DANH NHÂN TUỔI DẦN TRONG LỊCH SỬ---Văn Hiếu (Huế)
+ TRẦN THÁI TÔNG (1218 – 1277): Sinh năm Mậu Dần, quê Nam Định, là vị vua đầu tiên của nhà Trần, tên thật là Trần Cảnh. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ. Nhà vua đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư.
+ TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ (1230 – 1291):Sinh năm Canh Dần, quê Nam Định, tên thật là Trần Tung, là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa thiền, tham gia cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau khi kháng chiến thành công, Tuệ Trung Thượng Sỹ được phong chức Tiết Độ Sứ cai quản phủ Thái Bình, nhưng không lâu sau, ông lại về ấp Tịnh Bang, lập Dưỡng chân trang để tu học Pháp Thiền. Nhiều áng thơ – bài kệ do ông sáng tác trong tập Thượng Sỹ Ngũ lục đã được lưu truyền rất nổi tiếng.
+ LÊ VĂN HƯU (1230 – 1322):Sinh năm Canh Dần, quê Thanh Hóa, nhà sử học đầu tiên ở nước ta. Ông đỗ Bảng nhãn đầu tiên ở nước ta, sau đó được cử làm Giám tu Quốc sử viện, biên soạn bộ sử của đất nước. Năm 1272, Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn "Đại Việt Sử ký”, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta, viết từ thời Triệu Đà đến thời Lý Chiêu Hoàng (Từ năm 136 trước Công nguyên đến năm 1225), gồm 30 quyển và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. Tiếc rằng, hiện nay bộ sử của ông không còn nữa. Sau này, Phan Phù Tiên soạn bộ "Đại Việt ký tục biên” nối tiếp theo bộ "Đại Việt sử ký”ghi chép từ đời Trần Thái Tông đến thời Lê Lợi chiến thắng quân Minh (Từ năm 1218 đến 1427) cũng đã thất truyền; chỉ còn lưu truyền bộ Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, gồm 15 quyển hoàn thành năm 1479 dưới thời Lê Thánh Tông.
+ NGÔ THÌ NHẬM (1746 – 1803):Sinh năm Bính Dần, quê Hà Nội. Ông đa tài, thạo việc chính trị, quân sự và ngoại giao, đỗ Giải nguyên rồi Tiến sỹ Tam giáp năm 1775, làm quan thăng tới Hữu Thị lang Bộ Công. Đến thời Tây Sơn, ông được vua Quang Trung trọng dụng, trao nhiều việc lớn và phong tới Tả Thị lang Bộ Lại. Năm 1792, vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm lui về nghiên cứu phật học. Đến khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, ông và một số viên quan triều Tây Sơn bị đánh bằng roi đến chết tại Văn miếu Quốc tử giám. Tác phẩm còn để lại: Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến.
+ LÊ NGỌC HÂN (1770 – 1799):Sinh năm Canh Dần, quê Hà Nội. Bà là con vua Lê Hiển Tông, là người vợ tài hoa của vua Quang Trung. Năm 1786, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh, vua Lê đã gả bà cho Nguyễn Huệ, rồi bà theo chồng vào Huế. Năm 1788, bà được phong là Bắc cung Hoàng hậu. Lê Ngọc Hân mất năm 1799. Tác phẩm văn học của bà có bài "Ai tư vãn”. Đây là tiếng nói chân tình của bà đối với người chồng anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.
+ NGUYỄN XUÂN ÔN (1830 – 1889):Sinh năm Canh Dần, quê Nghệ An. Ông thi đỗ Cử nhân năm 1867 và Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ năm 1871, làm Án sát tỉnh Bình Định, Học chính tỉnh Quảng Bình. Ông nhiều lần dâng sớ lên vua Tự Đức trình bày kế hoạch đánh giặc giữ nước, vua Tự Đức điều ông về Huế làm Biện lý Bộ Hình nhưng sau đó đã cách chức ông. Nguyễn Xuân Ôn về dựng cờ khởi nghĩa tại làng rồi lập căn cứ kháng chiến. Nghĩa quân có đến 2000 người hoạt động ở các vùng Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc… gây cho Pháp thiệt hại lớn. Năm 1887, ông bị Pháp bắt và giam ở Huế cho đến lúc mất vì bệnh (1889). Tác phẩm để lại: Ngọc Đường thi văn tập.
