NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG
NẶNG NGHĨA TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ--TS. Nguyễn Văn Dùng
Nhà văn Xuân Đức tên thật là Nguyễn Xuân Đức, sinh năm 1947 tại
xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông là hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; nguyên Giám đốc
Sở Văn hóa –Thông tin, nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Quảng Trị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa, nguyên Tổng Biên tập
Tạp chí Cửa Việt.Sau tai nạn bất ngờ, ông ra đi đột ngột vào ngày
20/6/2020, đến nay vừa tròn một năm ông rời cõi tạm về cõi vĩnh hằng.
Nhà văn Xuân Đức sinh ra trong một gia đình nông dân cần cù, chất
phác nhưng trọng chữ nghĩa và giàu truyền thống cách mạng. Gia đình đã
nuôi dạy các con, trong đó có nhà văn Xuân Đức lần lượt thành đạt nên
người. Mạch nguồn truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của một vùng quê
lưng dựa vào triền đất đỏ ba zan vững chải, hướng mặt về dòng Hiền Lương
xanh trong nhuộm màu sử thi, cùng với lịch sử oai hùng của đất lửa Vĩnh
Linh lũy thép đã hun đúc nên khí phách, cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn
Xuân Đức. Ông đã dành trọn cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho những
giá trị Chân- Thiện- Mỹ trong đời và trên mảnh đất quê hương trăm mến ngàn
thương.
Năm 1965, Xuân Đức đang là học sinh cuối khóa của trường cấp III
Vĩnh Linh được bổ sung vào Tiểu đoàn 47 Bộ đội địa phương. Không lâu sau
ngày ngập ngũ, Tiểu đoàn 47 của ông đã vượt vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến
trường Quảng Trị. Sống và chiến đấu trên quê hương với chất chồng gian khổ
hy sinh, ông đã đứng vững và vượt lên, trưởng thành nhiều mặt. Với thiên
bẩm văn chương cộng với sự nhạy bén thời cuộc và nhiệt huyết tuổi trẻ, ông
cho ra đời nhiều mẫu tấu, vè, tản văn...trên đường hành quân hay giữa hai trận
đánh đã đưa Xuân Đức đến nghề văn đầy thách thức.Trong những ngày đầu
trong quân ngũ, ông đào hào, làm hầm, xây dựng trận địa rất nhiệt tình và
năng nổ. Do có tài văn nghệ, ông được cấp trên cho thôi việc đào hào, xây
dựng trận địa mà chuyển hẳn sang lo mảng văn hóa văn nghệ. Từ đây, một
loạt vỡ dân ca, hoạt cảnh, ca kịch ông viết và dàn dựng, biểu diễn, gây tiếng
vang lớn trong Tiểu đoàn và lan ra cả chiến trường Trị -Thiên. Bộ Tư lệnh
Vĩnh Linh quyết định thành lập Đội Tuyên văn, phong trào "tiếng hát át tiếng
bom” ra đời vào những năm tháng đó. Xuân Đức được điều lên công tác ở
Đội Tuyên văn lo việc sáng tác. Sau 3 năm gắn bó với Đội Tuyên văn, Bộ Tư
lệnh Vĩnh Linh, ông được điều ra làm cán bộ sáng tác cho Đoàn Văn công
Quân Khu Bốn. Sau 7 năm ở Quân khu 4, Xuân Đức được Tổng Cục Chính
trị điều ra Hà Nội cùng với Đào Hồng Cẩm viết vỡ kịch "Tổ quốc” cho Đoàn
kịch Tổng cục Chính trị biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Ông chuyển về Trại sáng tác Vân Hồ, học khóa I Trường Viết văn Nguyễn
Du. Tốt nghiệp ông trở về Ban sáng tác Nhà hát Nghệ thuật Quân đội. Cho
đến cuối năm 1989, ông chuyển ngành về Quảng Trị làm Phó Giám đốc Sở
Văn hóa -Thông tin, rồi Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin.
Đối với miền đất Quảng Trị, nhà văn Xuân Đức là nhân vật rất đặc biệt.
