TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG

TIẾNG RAO- Truyện ngắn :VĂN XƯƠNG
DONGHUONGQUANGTRI.COM »
08/02/2019 | 19:48

TIẾNG RAO

Nhà hắn xế bên kia con đường, cách Trường trung học chuyên Phan Chu Trinh chừng hơn chục mét. Ở tầng hai phía đối diện với ký túc xá của trường, hắn đặt một bộ bàn ghế bằng xi măng, mấy chậu cây cảnh nhỏ vừa để trang trí, vừa thi thoảng ra hóng mát, thư giãn. Từ nhà hắn nhìn sang, ngôi trường có một không gian, khung cảnh đẹp đến nao lòng. Những ngôi nhà ngói đỏ nhấp nhô xếp thành hình chữ u, ôm lấy khoảng sân trường rộng rãi với các hàng cây xanh tốt ươm đầy hoa nắng, hoa phượng, hoa lộc vừng ngời sắc đỏ, bằng lăng biêng biếc tím cả một khoảng trời, tỏa hương ngất ngây. Các em học sinh hồn nhiên, tươi xinh thướt tha trong tà áo dài trắng, lấp lánh ánh mắt, nụ cười…

Sau này mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hội bạn bè hắn thường tụ tập uống trà, cà phê, chơi cờ tướng, có hôm bốc lên nhậu nhẹt, tán gẫu kéo dài cả ngày. Tửu nhập ngôn xuất, có thằng bảo nhà hắn ở vị trí và hướng khá đắc địa, đặc biệt "Nhà gần trường - vượng khí”. Có thằng lại bảo, phong thủy, phong cảnh là vậy nhưng về mặt kinh tế học mới là chuyện cần bàn. Ngày ngày cứ buổi sáng bán bún, bán cháo… buổi tối bán bánh mì, trứng lộn… cho hơn hai trăm học sinh nội trú, thu lãi sẽ gấp mấy lần lương của hắn. Hắn chỉ ngồi nghe, chẳng bàn luận gì. Rồi nhiều lần đến chơi, tụi bạn cứ nhắc hắn mở hàng cho vợ bán. Mỗi lần như vậy hắn ầm ừ như gà mắc tóc, chẳng biết trả lời thế nào. Nhưng khi tụi bạn về rồi, hắn ngồi hàng giờ, thẫn thờ nhìn cây lộc vừng ở trước cổng ký túc xá của trường, lòng buồn vời vợi. Chao ôi! Cây lộc vừng vẫn như ngày nào: đêm đêm, dưới ánh đèn nê ông, rực rỡ những nụ hoa li ti, cánh hoa màu trắng, nhụy hoa màu đỏ nở bung ra mềm mại, thả xuống từng chùm, từng chùm dịu dàng, hương thơm nồng nàn... mà người ấy, tiếng rao ấy…!? Hắn đắm mình trong nỗi ân hận, xót xa… Tất cả như một cuốn phim quay chậm hiển hiện lên trong hắn…

"Bánh bao đây… Bánh bao nóng đây!....”. Hắn nghe những âm thanh lạ tai, ồn ã nối tiếp nhau vang lên từ chiếc loa gắn trên ghi đông xe đạp của một người đàn ông trước cổng ký túc xá Trường trung học chuyên Phan Chu Trinh. Trước đây buổi chiều, sau giờ hành chính là hắn lại đi nhậu với các đối tác, bạn bè… về tới nhà tắm rửa xong, lăn ra làm một giấc, chẳng để ý gì trời đất. Từ ngày viết đề tài khoa học cứ tối đến vào khoảng sau chín giờ là hắn nghe những tiếng rao này. Khổ một nỗi, đề tài khoa học, nói thì dễ nhưng viết ra quả là khó, từ khâu chọn đề tài cho phù hợp, lên đề cương, khảo sát, tổng hợp số liệu… đặc biệt là năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, thật cứ như là một mớ bòng bong. Đã lâu bút nghiên rỉ rét, viết lách chẳng ăn nhập vào đâu, đang loay hoay chưa biết phải làm thế nào thì tiếng rao lại vang lên làm hắn bức bối. Hắn bỏ bút, ra đứng ở lan can tầng hai gườm gườm nhìn người bán bánh, gan ruột lộn tùng phèo chỉ muốn nhảy xuống đạp thật mạnh vào cái thùng bánh bao, cái loa ra rả luôn mồm kia cho nó bẹp dúm bẹp dó rồi đến đâu thì đến…

