảy đến với mình cũng là bởi hậu quả chiến tranh để lại. Bà Cháu chỉ luôn lấn cấn trong lòng một điều là hoàn cảnh neo đơn, không chồng không con lại tàn tật như mình, sống càng lâu thì càng làm em gái thêm vất vả. "Chị tôi cứ mặc cảm bản thân không tự làm được gì, phiền lụy đến em út. Nhưng tôi lúc nào cùng động viên chị cố gắng ăn uống, cố sống thật khỏe bởi còn có chị có em là vui rồi, chỉ mong muốn chị nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có điều kiện thuốc thang chữa bệnh”, bà Hường, em gái của bà Cháu chia sẻ. Thanh Trúc * Mọi sự ủng hộ bà Nguyễn Thị Cháu xin gửi đến Báo Quảng Trị - 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0233.3857.176; 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 54010000470399 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; 102010000393537 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 3900211011886 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Cháu, thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com |
||
|