Với tư cách là một người lính, ông bám trụ kiên cường trên mảnh đất quê
hương đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ trong thực tiễn sôi động và hào hùng
cả nước ra trận, cả nước đánh giặc, ông đã trở thành nhà văn, nhà viết kịch,
nhà biên kịch tạo dấu ấn sâu đậm. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết, kịch nói, ca
kịch, dân ca và thơ nổi tiếng của Xuân Đức đều gắn liền với tên đất, tên người
của miền quê Quảng Trị như: Hai tập tiểu thuyết Cửa gió, Người không mang
họ, Bến đò xưa lặng lẽ, Tượng đồng đen một chân, vở kịch nói Tổ quốc và
trường ca Trăng Cồn Cỏ... Khi ông về hưu, chọn nơi miền chân sóng để suy
ngẫm và sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm tiểu thuyết, kịch, bút ký, truyện
ngắn, tản văn...có giá trị. Đọc các tác phẩm của Xuân Đức, người Quảng Trị
đều thấy bóng dáng quê hương mình, những tên đất, tên làng, những gương
mặt thân quen và thân phận mình trong đó. Trong toàn bộ tác phẩm của Xuân
Đức, phần lớn ông viết về mảnh đất Vĩnh Linh, Gio Linh và những địa danh
nổi tiếng của Quảng Trị quê hương. Nổi bật nhất là viết về Bến đò Tùng Luật,
Vĩnh Giang, Vĩnh Linh và làng Cát Sơn thuộc huyện Gio Linh và nhiều tên
làng, tên xã nơi giới tuyến. Hai tập tiểu thuyết đầu tay Cửa gió của ông viết
về con người và mảnh đất Vĩnh Linh –Gio Linh, đôi bờ Bến Hải –Hiền
Lương; tiểu thuyết Người Không mang họ cũng viết về những tên làng, tên
đất miền quê Quảng Trị; tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ, Vở kịch Tổ Quốc,
Trường ca Trăng Cồn Cỏ và nhiều tác phẩm VHNT khác của ông đều viết về
con người và các địa danh của Vĩnh Linh, Gio Linh, Cồn Cỏ, Hiền Lương,
Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Đường 9 –Khe Sanh ...thuộc Quảng Trị. Bộ
ba tiểu thuyết: Cửa gió, Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân,
được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007 chủ yếu ông viết về các
địa danh Quảng Trị và vùng lân cận Quảng Trị như A Lưới, An Hòa, Huế và
nơi học sinh K8 sinh sống, đồng bào Vĩnh Linh quê ông sơ tán ở Tân Kỳ
(Nghệ An)...
Bằng tài năng và tư chất nghệ sĩ, lĩnh vực nào nhà văn Xuân Đức cũng
đều có những thành công lớn, để lại trong lòng công chúng và đồng nghiệp,
bạn bè văn chương những tác phẩm mang dấu ấn không phai mờ. Vừa làm tốt
công tác chuyên môn, ông vừa sáng tác và xuất bản nhiều tác phẩm văn học
nghệ thuật có giá trị. Nhà văn Xuân Đức là nhà quản lý văn hóa- thông tin tài
năng và đầy trách nhiệm. Anh luôn trăn trở, đau đáu tìm mọi cách thức, giải
pháp tốt nhất để xây dựng, phát triển ngành Văn hóa –Thông tin; Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh nhà phát triển ngang tầm vóc của vùng đất giàu
truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa mang sắc thái riêng. Suốt
thời gian làm quản lý lĩnh vực này, nhà văn Xuân Đức có công lớn xây dựng
ngành Văn hóa -Thông tin; Văn hóa,Thể thao và Du lịch khẳng định chổ đứng
vững chắc. Dấu ấn đậm nét vai trò điều hành, dẫn dắt của ông về hoạt động
văn hóa cơ sở, bảo tồn, bảo tàng, thư viện, văn hóa gia đình, thể dục thể thao
và du lịch không thể phai mờ. Nhà văn Xuân Đức là kiến trúc sư về các lễ hội
cách mạng và các hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh được
tổ chức trên địa bàn Quảng Trị. Những ý tưởng sáng tạo và kịch bản chu toàn
về: "Lễ hội thống nhất non sông”, "Nhịp cầu Xuyên Á”, "Trường Sơn huyền
thoại”, "Tri ân tháng Bảy”; các hội diễn, liên hoan nghệ thuật: "Tiếng hát
đường 9 xanh”, "Liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương”, "Liên hoan
nghệ thuật các nước tiểu vùng sông Mê Kông” hay các kịch bản kỷ niệm các
ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước tổ chức tại
Quảng Trị như: Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị, 30 năm lập lại tỉnh
Quảng Trị... được ông xây dựng kịch bản và đạo diễn gây hiệu ứng xã hội sâu
rộng. Nhà văn Xuân Đức là bậc thầy trong lĩnh vực này, chưa có văn nghệ sĩ
nào ở Quảng Trị sánh kịp.