Một hôm, thấy hắn nhấp nhổm, bực tức đi ra đi vào không yên, vợ hắn xót ruột lắm. Vợ hắn ra mua mấy cái bánh, tranh thủ nói nhỏ với người bán: "Nhà em thời gian ni có việc hệ trọng, phiền bác mở loa nho nhỏ một chút…”. Vợ hắn đem mấy chiếc bánh còn nóng hôi hổi đặt trước mặt hắn, bảo: "Ba nó ăn bánh cho đằm bụng rồi viết. Bánh ngon và có hương vị lạ lắm. Kể cũng khổ, cực chẳng đã mà phải đi bán bánh đêm hôm khuya khoắt thế ni… Mùa khô thì đỡ, chứ mùa mưa rét thì…”. Hắn nghĩ bụng: "Ơ hay cái bà ni thương ông bán bánh từ khi mô rứa nhỉ!?”. Hắn nhìn vợ, miễn cưỡng cầm chiếc bánh bao lên cắn một miếng. Chiếc bánh ngập chân răng thơm ngậy. Quả thực là bánh có hương vị rất lạ, rất quyến rũ, hình như thoang thoảng hương thơm của hoa lộc vừng. Loài hoa có nét đẹp riêng biệt và mang lại sự may mắn về tài lộc cho con người. Nhưng vì quá bực tức với tiếng rao và những lời của vợ, hắn liệng chiếc bánh ra ngoài đường, hậm hực: "Bánh với chả trái thế ni mà cũng bán…”. Vợ hắn không nói gì, lẳng lặng cầm mấy chiếc bánh bỏ đi. Hắn chột dạ ân hận vì đã xử sự quá đáng với vợ vốn có tính hay thương người. Chẳng còn lòng dạ nào mà viết nữa, hắn lại ra đứng ở lan can nhìn sang cổng ký túc xá của trường. Trời cuối thu gió mơn man da thịt nhưng không làm dịu được tâm trí hắn. Hắn nhìn về phía cây lộc vừng. Một chiếc xe đạp không còn màu sơn đang dựa vào thân cây, người bán bánh mặc bộ đồ màu xám, dáng người khắc khổ, lưng còng gập xuống chiếc thùng đựng bánh bao đang nghi ngút khói, hai tay gói bánh đưa cho mấy học sinh nội trú học khuya. Hắn chăm chăm nhìn, định gọi nhưng rồi lại thôi.

"Bánh bao đây… Bánh bao nóng đây!...”.

Âm lượng đã nhỏ đi vừa đủ nghe nhưng gan ruột hắn cứ sôi sùng sục...

Mấy hôm sau vợ hắn đưa con về thăm ngoại. Buổi tối hắn ngồi vào bàn viết, nhưng chỉ được một lúc lại bỏ bút đứng dậy. Thực tình không phải vì tiếng rao mà do tâm trí không tập trung, vốn liếng, kinh nghiệm thực tế và trình độ hạn chế; đặc biệt là tính hiếu thắng cố hữu của hắn phải khuất phục bằng được người bán bánh, tiếng rao như đối với nhân viên dưới quyền của hắn.

Phải xử lý thế nào đây? Hắn đi ra đi vào, chợt ồ lên: thượng sách, thượng sách... đúng là "Nhất cử lưỡng tiện”, vừa tống khứ được lão ta vừa không mang tiếng là kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu.

Hắn thọc tay vào túi quần lôi chiếc máy điện thoại di động mở tìm danh bạ.

"A lô… a lô... Các chú xử lý ngay… thẳng tay cho bác …Ờ ...ờ … sẽ có thưởng… có thưởng...”.

Chỉ ít phút sau cuộc điện thoại, mấy tay dân phòng đã có mặt. Chẳng cần xã giao gì, dằn giọng:

- Ông ở mô đến đây mà ra rả cái mồm suốt đêm thế!?

- Dạ!... Tôi bán ở đây lâu rồi ạ!

- Ông không biết chữ hay răng mà đứng trước cổng trường?

Người bán bánh nhỏ nhẹ:

- Dạ! Các cháu học khuya đói bụng.

- Đói… đói… cái chi. Ông biết nhà ai đó không? Để người ta ngủ chớ

- Vừa nói tay dân phòng vừa chỉ về phía nhà hắn.