+ NGÔ ĐỨC KẾ (1878 – 1929): Sinh năm Mậu Dần, quê Hà Tĩnh, xuất thân từ một nhà nho yêu nước, đỗ Tiến sỹ năm 1901 nhưng không ra làm quan. Theo ý của Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí cho phong trào Đông Du. Năm 1908, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo 13 năm. Năm 1922, ông ra Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh. Báo bị đóng cửa, ông mở Giác quần Thư xã (1926) xuất bản một số sách tiến bộ. Ngô Đức Kế là người có nhiều uy tín với thanh niên trí thức những năm 20 của thế kỷ trước. Ông qua đời vào năm 1929 tại Hà Nội. Tác phẩm để lại: Đông Tây vĩ nhân, Thiên nhiên học hiện ký, Sở am tập…
+ ĐINH CÔNG TRÁNG (1842 – 1887): Sinh năm Nhâm Dần, quê Hà Nam. Khi quân Pháp tiến công Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Tá Viêm rồi tham gia trận Cầu Giấy năm 1883. Tháng 2 năm 1886, hưởng ứng Hịch Cần Vương, ông vào Thanh Hóa liên lạc với Trần Xuân Soạn tiếp tục chống Pháp, ở đây ông là chỉ huy của căn cứ Ba Đình. Ngày 20 – 01 – 1887, sau những cuộc giao chiến dữ dội, Đinh Công Tráng cùng nghĩa quân rút khỏi cứ điểm Ba Đình về Mã Cao rồi rút dần lên miền núi phía Tây Thanh Hóa. Sau đó, ông định liên lạc với Phan Đình Phùng nhưng vừa đến huyện Đô Lương, Nghệ An thì bị quân Pháp vây bắt. Ông hy sinh ngày 5 – 10 – 1887.
+ LƯƠNG VĂN CAN (1854 – 1927): Sinh năm Giáp Dần, quê Hà Nội, đỗ Cử nhân năm 20 tuổi, mở trường Đông Kinh nghĩa thục và khởi xướng phong trào Duy Tân yêu nước. Năm 1908, nhân vụ đầu độc binh lính Pháp, ông bị bắt rồi tha vì không có chứng cứ. Năm 1913, sau vụ đánh bom, Lương Văn Can lại bị bắt đày ra Côn Đảo rồi lưu đày ông 7 năm sang Campuchia. Năm 1921, ông trở về Hà Nội và mở trường Ôn Như, tức vừa dạy học vừa soạn sách. Ngày 13 – 06 – 1927, ông qua đời tại Hà Nội. Tác phẩm để lại: Quốc sự phạm lịch sử, Ấn học tùng đàm, Gia huấn, Đại Việt địa dư, Kim cổ cách ngôn…
+ TRẦN CAO VÂN (1866 – 1916):Sinh năm Bính Dần, quê Quảng Nam. Năm 1898, ông cùng Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Phú Yên. Thất bại, ông bị Pháp bắt giam 11 tháng. Mãn hạn tù, Trần Cao Vân về dạy học, truyền bá lòng yêu nước sâu sắc trong học sinh và nhân dân, nên lại bị bắt trong vụ chống thuế, ông bị đày ra Côn Đảo 6 năm. Năm 1915, ông cùng các đồng chí Hội Việt Nam Quang phục và tổ chức cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Năm 1916, Trần Cao Vân cùng Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Huế (có vua Duy Tân tham gia). Kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, ông bị bắt và bị xử tử giữa năm 1916. Trong chiến tranh chống Pháp 1945 – 1954, có một đơn vị thanh niên kháng chiến lấy tên là Thanh niên Tiền phong đoàn Trần Cao Vân. Trần Cao Vân là ông của anh hùng LLVTND Trần Thị Lý.