Trên nhiều cương vị công tác khác nhau, nhà văn Xuân Đức đều luôn
dốc hết sức lực, lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo và ý chí cách mạng của
người lính Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên
lĩnh vực quản lý văn hóa, với sự am hiểu sâu sắc về bề dày truyền thống lịch
sử, văn hóa của mảnh đất Quảng Trị, với lòng yêu quê hương tha thiết, với tài
năng thiên bẩm và nổ lực không ngừng, nhà văn đã có công lớn trong việc lấy
văn hóa để góp phần làm rạng danh cho Quảng Trị, lấy văn hóa để xây dựng
thương hiệu Quảng Trị, lấy văn hóa làm động lực cho sự phát triển của tỉnh
nhà…
Nhà văn Xuân Đức vinh dự được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng,
được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Hai,
Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của
Thủ tướng Chính phủ và nhiều huy chương, kỷ niệm chương của các cấp,
ban, bộ, ngành. Nhà văn Xuân Đức đạt nhiều giải thưởng VHNT lớn của Hội
Nhà văn, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các ban,bộ, ngành
và các địa phương như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982 cho
tiểu thuyết Cửa Gió (2 tập); Giải thưởng Bộ Công an cho tiểu thuyết Người
không mang họ; Hai Giải thưởng của Bộ Quốc phòng (1990 và 1995); Giải
thưởng Hội Nghệ sỹ Sân khấu 1995 cho vỡ Cuộc chơi; Giải thưởng của Ủy
ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập kịch
Chứng chỉ thời gian; Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam
cho tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ (2002 -2004); Giải Đặc biệt, giải thưởng
VHNT Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần 2 (2020) ...Đặc biệt, nhà văn Xuân
Đức được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 và
đang gửi hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trái tim của nhà văn Xuân Đức luôn dành sự quan tâm đặc biệt xây
dựng, phát triển ngành văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; luôn dành cho
sự đam mê sáng tạo văn học nghệ thuật; trái tim luôn chu toàn với gia đình,
ấm áp tình đồng chí, đồng đội và đồng nghiệp. Trước ngày anh đột ngột ra đi,
nhà văn Xuân Đức dồn tâm huyết hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Cõi rừng rú”
mà ông ấp ủ đã 10 năm nay; vừa mới hoàn thành vở kịch nói "Những đứa con
nổi loạn” và vở ca kịch "Những cô gái sông Bồ” do Đoàn Ca kịch Huế và
Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dàn dựng công diễn. Đến phút cuối cùng
của cuộc đời, nhà văn Xuân Đức còn căn dặn lãnh đạo Hội Văn học Nghệ
thuật tỉnh quan tâm đến hội viên trẻ, đầu tư để có những tác phẩm tầm cở và
chú trọng xét giải thưởng văn học nghệ thuật chu đáo, chất lượng. Như thế đủ
để nói lên rằng: Từ buổi đầu đến với văn hóa và văn chương cho đến lúc từ
giã cõi đời, nhà văn tài năng của chúng ta vẫn sống và sáng tác với niềm đam
mê cháy bỏng và bút lực sung mãn. Nhà văn Xuân Đức thuộc số hiếm các nhà
văn tuổi dù cao nhưng sức sáng tạo vẫn dồi dào đã phải đột ngột ra đi giữa cõi
đời vô thường, sinh tử mong manh này.Sinh thời, anh từng viết "Cái chết
chẳng dễ dàng gì” mà nay sao cái chết lại ập đến bất ngờ và đớn đau làm vậy
với một người nặng lòng đời, ấp ủ bao nhiêu mộng đẹp cho đời như thế!
Mất mát lớn lao của gia đình nhà văn cũng là mất mát của nền văn
NVD