- Dạ! Em sẽ mở loa nhỏ. Các bác thông cảm!

- Thông cảm… thông cảm cái con khỉ…

- Dạ! Dạ. Cũng là bất đắc dĩ thôi các bác ạ!

- Đây cũng bất đắc dĩ nhé! Không nói lôi thôi nữa. Biến gấp, biến gấp… không thì đừng có trách. Xe cộ, bánh trái thu hết, thu hết.

Hắn đứng trên lan can nhếch miệng cười đắc ý, nhìn người bán bánh xa dần… xa dần, nhoà vào trong màn đêm.

*

* *

Sau cái đêm ấy hắn quyết tâm giành nhiều thời gian và sức lực cho công việc. Mấy đêm liền miệt mài đến mười một, mười hai giờ đêm sao chép, cắt dán cố gắng làm sao cho đủ số trang và nội dung của đề tài để đem nộp kịp thời gian quy định.

Một đêm, thấy hắn thức quá khuya vợ hắn lo lắng:

- Anh nghỉ tay uống ly sữa đá. Mà gần xong chưa anh?

- Cũng sắp rồi. Từ cái hôm không bị quấy rầy đến chừ, công việc cứ trôi tuồn tuột… Mà em không biết, chứ hôm mô cũng rao ra rả như rứa là không ổn. Theo thuật phong thủy nhà mình sẽ bị động, khó ăn nên làm ra, thăng quan tiến chức…

Vợ hắn khẽ buông một tiếng thở dài rồi nói với hắn:

- Cái ông bán bánh ấy nghe mô quê ở dưới biển cực lắm. Mà có chuyện ni em định hỏi anh.

- Chuyện chi?

- Ông ấy hình như quen biết anh. Nhiều lần em thấy ông ta nhìn anh có vẻ ngỡ ngàng lắm. Có lần ngập ngừng trước cổng nhà mình.

- Ôi dào. Quen biết chi.

- Thì em cũng nghĩ rứa nên đến hôm ni mới hỏi anh.

Nói với vợ như vậy cho qua chuyện, nhưng như có linh tính mách bảo, hắn thấy chột dạ, rồi như chợt nhớ ra: Có phải là tay Hùng - Trung đội trưởng địa phương quân ở vùng biển Cửa Việt hồi năm 1971 không nhỉ? Mình thấy hao hao... Chưa biết chừng…

Hít một hơi thuốc lá thật sâu rồi từ từ ngả lưng ra thành ghế, hắn mơ màng nhìn làn khói mỏng manh, chờn vờn bay lên trước mặt như sương khói thời gian hiện hữu về trong tâm trí hắn: Vậy là đã hơn bốn chục năm rồi, hồi đó tổ đặc công của hắn được giao nhiệm vụ trinh sát để lập phương án đánh tàu chiến Mỹ tại Cảng Cửa Việt. Trời lờ mờ qua ánh sao khuya, tổ đặc công nằm lấp mình dưới cát cách cảng chừng ba trăm mét, căng mắt quan sát các mục tiêu và hoạt động của địch. Bọn địch canh gác hết sức cẩn mật và thường xuyên tuần tra các khu vực xung quanh. Không may tổ của hắn bị bọn lính đi tuần phát hiện. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra quyết liệt. Bọn lính ngụy chết và bị thương khá nhiều, hai đồng đội bị thương nặng nhưng vẫn cố cầm chân địch cho hắn rút lui. Hắn cố hết sức chạy thục mạng dọc theo triền cát hướng về phía nhà dân. Ánh đèn pin loang loáng, đạn AR 15 nổ vang, tiếng la hét: Việt cộng… Việt cộng… May mắn không bị trúng đạn, hắn chạy tắt ngang qua mấy căn nhà phía ngoài, rồi chẳng đắn đo do dự gì lao thẳng vào một nhà dân. Một bà cụ hốt hoảng nhìn hắn. Hắn nói không ra hơi:

- Bọn địch đang rượt con… Mạ cho con núp!

Bà cụ vội vã kéo hắn ấn vào bồ thóc, rồi đậy nắp lại.

Tiếng bước chân rầm rập, ánh đèn pin loang loáng.

- Việt cộng chạy vô nhà ni? Nó trốn mô - Một tên lính sừng sộ.

- Việt cộng mô rứa? - Bà cụ thong thả trả lời.