+ HỒ CHÍ MINH (1890 – 1969):Sinh năm Canh Dần, quê Nghệ An, lãnh tụ cách mạng, chủ tịch nước, danh nhân văn hóa thế giới, Bản lĩnh, thông minh, nặng lòng ái quốc, theo học ở Huế, dạy học ở Phan Thiết. Năm 1911, Người xuất dương, tìm đường cứu nước. Qua nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á, làm nhiều nghề, tham gia các tổ chức tiến bộ ở Pháp, Nga, Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản với mục đích giác ngộ, lãnh đạo cách mạng, đấu tranh cho độc lập, tự do của Việt Nam. Ngày 3 – 2 – 1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1941, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Khu giải phóng Việt Bắc. Tháng 8 – 1945, Người chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 2 – 9 – 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Chủ tịch nước đến khi qua đời năm 1969. Bằng tài năng lãnh đạo phi thường kết hợp với lối sống nhân văn, giản dị, gần gũi, Bác được toàn dân kính yêu, ngưỡng mộ và là người có công lớn nhất trong sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và phát triển Việt Nam hiện đại. Không chỉ là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tich nước Việt Nam đầu tiên, Bác còn là nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng lớn và năm 1987 được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới.
+ HÀ HUY TẬP (1902 – 1941): Sinh năm Nhâm Dần, quê Hà Tĩnh. Năm 1923, ông tốt nghiệp Quốc học Huế rồi dạy học ở Vinh, sau đó vào Sài Gòn tham gia Hội Phục Việt (sau đổi là Tân Việt). Cuối năm 1928, Hà Huy Tập cùng Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất Tân Việt với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chuyển sang hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông sang Liên Xô học Trường Đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tháng 3 – 1935, trực tiếp chủ trì Đại hội Đảng lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc). Tháng 7 – 1936, ông được cử giữ chức Tổng Bí thư, sau đó về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 1 – 5 – 1938, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù, trục xuất về nguyên quán. Ngày 30 – 3 – 1940, ông lại bị bắt vì buộc tội là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình vào ngày 28 – 8 – 1941 tại Sài Gòn.
+ LÊ HỒNG PHONG (1902 – 1942):Sinh năm Nhâm Dần, quê Nghệ An, là nhà hoạt động cách mạng. Ông là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1935 đến 1936. Năm 1924, ông cùng 10 thanh niên, trong đó có Phạm Hồng Thái sang Trung Quốc và được Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào tổ chức cách mạng Tâm tâm xã, là một trong 9 hội viên hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1925, ông học Trường Quân sự Hoàng Phố, một năm sau được cử sang học Trường Không quân Quảng Châu. Năm 1927, Lê Hồng Phong sang học tiếp tại Trường Không quân Liên Xô. Năm 1928, theo học Trường Đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản rồi làm Trưởng ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng. Năm 1935, là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937, ông về Việt Nam hoạt động, thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 6 – 1939, ông bị Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án tù và trục xuất về Nghệ An. Tháng 2 năm 1940, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo và mất tại nhà tù Côn Đảo vào tháng 9 – 1942.
+ NGUYỄN CHÍ THANH (1914 – 1967):Sinh năm Giáp Dần, quê Thừa Thiên – Huế, tên thật là Nguyễn Vịnh. Ông là người gan dạ, kiên trung, nhiệt thành yêu nước, từ năm 17 tuổi đã đấu tranh chống chính quyền bảo hộ, rồi tham gia phong trào bình dân, tích cực hoạt động cách mạng. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Khu ủy Khu IV. Năm 1945, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV. Cuối năm 1950, làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1951, được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng. Năm 1961, được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Từ năm 1965 đến 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Tại chiến trường, ông đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh”nhằm hạn chế ưu thế hỏa lực của quân Mỹ. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1967 tại Hà Nội.
VH