- Mụ giấu Việt cộng thì đừng trách…

Có tiếng bước chân lại gần, hắn nín thở, lạnh toát cả người. Chiếc nắp bồ thóc được nhấc lên, ánh đèn pin lướt qua, một họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào hắn. Hắn trân cả người ra, chỉ kịp nghĩ: Thế là hết. Mình sẽ bị bắt và chờ đợi cái giây phút hãi hùng đó. Nhưng thật lạ lùng, không hiểu vì sao chiếc nắp bồ thóc liền được đậy lại.

- Mụ có chộ thằng Việt cộng mô chạy qua đây không?

- Tui nghe có tiếng chó sủa phía ni nì - Vừa nói bà cụ vừa chỉ ra phía hông nhà.

Tên trung đội trưởng hô:

- Mau! Mau! Không được để nó thoát!

Cả tụi lính lăm lăm súng chạy theo hướng bà cụ chỉ.

Một hồi sau, bà cụ đến nói nhỏ với hắn:

- Bọn chúng đi rồi, con ra đi.

Hắn vội vàng trèo ra khỏi bồ thóc, ôm lấy bờ vai bà cụ:

- Con cám ơn mạ! Mạ đã cứu con.

- Cám ơn mạ chi. Con xuống bếp rửa chân tay rồi ăn cơm. Cơm thức ăn mạ dọn nơi mâm đó. Mạ ra ngoài canh chừng.

Chờ cho hắn ăn xong, bà cụ lại bảo:

- Con vô trong buồng nghỉ ngơi cho lại sức. Nhà mạ chẳng có ai mô. Thằng cả hy sinh hồi Mậu Thân, còn thằng hai thì đang ở trên rú với các chú. Con cứ yên tâm mọi việc để mạ tính.

Hắn nằm mà mắt cứ căng lên, bao nghĩ suy xoáy đi xoáy lại. Vì sao tên lính ngụy bỏ đi không bắt hắn? Không biết hai đồng đội bị thương bây giờ ra sao? Rồi mình sẽ ra khỏi đây bằng cách nào? Bọn lính có quay lại nữa không?...

Có tiếng gõ cửa rất nhẹ, rồi tiếng cửa mở. Hắn nín thở, cố lắng nghe từng bước chân, tiếng thầm thì, lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Một lúc sau, bà cụ bước vào khẽ lay người hắn, gọi:

- Con… con!

Hắn ngồi bật dậy chưa kịp trả lời, qua ánh đèn dầu tù mù trên tay bà cụ, một tên lính ngụy trong bộ quân phục rằn ri đang sừng sững trước mặt hắn. Hoảng hồn. Tim đập loạn xạ. Hắn nhìn trân trân vào tên lính ngụy, luống cuống không biết phải làm gì. Thấy vậy bà cụ lên tiếng:

- Con cứ bình tâm! Đây là thằng Hùng, trung đội trưởng địa phương quân lúc tối dẫn lính truy sát con, nhưng nó là cháu kêu mạ bằng o ruột.

Lúc này hắn mới hoàn hồn và nhận ra đó chính là người đã mở nắp bồ thóc. Hắn vội vã đứng dậy nắm lấy tay Hùng:

- Cám ơn anh, cám ơn anh đã cứu...

Nét mặt Hùng buồn buồn nhìn hắn.

- Hai đồng đội của anh đã bị bắn chết rồi. Lúc đuổi theo anh, tui hô phải bắt sống. Thằng đại đội trưởng nạt vì răng không bắn chết. Và từ tối đến chừ lùng sục không thấy mô, tui sợ chúng sẽ nghi. Anh phải đi ngay tối ni.

Bà cụ bảo:

- Thằng Hùng sẽ dẫn con đi, chắc là an toàn.

Hắn vội vã nắm tay bà cụ cảm ơn rồi cùng Hùng rời khỏi nhà. Trời tối như mực, hắn chỉ còn biết bám sát lấy Hùng mà đi. Vượt qua bãi cát rộng, những lùm cây lúp xúp dọc theo triền đồi, rồi bì bõm trong nước, lau lách, đồng hoang. Phải hơn hai tiếng đồng hồ sau mới dừng lại. Trước mặt hắn là một màu trắng đục mênh mông. Hùng nắm tay hắn bảo:

- Bên tê sông là vùng giải phóng. Anh bơi qua được chứ?

Hắn mừng quá:

- Được… Được. Cám ơn anh! Anh là ân nhân của tôi. Cách mạng sẽ không bao giờ quên công anh.

- Không có chi mô anh ạ! Thôi anh đi đi.

Hắn do dự rồi nói với Hùng:

- Hay là anh cùng đi.

Hùng siết chặt tay hắn:

- Tui cũng muốn rứa lắm nhưng không được. Anh hai tui cũng đã lên rừng rồi. Tui còn mạ già, vợ con. Cũng là bất đắc dĩ mà phải đi lính. Nhưng tôi không làm chi hại mô.

Cũng là bất đắc dĩ… Tự nhiên như đang trong mơ hắn bừng tỉnh. Đúng rồi! Hùng thật rồi! Dáng người ấy, khuôn mặt ấy, giọng nói ấy. Từ ngày giải phóng đến giờ đã mấy chục năm, mình chưa một lần về thăm bà cụ, tìm gặp lại Hùng. Bà cụ bây giờ chắc không còn nữa, còn Hùng… Nếu ngày ấy không có bà cụ và Hùng che chở thì sẽ ra sao nhỉ? Ký ức đắm sâu và hiện tại nhiều giằng xé, hắn thấy mình không chỉ có lỗi mà còn vô tâm, vô tình, bội ơn, bạc nghĩa… Hắn đã quên lãng, đã mải mê trên con đường hoan lộ thênh thang. Hùng đã biết hắn ở đây nhưng không gặp.

Ngày hôm sau, hoàn thành đề tài, hỏi mấy tay dân phòng nơi tạm trú của người bán bánh bao, hắn đi tìm Hùng.

Bà chủ nhà trọ ngạc nhiên hỏi hắn:

- Thế bác là họ hàng hay bạn bè chi của ông Hùng?

- Dạ! Dạ. Tôi là bạn.

- Rứa bác chưa biết chuyện chi răng?

- Dạ… - Hắn ngập ngừng.

Ánh mắt người chủ nhà buồn bã nhìn hắn, giọng nghẹn ngào:

- Thật tội bác ạ! Ông ấy thuê trọ ở nhà tui cũng đã khá lâu. Vợ chết sớm, đi bán bánh nuôi hai đứa con khôn lớn, hiện chừ đang học đại học. Từ cái bữa người ta không cho bán bánh ở Trường Phan Chu Trinh, ông ấy đi bán rao dọc phố. Cách đây năm hôm không may gặp mấy thằng choai choai say bia, say rượu đua xe đâm trúng, đưa đến bệnh viện thì chết. Chao ôi! Tôi đến nơi chỉ kịp vuốt mắt cho ông ấy…

Bà chủ nhà rơm rớm nước mắt vừa kể vừa chỉ chiếc xe đạp và chiếc thùng đựng bánh bao bẹp dúm nằm chổng chơ trước vườn nhà.

Hắn bàng hoàng chết lặng.

Trở về nhà, hắn không dám kể cho vợ nghe. Một mình ngồi lặng lẽ nơi bộ bàn ghế xi măng nhìn sang cây lộc vừng trước cổng ký túc xá. Buồn, ám ảnh, dằng xé tâm can. Hắn xót xa, ân hận, mình là kẻ đớn hèn và tội lỗi. Tập đề tài trên tay rơi tuột xuống đất...

Ngoài trời mưa như trút nước, cây lộc vừng rã rời trong gió. Dưới gốc cây những cánh hoa tả tơi, bầm đỏ rụng đầy. Chập chờn trước mắt hắn hình bóng người bán bánh bao và tiếng rao thao thiết Bánh bao đây… Bánh bao nóng đây… xa dần, xa dần…

                                                                                          V.X


                                                     Xem thêm,xin mời vào trang Web:thienphuoc.com

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thơ & Truyện
MÁI NHÀ TRANH- Thơ Trần Hoài Thắm - 07/11/2016
MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG- Thơ Đào Trường San - 06/11/2016
QUÊ QUÁN TÔI XƯA- Lê Đức Dục - 25/10/2016
KHẢO CHỔ ĐÊM- Thơ Nguyễn Văn Chức - 25/10/2016
PHẬN MUỐI- Thơ Lê Nguyên Hồng - 25/10/2016
BÊN TƯỢNG ĐÁ RÊU PHONG- Thơ Đào Trường San - 25/10/2016
Trang 3/3: Trước  1, 2, 3
 
Tìm kiếm
Tin bài mới nhất
Liên kết website